Phạm Duy và độc giả Người Việt
- Details
- Written by Ngọc Lan
- Hits: 5501
(Nguoiviet Online) LTS: Nhạc sĩ Phạm Duy, tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh ngày 5 tháng 10 năm 1921 tại phố Hàng Cót, Hà Nội, đã qua đời lúc 2 giờ 30 chiều Chủ Nhật, 27 tháng 1 (giờ Việt Nam, tức 11 giờ 30 tối Thứ Bảy, 26 tháng 1 theo giờ California) tại Bệnh Viện 115 ở Sài Gòn, sau 3 ngày nhập viện cấp cứu.
Theo báo trong nước, phút lâm chung, bên cạnh ông có nhiều người thân, gia đình và bạn bè.
Tang lễ nhạc sĩ Phạm Duy được tổ chức tại tư gia ở Lê Ðại Hành, phường 3, quận 11, lúc 9 giờ sáng ngày Thứ Hai, 28 tháng 1 (giờ VN), nhạc sĩ Phạm Duy sẽ yên nghỉ tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.
Trước sự ra đi của ông, một trong những đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, độc giả Người Việt từ nhiều nơi đã chia sẻ những kỷ niệm buồn vui trong đời gắn liền với những ca khúc của Phạm Duy.
***
“Nhớ ngày xưa, thầy dạy môn Toán đang giảng bài, nghe tiếng kèn đám tang ở ngoài đường, thầy nhắc cả lớp đứng lên chào người đã khuất dù không biết người mất là ai. Sau khi lễ tang đi khuất, thầy nói: 'Ðường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người... ' Sau này tôi mới biết đó là câu hát trong bài 'Nghìn Trùng Xa Cách' của Nhạc Sĩ Phạm Duy.
“Nhớ ngày xưa, tôi được xem phim ở rạp Kinh Thành gần chợ Tân Ðịnh, không nhớ tựa đề phim, nhưng nhớ nhất bài hát trong phim 'Em Bé Quê,' nhạc và lời của nhạc sĩ Phạm Duy. Tuổi thơ của tôi lớn lên với bài hát này.
“Sau đó tôi biết thêm bài hát 'Bà Mẹ Quê.' Khi nghe bài hát này tôi khóc nhiều vì nhớ u Tâm, người u già nuôi tôi từ nhỏ. U hay ru tôi ngủ với nhiều bài hát của Phạm Duy, khi u cất cao câu hát: 'Rót nước vào chợt thấy bóng Ngưu Lang...' tôi thấy u khóc, tôi không hiểu tâm tư bài hát, vì lúc đó mới học lớp hai khoảng 7 tuổi. Hôm nay, nhớ u con khóc, người mẹ nuôi của con.
“Khi lớn lên bắt đầu biết mơ mộng, là tôi biết bài hát 'Ngày Xưa Hoàng Thị' của Phạm Duy, phổ thơ của thi sĩ Phạm Phiên Thư.
“Vĩnh biệt Phạm Duy, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, người để lại cho đời một gia tài âm nhạc phong phú, có giá trị.”
Hồng Hà, từ Beaverton, Oregon
“Thế hệ chúng tôi lớn lên với nhạc Phạm Duy. Từ nhỏ đã nghe 'Tôi yêu tiếng nước tôi...' Lớn lên chút nghe nhạc tình. Khi vào lính mỗi ngày đi hành với bài 'Xuất Quân.' Riêng tôi rất thích bài 'Tình Cầm' phổ thơ Hoàng Cầm, 'Nếu anh còn trẻ như năm cũ...' Vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa!”
Cựu lính KQVNCH, từ Westminster, California
“Sáng nay biết tin nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, hơn một tháng trước, Duy Quang vừa ra đi.
“Nhạc sĩ Phạm Duy vào đời như một tướng thần (Atula), có đủ tài năng và sức mạnh, sống độc lập và đóng góp cho đời cũng trong tánh cách tự lập, việc ông làm luôn là vượt khó 'dinh tê' hay 'về nước.'
“Âm nhạc hay đời sống Phạm Duy luôn sáng tạo và đi con đường không bắt chước hay học lại từ ai.
“Duy Quang ra đời như một vị tướng dưới quyền luôn trung thành và đứng đàng sau Phạm Duy. Thời Sài Gòn 70, chương trình nhạc Phạm Duy tối Thứ Sáu, hầu hết nhạc Phạm Duy do Duy Quang hòa âm, phối khí và trình bày với ban nhạc Dreamer cũng do anh dẫn dắt.
“Suốt đời thường Duy Quang cũng làm mọi chuyện cho Phạm Duy dù 'sai hay đúng' anh vẫn trung thành và chưa hề đối nghịch. Cho đến khi chết, anh vẫn xung phong đi trước để dọn một con đường cho Phạm Duy bước vào.
“Quan hệ cha con của họ là như vậy. Họ kiểm soát được đời sống của họ trong cuộc chơi hữu hạn 100 năm của đời người. Họ ung dung tự tại đến và đi không lệ thuộc thế lực nào. Và cái họ để lại là tài năng xuất chúng cho chúng ta thưởng thức.
“Tôi chưa phải là 'fan' trung thành của nhạc họ Phạm, chỉ chia sẻ cái nhìn qua lăng kính về nghiệp, duyên và luân hồi tái sinh của Phật giáo.
Becky, từ Tustin, California
“Phần đông chúng ta chưa bao giờ gặp hoặc tiếp xúc với nhạc sĩ Phạm Duy ở đời thường. Phần đông chỉ biết đến nhạc sĩ Phạm Duy qua những bản nhạc về tình yêu quê hương, dân tộc. Những bản tình ca bất hủ suốt cuộc đời ông tận tụy cống hiến cho đời, cho mọi người. Thiết nghĩ, những sự việc riêng tư, đời thường của nhạc sĩ Phạm Duy nên khép lại và miễn bàn ở nơi đây. Mọi lỗi lầm trong quá khứ của mỗi người là do cái duyên và nghiệp của chính họ tạo ra.
“Là một nghệ sĩ tài hoa, đầy chất lãng mạn trong thơ nhạc, xin đừng đòi hỏi, ràng buộc nhạc sĩ Phạm Duy phải là một con người gương mẫu, hoàn hảo và thánh thiện.
“Kính chúc ông thượng lộ bình yên về cõi niết bàn.”
Silent, từ Santa Ana, California
“Giống như nhiều người, cuộc đời mới lớn của tôi nhuộm đầy những bài tình ca Phạm Duy.
“Những đêm khuya gạo bài, hút điếu thuốc, bên ly cà phê đắng, nghe 'Trả lại em yêu mối tình vời vợi/ Ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới/ Ðường buồn anh đi bao giờ cho tới/ Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài...' Tương lai và ngõ cụt mỏng manh như khói thuốc. Bài hát như những vết dao xắt vào da thịt, làm tim rướm máu.
“Nhìn ánh sáng hỏa châu ngoài thành phố, nghe bài 'Bà Mẹ Gio Linh' giọt nước mắt ưu phiền tới tận đáy tâm hồn. Cuộc đời sao lắm oái oăm?
“Tháng 8, 1975 ngôi bó gối trong trại tị nạn FC, nghe bài 'Thuyền Viễn Xứ,' chàng trai trẻ nước mắt nhạt nhòa vì nỗi xa quê hương, xa gia đình, bạn bè, người yêu.
“Nhạc Phạm Duy thấm vào lòng học sinh, sinh viên và đại chúng trước khi nhạc của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An xuất hiện vào thập niên 70s.
“Thích hay không thích về đời sống riêng hay chọn lựa chính trị của Phạm Duy, là tùy theo nhận xét của mỗi người. Nhưng ít ra Phạm Duy dám làm, dám nói, và dám sống theo bản ngã của chính mình.
“Xin cám ơn nhạc sĩ Phạm Duy để lại những bài tình ca bất hủ.
“Xin đốt nén hương cầu nguyện cho linh hồn người nhạc sĩ tài danh đã nằm xuống.”
Già Lụm Lon, từ Fullerton, California
“Tôi hát nhạc Phạm Duy từ bé mà không biết cho đến khi định cư tại Mỹ.
“Lúc còn nhỏ, những năm trước 1975, mỗi ngày trước giờ cơm chiều, tôi rất thích xem chương trình Thiếu Nhi Tuổi Xanh trên TV với 'Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo, ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút,' mơ màng với 'Thằng cuội yêu chị Hằng Nga, nói dối ông bà lên tới mặt trăng,' rồi 'Em ước mơ mơ gì tuổi 12, tuổi 13? Em ước mơ em là, em được là tiên nữ' với các cô gái xinh xắn tung tăng trong chiếc áo có cánh thiên thần, và 'Xin cho em một chiếc xe đạp, xe xinh xinh để em đi học, từng vòng từng vòng xe, là vòng đời nhỏ bé, đạp bằng bàn chân gót đỏ hoe' cùng hình ảnh một cô bé đạp chiếc xe mini vòng quanh sân khấu.
“Ðến năm lớp 2, tôi thuộc bài 'Việt Nam, Việt Nam' cùng lúc với 'Bạch Ðằng Giang' (Lưu Hữu Phước), 'Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ' (Nguyễn Ðức Quang)...
“Sau 1975, nhạc Phạm Duy bị cấm trong nước, nhưng đi qua các con hẻm ngoằn ngoèo của Sài Gòn, người ta vẫn nghe văng vẳng đâu đó những bài hát của ông. Những năm lớp 9, lớp 10, vào những buổi tối cúp điện, tôi và vài đứa bạn trai trong lớp hay tụ tập ở nhà một đứa, đối diện với nhà của một cô bạn rất xinh trong trường, đứa đàn guitare, đứa mandoline, và nhạc Phạm Duy hầu như bao giờ cũng có mặt với 'Ngày Xưa Hoàng Thị,' 'Em Hiền Như Ma SSur,' 'Thà Như Giọt Mưa'... Tôi còn nhớ, có một lần bọn tôi đang cao hứng 'Anh yêu em, anh yêu em như rừng yêu thú dữ...', một bà cụ hàng xóm mở cửa la to: 'Con cái nhà ai mà giờ này còn la hét, chưa chịu đi ngủ dzậy há?' làm cả lũ vác đàn mà chạy.
“Những năm đầu tị nạn, nhạc Phạm Duy, ngoài những bài 'Tình Ca,' 'Tình Hoài Hương,' với tôi, còn là 'Có Phải Tôi Là Người Quê Hương Ruồng Bỏ - Giống Nòi Khinh,' 'Hát Cho Người Ở Lại,' 'Anh Sẽ Mời Em Về.' Tôi rất thích những bài Phạm Duy phổ nhạc từ thơ Hoàng Cầm và Ðoàn Phú Thứ. Cho đến giờ, trên kệ sách nhà tôi vẫn còn quyển 'Thấm Thoát Mười Năm,' tập nhạc của ông tôi mua lần đầu tiên năm 1985.
“Duyên của tôi với nhạc Phạm Duy không chỉ dừng ở đó, mà còn trong 10 bài đạo ca với Quán Thế Âm, Giọt Chuông Cam Lồ và Quy Y/Chấp Tay Hoa của những năm bước qua tuổi 'tam thập nhi lập.'
“Hôm nay, được tin nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, tôi viết vài dòng này để tưởng nhớ tới ông, 'gã hát rong' của tình ca Việt Nam. Nguyện cầu hương hồn nhạc sĩ Phạm Duy được tái sanh đến cảnh giới an bình.”
M&M, từ Fairfax, Virginia
“'Việt Nam-Việt Nam nghe từ vào đời.
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời.'
“Tôi biết bài hát này từ khi còn đang học trung học. Tôi hát nó nhiều nhất khi thụ huấn trong quân trường và sẽ nhớ nó mãi cho đến ngày về với đất.
“Tôi đã được nghe nhạc của Phạm Duy viết trong kháng chiến chống thực dân, đã nghe tình ca của ông sau khi ông về thành, đã nghe đủ loại nhạc của ông sau khi ông di cư vào Nam, và cũng đã nghe nhạc chống Cộng của ông khi ông sống trong chế độ Cộng Hòa miền Nam, lại cũng đã nghe hầu hết những bài ông sáng tác trong đời tị nạn sau 1975. Như vậy là tôi đã được quá nhiều từ ông nhạc sĩ này.
“Tôi hết lòng cảm ơn ông. Nhưng tôi cũng vẫn còn mong đợi được nghe những bản nhạc mới của ông khi ông sống trong sự kiềm tỏa của chế độ cộng sản.
“Tôi phục ông là người nghệ sĩ có tài đã để lại cho chúng tôi một kho tàng vô giá.
“Ông là một trong rất ít người đã là chứng nhân cho hầu hết các giai đoạn lịch sử khó khăn của đất nước mình trong thế kỷ qua.
“Chúc ông an nghỉ ngàn thu.”
Tương Hột, từ Charlotte, North Carolina