Chương 30
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3151
Một ngày sang Thu, một buồng cau tơ
Quanh co lối xóm những tà áo mới...
VỢ CHỒNG QUÊ
Lễ hỏi giản dị như thế nào thì lễ cưới của chúng tôi đơn sơ như thế. Áo cưới của cô dâu là chiếc áo dài mầu xanh thẫm mang theo từ ngày xa Hà Nội, bây giờ mới có dịp dùng đến. Áo cưới không phủ ngoài chiếc quần đen mặc ngày thường mà phủ lên chiếc quần vải trắng vừa mới may xong. Hằng ngày chân cô dâu đi giép Nhật Bản hiệu "con hổ" thì hôm nay cô có đôi guốc mới toanh.
Chú rể mặc bộ đồ quân phục bằng kaki Mỹ, đội mũ ca lô bằng dạ mầu xanh, chân đi giầy cao cổ. Đẹp tuyệt trần. Trông chẳng khác chi hình ảnh cô dâu chú rể của đám cưới vội vã trong kháng chiến qua bài thơ Mầu Tím Hoa Sim của Hữu Loan :
Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giầy đinh bết bùn đất hành quân...
Tướng Nguyễn Sơn, chính trị ủy viên Nguyễn Kiện, văn sĩ Nguyễn Đức Quỳnh, nhiếp ảnh gia Nguyễn Giao (ông thân sinh của ca sĩ Thúy Nga, vợ của Hoàng Thi Thơ), kỹ sư Nguyễn Dực con của nhà văn hào Nguyễn Văn Vĩnh và là bạn đồng học của tôi trong trường Kỹ Nghệ Thực Hành cùng với dăm ba người nữa... đó là những vị khách quý đã từ nơi xa hay nơi gần, leo lên xe đạp từ sáng sớm để phóng tới Chợ Neo dự lễ cưới của chúng tôi.
Lễ cưới khởi sự lúc nào không biết. Mẹ vợ ra khấn vái trước bàn thờ vừa mới được dựng lên. Rồi tới phiên chú rể lên gối xuống gối, cô dâu ngồi xụp xuống đất, làm lễ gia tiên. Khấn vái ông bà ông vải xong, chúng tôi xin ra lễ sống cha mẹ vợ theo phong tục Việt Nam, nhưng ông bố vợ xua tay : -- Thôi ! Đời sống mới mà. Không phải lạy Ba Mợ nữa. Sau khi đã làm xong bổn phận với người chết là tổ tiên và với người sống là cha mẹ rồi, bây giờ tới thủ tục hành chính. Nhân viên ủy ban hành chính của xã được mời tới để làm giấy giá thú. Trước mặt mọi người, cô dâu chú rể cúi xuống mặt bàn còn thơm mùi phở, ký giấy hợp hôn, tay cô dâu run run. Bây giờ mới lòi ra tên cô dâu là Phạm Thị Quang Thái. Không phải chỉ có Phạm Thị Thái.
Hai mâm cơm thịnh soạn hơn ngày thường đã được bầy ra trên hai cái bàn ở trong quán. Gần hai chục người đã ngồi vào bàn ăn. Ông bố vợ đứng lên mời mọi người cầm đũa, sau khi đã cám ơn quý khách. Tướng Nguyễn Sơn đứng lên nói vài câu chúc mừng. Giản dị ôi là giản dị. Một đám cưới giản dị đến độ không có được một cái nhẫn cưới để tặng cô dâu, nhưng tôi có thể nói ngay ra đây là kể từ hôm nay cho tới 40 năm sau, chưa bao giờ đôi vợ chồng này to tiếng với nhau một lần.
Ăn xong bữa "tiệc" cưới, trước khi quý khách ra về, chúng tôi ra trước cửa Quán Thăng Long đứng xếp hàng cho anh Giao chụp một bức ảnh kỷ niệm. Riêng cô dâu và chú rể còn có thêm một bức ảnh chụp riêng, hai người nắm tay nhau đứng ở trong vườn chuối bên cạnh quán. Bức ảnh chụp mọi người trong đám cưới, khi chúng tôi về thành, ông bố vợ đã cắt bỏ hình tướng Nguyễn Sơn đi vì sợ lính Tây khám mà thấy ảnh ông tướng Tư Lệnh thì nguy hiểm lắm.
Đám cưới vừa cử hành xong thì đã thấy ông bố vợ vào trong làng mua lại một cái ghế dài để ghép vào giường của cô dâu cho hai người nằm, không quên nói câu nói nằm trong phong tục Việt Nam :
-- Ba giải chiếu cho các con, để vợ chồng con sinh năm đẻ mười như Ba Mợ nghe...
Thế là từ đêm nay trở đi, tôi không phải kê hai cái bàn ăn làm nơi ngủ nữa rồi.
Trong bốn tháng trời, vợ chồng tôi sống rất hạnh phúc trong cái quán nhỏ ở Chợ Neo này. Sau chuyến công tác Bình-Trị-Thiên, tôi đã được trọng vọng hơn xưa, có lẽ vì tôi đã có tinh thần xung phong đi trước mọi người vào một nơi được gọi là khói lửa và vì những sáng tác mới của tôi như Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây, Bà Mẹ Gio Linh, Về Miền Trung... Những bài hát này đã được mọi người cho là có một không khí khác với những bài ca kháng chiến trước đây của tôi. Chưa có ai phê bình những tác phẩm đó là tiêu cực cả. Cũng chưa có ai nghe xong những bài hát nói lên sự đau khổ của nhân dân này rồi mất tinh thần và đào ngũ hay dinh tê. Từ Khu IV, những sáng mới của tôi được phổ biến đi khắp mọi nơi. Không những nó ra tới Việt Bắc mà nó còn được truyền vào tận miền Nam nữa.
Sau đám cưới, tôi được nghỉ ngơi hoàn toàn để hưởng tuần trăng mật. Trong thời gian này, tôi soạn thêm một bài hát nữa cho mối tình chăn gối của tôi. Qua một bài hát có tính chất dân ca, tôi bây giờ là chú Cuội ngồi gốc cây đa, để trâu ăn lúa, nhìn mây theo gió, miệng ca ời ời. Ca rằng :
Ta yêu cô Hằng
Đêm xưa xuống trần
Nàng ơi. Nàng về dương gian
Tìm người nuôi nấng
Cung đàn Hằng Nga.
Xin đôi cánh vàng
Mượn chiếu mây non
Cuội ơi. Cuội theo ánh sáng
Cuội lên cung vắng
Cuội không về làng...
Chú Cuội ở trong bài hát này không phải là thằng bé hay nói dối và bị đầy lên cung trăng như trong truyện cổ tích nữa đâu. Chính Hằng Nga đã xuống trần và mời chú Cuội cùng nàng lên sống ở trên mặt trăng đó. Mối tình Hằng Nga Chú Cuội sẽ chiếu xuống trần gian để làm sáng lên những cõi lòng u tối. Bởi thế cho nên trong đám trẻ nhỏ đã có những câu vè mới mẻ :
Trăng soi tóc thề
Đưa trai gái về
Tình ơi ! Nửa đường thôn quê
Gập đàn em bé
Hát vè một câu.
Câu thơ : " Chú Cuội
Mà lấy Tiên Nga,
Cuội ơi. Để trâu ăn lúa
Ngồi trên lưng gió
Tình yêu mặn mà... "
Đời sống nhẹ nhàng trong thời kỳ trăng mật của đôi vợ chồng mới tại ngôi nhà tranh vách lá nằm bên cạnh dòng sông kháng chiến này đã bình thường trôi đi như không kể tới không gian và thời gian. Khi có hạnh phúc, người ta chẳng có điều gì để nói cả. Chỉ khi nào bị đau khổ, lúc đó người ta mới hoá ra lắm điều, lắm chuyện. Hạnh phúc của chúng tôi lúc đó là hoàn toàn, tôi chẳng có gì để viết thêm ra đây, nhưng cũng phải công nhận rằng sống bên cạnh người vợ mới, có đôi lúc tôi hơi man mác buồn khi chợt nhớ tới mẹ. Chao ôi, chắc mẹ tôi sẽ vui lắm đây khi biết tin tôi đã có vợ. Mẹ tôi hiện đang ở Hà Nội. Nào có xa gì Thanh Hoá lắm đâu ?
Một buổi tối có trăng sao vằng vặc, vợ chồng tôi đi dạo chơi trên con đường quê cực kỳ yên tĩnh, lần đầu tiên, tôi lên tiếng ước mong cho cuộc kháng chiến sớm thành công để tôi dắt vợ về nhà khoe mẹ. Hình ảnh mẹ nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ trong bài Ngày Trở Về đã lung linh hiển hiện trong tâm thức của tôi ngay trong đêm nay.
Ngày hợp hôn
Phạm Duy