Một Mối Tình Việt Pháp Tuyệt Đẹp
- Details
- Written by Nguyễn Đình Hòa
- Hits: 3201
Ðể tưởng nhớ Giáo sư Thạc sĩ Phạm Duy Khiêm
Bức thư dài mười một trang viết tay, đề ngày 26 tháng 2 năm 1975, cô F. gửi từ Nhật sang cho tôi (lúc đó đang được nghỉ dạy nửa năm ở Viện Ðại Học Nam Illinois để tìm học thêm về Hán-Nôm tại Viện Ðại Học Luân Ðôn bên Anh Quốc). Bức thư hàng không ấy, viết bằng tiếng Pháp, có một đoạn tôi dịch như sau :
Từ khi được tin đó về tấm thảm kịch, tôi bám giữ những mẩu tin, tôi đã tìm và đọc đi đọc lại những bức thư cũ. Lòng tôi nặng trĩu, mà không biết nói với ai. Giáo sư Nguyễn Khắc Kham đã kinh hoàng về tin người bạn cũ, có lẽ gần bằng tuổi nhau.
Hai người bạn thân của anh Khiêm : Nhà báo Nguyễn Doãn Vượng và Giáo sư Nguyễn Khắc Kham đang thắp hương trên mộ của mẹ chúng tôi, cụ bà Phạm Duy Tốn trong thời gian hai anh em chúng tôi phải sống rất xa miền Bắc Việt Nam. (Phạm Duy)
Tin kia chính là tin dữ về một ngôi sao sáng đã vắng tắt trong bầu trời trí thức Việt Nam : Giáo sư Thạc sĩ Phạm Duy Khiêm tự sát năm 1974, cách đây 24 năm.
Cô F. hỏi tôi :
Có lẽ giáo sư biết rằng tại Pháp đã có một cuộc đình công của nhóm của nhân viên bưu điện lâu gần hai tháng (từ 17 tháng 10 đến đầu tháng chạp 1974). Mãi tới mùng 3 tháng 12 thư từ mới lại bắt đầu được gửi đi. Hôm 12 tháng 12, tôi nhận được một thư phong bì aérogramme của ông Phạm Duy Khiêm nói rằng :
''Thứ bẩy 2 Novembre. Ðình công vẫn tiếp tục. Lá thư chót của anh và có lẽ, hay chắc chắn nữa, lá thư trước đó đã không được gửi đi, và được giữ lại ở một nơi nào, có lẽ mất hẳn. Và lẽ tất nhiên, anh chẳng nhận được thư nào của em.
''Một hai hôm sau : Dù có bị cúm hay không, anh vẫn có những ''ý nghĩ đen tối''.
Một ngày sau, một ngày sau : Vẫn còn đình công. Tối hôm qua, mệt quá, anh đã quên tắt ga, thành ra thắp cả đêm.
Xin gửi cho anh ít quần áo. Mấy hôm rồi, anh có ý nghĩ đó.''
''13 Novembre : Anh vừa đọc lại câu trên. Cái ''ý nghĩ mà anh có mấy hôm ấy'' bao giờ nó sẽ đến với em nhỉ ? Anh có cảm tưởng rằng nó sẽ chẳng bao giờ đến được tới em. Anh mong em biết rằng tại Pháp vẫn còn đình công ở Bưu Ðiện. Nhưng dù em biết thế đi chăng nữa, anh cũng tự hỏi rằng không biết sự thiếu dấu hiệu là anh còn sống nó có ảnh hưởng gì tới em không ?''
''16 Novembre : Anh vào nhà thương. Cuộc đình công tiếp diễn. Nhưng anh vẫn cứ bỏ thư này vào thùng thư.''
Cũng hôm 12 tháng 12, tôi nhận được bức thư của ông NKK từ Tokyo cho biết tin cái chết của ông bạn bên Pháp.
Tôi vẫn còn hi vọng vì giáo sư K đã viết :''Xin gửi cho anh ít quần áo (Envoyez vêtement!) Tối hôm đó, tôi soạn một gói quần áo. Tôi không khóc được. Tôi trông thấy gia đình (nhà chồng) xếp hàng nhìn tôi. Trong có vài tiếng đồng hồ, tóc tôi bạc hẳn.
Tấn thảm kịch kia chính là việc Giáo sư Thạc sĩ họ Phạm tự tử bằng cách vặn khí đốt trong bếp, rồi khi bắt đầu ngạt thở thì vẫn quần áo chỉnh tề, còn bò ra ngoài sân và trầm mình xuống dưới ao bên cạnh nhà, mặc cho làn nước kết liễu đời mình, theo lời xác nhận của người em nhạc sĩ Phạm Duy trong thư viết cho tôi. Còn cô F. thì cũng ngày 12-12-74, cô nhận được thư của Giáo sư Nguyễn Khắc Kham (năm ấy đang dạy học ở Ðại Học Ngoại Ngữ Tokyo) cho biết ông bạn cũ đã tự chọn cái chết ngay tại nhà riêng, La Hertaudrie, thuộc Montreuil-le-Henri.
Cô F. viết tiếp :
Tôi đã viết thư để hỏi tin ở làng ông ta, ở thị xã, hỏi linh mục, hỏi sở Cảnh Sát, sở Xã Hội. Mãi về sau mới có trả lời... Trong khi đó thì những lá thư phong bì (aérogramme) lần lượt tới nơi từng bức một.
''Ông thợ mộc bảo anh chắc không sống lâu đâu.
''Anh đã mất việc. Làm sao sống được những tháng tới đây ?''
Cái làng đó hình như giống cái làng được miêu tả trong tiểu thuyết của Balzac, người ta cứng rắn và vụ lợi, đàn bà cũng thế...Tôi có vài món quà của học trò, tôi tính gửi cho họ để cầu xin họ cho tin tức ông giáo sư, nhưng họ không trả lời và tôi đã không gửi kèm những con tem hồi đáp. Vì những sự câm lặng đó, tôi gần như hi vọng ông Khiêm vẫn còn sống... Nhưng rồi gói quần áo bị trả lại.
Cô y tá kiêm phụ tá xã hội trong vùng đã viết như sau : ''Ông Khiêm đã lâm vào tình trạng suy sụp tinh thần đáng kinh sợ, nên phải đưa vào bệnh viện. Sau 15 ngày, ông đòi về nhà hôm thứ bẩy, và ban đêm ông đã tự tử.'' Nếu tình trạng gọi là kinh sợ thì sao họ lại cho ông Khiêm xuất viện ?
Trong những bức thư tôi đem ra đọc lại, ông Khiêm nói tới chuyện lo thiếu tiền, mỏi mệt vì dọn nhà, và không có ý muốn ở một mình. Ông ấy đã tìm được một cô bạn gái cũ, nhưng cô ta chỉ nghĩ đến hôn nhân và ông ta cho đi luôn vì cô ta không vâng lời. Còn ba cô khác ở trong làng đều nuôi hi vọng, nhưng ông Khiêm đã nói với tôi là ''các cô ấy không đáng hôn !'' Ông giáo sư không bao giờ nói tới chuyện quyên sinh.
Người chủ nông trại La Gâte ở Évaillé khi trước thì chuyên môn ăn cắp của ông Khiêm, mà người làng cũng không phải lúc nào cũng tử tế cả. Giáo sư đã quyết định chỉ ở trong nhà và đã tậu cái trại La Hertaudrie ở Montreuil-le-Henri. ''Tiền sửa chữa sẽ tốn kém bằng cả giá nhà lẫn giá đất gộp lại.'' Lúc đó là sắp vào hè.
Khi ấy, người ta đã cho giáo sư biết là ''có thể sẽ không có việc giao cho ông làm nữa.'' Ủy ban Xét Lại Pháp Ngữ trước vẫn nhờ ông Khiêm sửa bài và duyệt sách trong thời gian ba năm gì đó. Tiền thù lao là mỗi tháng 1.000 phật lăng Pháp. Nhưng từ mùa hè, Ủy ban không gửi việc gì cho ông, mà thợ thì đã khởi công tu bổ ngôi nhà trại mới tậu. Những tin này tới với tôi sau tấn thảm kịch. Trong suốt hai tháng đình công ở Bưu Ðiện, hình như không ai ghé thăm ông, ngay cả người làng cũng không.
Cô F. chưa hề bao giờ gặp ông Phạm Duy Khiêm. Cô viết :
"Dù biết rằng ông đã bước lên tột đỉnh của đài vinh quang, chưa bao giờ tôi có thể xua đuổi khỏi tim tôi ý nghĩ là định mệnh đã khắt khe đối với những người thuộc thế hệ ông! Bây giờ tôi hết sức cầu mong cho bạn bè của ông được sung sướng, khiến cho hạnh phúc của họ có thể an ủi cho những bực tiền bối không may mắn...''
Riêng người viết bài này thì được cái may mắn biết đôi chút về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo Sư họ Phạm. Tại Hà Nội, vì học Trường Bưởi (tức Trường Trung Học Bảo Hộ - Lycée du Protectorat) từ 1937 tới 1944 nên tôi không được học Thầy Khiêm. Giáo sư của Trường Albert Sarraut là trường dành cho học sinh Pháp và một số học sinh Việt con ông cháu cha.'' Thời đó, tôi chỉ nghe tiếng là Giáo sư Khiêm chấm bài Pháp văn rất nghiệt, cho nhiều điểm âm (dưới zéro), đến nỗi có thí sinh tú tài bị trượt vỏ chuối đã doạ sẽ tạt át xít vào mặt giáo sư.
Con trai trưởng của nhà văn lớn Phạm Duy Tốn, cậu học sinh ưu tú Phạm Duy Khiêm sinh tại Hà Nội ngày 24 tháng Tư (Avril) năm 1908, đã học bậc tiểu học tại Collège du Protectorat, rồi bậc trung học tại Lycée Albert Sarraut. Học trình rất vẻ vang : năm 1931 được vào Trường Cao Ðẳng Sư Phạm bên Pháp.
Trường Cao Ðẳng Sư Phạm - Ecole Normale Supérieure
Ðánh dấu X = Tổng Thống Pháp tương lai, Georges Pompidou
Năm 1935 đỗ đầu kỳ thi bằng Thạc Sĩ Ngữ Pháp và sau khi về nước, dạy học tại mẫu hiệu của mình từ 1935 cho đến 1938 thì được bổ nhiệm vào Sở Báo Chí của Toàn Quyền Brévié và làm việc ở đó năm 1938-39. Năm 39 ông trở về dạy tiếng Pháp, tiếng La Tinh và tiếng Hi Lạp ở Trung Học Sarraut. Ông đăng lính vào Lục Quân Thuộc Ðịa Pháp và phục vụ quân ngũ cho đến ngày đình chiến, rồi lại trở về dạy học.
Khi có người bạn hỏi tại sao ông lại tình nguyện đi lính cho Pháp, thì ông trả lời như sau (vào tháng 10 năm 1939) :
Chúng ta có thể bất mãn nhưng vẫn chiến đấu cho nước Pháp khi nước ấy bị nguy hiểm. Người Việt Nam nào lại không hiểu thứ ngôn ngữ đó ? Trong chúng ta, ai quên được truyền thống hào hùng và ý niệm xưa về quân tử, con người có lòng cao cả.
Có bạn hỏi tôi : ''Nhiều người tình nguyện đăng lính hơn nữa thì Pháp sẽ cải cách chính trị ư ? '' Tôi không đồng ý như thế! Ai mà suy tính như vậy thì có thể bị thất vọng. Tình thần cao thượng đâu có cầu được tiền tưởng thưởng. Khi cháy nhà hàng xóm thì dù ông láng giềng không thích mình thì mình cũng thể bảo : ''Tôi đem cho ông thùng nước thì ông sẽ trả tôi bao nhiêu tiền ?''
(trích lá thư Lettre d'un engagé volontaire trong sách De Hanoi À La Courtine, đã được đăng lại trên tạp chí Indochine số 58, ngày 9 tháng 10 năm 1941, trang 7-8).
Một phụ nữ Pháp cư ngụ tại Lyon hỏi thì Giáo sư Khiêm trả lời từ Marseille hồi tháng 11, năm 1939 như sau :
Như bà biết, tôi đã thụ hưởng được nhiều điều thuộc văn hóa Pháp. Tôi không muốn nói những cái dĩ nhiên nhưng muốn đến những cảm tình, những mỹ ý dịu dàng, cuốn an-bom lật giở từng trang dưới ánh đèn, bầy trẻ chơi đùa ngoài nắng, những cây hạt dẻ...
Những cái tôi nhận được nơi đây lúc thiếu thời, những cái mà chính Bà cho tôi, tôi không bao giờ quên được mặc dầu ngần ấy năm tháng, và con đường chúng ta đã tách ra đôi ngả. Khi ta đã chia sẻ những ngày hạnh phúc thì tại sao ta lại không quay trở lại để chia sẻ những ngày khốn khổ.
Viết từ Paris cho viên Trung Úy L.C. người Pháp, Phạm Duy Khiêm nói :
Ðiều khó nhất không phải là từ bỏ hiện tại và tương lai, nhưng mà là tách mình ra khỏi dĩ vãng của tôi. Trong khi phá tan những cái đó trước khi lên đường, tôi nhận thức rằng những kỷ niệm rất xa xưa vẫn còn sống động. Tuy nhiên chỉ có một dấu ấn sâu đậm nhất : đó là tôi cảm thấy nỗi đau buồn của mẹ tôi.
Mùa Thu năm 1945, người viết bài này dự kỳ thi tuyển giáo sư sinh ngữ của Nha Trung Học Vụ do Giáo sư Ngụy Như Kontum phụ trách. Hai bài thi viết là dịch và luận, sau đó là phần vấn đáp. Biết rằng Giáo sư Phạm Duy Khiêm vừa chấm bài thi viết, vừa hỏi vấn đáp nữa, tôi khá run -- vì ở bậc trung học, thầy Carjat chỉ dạy từ Anh sang Pháp rồi từ Pháp sang Anh mà thôi, chứ học sinh có được nói mấy đâu. Nhưng may thay tôi dược trúng tuyển, và vì đỗ đầu nên được cử vào dạy ở Trường Chu Văn An mà tiền thân chính là Trường Bưởi, mẫu hiệu yêu qúy của tôi, nơi tôi mài đũng quần trong bẩy năm, từ 1937 đến 1944.
Mãi về sau tôi nghe tin Giáo sư được cử làm Ðại Sứ của Việt Nam Cộng Hòa tại Paris, và sau khi bị Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cách chức thì Giáo sư quay về dạy học ở miền quê nước Pháp, hàng ngày cưỡi chiếc xe mobylét đi đến trường làng.
Tập truyện cổ tích Việt Nam mà Giáo sư kể bằng thứ Pháp văn trong sáng cổ điển trong cuốn sách phần thưởng của tôi Légendes Des Terres Sereines [Nhà in Taupin tái bản - Hanoi, 1943] thì tôi mang theo sang Mỹ mùa Thu1948 khi tôi được học bổng của Viện Giáo Dục Quốc Tế tại New York giới thiệu cho tôi theo học tại Union College. Lưu lạc tại thành phố Schenectady thuộc tiểu bang New York từ 1948 đến 1950, năm đầu được ăn ở miễn phí trong Hữu Xã Delta Upsilon Fraternity, những lúc nhớ nhà, tôi thường đem sách ra đọc và thưởng thức ''văn Tây'' của ông Thạc sĩ, không hoa mĩ như văn Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường (là thầy giáo Pháp văn của tôi ở hai lớp Ðệ tam và Ðệ nhị bên bờ Hồ Tây), nhưng ngắn gọn và sáng sủa vô cùng.
Vị Giáo sư mà tôi ngưỡng mộ bao năm, mãi đến năm 1972 tôi mới có dịp liên lạc và về sau được diện kiến. Chả là Viện Ðại Hoc Nam Illinois (Southern Illinois University, nói tắt là SIU) ở Carbondale, tiểu bang Illinois -- nơi tôi làm giáo sư Ngữ học và Ngoại ngữ Ngoại văn từ 1969 -- có Trung Tâm Việt Học do tôi kiêm nhiệm từ năm 1969 với tư cách Phó Giám Ðốc (Giám Ðốc là Giáo sư H.B.Jcobin) rồi từ năm 1972 với cương vị Giám Ðốc. Trung Tâm đó, Center For Vietnamese Studies (nói tắt là CVS), ngoài những giảng khoa về tiếng Việt, tiếng Lào, tiếng Mên, xã hội học, nhân loại học, kinh tế học,văn hóa Việt Nam v.v... có xuất bản mấy tập chuyên luận về văn hóa Ðông Nam Á tên là Southeast Asia. Số ra mắt tập san này được gửi biếu các học giả khắp thế giới có liên hệ xa gần đến nền học thuật và văn minh Việt Nam ta.
Ngày 17 tháng giêng năm 1972, Giáo sư Phạm Duy Khiêm viết thư từ địa chỉ La Gâte, 72 Évaillé, vùng Sarthe, để cám ơn Trung Tâm. Thư đó có câu : ''Tôi nhận được báo chắc là do sự giới thiệu của ông Nguyễn Ðình Hoà mà em tôi mới gặp gần đây. Có lẽ cũng là do kỉ niệm mà Giáo sư Wesley Fishel đã giữ về những lần ông ta gặp tôi trong Dinh của cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm...''
Bức thư đề ngày 20-5-72 của Giáo sư Phạm cho tôi thấy vị giáo sư này không phải dễ tính :
Bạn,
Tôi bận vì nghèo và phải kiếm ăn, nhưng không phải vì vậy mà chậm giả nhời bạn.
''Tôi đường đột viết trước sợ thất lễ chăng?'' Thế gửi tập san có khác gì? Tôi buồn rằng : chính bạn Nguyễn Khắc Kham từ nhỏ đến giờ bẩm tính như vậy, cử chỉ như vậy.
''Viết trước'' -- Thế nào là trước, là sau? Làm sao tôi biết được bạn (là ai ? ở đâu ? muốn nói gì ?) mà tự tôi viết ''trước'' cho bạn được?
''Khuyên tôi nên liên lạc vân vân...'' Kham nói đùa, hay riễu tôi ? Còn ai lạ gì : tôi không phải là người chuyên môn về tiếng ta.
Trong những bài bạn gửi cho, tôi thấy có nhắc tới tên tôi và quyển ''Văn Phạm'', tôi lại càng buồn. Buồn, đau, khổ : vì... chẳng phải kể hết, nếu bạn đọc cái bài tựa là đủ hiểu... vì nhiều lẽ tôi không chối được, phải để tên trên cuốn sách ấy. Nhưng thật là một việc không phải, tôi đau đớn từ khi sách chưa in ra, cho đến bây giờ, mỗi khi ai nhắc đến.
[Ðó là cuốn Grammaire Annamite (bản tiếng Pháp) của Trần Trọng Kim, Phạm Duy Khiêm & Bùi Kỷ, do Lê Thăng xuất bản tại Hà Nội năm 1943]
''Nhã ý bắt đầu cuộc đối thoại'', thật là không phải thế.
Bao giờ gặp nhau (bạn có dịp sang Pháp chứ ?), tôi sẽ kể thêm, nối tiếp chuyện bạn nhắc lại : kỳ thi tuyển giáo sư Anh ngữ hồi 1945 cũng là một chuyện buồn.
Nhưng không hoàn toàn buồn, vì đó cũng là một dây liên lạc bạn cùng tôi, may mà bạn kể cho biết.
Mong bạn khang an,
Khiêm.
Trong thư trả lời của tôi, đề ngày 1-6-72, tôi nói tôi ''rất mong có dịp qua Âu Châu để thăm Giáo sư.'' Và tôi gửi biếu Giáo sư Khiêm hai tấm ảnh mầu chụp tại nhà chúng tôi ở thành phố Carbondale tháng 11, 1971, hồi nhạc sĩ Phạm Duy (Cẩn) cùng nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo và Giáo sư Trần Văn Khê được mời qua Viện Ðại Học Nam Illinois diễn tấu và nói chuyện về Âm Nhạc Việt Nam.
Giáo sư Khiêm có nói là ''bận vì công việc để sinh sống'', mãi đến hôm 19-6-1972 mới mở tập san Southeast Asia ra xem qua, ít ra là những trang tiếng Pháp, thì lấy làm lạ là ''sao viết tiếng Pháp kém như vậy, lủng củng, vụng về, lại nhiều chỗ sai lầm !'' Ông thẳng thắn hỏi : ''Ai mang cái trách nhiệm đó ? Bạn cũng là associate director kia mà ? Không có thì giờ đẻ xem và sửa chữa hay sao ? Hay là : độc giả rặt là người Mỹ và biết ít tiếng Pháp ?
Vẫn dùng loại thu phong bì (aérogramme) tốn 1 franc 15, Giáo sư nói : Tôi mong gặp bạn để nói chuyện cũ, chứ không phải để bạn ''thỉnh giáo'' về vấn đề Việt Học vân vân'' : Tôi không nhận trách nhiệm đó.
Giáo sư tâm sự : Xin bạn cho tôi nói thật : tôi nghèo, không hay đi Paris, mỗi bận đi, chỉ ở Paris 24 giờ thôi, cũng phải tiêu một số tiền (vừa xe ca, xe lửa, buồng và ăn) ngang tiền đi chợ một tháng. Vậy xin bạn, nếu có thì giờ, chịu khó ''xuống'' tận nơi tôi ở; có xe hơi, chỉ mất hơn hai giờ, ba giờ là cùng : Évaillé cách Paris hơn 200 km.
Ðầu tháng 9, 1972, tôi viết thư cho Giáo sư báo tin sẽ qua Pháp thăm ông. Ông trả lời : ''Thế nào tôi cũng xuống tận nơi...'' Cái câu quý hoá thay ! Tôi sẽ chờ bạn, hoặc thứ bẩy 9 này, hoặc chủ nhật 10. Ðịnh hôm nào, bạn cho tôi biết trước.
Giáo sư còn cẩn thận dặn tôi có gửi thư thì đề địa chỉ theo cách mới (La Gâte, Évaillé, 72120 St Calais), còn nếu đánh điện tín, thì đề : KHIÊM, LA GATE, EVAILLE, SARTHE cũng đủ.
Giáo sư chỉ đường rất kỹ :
Ði xe hơi từ Paris, phải hai hay ba giờ, tùy ngày và giờ, nhiều hay ít xe và ''embouteillage''. Ðường Chartres, Brou, Mondoubleau, St Calais, Évaillé = làng nhỏ, cách St Calais mười cây, về phía Nam-Tây [ông dịch tiếng Pháp ''Sud-Ouest''].
Ngày 10-9-1972, tôi nhờ một ông bạn Pháp (tên là Gilbert Policard) lái xe riêng cho tôi tới thăm Giáo sư, theo đúng lời chỉ dẫn rõ ràng của Giáo sư : từ Paris. qua Chartres và St Calais, rồi đi 10 km nữa. Giáo sư đã dặn là ông ở xa làng Évaillé và không có điện thoại, nhưng dân làng ấy ''đều biết tôi cả -- nhất là sau khi các báo trong vùng Sarthe và miền Tây nước Pháp đã đăng những bài về tôi.
Phong cảnh dọc đường miền quê nước Pháp nên thơ lắm. Nhà thờ Chartres danh tiếng cũng nguy nga tráng lệ. Theo lời chỉ dẫn, qua làng Évaillé, chung tôi rẽ tay trái, về phía cái hồ nước. Khỏi cái château d'eau đó thì rẽ tay trái, độ vài chục thước, có cái bảng ''La Gâte'' do Giáo sư viết, ở tay mặt. Lái quanh vào cái đường nhỏ ''không nhựa, xe vô được'' đó là biệt thự La Gâte, ở cạnh một cái ao nhỏ, và ''chỗ ấy là hết đường, không nhầm được.'' .
Chúng tôi vui mừng bước vào căn nhà trại ẩm ướt và lạnh lẽo nhưng gọn gàng và sạch sẽ. Giáo sư Khiêm (năm ấy mới 64) tóc hoa râm, dáng người mảnh khảnh trong bộ com-lê mầu xám, rất đẹp lão, vui vẻ đón tiếp ông bạn Pháp và tôi. Chúng tôi trò chuyện rất thoải mái, cởi mở.
Tôi biếu Giáo sư một cuốn từ điển Việt Anh của tôi, một cái ca vát và một chai rượu uýt ki, nhưng Giáo sư nói không uống rượu. Ông kể chuyện phải tự tay khó nhọc sửa chữa căn nhà trại, chứ lúc trước lụp sụp, nền nhà sũng nước, và nội thất không ngăn ngắp như bây giờ. Nói chuyện giờ lâu, Giáo sư nói có bản thảo một cuốn sách về bà cụ thân sinh là cụ Hội Tốn -- như me tôi ngày xưa gọi cụ, mỗi khi được mời đến đánh tổ tôm ở Phố Hàng Dầu (Rue Felloneau). Tôi có đưa ý kiến xin Giáo sư cho tôi đem bản thảo đó sang Mĩ để tôi dịch và lo xuất bản bên đó. Giáo sư vội xua tay : ''Không, sách này phải xuất bản ngay bên Pháp này mới được.''
Vì thì giờ ít ỏi, chúng tôi xin phép mời Giáo sư ra dùng cơm chiều gần đó tại phòng ăn của cái khách sạn độc nhất trong làng ấy. Sau bữa cơm Pháp khá ngon, chúng tôi đưa Giáo sư trở về trại, và hứa hôm sau, qua một đêm tạm trú tại khách sạn kia thì sẽ quay lại nhà Giáo sư trước khi trở về Paris. Khách sạn đó chỉ có vỏn vẹn một phòng, nên tôi với ông bạn Pháp phải ngủ chung giường. Tiếc rằng hôm sau ông bạn Pháp phải trở về Paris sớm để đi làm, thành ra tôi cứ tiếc là không ghé nhà Giáo sư được, tuy rằng Giáo sư muốn nói chuyện thêm với tôi, chứ có ông ''tài xế'' kia (tức bạn tôi) thì Giáo sư không được bằng lòng cho lắm.
Bức thư đề ngày 25-9-1972, Giáo sư viết mở đầu : Bao nhiêu công việc mà còn tìm được thì giờ và tài xế (sic) để tới chốn quê thăm tôi, tôi rất cảm động và cảm tạ bạn. Thật tôi không mong gì, nhưng còn có người nhớ đến mình, lại hiểu biết mình, thế là tôi quá mừng còn mong gì nữa. Nhưng xin bạn nghe tôi : nói thật = tôi không ''sáng tác'' gì nữa, đã lâu năm thôi cả rồi. Sao tôi đã nói, bạn không tin. Mong bạn khoẻ như tôi, yên tĩnh như tôi, và đời còn dài hơn tôi nhiều.
Ngày mồng 6-12-1972, Giáo sư còn trách :
''...The benefit of your comments'' : Ðã nói thật với nhau rồi, sao bạn còn viết những câu xã giao như vậy ? ''comments'' gì ? Trừ ra : buồn và tủi, trông người mà nghĩ đến ta ?
Có câu này tôi chưa nói ra trong thư trước : tối hôm gặp nhau, bạn nói : ''có lẽ hôm sau sẽ tới''. Tôi mong, vì tối hôm ấy, có điều tôi muốn nói nhưng ông tài xế (sic) bắt nói chuyện khác... Tôi mong : ''hôm sau, may ra gặp lần nữa, hơn nữa không có mặt ông tài xế (sic), dễ nói chuyện hơn.'' Nhưng bạn không đến, không đến được. Tôi không trách, Tiếc thôi. Thân và thực, Khiêm.
Thư nào, lời lẽ của Giáo sư cũng có vẻ buồn như thế. Chẳng hạn : tôi rất cám ơn bạn thỉnh thoảng nhớ đến tôi. Nhưng nói thật : mỗi bận lại thêm tủi. Em tôi (Phạm Duy) ''think my duty is to harmonize the society, to normalize the people'' v.v... ''He survives to...'' v.v... But I survive to nothing ! (thư ngày 21-4-73).
Qua năm 1973, tôi lại có dịp sang Pháp vào mùa hè, tôi viết thư cho Giáo sư nói rằng khi nào tôi tới nơi (Paris) tôi sẽ gọi điện thoại lại nhà ngay. Giáo sư trả lời : Có việc gì cần như vậy ? Tôi rất ít khi đi Paris. Nhưng có thể đi được : tuy nghèo nhưng cũng có thể bỏ tiền ra mua vé xe ca và xe lửa được, rồi tìm chỗ ngủ một đêm... Nhà tôi không có điện thoại. Có gì phải điện tín. Em tôi có gửi cho sách Dân Nhạc. Cũng như những công việc của bạn : tôi nhìn mà buồn, và tủi : thân mình vô dụng ! (thư ngày 2-7-73). Lần đó, Giáo sư còn nói : nhờ giời vẫn được mạnh, tuy vừa ngã (một lần vì chạy, một lần ngã xe mobylette) nhưng đều chóng khỏi cả.
Trong bức thư chót của Giáo sư Khiêm mà tôi lưu giữ trong văn khố riêng, ngày 17-1-74, ông nói là đã biết việc Phạm Duy xây nhà ở Phú Nhuận, nhưng mắt chưa được trông thấy và khi nhận được ảnh tôi chụp nhân chuyến về thăm VN cuối 1973 thì Giáo sư mới rõ.
Thời gian viết thư cho anh Kkiêm
Câu kết làm tôi rất bùi ngùi : Thật tình tôi ân cần nhắc bạn : bận sau có dịp đi qua Âu Châu và Pháp, thế nào cũng dành thì giờ tới thăm tôi, nói chuyện một lần : vì lần trước không nói được. Tôi vẫn ân hận không có dịp nào trước khi Giáo sư qua đời.
Vào thế hệ tôi, hầu như ai cũng thán phục phong cách Phạm Duy Khiêm biểu lộ qua hai tập sách truyện cổ tích Légendes Des Terres Sereines và La Jeune Femme de Nam Xuong. Nhân viên Toà Ðại Sứ tại Paris thì hay kể truyện rằng công văn từ Bộ Ngoại Giao cũng bị ông Ðại Sứ gạch lỗi văn phạm bút chì xanh đỏ. Anh Trương Bửu Khánh còn kể chuyện là cuối tuần, nhiều khi ông Ðại Sứ cao hứng gọi mấy ông cố vấn và tham vụ ngoại giao trẻ đến tư dinh để nghe vị trưởng sở bình văn của mình.
Thật ra Việt văn của Giáo sư cũng nghiêm túc như Pháp văn, mà cũng biểu lộ tình người nơi ông, ''thân và thực'' như trong những bức thư dẫn trên kia, khiến tôi vô cùng qúy mến. Tôi đặc biệt chú ý đến cách chấm câu, xuống dòng, lại thường hay dùng hai dấu chấm ( : ) và dấu bằng ( = ), thật là văn viết của ngài thạc sĩ ngữ pháp.
Cô F. thì thích học tiếng Việt Nam, nói là có viết thư cho tiệm sách bên Paris hỏi mua cuốn Légendes Des Terres Sereines, nhưng nhà sách trả lời là cuốn đó đã tuyệt bản. Vì thế Giáo sư Phạm Duy Khiêm đã phải cho cô mượn bản sách độc nhất mà ông còn giữ, rồi cả những cuốn khác như Nam Et Sylvie (thuật lại truyện tình giữa một sinh viên viên du học tên Nam và một cô đầm Pháp). Cô kể là Giáo sư đã dạy cô cái tĩnh từ tiếng Việt là ''khó tính'' và kể cho cô nghe nhiều chuyện về các cô tiên tha thướt dịu dàng.
''Tuổi tác chúng tôi chênh lệch gần bốn mươi năm : cuộc đời thật độc ác.'' Cô nói.
Mãi về sau tôi mới biết ông là một đại giáo sư và đã phục vụ xứ sở của ông. Nhưng tôi cứ suy nghĩ một mình trong thâm tâm đến sự lẻ loi của một người đã bước cao trên thang danh vọng. Tôi đã tình nguyện bất cứ trường hợp nào cũng trung thành với ông. Một hôm Giáo sư đã đề nghị cùng tôi chung một mái nhà. Nhưng gia đình tôi không chịu, sợ mất thể diện và cũng vì lý do tài chính nữa. Tôi đã bỏ nhà ra đi ba lần để bắt buộc gia đình phải quyết định. Tôi nghĩ Giáo sư đã chờ đợi. Tôi đã xin ông đùng chờ như thế, và nhất quyết không bao giờ phản bội lời hứa từ đáy lòng của tôi. Sự chênh lệch tuổi tác làm tôi run sợ. Tôi nghĩ đến căn trại lẻ loi... Giáo sư sẽ không bao giờ cho phép một người đàn bà -- từ xa hay ở gần -- làm cho các bạn gái cũ của ông phải xa lánh.
Ông trung thành chưa bao giờ bỏ rơi họ cả, và họ cũng thỉnh thoảng tới thăm ông. Nhưng không cô nào ở lại trại vì họ không kiên nhẫn để tiến đến hôn nhan, Mùa hè này cũng thế, sau vụ thảm kịch, tôi đã viết thư cho từng bà -- ai cũng hơn tuổi tôi nhiều -- tôi không hổ thẹn, cũng không ghen tuông... Ông Khiêm là người thủy chung, chắc không thích cho các bà ấy bị bỏ rơi. những mỗi bà hình như đều có cuộc sống riêng của mình và hầu như họ đã quên cả rồi...
Ðôi khi thư Giáo sư kể lại những kỉ niệm về cụ thân sinh, về thời thơ ấu, và lúc nào cũng nói tới quê hương. Một hôm ông nói đến chuyện các cụ bà thế hệ song thân thời ấy hay tự trầm mình xuống Hồ Gươm ở Hà Nội. Tôi đã run lên, tôi có cảm tưởng ông không thiết sống. Tôi đã sợ. Tôi đã kính cẩn van xin ông giữ gìn sức khoẻ ''phòng khi tổ quốc kêu gọi đến ông''. Tự đáy lòng, tôi không chắc là Saigon sẽ đòi hỏi cái gì, nhưng tôi chỉ muốn xua đuổi ý nghĩ sống không mục đích...
Mỗi tuần, ông giáo sư viết cho tôi một bức thư phong bì, trong vài hàng chữ ông kể cuộc sống từng ngày một. Tôi cho phép tôi viết mỗi ngày hai lần để trả lời. Có khi là chuyện bạn bè tới thăm. ''Xứng và các con đến thăm... Hoà đã đến chơi anh khiến anh vui thích lắm... Em anh, nhạc sĩ, cũng có đến.'' Ông giáo sư kể chuyện từng người. Anh có một tấm ảnh nhỏ ông Xứng và các con, một bức ảnh khác : ''Ðố em biết người nào là nhạc sĩ em anh, người nào là Hoà ? Em nhớ trả lỡi trong thư tới nhé !'' Ðó là những tia ánh nắng, nhưng thường là những câu nhớ nhà, nhớ quê hương, than vãn về thực tế phũ phàng :''Em thấy chưa ? Pompidou thế nào ? Senghor thế nào ? Còn đời anh thế nào ?'' Tuy nhiên, theo tôi ông Khiêm vẫn là người lớn hơn hết, như những nhà vua hay chữ, thời xưa, trong lịch sử nước ông...
Tôi thường có một giấc mộng lớn : là Giáo Sư Khiêm sẽ trở Việt Nam, quê hương muôn thuở của ông. Tại Pháp ông không phải là người ngoại quốc, nhưng bên Âu Châu người ta lạnh nhạt quá, không có chút tình thương nào, không có chút tình người nào. Chứ ở Việt Nam thì mặc dầu có khó khăn nhưng không ai lại dám đụng tới bậc trưởng thượng...
Tôi vụng trộm hết sức tìm cách học tiếng Việt và nghĩ đến tương lai, có thể làm việc tại Việt Nam mà không ăn bám vào ai. Tôi không thuộc một danh gia, tôi cũng chỉ là người nước ngoài và tôi lại có chồng. Tôi không thể hi vọng có dịa vị tốt trong xã hội ở gần giáo sư của tôi.Nhưng như thế tôi cũng sẽ đủ sung sướng nếu thấy ông mạnh khoẻ. Tôi đã chấp nhận từ lâu rằng nhỡ có chuyện không hay thì người ta, nhất là các bà kia, sẽ dành cho tôi sự khinh bỉ người ta vẫn dành cho vợ lẽ, nàng hầu.
Hai năm nay, người ta càng ít đến thăm nhà trại. Trong hai tháng đình công bưu điện, chẳng ai tới cả, không có lá thư nào có thể tới nơi để an ủi ông. Từ Pháp và từ Nhật mỗi người vẫn tiếp tục viết thư để nhét vào thùng thư, song cuộc bất công kia đã đánh cấp mất những ngày tháng cuối cùng của một đời sống.
Nhờ nhạc sĩ Phạm Duy cho tôi biết chi tiết về cái chết của Giáo sư Khiêm, rồi tôi thông báo cho cô F. thì cô mới rõ, chứ trước ngày 26-2-75, cô hoang mang, vì người thì đồn ''ông mất trên giường tại nhà ở Montreuil-le-Henri'' người thì nói là ''ông tự trầm mình tại Evaillé .''
Mãi tới khi đọc về những chi tiết do ông Phạm Duy cung cấp, tôi mới rõ và thấy hiện ra trước mắt tôi những hình ảnh dữ dội kia -- và tính hiên ngang, sự lẻ loi tuyệt đối của một con người sắp ra đi vĩnh viễn và đơn độc, và đợi chờ cái chết !
Cô F. viết : Ðầu mùa hạ, ông giáo sư còn viết : ''Dù anh có lấy vợ chăng nữa, anh vẫn biết là em sẽ sang đây. Có lẽ sau khi anh chết. Nhưng thế nào em sẽ tới, anh nói với các bạn anh như thế.'' Khi được tin dữ, tôi chưa tin hẳn, và nghĩ có thể ông bị ám sát chăng : vì đã hai lần ông bị hành hung ở Évaillé và sau đó đã phải mua một khẩu súng ca-ra-bin. Bây giờ thì tôi sẽ hối tiếc trọn đời, mỗi ngày trong đời tôi, thấy ông Khiêm độc hành lần chót trên con đường vào hư vô.
Tại Nhật, người ta đã đinh ninh tôi sẽ tự sát. Cho đến phút chót, ông giáo sư vẫn tin là tôi sẽ qua thăm căn nhà của ông. Tôi nay ôm chặt những cuốn sách Việt văn, và tôi tin là phải trung thành, ít nhất sống tới ngày lời hứa của tôi thành hiện thực, chứ không chịu để cho định mệnh vùi dập. Có lần giáo sư đã dạy tôi : ''Tổ tiên, các vị đã khuất núi, ta có giỗ tết hay khóc thương các vị ấy cũng chẳng ích gì cả. Tốt hơn là hằng ngày phải sống sao cho các vị đó hài lòng và hãnh diện về ta.'' Ông giáo sư rất nghiêm khắc, nhưng bây giờ tôi thấy rằng ông luôn luôn có lý, nhất là về tất cả cái gì ông đã để lại cho chúng ta, từ tấm lòng hiền dịu nhân từ của ông...
Cô F. nói là bên Nhật, cô hay đi chùa, mượn sách của các nhà sư, và tha hồ học tập cho thêm can đảm, vì ''vườn cây thanh tịnh quanh mái chùa làm dịu bớt khổ đau của con tim người ta.'' Cô hẹn tới muà Thu 1975, có sang Ðài Loan và Nhật Bản theo chương trình văn hoá thì nhớ ghé Kyoto, nơi cố đô cổ kính để cô tỏ bầy thêm nỗi lòng của cô đối với thần tượng đã quá cố của cô. Mối tình trong trắng và lòng kính phục của cô đối với Giáo sư Phạm Duy Khiêm được giãi bày qua nhiều bức thư máy bay mà cô viết cho tôi về mối tình lãng mạn ''viễn liên'' vượt trùng dương của hai người. Tôi cho rằng mối tình ''quốc tế'' đó tuyệt đẹp, đẹp như hoa anh đào vào ngày thịnh khai trên đất Phù Tang, như lâm viên Nara mùa Thu đầy hươu sao và nai vàng, như bữa cơm sukiyaki và tempura mà cô thết tôi hôm đó tại cựu đô diễm lệ của nước Nhật. Tôi khó quên hình ảnh thơ mộng biết bao khi một cô gái da trắng mặc kimono, che dù ra tận ga xe lửa Kyoto tiễn tồi, đứng tần ngần chờ cho chuyến tàu tốc hành chuyển bánh trở về Tokyo, còn tôi cũng bâng khuâng thấy dần dần khuất bóng người đẹp hai dòng máu Pháp-Nhật. Thịnh tình đó, tôi phải cám ơn không những riêng cô, mà tôi mang ơn sâu đậm hơn nữa đối với vị giáo sư khả kính Phạm Duy Khiêm, học vấn uyên bác, tính tình cương trực một cách nhất quán -- và theo lời ông, chỉ ''phải cái tội : nói thật, không nể ai, từ Âu tới Mỹ, qua Nga qua Tầu, cho đến tướng Việt...'' [Trong một bài nhận định của ông ngày 17-12-1972 về cuộc hoà đàm Paris : Hanoi et Washington ou farces-attrapes mortelles nghĩa là Hà Nội và Oa-sinh-tần hay là những trò diễu cợt chết người.]
Tuy không được trục tiếp thụ giáo Thầy Khiêm, nhưng tôi đã có hân hạnh và diễn phúc được Thầy cho coi tấm guơng một kẻ sĩ Việt Nam đặc thù -- được đào tạo về văn minh La-Hy của phương Tây nhưng vẫn giữ cốt cách và bản lĩnh của bậc quân tử trời Ðông.
Nguyễn Đình Hòa