Chương 31
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3449
Em ở Thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi...
Quang Dũng
Quang Dũng về già...
Trong mấy tháng trời được nghỉ ngơi, cũng có lúc chúng tôi đi chơi tại những vùng lân cận. Tại Núi Vôi gần Cầu Bố, vợ chồng tôi gặp lại một người bạn cũ mà tôi đã quen biết từ ngày vừa ở chiến khu Nam Bộ trở ra Bắc và ghé lại Huế. Đó là Lê Khải Trạch, người sau này sẽ là Đổng Lý Văn Phòng của Bộ Thông Tin, làm việc dưới quyền Bộ Trưởng Trần Chánh Thành.
Lê Khải Trạch là người thuộc hạng phong lưu công tử, mặt mũi nở nang, thân hình béo tốt, lúc nào cũng gậm pipe, lúc nào cũng có sẵn một câu chuyện lý thú để kể cho bạn bè nghe. Ngày tôi gặp Lê Khải Trạch ở Huế, anh ta cùng vợ con không ở khách sạn hay ở nhà người quen mà thuê hẳn một con đò trong một hai tháng để ban ngày thì cắm sào trên bến sông Hương, ban đêm thì thả đò trôi suôi trôi ngược trên con sông ái tình này. Tôi đã cùng với anh chị Trạch sống những đêm đàn ca thâu đêm suốt sáng.
Gập lại Lê Khải Trạch trong vùng kháng chiến, tôi thấy anh ta vẫn còn cái vẻ phong lưu công tử của ngày xưa. Trong khi mọi người đi tản cư phải nếm mùi ăn uống thất thường, ngủ nghê lạnh lẽo thì tại gian nhà chật hẹp xây trên một nền đất nơi gia đình anh Trạch ở, tôi thấy có kê một cái giường Hồng Kông to tổ bố. Người ở trong ngôi nhà đó thì vẫn béo tốt, mặc bộ quần áo lụa và ngậm pipe vui vẻ tiếp chuyện bạn bè ghé tới thăm. Bà Trạch hỏi thăm cô dâu mới Thái Hằng có khoẻ không ? Cô con gái tên là Liên bưng lên một ấm nước vối ngon tuyệt trần...
... Và tôi gặp lại Quang Dũng ở đây. Thi sĩ ''Tây Tiến'' từ đơn vị đạp xe về thăm anh chị Lê Khải Trạch. Thăm bố mẹ hay thăm cô con gái tên là Liên đây ? Chắc chắn cu cậu đang muốn làm rể gia đình này cho nên đem đôi bàn tay tài hoa của mình ra để giúp đỡ bà Trạch trong mọi việc. Chẳng hạn việc sản xuất cùi dià. Ai cũng biết rằng sống trong vùng kháng chiến là thiếu thốn đủ mọi thứ. Để làm vui cho gia đình này, Quang Dũng đi lượm một miếng sắt chắn bùn (garde boue) của xe đạp rồi cắt ra để làm cùi dìa tặng cho bà Trạch. Muốn tạo ra chỗ lõm của cùi dìa, Quang Dũng đào một cái lỗ nhỏ hình trái soan trên nền nhà, đặt miếng sắt vào cái khuôn đất đó rồi cầm hòn đá gò cho ra hình thù của cái thìa sắt. Nên nhớ rằng nền nhà đất nện ở vùng quê cứng như đá. Nhìn anh chàng thi sĩ to con ngồi lom khom gõ miếng sắt, tôi không khỏi phì cười.
Tôi biết Quang Dũng là người -- giống tính tôi -- rất quý trọng cái độc lập của mình. Đi kháng chiến, đã ở nhờ nhà đồng bào mà còn chăng dây bao quanh chỗ mình nằmvà treo một mảnh giấy có dòng chữ : Xin mọi người đừng bước vào đây. Thế nhưng trước gái đẹp, vị kỷ đến đâu thì cũng phải lụy ông bà thân sinh của người đẹp.
Quang Dũng còn có nhiều điểm giống tôi lắm. Trước hết, hai chúng tôi đều có một mối tình vũ nữ rất là đậm đà, mãnh liệt. Cũng như tôi, khi còn rất trẻ, anh đã bỏ nhà đi theo một gánh hát với tư cách nhạc công chơi đàn cò. Anh không học Trường Mỹ Thuật như tôi nhưng cũng thích vẽ và có một thời gian sống bằng nghề hoạ sĩ, dùng cái bút lông để được lê gót giang hồ. Trong kháng chiến, Quang Dũng tham dự một cuộc Triển Lãm Hội Hoạ với bức tranh có tựa đề Gốc Bàng. Anh còn soạn cả nhạc nữa. Bài hát nhan đề Ba Vì của anh đã được dân vùng kháng chiến hát lên trong nhiều năm :
Ba Vì mờ cao
Làn sương chiều xa buông
Gió về hương ngát thơm
Đưa hồn về đâu ?
Sau khi tôi tới thăm Lê Khải Trạch rồi ra về thì Quang Dũng theo tôi đi Chợ Neo. Với Thái Hằng ngồi đằng sau, tôi và Quang Dũng thong dong đạp xe trên con đường đê dọc theo nông giang. Trên đường về dài 15 cây số, tôi hỏi thăm Quang Dũng về người đẹp tên là Nhật tức Akimi. Anh vừa đạp xe vừa đọc cho tôi nghe bài thơ nhan đề Đôi Bờ mà trước đây tôi chỉ biết vài ba câu :
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai
Sông kia từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi gió heo về một sớm mai.
. . . . . . . . . .
Rét mướt mưa sầu chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia ?
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh đất tề
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đông sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ.
Xa quá rồi em, người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau.
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào.
Cô hàng cà phê tên là Nhật Akimi đã bỏ lại người xưa, giã từ kinh đào quán lạnh dinh tê vào thành cho nên bây giờ Quang Dũng chỉ còn biết đứng bên này đất nước nhớ thương nhau. Rồi sẽ nhìn vào đáy cốc để nhớ lại người xưa, cũng giống như tôi và Hoàng Cầm một ngày trước đây đã uống cạn cốc cà phê kháng chiến rồi nhìn vào đáy cốc để thấy in hình bóng Lạng Sơn (xin đọc đoạn viết về chặng đường Cao-Bắc- Lạng và về Hoàng Cầm). Nàng Akimi sau này sẽ vẫn tiếp tục là người đẹp trong đêm tại nhà hàng khiêu vũ Tự Do ở Saigon.
Quang Dũng ở chơi tại Chợ Neo một đêm để nghe ban hợp ca gia đình chúng tôi hát chơi dăm ba bài trong đó có bài Nhạc Đường Xa là anh thích nhất. Sáng hôm sau anh đạp xe trở về đơn vị. Bên bờ con sông máng, tôi ngồi phổ nhạc bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Nhưng -- cũng như với nhiều bài hát kháng chiến khác -- từ năm tháng xa xưa đó cho tới ngày hôm nay, tôi chẳng có cơ hội tốt đẹp nào để hát bài đó cả. Sống dưới hai triều đại Ngô và Nguyễn, hát bản nhạc hay ngâm bài thơ kháng chiến là dễ bị chụp mũ lắm. Cho nên tôi đã quên hẳn một số bài soạn ra trong giai đoạn chống Pháp đó. Tôi chỉ còn nhớ là trong đoạn cuối của bài thơ Tây Tiến được tôi phổ nhạc, đáng lẽ ra nét nhạc phải trở về chủ âm (Sol majeur) thì câu hát Đường về Sầm Nứa chẳng (tôi đổi là không) về xuôi... đã được tôi cho kết thúc với nốt LA ngang phè phè, giống như trên đường hành quân đoàn binh không mọc tóc của Quang Dũng chưa bao giờ -- hay không bao giờ -- có thể trở về nơi yên nghỉ.
Trong kháng chiến, tôi có may mắn được gặp hai nhà thơ hay nhất ở hai vùng kháng chiến khác nhau. Có lẽ khung cảnh ở mỗi vùng kháng chiến đều có những vẻ đẹp riêng cho nên thơ của Quang Dũng có vẻ âm u huyền bí trong khi thơ của Hoàng Cầm thì rất trong sáng. Đường lên Tây Tiến không phẳng lặng và không bình an như đường về Sông Đuống :
Dốc lên khúc khỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời...
Vốn là một đại đội trưởng chiến đấu, Quang Dũng gần súng đạn, gần cái chết hơn Hoàng Cầm, cho nên anh gầm lên trong thơ :
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành...
Tuy nhiên, cả hai thi nhân kiêm chiến sĩ này đều vẽ ra những hình ảnh điển hình của kháng chiến. — bên kia dòng sông Đuống, nếu ta thấy Hoàng Cầm đưa ra được cảnh người dân nhẫn nhục nơi vùng địch chiếm :
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô, mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy đầm hoen sương buổi sớm.
Chợt lũ qủy mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc, tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa Đông...
... thì ở vùng tự do của Quang Dũng, ta thấy được cảnh vừa bình dị, vừa hùng tráng của một làng chiến đấu :
Những làng trung đoàn ta đi qua
Tiếng quát dân quân đầu vọng gác
Vàng vọt trăng non đêm tháng chạp
Nùn rơm, khói thuốc, bạch đầu quân.
Tự vệ xách đèn chai lối xóm
Khuya về chân khoả vội cầu ao
Nghe tiếng sung rơi miệng chiến hào
Bờ tre cây rơm thôi tịch mịch
Vỡ lá bàng khô bước du kích...
Chuyện Quang Dũng làm những bài thơ thở ra hào khí của kháng chiến như Tây Tiến, Những Làng Đi Qua... thì ai cũng đã biết. Nhưng thơ tình của Quang Dũng thì có vẻ ít được phổ biến. Hồi giữa thập niên 50, trên báo Đời Mới ấn hành tại Saigon tôi thấy có đăng một mẩu thơ tình của Quang Dũng, có lẽ do Lê Khải Trạch kể lại :
... Trong kháng chiến, Quang Dũng có lần tới Phát Diệm và được một người bạn hứa giới thiệu cho một nàng goá phụ người Hà Nội tản cư về đó. Một hôm, người bạn hẹn Quang Dũng tới một căn nhà nằm ở đằng sau Nhà Dòng Mến Thánh Giá để gặp người đẹp goá phụ. Quang Dũng tới đó, ngồi đợi khá lâu mà không thấy Nàng tới. Anh đã viết một bài thơ suôi với tựa đề là Angelus :
Em có yêu ta không ?
Ta có yêu người chăng ?
Ngoài ba mươi tuổi trên đường đời.
Chúng ta là hai kẻ rất bơ vơ.
Viết những bài thơ không bao giờ gửi...
Sau khi Quang Dũng đi rồi thì người đẹp goá phụ mới tới điểm hạn. Chắc Nàng cũng không bao giờ biết được rằng nhà thơ đã viết tặng Nàng bài thơ Angelus (Hồi Chuông Chiêu Mộ) này đâu.
Khi tôi đang viết những dòng chữ này thì tôi được tin Quang Dũng vừa từ giã cõi trần tại Hà Nội sau nhiều năm bị liệt một cánh tay và nói năng không rõ vì bị đứt mạch máu ở trong đầu. Người đẹp Akimi hiện đang ở trên nước Hoa Kỳ rộng lớn này. Tôi đã điện đàm với Nàng và ước mong có dịp gặp con người có vầng trán mang trời quê hương và đôi mắt dìu dịu buồn Tây Phương đã từng là nguồn cảm hứng cho những bài thơ bất hủ của Quang Dũng để tôi -- rất có thể -- nhìn thấy những giòng lệ rào rào tuôn chảy xuống. Những giòng lệ làm tôi hình dung ra được một con sông đào vùng tề hay một vùng biển lớn mang tên Thái Bình Dương, lúc nào cũng sẵn sàng để chia rẽ đôi bờ cho những người tình thuộc thế hệ tôi, thế hệ đầu tiên đã bị chiến tranh và thù hận bao vây không ngưng nghỉ.
Quang Dũng đã nằm xuống trên một mảnh đất quê hương -- tôi mong rằng -- không xa cánh đồng Bương Cấn của anh là mấy. Thôi nhé, xin anh ngủ yên trong giấc mộng thiên thu để cho chúng tôi tiếp tục buồn hộ anh nỗi buồn viễn xứ khôn nguôi...
Phạm Duy