Phạm Duy Khiêm 1908-1974
- Details
- Written by Thụy Khuê
- Hits: 2853
5/12/2003
Trong số rất ít nhà văn gốc Việt viết tiếng Pháp, hai khuôn mặt nổi trội: Phạm Duy Khiêm và Nguyễn Tiến Lãng. Cả hai đều sinh trưởng trong những năm đầu thế kỷ XX và đã sống qua hai giai đoạn lịch sử: thời nước Việt còn bị trị, mang tên An Nam, xuất phát từ An Nam đô hộ phủ, do vua Cao Tông nhà Đường đặt cho nước ta từ năm 679 dưới ách đô hộ của nhà Đường. Người Pháp dùng lại tên An Nam là muốn xác định dấu ấn nô lệ trên cái tên nước, đồng thời họ gọi người Việt là annamite, một cách hạ thấp nhân phẩm kẻ bị trị thêm một lần nữa. Giai đoạn thứ nhì, nước Việt độc lập, lấy lại tên cũ Việt Nam do vua Gia Long đặt sau khi thống nhất đất nước. Và người Việt trong tiếng Pháp trở thành vietnamien, một danh từ bình đẳng hơn. Với chữ vietnamien, dân Việt mất dấu ấn đô hộ, trở thành một dân tộc bình thường như tất cả các dân tộc khác. Tựu trung, hai thời kỳ lịch sử có thể tóm gọn lại trong hai chữ: An Nam - Việt Nam, annamite và vietnamien.
Phạm Duy Khiêm và Nguyễn Tiến Lãng đã sống và viết ở hai thời điểm lịch sử đó. Cả hai đều viết tiếng Pháp và trong tiếng Pháp, sự thay đổi từ annamite sang vietnamien phản ảnh sâu xa những nét khác biệt xã hội, chính trị của cùng một đất nước, xuyên qua ngôn từ. Cả hai tác giả đều thấm nhuần văn hóa Đông Tây, đều bị sâu xé giữa sự hòa hợp văn hóa Pháp Việt và mối chia rẽ hận thù chính trị của hai nước. Cả hai đều đã bị hiểu lầm, đều bị đả kích hoặc thán phục. Nhưng tác phẩm của hai nhà văn tài ba này, đã cho chúng ta biết khá rõ, trước hết về hai con người cô đơn và bí mật, có những đau khổ khác nhau, mà qua tác phẩm, họ đã khắc tạc những đau thương chung của dân tộc bị trị. Họ đã dùng ngôn ngữ của kẻ thống trị để quảng bá văn hóa nước mình, và nói lên bi kịch của người Việt, không chỉ để cho người Việt đọc mà cho những người trên thế giới, biết tiếng Pháp, cùng đọc, cùng hiểu. Cả hai tác giả đều hầu như không được độc giả Việt Nam biết đến, vì nhiều lý do: Trước hết vì họ viết tiếng Pháp và sau nữa họ bị coi như những người thân Pháp, làm việc với Pháp. Nhiều thành phần người Việt, phần lớn không đọc tác phẩm của họ, coi họ là "tay sai" của Pháp. Đó là những hiểu lầm trầm trọng mà khi khảo sát tác phẩm của họ, người ta sẽ thấy tất cả những thiển cận của lập luận buộc tội này. Trên đường tìm hiểu những nhà văn mà cuộc đời đã gắn bó với chính trị và đã bị hiểu lầm, bị đánh giá sai lạc như Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Tiến Lãng, Hồ Hữu Tường... chúng tôi muốn đi lại vết cũ, để tìm hiểu chí hướng, tâm sự và lòng yêu nước của họ qua tác phẩm văn học. Sự trở về này cũng sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn công bằng hơn và nhận định đúng mức những đóng góp quan trọng của họ về mặt văn chương cũng như tư tưởng cho văn học thế kỷ XX, đồng thời tìm hiểu xã hội Việt Nam ở buổi giao thời mà nước Việt, từ cái tên An Nam mang dấu ấn thuộc địa, trở lại tên cũ Việt Nam của thời tự chủ.
*
Khảo sát Phạm Duy Khiêm, điểm đầu tiên khiến người đọc sững sờ, kinh ngạc, khâm phục và cực kỳ thương cảm là cái chết của ông: cái chết như mở đầu và chấm dứt cùng một lúc, cái chết như muốn khép lại vòng tròn bí mật xung quanh Phạm Duy Khiêm, con người. Một đêm đông, tự vặn khí đốt trong bếp, ngộp thở, ông bỏ ra sân, đi thẳng xuống ao nhà và không trở lại. Cái chết nghệ sĩ nhưng logic. Cái chết thể hiện tự do tuyệt đối của mình mà những nhà văn lớn và có bản lãnh thường hay xử dụng. Dứt khoát, như chữ chung, chữ hết mà người ta đặt ở tận cùng tác phẩm. Phạm Duy Khiêm tự chọn cách kết liễu đời mình, như một chung cục tất yếu của định mệnh mỗi người, nhưng khác người, ông không để cho định mệnh run rủi, ông tự xếp đặt hoạt cảnh của đời mình từ A đến Z, với một sức mạnh, một can đảm phi thường trong cô đơn tuyệt đối của một cá nhân muốn khắc phục định mệnh.
Ít ai biết rõ về con người Phạm Duy Khiêm, kể cả người thân, nhưng chính toàn bộ tác phẩm của ông đã ngỏ cho hậu thế biết nghệ thuật, nhân cách, tư tưởng của ông và đó là niềm an ủi lớn lao nhất mà nhà văn có thể tìm thấy ở bên kia nấm mồ.
Sinh ngày 24 tháng 4 năm 1908 tại Hà Nội, Phạm Duy Khiêm là con trai nhà văn Phạm Duy Tốn. Gia đình gồm năm anh em, ba trai, hai gái. Ông là con trưởng, nhạc sĩ Phạm Duy là con út. Ở giữa là nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng, tác giả bản nhạc Tà áo văn quân và hai người chị gái Phạm Thị Thuận và Phạm Thị Chinh. Gia đình nhà văn Phạm Duy Tốn rất nghèo, ông lại mất sớm vì bệnh lao, năm 43 tuổi, để lại nhiều nợ nần. Lúc đó Phạm Duy Khiêm mới 15 tuổi và Phạm Duy lên ba. Mới học troisième tức lớp 9 bây giờ, Khiêm đã trở thành người "chủ" gia đình, thay cha. Người mẹ tần tảo buôn bán nuôi năm con ăn học và đó là lý do khiến cho sau này bà có chỗ đứng rất cao trong tác phẩm của hai con, bà trở thành biểu tượng: trong nhạc Phạm Duy bà là mẹ Việt Nam, trong văn Phạm Duy Khiêm bà bàng bạc xuyên suốt chiều dầy tác phẩm. Đặc biệt tác phẩm mang tựa đề Ma mère, Mẹ tôi, chưa in (chỉ vì những nhà xuất bản thời đó cho là một chủ đề không mang tính chất thời thượng) nhưng Ma mère đã được Phạm Duy Khiêm nhắc đến với những trìu mến và đắc ý khác thường trong những năm cuối đời.
Trở về với tiểu sử Phạm Duy Khiêm, đang học ở trường Bưởi cha mất. Nhờ sự trợ giúp của một tư nhân, ông tiếp tục việc học ở lycée Albert Sarraut, Hà Nội. Là học sinh xuất sắc, đặc biệt các môn cổ ngữ La tinh và Hy Lạp, Phạm Duy Khiêm cũng là người Việt đầu tiên đỗ tú tài văn chương Pháp (Bac classique). Sau đó ông được học bổng sang Pháp theo học lớp Khâgne tức là dự bị văn chương thi vào các trường lớn tại lycée Louis le Grand. Ba năm sau, ông đỗ vào trường Cao Đẳng Sư Phạm của Pháp (Ecole Normale Supérieure, rue d'Ulm), cùng khóa với nhà văn Thierry Maulnier, Georges Pompidou và Léopold Senghor. Hai người sau này trở thành tổng thống Pháp và tổng thống Sénégal.
Năm 1935 Phạm Duy Khiêm đỗ thạc sĩ ngữ pháp (agrégation de grammaire) và là người Việt đầu tiên đỗ bằng thạc sĩ của Pháp. Về nước, ông làm giáo sư tại trường Bưởi, rồi trường Albert Sarraut, Hà Nội. Đại chiến thứ hai bùng nổ, ông tự nguyện đầu quân chống Đức, từ tháng 9 năm 1939 đến tháng 6 năm 1940, giải ngũ vì Pétain nghị hòa với Đức, giải tán quân đội. Phạm Duy Khiêm trở về Việt Nam, tiếp tục dạy học, viết văn và làm báo.
Năm 1950, thân mẫu từ trần. Ít lâu sau ông rời đất Việt, sang sống tại Pháp.
Sau hiệp định Genève, tháng 7 năm 1954, Phạm Duy Khiêm nhận chức Bộ trưởng đặc nhiệm tại Phủ thủ tướng trong chính phủ Ngô Đình Diệm trong vòng 5 tháng, rồi liên tiếp giữ những chức vụ Cao ủy và Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Paris đến hết năm 1957. Vì bất đồng ý kiến với ông Diệm, không thể giữ chức Đại sứ, ông cũng từ luôn chức Đại biểu Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hiệp Quốc, và từ đây Phạm Duy Khiêm bỏ hẳn chính trị, cũng không nhận chức giáo sư mà chính phủ Pháp bổ nhiệm vì ông không muốn làm công chức cho Pháp.
Ngày 5 tháng 11 năm 1957, ông nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Toulouse, và từ 1958 trở đi, sống bằng nhiều nghề: diễn thuyết, dạy học tư thục, đọc bản thảo để lựa tác phẩm và sửa morasse cho nhà in, sửa bài và duyệt sách cho Ủy ban xét lại Pháp ngữ, v.v...
Ông tự kết liễu đời mình ngày 2 tháng 12 năm 1974, tại nhà riêng ở nông trại La Hertaudrie, thuộc quận lỵ Montreuil le Henri, vùng Sarthe, cách Paris hơn 200 cây số.
*
Tác phẩm của Phạm Duy Khiêm hầu hết viết bằng tiếng Pháp. Khi chọn tiếng Pháp làm ngôn ngữ văn chương, ông đã có chủ đích muốn truyền bá văn hóa Việt Nam và tạo uy danh cho Việt Nam trên văn đàn thế giới qua một thứ tiếng thông dụng.
Với cuốn Việt Nam văn phạm, Grammaire vietnamien, soạn chung với Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ, do nhà xuất bản Tân Việt in năm 1941, Phạm Duy Khiêm là một học giả, dùng ngữ học để phân tích tiếng mẹ đẻ, nhưng những tác phẩm đến sau xác định Phạm Duy Khiêm như một nhà văn có phong cách độc đáo về văn phong và tư tưởng.
De Hà Nội à La Courtine (Từ Hà Nội đến La Courtine) là một tự truyện viết về thời gian đầu quân chống Đức, ký bút hiệu Nam Kim, do nhà xuất bản Taupin in lần đầu tại Hà Nội năm 1941 (1958, Plon in lại tại Paris, đổi tên thành La place d'un homme -Vị thế một người). Đây là một trong ba tác phẩm chính của Phạm Duy Khiêm. 1942, ông viết tiếp: De Courtine à Vichy (Từ Courtine đến Vichy), cuốn này bị cấm xuất bản.
Légendes des terres sereines (Huyền truyện miền thanh lãng), nội dung hòa hợp giữa cổ tích, huyền thoại, giai thoại và thực tế. Tác phẩm được tiếp đón nồng nhiệt ngay từ lúc ra đời, đoạt giải Văn chương Đông Dương (Prix littéraire de l'Indochine), nhà xuất bản Taupin phải in ba lần trong năm 1943. Tiếp đó ông viết La jeune femme de Nam Xương (Thiếu phụ Nam Xương, Taupin, 1944).
Tác phẩm quan trọng thứ ba là cuốn tiểu thuyết Nam et Sylvie (Nam và Sylvie) cũng là một tự truyện (Plon, 1957, Paris), đoạt giải Louis Berthou của Hàn Lâm Viện Pháp.
Cuối cùng phải kể đến cuốn Ma mère (Mẹ tôi), chưa xuất bản, mặc dù khi giáo sư Nguyễn Đình Hòa từ Mỹ sang Pháp thăm, hai năm trước khi ông mất, đã ngỏ ý muốn đưa bản thảo về Mỹ để dịch sang tiếng Anh và in tại Hoa Kỳ, nhưng Phạm Duy Khiêm muốn nguyên bản Pháp văn phải in tại Pháp trước. Sau khi ông mất, không biết bản thảo lưu lạc nơi nào.
Sau này, theo lời ông Hoàng Văn Châu, em rể, kể lại: Nhiều lần ông đã khuyên anh nên in lại những tác phẩm cũ, Phạm Duy Khiêm gạt đi và cho rằng những gì ông viết đã lỗi thời rồi. Vì vậy, ngày nay muốn tìm đọc Phạm Duy Khiêm không dễ. Trừ cuốn Légendes des terres sereines (Huyền truyện miền thanh lãng) được nhà Philippe Piquier tái bản năm 1997 dưới dạng sách bỏ túi, các tác phẩm khác mà chúng tôi có được là nhờ bản đánh máy lại của nhạc sĩ Phạm Duy. Cho nên vấn đề in lại nguyên tác hoặc dịch ra tiếng Việt, những tác phẩm của Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Tiến Lãng, là một nhu cầu cần thiết cho độc giả Việt Nam hôm nay.
*
Vị thế một người - La place d'un homme
Phạm Duy Khiêm là một nhân tài mà định mệnh, nhân cách và văn chương gắn bó mật thiết với nhau: suốt đời cô đơn và bị hiểu lầm nhưng ông vẫn mặc nhiên hành động theo những suy nghĩ, lựa chọn của riêng mình, bất chấp dư luận thán phục hay phản đối. Đối với gia đình, ông là người anh cả lạnh lùng và nghiêm khắc. Nhạc sĩ Phạm Duy nhớ lại trong Hồi ký: "Lúc còn bé, nếu tôi nhớ không lầm, tôi chỉ được đùa chơi với anh Khiêm có hai lần..." Và khi người anh thực thụ thay cha làm chủ gia đình, Phạm Duy nhớ lại hồi 14 tuổi: "Bây giờ sống chung với người anh, tôi không được đánh đàn. Muốn đàn ca phải chờ khi anh ấy vắng nhà. Có lần quá cao hứng nên không đề cao cảnh giác, người anh chợt về, giật cái đàn mandoline vứt xuống đất và thân tặng nhạc sĩ mầm non một trận đòn. Một lần khác, vào mùa hè, tôi đang nằm trên nền nhà đá hoa để hưởng cái mát dịu, anh Khiêm ở đâu về, sồng sộc tới chỗ tôi nằm, nắm cổ lôi dậy, phạt tôi quỳ trước sự ngạc nhiên của mẹ tôi: Ai cho mày nằm dưới đất? Quỳ xuống đó!" (Hồi ký Phạm Duy, Thời thơ ấu - Vào đời, trang 129)
Trong gia đình, nghiêm khắc với các em, ngoài học đường nổi tiếng là người thầy khe khắt. Với những học trò dốt, ông không ngần ngại cho điểm âm. Học trò Việt oán vì thầy không nâng đỡ người Việt. Học trò Pháp căm giận vì bị một người thầy bản xứ (indigène) dám cả gan xỉ nhục mình, xỉ nhục các cô chiêu, cậu ấm, Tây con.
Nhưng hành động lạ lùng nhất của Phạm Duy Khiêm là khi thế chiến thứ hai bùng nổ, ông là người bản xứ duy nhất tự nguyện đi lính cho Pháp để đánh Đức. Ít ai hiểu được hành động này. Đối với người Việt cùng thời, ông bị chê là mất gốc, là nịnh Tây; đối với một số người Pháp, ông muốn "trả nợ" mẫu quốc v.v...
Khi tham chính, nhận chức vụ đại sứ, ông hết sức ngay thẳng, liêm chính, từ chối mọi áp lực cửa quyền, vì thế ông không đứng chức Đại sứ của ông Diệm được lâu. Sau này, khi Georges Pompidou lên làm thủ tướng Pháp, ngỏ ý muốn gặp, Phạm Duy Khiêm thẳng thắng trả lời: Rất vui mừng gặp lại bạn học cũ, nhưng đến yết kiến thủ tướng thì không! Khi Léopold Senghor, tổng thống Sénégal, bạn học cũ, một nhà thơ nổi tiếng văn hay chữ tốt, gửi tặng một tập thơ, Phạm Duy Khiêm gửi trả lại với những lời phê, gạch đỏ, của một người thầy.
Phạm Duy Khiêm là một người như thế nào? Ai biết ông rõ nhất? Ngoài một vài người bạn chí thân cùng học Normale thời trước hoặc dăm ba người khác trong giới đại học, vòng độc giả đã đọc và hiểu ông. Câu trả lời, hôm nay, có thể rất hiển nhiên: Tác phẩm của ông phản ảnh sâu xa nhất, rõ ràng nhất, bản chất con người Phạm Duy Khiêm. Đó là một người không chống ai, chỉ chống bất công và áp bức. Coi rẻ tiền tài và quyền lực. Liêm khiết, thẳng thắng, khó với mình và khó với người. Yêu nước và có trách nhiệm với gia đình. Vỏ ngoài cứng rắn bao bọc một nội tâm mềm yếu, vô cùng nhạy cảm và suốt đời cô đơn. Chán đời từ thời còn trẻ, hấp thụ trọn vẹn hai nền văn hóa Đông Tây, rất Khổng Mạnh trong nghĩa chính nhân quân tử, nhưng cũng lại rất Tây phương trong tư tưởng và hành động.
Từ khi còn học trường Cao Đẳng Sư Phạm rue d'Ulm, Phạm Duy Khiêm đã dùng tài năng và uy tín của một sinh viên trường Normale - được coi là những thành phần ưu tú nhất của nước Pháp - để diễn thuyết trong các khuôn viên đại học, hoặc viết báo, một mặt, để phổ biến văn hóa Việt: nói về truyện Kiều, cao dao, cổ tích Việt Nam v.v..., một mặt để trả lời những hành động phỉ báng người Việt (thời ấy người Pháp gọi là "indigène", một cách miệt thị người bản xứ) trong phim ảnh hoặc trong tiểu thuyết.
Đặc biệt trong bài viết tựa đề Homme jaune, femme blanche (Người đàn ông da vàng và người đàn bà da trắng) đăng trên tạp chí Revue Indochine, Paris 1933, Phạm Duy Khiêm đã phê phán nặng nề Christiane Fournier tác giả tiểu thuyết Homme jaune, femme blanche, viết về mối tình giữa cô gái Pháp, Marie Claire và Xuân, thanh niên An Nam theo Cộng Sản, trong đó bà đã mô tả Xuân như một thứ "indigène" hạ tiện và tàn ác; phong tục, xã hội An Nam dã man, thô tục. Dưới con mắt Chistiane Fournier thì l'indigène différent de l'homme, dân bản xứ khác người trong cái nghiã dân bản xứ không phải là người.
Với lối văn hùng biện, châm biếm, mỉa mai, đầy tính thuyết phục, Phạm Duy Khiêm lột trần thái độ thiển cận của tác giả, ông viết: "Khốn thay, Chistiane Fournier nhìn người An Nam, trong tác phẩm của bà, dưới con mắt thuộc địa đầy ác cảm. Dân bản xứ không phải là người ư? Nếu quả thật như vậy thì hắn -tên bản xứ- sẽ chẳng có gì lý thú, đừng đưa hắn vào tiểu thuyết, nhất là đừng cố gắng yêu hắn, bà không yêu nổi đâu! Người bản xứ, nếu đúng như những chữ bà xử dụng là: đời cây cỏ, mô-mi An Nam, tởm lợm, kinh khủng, ánh mắt dữ dằn, luôn luôn nhìn xéo mà không nhìn thẳng... Ồ cô Marie Claire! Cô không biết rằng người An Nam chúng tôi không nhìn thẳng vào mắt cô vì phép lịch sự An Nam không cho phép chúng tôi làm như vậy! Còn về những nét: cười hiểm, mặt mèo, thú tính da vàng, chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa,... nếu cô thấy người An Nam như thế, cô Marie Claire, sao cô có thể yêu họ được?" (Những trích đoạn tác phẩm của Phạm Duy Khiêm trong bài viết này chúng tôi đều chuyển ngữ theo tư liệu đánh máy của nhạc sĩ Phạm Duy).
Phản đối cái nhìn thuộc địa ngay trong lòng nước Pháp, đó là chủ đích của Phạm Duy Khiêm khi ông viết báo hay tham dự những buổi thảo luận, hoặc đối chất tay đôi với các tác giả thuộc địa có ác ý khi viết về người Việt.
Tác phẩm văn học nói lên tâm sự và ý chí, muốn xác định quyền làm người của người dân thuộc địa, đồng thời giải thích hành động đầu quân chống phát-xít Đức của Phạm Duy Khiêm là quyển De Hanoi à la Courtine hay La place d'un homme (Từ Hà Nội đến La Courtine hay Vị thế một người). Tự truyện này được viết dưới dạng những bức thư của một người lính tên là Nam Liên, gửi cho những người quen xa gần ở Pháp và An Nam. Cuốn sách mở đầu bằng những hàng:
"Nam Liên mất tháng 6 năm 1940 trong những trận đánh trên sông Loire, vài ngày sau khi viết xong những hàng chung quyết thư tập này. Ba mươi hai tuổi, giáo sư tại Hà Nội, anh là người bản xứ duy nhất ở Đông Dương đã tự đầu quân sang Pháp vào tháng 9 năm 1939. Tại sao?"
Khai đề bằng cái chết và câu hỏi tại sao Nam Liên làm như thế, và lá thư thứ nhì phảng phất những trả lời của Nam Liên tự đáy mồ:
"Hình như là đúng lúc tôi khám phá ra những chiều kích và giá trị đích thực của mọi sự thì cũng là lúc tôi chấp nhận từ bỏ chúng."
"Mọi sự -les choses" ở đây là gì? Đối với Nam Liên-Phạm Duy Khiêm, có phải là việc "đang làm giáo sư thạc sĩ ở Hà Nội" lại bỏ tất cả để làm lính trơn? Đang sống lại chọn chết. Mà không chết cho một tổ quốc, một vinh dự nào. Ngược lại còn bị hiểu nhầm và kết án. Nhưng tại sao Nam Liên lại không một chút do dự khi anh hành động như thế?
Mấy dòng đầu cuốn sách, dường như đã gói trọn tư tưởng của Phạm Duy Khiêm: muốn từ bỏ những gì đã qua để sống một kinh nghiệm mới, không hành trang, không ràng buộc. Làm thân phận người dân bản xứ, Phạm Duy Khiêm muốn chối bỏ điều kiện sống của người bị trị. Nhưng muốn thoát khỏi thân phận tối tăm đó thì dứt khoát phải xác định mình và không gì hiệu nghiệm hơn là bỏ tất cả học vị, bằng cấp, những hành trang của giai cấp trí thức mà Nam Liên đã thu thập được trong cuộc sống bị trị, để đi từ số không, sống cuộc đời khác, của người tự do:
"Là người bản xứ, anh không bị bắt buộc đi quân dịch, anh không có quyền cầm súng. Nếu là một thanh niên Pháp hay Đức, anh có quyền chờ đợi để chiến đấu, để hy sinh một ngày nào đó. Anh có quyền ngưỡng mộ hình ảnh tổ tiên treo trên tường đã chết vì tổ quốc. Một thanh niên An Nam chỉ có quyền chết bệnh. Đôi mắt anh chỉ có quyền ngắm xã hội này hay xã hội kia, qua những thành quả vật chất, những kiểu mẫu sống đã hoạch định. Nhưng cũng cần nhắc cho anh biết rằng: ngoài tiền bạc, trong cuộc sống còn có sự hy sinh hay từ khước một lý tưởng."
Phạm Duy Khiêm thầm kín nhắc người thanh niên An Nam nhiệm vụ lên đường, lên đường cho một lý tưởng. Ông không kêu gọi đấu tranh võ lực chống Pháp, bởi một lý tưởng như thế, không thể nói lên được, không thể in ra được và cũng chẳng có gì "đặc sắc" cho lắm. Phạm Duy Khiêm không chủ trương một sự phản kháng như vậy. Lý tưởng mà ông muốn đề cập ở đây, là quyền làm người, quyền tự do quyết định, quyền tự do chiến đấu cho một tư tưởng, và tư tưởng đó lại rất khác người. Nó không phải là tư tưởng về tổ quốc, về độc lập, nó là một tư tưởng lớn hơn, rộng hơn. Đó là sự tương trợ giữa người và người.
Người và người ở đây là tình nhân loại giữa người Pháp và người Việt. Tự nguyện đăng lính, Phạm Duy Khiêm đã xác định mình là người Việt Nam, không phải là người An Nam. Vì người An Nam không có quyền chiến đấu cho một lý tưởng. Chỉ có người Việt Nam mới có quyền tự do chọn lựa lý tưởng của mình. Như thế, trong hoàn cảnh một indigène, Phạm Duy Khiêm đã tự vượt mình thoát ra ngoài vòng kiểm soát của chế độ thuộc địa để trở thành người tự do.
Lý tưởng mà ông muốn bảo vệ ở đây là sự tương trợ giữa người và người. Tức là tình người. Nó vượt trên tất cả mọi xô xát hàng ngày giữa người An Nam bị trị và người Pháp bảo hộ. Nó là tình tương trợ giữa một người Pháp bị cháy nhà và một người Việt hàng xóm tới chữa. Chữa mà không đòi hỏi anh sẽ phải trả giá nào cho tôi sau hỏa hoạn. Hành động "chữa lửa" không phải là để "lấy điểm với mẫu quốc", cũng chẳng phải để "đòi hỏi mẫu quốc phải nới tay với dân thuộc địa chúng tôi". Nó cao hơn thế bởi nó vô vụ lợi. Nó chứng minh tình người lúc nào cũng có, kể cả giữa hai quốc gia đang đấu tranh.
Đằng sau lý tưởng "tương trợ giữa người và người" còn có một ý nguyện khác, đó là sự tìm về bản thể của chính mình. Cá nhân thanh niên trí thức Nam Liên, 32 tuổi, giáo sư thạc sĩ, có danh tiếng và uy tín, đã gạt bỏ tất cả hành lý sang một bên để làm lại từ đầu, qua một trường học khó khăn hơn: trường dạy làm người. Trở thành lính trơn, chịu đói, chịu rét, nhận làm những coóc-vê khủng khiếp nhất, chấp nhận những mệnh lệnh vô lý nhất, đến từ những cá nhân có trình độ thấp kém hơn mình rất nhiều. Tất cả đều là tự nguyện. Trong cái trường tự nguyện học làm người ấy, Nam Liên đã tìm thấy hạnh phúc ở tình người, tình đồng đội, ở sự tuân thủ những mệnh lệnh vô lý, ở sự tìm hiểu những con người xoàng xĩnh nhất, ít học nhất, tầm thường nhất, để gắn bó với họ và chấp nhận họ, không phân biệt mầu da, tôn giáo, giai cấp và trình độ. Bên cạnh 14 người Việt khác, sống ở Pháp, có vợ con ở Paris, phải đi quân dịch; chỉ có một mình Nam Liên là người bản xứ, indigène, trong trường lạ kỳ này. Cho nên, anh viết:
"Tôi buồn, thật buồn, cho Pháp và An Nam."
Lời thư giản dị, trong sáng nhưng đầy chất thơ và trĩu nặng tình người:"Bầu trời lá dường như rất xa trong gió. Vỗ về, dịu dàng, chấp nhận. Mềm mại. Thanh tịnh. Tôi thấy đời tôi. Nhớ đến những gì mà vài ba đồng đội kể trong lúc hành quân. Về cái chết mới đây của một sĩ quan trẻ nào đó, tôi liên tưởng đến những gì tương tự hiển nhiên sẽ xẩy đến với mình và sẵn sàng chấp nhận, không chút bối rối."
Tuy không bối rối trước cái chết, nhưng trong suốt cuộc hành trình Nam Liên không gỡ được những băn khoăn khác của tâm tư. Trong một lá thư, anh viết:
"Điều khó khăn nhất không phải là từ bỏ hiện tại hay tương lai mà là đoạn tuyệt với quá khứ. Tôi thoáng nhận ra rằng khi đã chối bỏ tất cả trước khi đi, thì những kỷ niệm rất xa lại trở về, ấn tượng mạnh và rõ nhất là cảm nhận nỗi đau của mẹ."
"Chỉ có niềm nhớ quê và nhớ mẹ xuyên qua đường tôi đi. Làm sao đáp lại tất cả những tiếng gọi. Đứa con hư đang gắng học làm người. Chỉ còn biết hy vọng sẽ được tha thứ."
Với những hình ảnh thơ mộng và dịu dàng như thế, Phạm Duy Khiêm đã dẫn chúng ta vào thế giới tự do, thế giới của tư tưởng, ở đây, tất cả những xấu xa của con người sẽ mờ đi, để chỉ hiển hiện trên đường, những niềm thương, nỗi nhớ và sự tương trợ giữa người và người, người thân nhất như mẹ, như quê hương, và người xa nhất như người Pháp, đất Pháp.
*
Légendes des terres sereines - Huyền truyện miền thanh lãng
Với chủ đích giới thiệu cái hay, cái đẹp trong văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung với thế giới bên ngoài, Phạm Duy Khiêm, trong Légendes des terres sereines - Huyền truyện miền thanh lãng, bằng tiếng Pháp, sáng tác lại ba mươi truyện rút từ cổ tích hoặc các giai thoại văn hóa Việt Nam và Trung Hoa: Trương Chi, Khuất Nguyên, Con gái Ngọc Hoàng, Bóng người và người xa vắng, Quan Âm Thị Kính, Người thợ may và ông quan, Hòn Vọng Phu, Từ Thức, Ngân Hà, Sự tích con muỗi, Tú Uyên, Rùa vàng, Giấc mộng Nam Kha, Mỵ Châu Trọng Thủy, Anh có lý, Cờ tiên, Anh em và bè bạn, Trang Tử khóc vợ, Chử Đồng Tử và Tiên Dung, Hai hộp trà, Nhị Khanh, Cái bình đánh cắp, Rủ nhau cùng chết, Sự tích con dã tràng, Người đầu bếp và con cá, Sự tích Nguyễn Kỳ, Truyện Hứa Do, Đứa con của người chết, Trầu cau, Cơi trầu của bà tôi.
Huyền truyện miền thanh lãng không phải chỉ là những cổ tích hiểu theo nghĩa thông thường, mà Phạm Duy Khiêm dùng cổ tích như cái cớ sáng tạo và truyền bá tư tưởng. Ông viết lại cổ tích với mộ văn phong đầy chất thi ca và hướng về độc giả Tây phương, ông tìm cách giải thích những mấu chốt trong tâm hồn Việt, trong văn hóa Việt, xuyên qua ý nghĩa một huyền thoại. Với bút pháp tế nhị đầy cảm xúc và hình ảnh, Phạm Duy Khiêm dựng nên những mẩu đời, mẩu mộng khác thường, thoát khỏi cách kể truyện cổ tích bình thường, dù cho chúng có bắt đầu bằng hai chữ ngày xưa...
Dưới tựa đề Le cristal d' amour (Tình pha lê hay Thủy thể tình yêu), Phạm Duy Khiêm, sau khi kể chuyện Trương Chi, dịch hai câu thơ:
Nợ tình chưa giả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan
sang tiếng Pháp và giải thích: "Tuyền đài là gì? Là cõi ngoài, là cánh đồng nhật quang lan, là bóng tối của rừng sim bất tử." Rồi ông hướng dẫn người đọc Tây phương tìm hiểu hai chữ nợ tình trong tâm hồn Việt: "Nợ tình ở đây là gì? Người ta có thể nghĩ đến Mỵ Nương nợ Trương Chi, nhưng đối với người An Nam, biểu tượng này còn có một ý nghĩa cao đẹp hơn. Trong niềm tin của người Việt, tình yêu nào cũng là tiền định, sự xum họp nào cũng là hậu quả không thể tránh được của một món nợ tiền kiếp. Cho nên khi hai định mệnh ràng buộc với nhau là họ đã chung nhau tháo gỡ một gánh nặng. Vì thế Mỵ Nương tất nhiên phải gặp anh thuyền chài, mặc những ngăn cách. Khi nàng nghe thấy tiếng hát trên sông, khi chàng ngày đêm tưởng nhớ đến khuôn mặt yêu kiều thoảng thấy, họ phải tìm đến nhau và hai trái tim mù lòa cùng đập theo nhịp điệu định mệnh. Bởi họ không được xum vầy lúc chàng còn sống, món nợ vẫn còn đây, cho nên Trương Chi không thể tan hình biến dạng sau khi chết.
Viên ngọc trong như pha lê mà người ta tìm thấy trong quan tài Trương Chi nhiều năm sau, không chỉ là những tàn dư của một tình yêu phi thường đọng lại sau khi thân xác đã tan, mà đó là con người toàn thể và trọn vẹn, đó là tử hậu hình hài, đó là khuôn mặt của định mệnh dang dở đã kết tinh để đợi chờ."
Đó là những "lời bình" truyện Trương Chi, dưới ngòi bút Phạm Duy Khiêm mà chúng tôi thử phỏng dịch. Lối viết "cổ tích" của ông là như thế, văn chương ông như thế, cho nên, hơn nửa thế kỷ qua, vẫn chưa ai thay thế được Phạm Duy Khiêm trong ngôi vị "đại sứ" cho văn hóa Việt tại nước ngoài.
Sự tích dã tràng có nguồn gốc cổ tích từ chuyện một thanh niên tên Dã Tràng, tình cờ cứu được thần rắn nên vị thần tặng chàng viên ngọc quý, chỉ cần ngậm ngọc vào miệng là nghe được tiếng nói muôn loài. Nhưng vì bất cẩn, Dã Tràng đánh rơi ngọc xuống biển, tiếc quá nên khi chết, chàng trở thành con dã tràng, ngày ngày xe cát lấp biển để tìm ngọc.
Không dừng ở chủ đề chính về những công trình hoang tưởng của con người "dã tràng xe cát biển đông, nhọc mình mà chẳng nên công cán gì", Phạm Duy Khiêm mở thêm một triết lý sống khác:
"Dã Tràng đã sống hạnh phúc như thế giữa nhà vua và vạn vật, từ những sinh vật nhỏ li ti đến những mãnh vật khổng lồ, từ loài có cánh, biết bay, đến loài có chân, biết chạy, biết trèo (...) Ban đầu, nhà vua hết sức chăm chú nghe những lời đàm đạo của vạn vật. Ngài nhận thấy những sinh vật không ngẩn ngơ như người ta tưởng, và con người đã lầm khi khinh bỉ chúng. Khinh bỉ chúng cũng có nghĩa là tự khinh mình, bởi chúng giống người lạ lùng, mỗi chủng loại tạo thành một thế giới riêng với những phi lý, tàn ác, những khổ đau riêng, hệt như xã hội loài người. Vua nghe mãi cũng chán. Để thay đổi không khí, ngài dẫn Dã Tràng đi dạo dọc theo bờ bể. Vua tôi cùng hỏi chuyện đủ loại kình, ngư... Ở đây cũng vậy, những cuộc đàm luận đứng đắn rất hiếm, chẳng mấy chốc nhà vua lại khám phá ra rằng, dân cư dưới nước cũng chẳng khác gì những sinh vật trên cạn, phần lớn chỉ toàn nói xàm, nói xấu để ám hại nhau." (trích dịch truyện Le crabe Dã Tràng)
Le crabe là bức tranh đời mà cuộc sống muôn loài được vẽ bằng hình ảnh, mầu sắc, được hát lên bằng những âm thanh sống động, mà chim muông, mây, cá... đều cất tiếng nói, một đời sống toàn diện trong quan niệm tạo vật huyền đồng, muôn loài như một. Không những Phạm Duy Khiêm đã thể hiện triết lý sâu xa của Lão Trang mà ông còn đưa ra những thực tế phũ phàng khi so sánh người và vật: con người cũng chẳng khác gì con vật, đâu đâu cũng chỉ nói xàm, nói láp, chẳng có đối thoại, luận bàn mà chỉ tìm cách xuyên tạc để hạ bệ và tàn sát lẫn nhau.
Nếu Dã Tràng trình bầy khía cạnh xấu xa trong con người, thì Trầu cau đưa ra những nét đạo đức, nhân ái, đầy tình yêu, lòng chân thành, trung tín của con người trong cuộc sống và sau cuộc sống. Trầu cau viết về sự biến dạng của con người thành cây cỏ. Người đọc có thể liên tưởng tới La métamorphose của Kafka, người biến thành bọ hung, nhưng hai dạng thức biến dạng métamorphose này hoàn toàn khác nhau: Kafka biến hình lúc còn sống, Trầu cau hóa thân sau khi chết. Kafka cho người biến sang vật để thấy người không bằng vật, người ác hơn vật. Phạm Duy Khiêm dùng sự tích trầu cau để vinh thăng cái đạo tình nghĩa: tình anh em, nghĩa chồng vợ, nghĩa tình như một đạo sống đẹp trong văn hóa phương Đông. Trong Trầu cau, tình nghĩa mang màu đỏ thắm của máu, nó không chỉ ở trong người, với người, lúc sống, mà nó len lỏi trong thân trầu, thân cau là những hóa thân của người sau khi chết. Rồi nó lại được hồi sinh, mãi mãi hồi sinh, trong những thế hệ đến sau... khi có ai đó, bỏ miếng trầu, miếng cau vào miệng... nó thắm thiết như dòng máu truyền đời không bao giờ phai lạt.
Trầu cau là phản đề của Dã Tràng. Viết Trầu Cau và Dã Tràng, Phạm Duy Khiêm muốn đem cái thiện, cái ác của con người hòa trong văn hóa, như để chứng minh rằng tinh thần văn hóa mà con người tạo ra hoặc diệt đi cũng chính là thể xác và máu thịt của họ.
Huyền truyện miền thanh lãng kết thúc bằng một đoản văn thật ngắn La boite de bétel de ma grand-mère (Cơi trầu của bà tôi), khơi lại những mất mát của đời người, người bà, với những xót xa thầm lặng không tên tuổi:
"Tôi mất cha từ khi còn học trung học, sự ra đi của cha tôi là một gia hình đối với bà tôi. Bà đã dành hai năm để chết mà sau này tôi mới biết.
Mặc dầu đã tám mươi, bà vẫn còn mạnh; bà thường đi bộ đến thăm mọi người, xích lô thiếu gì mà cũng chẳng đắt lắm nhưng bà không thiết. Từ khi cha tôi mất, bà không đi đâu nữa. Tôi trọ học xa, mỗi khi về thấy bà vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, bà ngồi xổm trên chiếc chõng mà cha tôi đã trút hơi thở cuối cùng, chỗ mà hai năm sau bà cũng theo cha, và có lẽ trước kia ông tôi cũng mất ở đấy, trước khi tôi chào đời...
Cha tôi để lại nhiều nợ nần, và trong những năm tháng dài bệnh tật, bạn bè quen biết dần dần xa lánh. Chỉ còn lại người vú của em trai út tôi, người vú duy nhất đã ở lại không công với gia đình sau khi tất cả những người hầu kẻ hạ khác lần lượt bỏ đi. Vú kể lại rằng: "Tội nghiệp cụ! Hôm qua cụ còn ngồi, chẳng nói chẳng rằng, trước cơi trầu. Tự nhiên cụ nhấc nắp hộp trầu lên, nhìn một lúc, bỗng bỏ xuống rồi oà lên khóc: Trầu đây, mà có ai đến đâu!"
Tôi im lặng không lộ xúc cảm, quay mặt đi. Trong ánh mắt của trái tim rưng lệ, tôi thấy bà đang sửa soạn cơi trầu, cẩn thận xếp từng miếng trầu vừa têm vào những ngăn gỗ sơn mài, cạnh những miếng cau cắt sẵn, bà không quên vài nhát rễ mỏng... Nhưng không ai đến nữa, ngày qua ngày, bà đã nhìn thấy những miếng trầu vô dụng, khô héo, úa vàng tàn tạ...
Tội nghiệp bà, con dâu bà đã giữ lại cơi trầu cũ, nhưng mẹ đâu biết là đối với tôi, nó thiêng liêng thế nào. Bởi vì mẹ không bao giờ đóng cơi trầu lại với tiếng kêu và nỗi đau của bà! Bà ơi! Con hứa với bà là sẽ giữ gìn nó, đó là cái cớ để con tiếp tục kéo dài cuộc sống phi lý trong cõi đời vô vị. Không! Đến hơi thở cuối cùng, con không quên, không có hạnh phúc nào trên đời làm con quên được giây phút bà đã oà khóc một mình bên cạnh cơi trầu."
Với vài dòng ngắn gọn, Phạm Duy Khiêm gói trọn những đớn đau của đời, của mình, của bà trong tim cháu. Bao nhiêu kỷ niệm đã sống lại với những âm thanh, màu sắc, hơi thở, nước mắt còn nóng của ngày xưa, gợi lên những tang thương biến đổi của cả gia đình, kéo theo những lớp sóng phế hưng dồn dập phủ lấp lên phong tục, lên những tinh hoa của cuộc sống bằng những lố lăng, những vô vị, những bạc bẽo mới. Trong sâu thẳm, nhà văn vẫn muốn tìm lại, trở về những nền móng cũ, muốn níu kéo những nét đẹp muôn thuở trong con người của những miền đất mà ông gọi là terres sereines, miền thanh lãng. Tất cả những huyền truyện ông viết lại ở đây, đều có tính cách giao hưởng giữa xưa và nay, giữa cũ và mới, giữa đông và tây, chúng ẩn giấu phần tâm sự tác giả, chúng tiên tri cái chết "khuất nguyên" của tác giả, của những người tài hoa quân tử:"Ta trầm mình xuống dòng nước sông Tương, làm mồi cho cá, còn hơn là nhìn thấy sự trong sạch, không tỳ vết của ta bị vẩn đục bụi đời.", chúng xác định những mong manh của phận người trong giấc mộng "nam kha" và chúng kết tinh những mối tình không trọn vẹn "mỵ châu trọng thủy": "Dòng máu chảy từ thân thể Mỵ Châu, ngấm vào những con trai trên bến, phân tiết nên những hạt ngọc quý. Khi đem rửa chúng trong vịnh mà Trọng Thủy đã trầm mình, những hạt ngọc ngời lên óng ánh." Cho nên Huyền truyện miền thanh lãng không chỉ giới thiệu với thế giới bên ngoài những mẩu truyện kỳ của đất Việt, mà còn nói lên triết lý sống - bằng bút pháp thanh cao, điêu luyện, của một nhà văn tài hoa, về tình yêu, về cái chết - một triết lý mang nặng khổ đau và cát bụi đời người ở những miền thanh lãng.
*
Nam và Sylvie
Nam và Sylvie (Plon, Paris, 1957, giải Louis Barthou của Hàn lâm viện Pháp), là một tự truyện. Phạm Duy Khiêm đã dành mười năm để viết hơn hai ngàn trang nhưng khi in cô đọng lại còn hai trăm trang, cuốn tiểu thuyết phóng tác theo nhật ký của tác giả. Phạm Duy Khiêm có thói quen hàng ngày ghi lại những sự việc xẩy ra, chép cả những đoạn thư của người yêu, người thân, những liên lạc xa gần... vào nhật ký. Nam và Sylvie là những mảnh nhật ký của đời mình mà 20 năm sau Phạm Duy Khiêm nhìn lại, với khoảng cách không gian và thời gian, để sống lại tuổi trẻ, nhận diện bản chất của đam mê, của tình yêu, và những sâu xé bên tình, bên hiếu, giữa người yêu và người mẹ, giữa đất Pháp trọ học và đất Việt quê hương, giữa người Pháp thực dân và người Pháp bản xứ... Tác phẩm trổi nên một niềm tự hào bản thân và tự hào dân tộc như một điệu nhạc thầm trong lòng người thanh niên thuộc thành phần ưu tú nhất của trí thức Pháp mà lại xuất thân từ một dân tộc bị chà đạp, khinh bỉ.
Cuộc đời Phạm Duy Khiêm phản ảnh lộ trình kiêu hãnh ấy, ông muốn vươn lên khỏi địa vị bị trị, nhược tiểu, bằng trí tuệ và tài năng, bằng lòng liêm khiết và can đảm, xác định mình như một người tự do trong vị thế bị tước quyền làm người. Không vào quốc tịch Pháp, mặc dù nhiều bạn Pháp khuyên ông nên nhập tịch để được hưởng những quyền lợi vật chất. Đã vậy ông còn muốn bước qua tất cả những hình thức phù phiếm của danh vị và quyền lực thế tục nói chung: Từ chối chức quyền, từ chối gặp lại bạn cũ có lực quyền, lại còn thành thật tuyên bố với báo chí rằng: "Đối với Pompidou tôi chỉ là bạn đồng học (condisciple) không phải là bạn tri âm (ami)" mặc dù cả Pompidou lẫn Léopold Senghor đều nhắc tới Phạm Duy Khiêm như một "bộ ba chí thân" trong các diễn từ của họ. Nếu đem đối chiếu cách xử thế này với những đoạn Phạm Duy Khiêm viết về những người lính thất học, quen chửi hơn nói... trong La place d'un homme, (Vị thế một người), mới thấy ông xem thường bề ngoài, chức tước là nhường nào. Phạm Duy Khiêm tự đặt mình xuống địa vị thấp nhất của một gã lính trơn indigène để tìm hiểu những con người trần trụi, thô thiển, không có hành trang trí thức, để tìm ra những nét đáng quý của họ trong tinh thần bình đẳng và tương kính lẫn nhau. Nhìn thấy những ánh sáng ấy, qua kinh nghiệm sống khắt khe ấy, Phạm Duy Khiêm đã giải đáp được một nghi vấn sâu xa bằng một câu hỏi khác: "Phải đến đất Pháp tôi mới hiểu được rằng phải chăng, để trở thành thực dân, một người Pháp phải từ bỏ sự sáng suốt và lẽ công bằng hay là khi xuyên qua đại dương, người ta đã thu hẹp chân trời lại?"
Nam và Sylvie là một truyện tình giữa hai sinh viên Pháp- Việt, Sylvie, ban văn chương và Nam, sinh viên Cao đẳng sư phạm, hai thực thể khác biệt nhưng bình đẳng. Phạm Duy Khiêm từ chối quan niệm exotisme (viết về những cái lạ, của lạ)ï trong các mối tình dị chủng: không khai thác khía cạnh khác biệt màu da, khác biệt phong tục và tôn giáo, mà phân tích sự va chạm giữa hai bản chất con người trước áp lực tình yêu. Chuyện hai người, một người đàn ông và một người đàn bà, vậy thôi, hai người đã cởi bỏ những lớp áo ngoài, những nhãn hiệu, đã từ bỏ phụ đề Pháp -Việt, đã dẹp mọi trở ngại văn hoá quốc tịch sang một bên, để sống với tình yêu, nhưng chính bản chất tự do của họ đã chống lại những ràng buộc của tình yêu. Có nhà phê bình Pháp thời đó đã so sánh Nam và Sylvie với Princesse de Clèves của Madame de la Fayette, trong khía cạnh phân lý tâm lý và với một bi kịch của Racine trong tính bi đát.
Nam và Sylvie là một truyện tình đắm đuối, thơ mộng nhưng cũng vô cùng sống động và thực tiễn trong bối cảnh khu la-tinh, trong khuôn viên cư xá đại học, nhà Đông dương, Sorbonne, trường Normale..., Nam và Sylvie có tính phổ quát của những mối tình muôn thuở, gặp nhau, "coup de foudre", yêu nhau, giận hờn,... lại có những nét đau thương, của những bi kịch mỵ châu trọng thủy: Nam học xong sẽ phải về nước, không thể đem Sylvie theo, mà cũng chưa chắc Sylvie đã chấp nhận cuộc sống lạ thung, lạ thổ xứ người.
Mở đầu là cảnh đoạn tuyệt. Trên đường về nước, Nam chờ Sylvie đến tiễn nhưng Sylvie không đến. Nam đợi trong tuyệt vọng. Rồi hơn hai mươi năm sau, khi viết lại những dòng nhật ký tình yêu này, nỗi đau cũ vẫn còn nguyên:
"Không một người nào mà không buồn tủi khi phải giã biệt nơi chốn mà mình đã sống khá lâu, dù chốn đó có là Paris, là nước Pháp, hay một nơi nào khác. Rồi lại phải xa lìa thủa sinh viên, thời trẻ của mình, điều cảm thấy không phải thứ buồn bã mơ hồ, mà là sự sâu xé thầm kín, đòi đoạn.
Ngoài ra, phải sinh ra làm người bản xứ của các thuộc địa, mới hiểu nổi những ám ảnh nặng nề gần như ác mộng, của một kẻ annamite - bây giờ được gọi là vietnamien - dám trở lại với đồng loại mình, thời ấy.
Riêng tôi, tôi đã chuẩn bị từ lâu: Tôi không bao giờ bỏ gia đình và đồng bào tôi. Tôi còn định về sớm hơn nếu không trượt kỳ thi thạc sĩ năm ngoái. Những lý do thông thường không giải thích được nỗi đớn đau cực độ của tôi trong những ngày cuối cùng ở Paris và những bối rối của tôi trong những giờ phút chót, Chính Sylvie, ý nghĩ sẽ mãi mãi mất nàng và sự vắng mặt của nàng trên sân ga, đã làm cho chuyến về này trở nên tàn nhẫn, xé nát diện mạo tôi đến không thể nào vá víu lại được."
Đoạn văn trên đây tiêu biểu cho nồng độ đớn đau, chia cắt trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết, giữa gia đình, xứ xở và người yêu. Giữa Paris và Hà Nội, sự lựa chọn đã rõ ràng nhưng con tim có những đòi hỏi khác. Tác phẩm gồm thâu những đối thoại, độc thoại giữa hai người tình, dưới dạng những lá thư hoặc những lời ghi trong nhật ký, như bức thư Nam viết cho Sylvie:
"Sylvie thân yêu,
Anh viết cho em trên một chiếc băng, xe đạp của anh gác cạnh, dưới cái chái mỏng che mưa.
Hôm nay bưu điện không có thư em, anh đạp xe tới Orangerie, công viên tráng lệ, im lìm, ướt sũng những vũng nước trong. Không một bóng người ngoài vài bác thợ làm vườn đang cắt cỏ.
Những con thiên nga dạo trên hồ, mặt nước phản ánh một ngày xám. Cơn mưa nào giữ anh lại đây? Viết cho em, anh nghe mưa ồn ào trên lá, nhưng chim vẫn hót giống như hôm nọ hai chúng ta ngồi một mình trong rừng... À, mưa bắt đầu thưa dần. Đầu lối, trong ánh sáng xanh, tối, lờ mờ, có bóng dáng một thiếu nữ...
- Là em.
- Dạ, em đây!"
Mơ hay thực? Nam có thấy Sylvie ở đầu đường hay họ đang gặp nhau trong tâm tưởng? Toàn bộ tiểu thuyết thoát ra không khí tri âm, giao hòa giữa hai tâm hồn đồng điệu. Những giận hờn, đoạn tuyệt, nối lại... của họ mong manh treo trên những sợi tơ cảm giác. Những tha thiết, yêu đương không toát ra từ những cử chỉ, lời nói, mà như thể tất cả xẩy ra trong tâm linh: họ đã không hai mà là một: một nửa tâm hồn nọ xung đột với nửa tâm hồn kia, khi Nam than rằng Sylvie không hiểu, cứ tưởng concours thạc sĩ đối với Nam dễ ợt, chẳng học cũng đỗ. Thực ra thì Nam đang tự đối chất với mình: một nửa tính kiêu vì tài của Nam muốn coi kỳ thi concours này là dễ cho nên chàng vẫn dành thì giờ dài rộng đi chơi với người yêu. Nhưng một nửa kia, nửa ham học của Nam, muốn chống lại. Càng tiến sâu vào tình yêu, họ càng thấy sự nghèo nàn của chữ nghĩa. Tiếng nói không thổ lộ hết được những diễn biến xẩy ra trong thân thể, trong đầu óc. Ngôn ngữ không diễn tả được trăm ngàn ngõ quặt của tâm hồn mặc dù họ vẫn phải xuyên qua ngôn ngữ để trò chuyện, để ký thác tâm sự.
Những ai đã từng du học tại Pháp sẽ thấy lại toàn cảnh sinh hoạt một thời, những buổi dạ vũ cuối năm, những sửa soạn triển lãm của sinh viên, những cuộc tranh luận trong cư xá đại học... Tuổi trẻ với những hăng say, những thao thức, suy tư, với những lý tưởng, những thất vọng đầu đời... tất cả đều có mặt trong nhật ký Nam Liên viết đã hôm qua, mà dường như đang còn xuyên suốt hôm nay, cái sinh lực sống ấy, cái mãnh lực tình yêu ấy, để tồn tại.
Người sinh viên già Nam Liên, hai mươi năm sau nhìn lại dĩ vãng 1933, vẫn thấy tim mình tha thiết đập. Và thế hệ hai mươi bây giờ, 2003, nếu đọc Nam và Sylvie, cũng sẽ bắt gặp những sôi động của chính mình, bởi dường như tất cả những gì chân thật nhất, tinh khiết nhất của con người, xưa và nay, chưa hề thay đổi. Những yêu, ghen, hờn, giận vẫn gặp nhau, những đam mê vẫn có chung một tâm sự, một vắn số. Và có lẽ đó là thông điệp tình yêu mà Nam và Sylvie để lại cho đời.
Một buổi dạ vũ cuối năm ở nhà Đông Dương trong cư xá đại học, Nam đang học thi trong phòng trên gác, chẳng muốn dự, nhưng cũng bước xuống tìm vài phút thư dãn, đúng lúc ấy Sylvie bước vào. Trước tiên là sự gặp gỡ của đôi mắt như một tiền duyên và họ đã khiêu vũ đã chuyện trò đến sáng... như tất cả những truyện tình, nhưng ở đây ngòi bút tài hoa và tế nhị đã nói lên tất cả những gì không nói được, nói lên sự bất lực của chữ nghĩa càng khiến người đọc dễ nhập vào tâm hồn Nam và Sylvie. Ai đó, tình cờ dở vài trang nhật ký của Nam, sẽ có cảm tưởng như mình vừa tìm lại một mảnh thời gian, một khúc đời đã mất, với những xúc động như chính mình vừa sống, vừa yêu, vừa trải qua những giây phút ấy.
Tình yêu là gì? Nếu không là hủy thể. Mỗi ngày một bào mòn thể xác và tâm linh qua những lời thư, những cãi nhau, những vô lý, những hòa dịu, xin lỗi, những tình cảm, những nhớ nhung tha thiết? Mỗi ngày phải đổi mới cung cách yêu đương, mỗi ngày phải tìm những giận hờn khác, phải leo thang trong khổ đau và hạnh phúc ngày một lớn hơn, phải đương đầu với những tuyệt vọng sâu xa hơn, phải bào mòn sinh lực nhiều hơn, phải cho, phải nhận nhiều hơn... Càng tiến dần đến đỉnh cao của tình yêu, Nam và Sylvie lại càng kiệt sức, như thể đỉnh cao tuyệt vời mà họ muốn vươn tới cũng là hố thẳm của tàn lụi và tan vỡ. Tình yêu của họ tan vỡ trước khi chia tay, chấm dứt trước khi đoạn tuyệt như thể trong cõi người không có gì sống sót được. Tất cả đều phải chết. Mọi con đường đều dẫn đến cõi chết. Nam và Sylvie là tấm gương phản ánh tất cả những cuộc tình trong một. Mỗi người, đều tìm thấy một mảnh của mình trong một không gian nào đó, thời gian nào đó, đã sống, đã hẹn hò, đã yêu, đã nhớ, đã khóc, đã khổ đau, đã hạnh phúc, đã tuyệt vọng, đã đoạn tuyệt... và khi đã sống hết với tình yêu, thì sẽ không có vấn đề ngăn cách màu da, ngăn cách văn hóa, không có trở ngại ngôn ngữ, không có bất cứ trở ngại nào có thể chia cắt được ngoài sự đứt đoạn đến tự hai người, đến từ bản chất của tình yêu, đến từ sự vắn số của đam mê. Sau đứt đoạn đó, có thể Nam và Sylvie vẫn còn yêu nhau, nhưng sẽ yêu nhau trong một bối cảnh khác, họ đã bước qua "xác chết" của cuộc tình, và nếu họ có gặp lại nhau trong tâm tưởng, thì đó là cuộc tình mới, cuộc tình thứ nhì, cuộc tình sau cái chết.
Thụy Khuê
Paris tháng 5-12 /2003
Nguồn: http://thuykhue.free.fr/stt/p/PDKHIEM0.html