Cảm Nghĩ Ngắn Về Hòa Âm Duy Cường
- Details
- Written by Hiệp Dương (aka Học Trò)
- Hits: 4806
... Những cảm nhận mà bạn đã đọc trong loạt bài Tìm Hiểu Cách Sáng Tác Nhạc Qua Dòng Nhạc Phạm Duy đều dựa trên các bài hòa âm của anh Duy Cường, ngay cả những hợp âm tôi nghe được cũng đều dựa theo nhạc anh do anh re-harmonization lại từ hợp âm gốc do nhạc sĩ Phạm Duy đặt, vốn đã rất cầu kỳ. Tôi đặc biệt thích thú những chỗ intro, solo, hay bridge trong các bài anh soạn, cũng như các hooks và các giai điệu chõi (counter melodies) bằng đàn violon, piano, sáo hay guitar, trong đó ý nhạc thật tràn đầy, có thể làm thành một bài nhạc riêng dễ dàng, nhưng anh chỉ thích làm nhạc hòa âm thôi, có lẽ?
Tôi sẽ lấy một thí dụ cách anh đã hòa âm cho nhạc phẩm Ngày Đó Chúng Mình, được trình bày qua hai giọng hát Khánh Hà-Tuấn Ngọc trong CD Tình Ca Phạm Duy.
Ngày Đó Chúng Mình là một tác phẩm kinh điển về sự đối xứng trong cách soạn lời của nhạc sĩ Phạm Duy. Toàn bộ lời nhạc đầu của bài nhạc viết về cái ngày đó của anh đi vào đời em, em đi vào đời anh, tình yêu quá đẹp khi đôi môi, đôi môi đã quyết trói đời người, khi những cánh tay đan vòng tình ái, mơ được cùng nhau trọn đời. Ngày đó là những ngày tình vươn vai lên khơi, tới chín tầng mây khói. Nhưng cái tài tình là cũng với giai điệu thiết tha trìu mến đó, sang lời hai nó trở nên u hoài và đầy nuối tiếc. Đôi môi giờ đây đã xé nát nụ cười, cùng những cánh tay đã ngỡ ngàng tả tơi, chỉ còn bơ vơ lạc về trời. Giờ đây, tìm trên mây xa khơi, chỉ còn thấy áo dài khăn cưới. Như vậy, lời nhạc ở phần hai tương phản rất rõ rệt so với phần đầu. Vậy, nhạc sĩ Duy Cường đã làm những gì để mô tả những sắc thái tình cảm đó?
Đầu tiên, anh cho một đoạn dạo dương cầm thật nhẹ nhàng, đơn sơ như ngày đầu mới yêu nhau, rồi tiếng hát Tuấn Ngọc bắt đầu cất lên. Kế tiếp, khi Khánh Hà bắt đầu hát thì ban nhạc đã có đủ mọi nhạc cụ hòa tấu. Sau đó nhạc lại êm dịu, không dùng trống, rồi nhạc lại đầy đặn lại với tiếng hát tâm sự của Tuấn Ngọc để phát triển hết các tinh hoa của lời nhạc. Rồi phần nhạc dạo dùng để chuyển tiếp sang phần hai là một phát triển của giàn vĩ cầm của câu:
Nhưng thay vì chơi tiếp nửa sau của điệp khúc, anh đi thẳng thêm hai nốt cao hơn là Do Re để chuyển về chủ âm D trưởng, tạo một cảm giác hơi hụt hẫng ở người nghe, vì nhạc đã vội chuyển về bậc I khi mới ở giữa chừng. Nó là điềm báo trước cho những gì sẽ xảy ra của lời nhạc “ngày đó có em ra khỏi đời rồi” của phần sau! Bài này tôi nghe rất nhiều lần trong suốt bao năm qua, nhưng nay để tâm phân tích, tôi mới thấy những chi tiết tuy nhỏ nhặt (subtle) như vậy nhưng tạo một cảm giác rất trung thực với những gì lời ca diễn tả. Hai tiếng hát nam và nữ hát bè, hòa quyện với nhau lần đầu cũng như lần cuối trong hai câu sau cùng của nhạc phẩm, như một hợp nhất sau cùng trước giờ chia phôi: Ngày đó có kêu lên gọi hồn người, trùng dương ơi có sót sa cũng hoài mà thôi …
Các bạn có thể vào trang http://www.duycuong.com để xem thêm các CD anh đã làm phần hòa âm trong suốt 30 năm qua ở hải ngoại và trong nước.
Hiệp Dương (aka Học Trò)
(Trích từ ebook Tìm Hiểu Cách Sáng Tác Nhạc Qua Dòng Nhạc Phạm Duy)
5/2009