Cô Hằng Và Chú Cuội
- Details
- Written by Phan Lạc Phúc
- Hits: 4406
Sáng ngày 17 tháng 8 vừa qua, vừa đến tòa soạn chợt nhận được tin chị Thái Hằng - bà Phạm Duy, ca sĩ lừng danh một thuở của ban Hợp Ca Thăng Long, giọng ngâm đẹp đẽ ngày nào của ban thi văn Tao Ðàn ... vừa tạ thế hồi sáng ngày 14 tháng 8. Dù biết chị đau đã lâu... nhưng nhận tin vẫn không khỏi bồi hồi. Vội vã gửi một E mail sang chia buồn : '' Vô cùng thương tiếc chị Thái Hằng - Thành thật phân ưu cùng anh Phạm Duy và toàn thể gia đình ''. E-mail vừa gửi đi hồi 10 giờ sáng, khoảng 12 giờ trưa chúng tôi đã nhận được hồi âm của anh Phạm Duy.
'' Gửi các bạn tại Úc... Cảm ơn các bạn... đã có những lời phân ưu đến với gia đình tôi vào những ngày tang tóc này như những lời an ủi huyền diệu ''. Ðọc E-mail hồi âm của Phạm Duy khá dài, hé mở một khoảng trời tâm sự, điều tôi lấy làm lạ là tại sao trong giờ phút đau thương mà Phạm Duy lại có thể viết ra những lời bình tĩnh, dịu dàng như thế: '' Nhà tôi đã ra đi rất êm ái như đã êm ái đến với cuộc đời quá huyên náo này. Êm ái lớn lên trong bóng mát của cha mẹ, êm ái đi vào cuộc chiến, đi vào hai cuộc tình rồi êm ái đi vào hôn nhân. Thành người vợ, người mẹ một triệu lần êm ái... Êm ái và âm thầm ngay cả trong cuộc hẹn hò với bạo bịnh và tử thần từ nhiều năm nay...''
Ðọc đoạn văn này, tôi liên tưởng cảnh Phạm Duy ngồi bên thi hài vừa lạnh của người vợ vô cùng yêu quí, không than khóc không kể lể mà âm thầm nhắc lại một đoạn thơ đã được anh phổ nhạc:
Ngủ đi em mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ
Lòng anh đã chín mấy mùa thương đau...
Từ thơ Huy Cận, Phạm Duy đã ru đời bao nhiêu thế hệ. Bây giờ anh đang ru mình, ru người vợ '' trao xương, gửi thịt '' vừa mới bỏ anh đi vào một giấc ngủ dài không bao giờ dậy nữa.
Ðối với mọi người, chị Thái Hằng được nhìn như một người vợ thảo, mẹ hiền kiểu mẫu" theo lối Việt Nam truyền thống. Phạm Duy đã phát biểu trong Paris By Night đặc biệt về Phạm Duy: '' Số tôi đa đoan lắm, đã có nhiều người đàn bà đi qua đời tôi ''. Nhưng chỉ '' đi qua '' mà không ở lại. Ở lại với anh từ thời kháng chiến chống Pháp, về thành, di cư vô Nam rồi vội vã lên tàu sang Mỹ... bao nhiêu đoạn đời gian khổ... vẫn chỉ có người vợ ''tao khang chi thê '' của anh, chị Thái Hằng. Dạo đầu thập niên 70 ở Sai gon sau khi nghe một cuốn băng nhạc Phạm Duy do tác giả có nhã ý gửi tặng, tôi có ghi trên một bài báo nhỏ : '' Chưa bao giờ Phạm Duy lại thành thực với mình như thế. Trong bài Tạ Ơn Ðời, anh viết : Ðôi ba lần gian dối, đời vẫn ban cho ngọt bùi. Có người mới hỏi: Ðôi ba lần là bao nhiêu lần? Tôi trả lời: '' Văn nghệ không nên đi vào chi tiết - Ðôi ba lần là thuộc số nhiều rồi ''. '' Thế còn đời ở đây là ai? '' -- '' Là chị Thái Hằng chứ còn ai vào đấy nữa ''.
Giả dụ như chị Thái Hằng có buồn anh Phạm Duy bao nhiêu chăng nữa, nhưng nghe qua bài hát '' Ta yêu cô Hằng đêm xưa xuống trần - tình ơi - Một đàn con trai, rủ đàn con gái ra ngồi nhìn trăng - Ra xem chú cuội ngồi gốc cây đa...'' thì chắc chị cũng sẵn lòng quên hết.
Cô Hằng đã từ trên cung Quảng bay xuống trần gian làm bạn cùng chú Cuội. Chú Cuội đi chăn trâu mà mê ai đến nỗi '' bỏ trâu ăn lúa. '' Chú Cuội ở dưới trần gian mà tưởng mình ở trên cung trăng, cứ mơ mộng hoài hoài. Chú nói thật hay là nói dối cũng không ai biết nữa. Trời sinh ra Cuội là như thế ... Chỉ khi cô Hằng dời bỏ cõi trần bay về tiên giới chú Cuội mới nhận ra sự cô đơn lặng lẽ của mình. Trong E mail trả lời, Phạm Duy viết: Nhà tôi là Thần Hộ Mệnh hay Bà Chúa Ngục của tôi. Bà là sự thanh bình của tôi trong nhiều sóng gió - là sự thành công của tôi trong nhiều vật vã - Bà là nụ cười Mona Lisa của chúng tôi. Nhà tôi ra đi trong nụ cười lặng lẽ.
Chị Thái Hằng đã êm ái từ biệt cuộc đời. Cái tảng đá lớn đè lên tâm hồn Phạm Duy đã nặng nề đổ xuống. Anh Phạm Duy đã kết luận E mail: '' Xin được cảm ơn mọi người bằng nụ cười cô đơn đó. '' Nhưng thưa anh Phạm Duy, anh đừng sợ cô đơn. Ở trên đời này cánh đàn ông chúng ta ít hay nhiều xét ra đều là '' Cuội '' cả.
Phan Lạc Phúc
AUSTRALIA
Nguồn: báo Chiêu Dương