Một Vài Kỷ Niệm Về Nhạc Sĩ Phạm Duy
- Details
- Written by Trần Củng Sơn
- Hits: 5194
Tin nhạc sĩ Phạm Duy từ giã nhân gian ở tuổi 92 tại Sài Gòn ngày 27/1/2013 gây xôn xao trong lòng người yêu nhạc Việt Nam, riêng tôi lòng cũng thoáng bồi hồi. Gọi điện thoại cho bằng hữu âm nhạc, để nghe nói cảm tưởng về người nhạc sĩ này.
Ngọc Trọng kể rằng nhạc sĩ Văn Phụng đã từng ca ngợi tài năng của Phạm Duy, nhạc sĩ Nguyễn Hiền bảo rằng sau khi qua Pháp học dự thính tại trường nhạc ở Paris trong hai năm thì những sáng tác của họ Phạm trở nên xuất sắc hơn so với bạn bè trong giới. Bạn tôi cho rằng cao điểm của những ca khúc PD vẫn là trước năm 1975, và anh ca ngợi những bài hát phổ thơ rất tuyệt vời của ông, cho những học hỏi về kỹ thuật chuyển cung tài tình trong sáng tác.
Cuộc sống của Phạm Duy từ năm 1975 cho đến 2005 gắn liền với quận Cam Nam Cali được gọi là thủ đô âm nhạc của hải ngoại, nơi có hàng trăm ngàn đồng hương Việt Nam cư ngụ. Suốt 30 năm ông từng đi nhiều nơi để trình diễn và giới thiệu những ca khúc mới cho nên rất nhiều người có kỷ niệm văn nghệ với ông. Tại San Jose, ông cũng xuất hiện nhiều lần tại những quán cà phê hoặc tại tư gia, gặp gỡ giới yêu nhạc.
Tôi được hân hạnh diện kiến người nhạc sĩ tài hoa, ông tuổi bằng cha mẹ mình, nhưng trong câu chuyện Phạm Duy rất sôi nổi trẻ trung và cởi mở. Ông nói năng thoải mái, có lúc hứng chí không cần giữ gìn ý tứ, cho nên người nghe rất thú vị. Nếu ghi lại trên báo chí thì không nên vì có những câu nói ngẫu hứng chỉ thích hợp lúc đó mà thôi.
Một lần tôi mời ông đi ăn sáng, ăn xong ông bảo chở về nhà để ông tập thể dục và nói là đây là kỷ luật để giữ gìn sức khỏe. Là một nhạc sĩ có đến ngàn ca khúc nhưng ông không hút thuốc, uống rượu. Đây là một điều hữu ích mà tôi biết được ở nhạc sĩ Phạm Duy, và cũng là lý do để ông sống thọ và khỏe mạnh để làm việc.
Điều thứ nhì để bắt chước là sự làm việc không mệt mỏi của ông. Ông học cách sử dụng máy vi tính để chép nhạc, để viết những bài khảo cứu âm nhạc. Kiến thức về văn hóa ông rất rộng rãi, dù sao thì ông cũng xuất thân từ dòng dõi trí thức nổi tiếng của đất Hà Thành. Đọc những bài viết sau này về sự ra đời các ca khúc của ông thì càng hiểu thêm về lịch sử, về kỹ thuật sáng tác. Có một lần ông đưa ra câu định nghĩa rằng nhạc sĩ chuyên nghiệp thì phải làm ra tiền bằng nhạc của mình, chứ sáng tác khơi khơi thì chỉ là vui chơi mà thôi. Tôi nghĩ trong suốt ba chục năm ở hải ngoại, ông sống bằng nghề âm nhạc và đây là lý do để nói Phạm Duy là một nhạc sĩ chân chính.
Một lần ghé phòng thu âm của Duy Quang chơi, nghe tiếng một ca sĩ hát một bài nhạc Nhật lời Việt rất bóng bẩy, tôi hỏi là ai đặt lời mà hay vậy thì Duy Quang cười bảo là của bố già chứ còn ai nữa. Nhắc chuyện này để ghi nhận thêm về tài đặt lời Việt cho hàng trăm bài nhạc ngoại quốc của ông, bản Tango nổi tiếng thế giới La Cumparsita ông dịch là Vũ Nữ Thân Gầy, thật bay bướm.
Năm 1995 tôi lần đầu về thăm Việt Nam có ghé tụ điểm ca nhạc và khi trở lại Mỹ tôi có gọi điện thoại kể cho ông nghe. Ông hỏi là có nghe ai hát nhạc Phạm Duy ở trong nước không, tôi bảo là không một bài nào được nhắc tới mặc dù có vài bài như Mộng Dưới Hoa được ca sĩ trình diễn nhưng không giới thiệu tác giả. Mười năm sau 2005 Phạm Duy trở về cố hương.
Cho đến khi ông mất thì nhà nước chỉ cho phép trình diễn mấy chục ca khúc của ông mà thôi. Trong di chúc ông để lại lá thư xin được cho phổ biến hai trường ca Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam và đặc biệt bài hát Việt Nam Việt Nam. Dù sao thì mục đích trở về của ông đã đạt một phần nào, khán giả yêu nhạc được thưởng thức một số ca khúc của Phạm Duy.
Viết về Phạm Duy thì rất nhiều người mọi giới. Riêng tôi thì những ca khúc phổ thơ tuyệt vời của ông vẫn là điều đáng nhớ nhất. Cái con mắt tinh anh biết chọn những bài thơ để phổ nhạc và đưa bài thơ đi xa làm thi sĩ nổi tiếng thêm và cũng làm giàu gia tài âm nhạc của mình và để lại cho hậu thế những bài học mẫu khi muốn đưa thơ vào nhạc.
Có những bài thơ ông giữ nguyên như Ngậm Ngùi của Huy Cận, có những bài thơ lấy vài câu như Thuyền Viễn Xứ ( thơ Huyền Chi ) và thêm thắt ý mình và sửa đổi câu thơ cho vừa vặn khuôn khổ ca khúc trong đó có Tiếng Sáo Thiên Thai ( thơ Thế Lữ), Nụ Tầm Xuân ( ca dao ), Tiễn Em ( thơ Cung Trầm Tưởng), Còn Chút Gì Để Nhớ ( thơ Vũ Hữu Định), Thà Như Giọt Mưa ( thơ Nguyễn Tất Nhiên), Ngày Xưa Hoàng Thị ( thơ Phạm Thiên Thư), Kỷ Vật Cho Em ( thơ Linh Phương), Đừng Bỏ Em Một Mình ( thơ Minh Đức Hoài Trinh ) , Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà ( thơ Hữu Loan), Ta Yêu Em Lầm Lỡ ( thơ Đỗ Văn Trương)...
Nếu hỏi chỉ một bài của Phạm Duy để đưa ra ca ngợi thì đó là Tình Hoài Hương, lời đậm đà tình yêu quê hương, dòng nhạc tha thiết và có những khúc chuyển cung rất khéo.
Năm 1973, Nguyễn Trọng Văn trong nhóm Văn Mới có in cuốn sách Phạm Duy Đã Chết Như Thế Nào và tổ chức nói chuyện tại đại học Văn Khoa Sài Gòn mời Phạm Duy tới nghe. Từ đó cho đến mấy chục năm nay Phạm Duy vẫn sống vẫn hăng say sáng tác nghiên cứu âm nhạc. Và hôm nay thì ông đâ thật sự ra đi, có người thấy bình thường vì ông quá thọ cũng phải theo định luật sinh diệt, nhưng cũng có người thấy xúc động vì ông vẫn hăng say sáng tác như thời trẻ. Ông nằm xuống thì những thị phi về cuộc đời sôi nổi của ông dần dần sẽ phai theo thời gian, chỉ còn lại những ca khúc trong lòng giới yêu nhạc.
Chín mươi hai năm trần thế thì ba chục năm hải ngoại, hơn hai chục năm vào sinh hoạt ở Miền Nam, hầu hết những sáng tác của Phạm Duy được sinh ra ở miền đất tự do văn nghệ. Chính mảnh đất tự do văn hóa văn nghệ của Miền Nam và hải ngoại đã nở ra nhiều đóa hoa hương sắc cung cấp cho kho tàng âm nhạc Việt Nam giàu có , trong những đóa hoa văn nghệ đẹp đó có một đóa hoa rất rực rỡ mang tên Phạm Duy.
California, 1 tháng 2, 2013
Trần Củng Sơn
Nguồn: http://vietbao.com/D_1-2_2-67_4-203473_15-2/