Con Ðường Cái Quan: Nhạc Giao Hòa
- Details
- Written by Lưu Kim Chi
- Hits: 3633
Nhạc sĩ Phạm Duy đã tâm sự với một cử tọa trên trăm người đến nghe nhạc hòa tấu Con Ðường Cái Quan do ông và con trai là Phạm Duy Cường hòa âm và thực hiện vào lúc 7 giờ 30 tối thứ Bảy, 12 tháng Mười, 1991 tại phòng Sinh Hoạt Thế Kỷ, rằng: Trường Ca Con Ðường Cái Quan ra đời năm đó đã là thái độ chống đối sự chia cắt đất nước sau Hiệp Ðịnh Genève, thì hôm nay, mùa Thu năm 1991, sự tái sinh của Trường ca này một hoài bão của người nhạc sĩ họ Phạm trong nỗ lực thống nhất lòng người. Bối cảnh chính trị quốc tế với sự sụp đổ của bức tường ô nhục Bá Linh năm 1990 và gần đây nhất, cuộc chính biến xảy ra ở Nga Xô, đã là những động lực thúc đẩy ông trong việc tái phát hành Trường ca này. Theo ông, Trường ca Con Ðường Cái Quan là cuộc hành trình của một người lữ khách trên con đường xuyên Việt, đi vào quê hương đi trong lịch sử và lòng dân, và đã nối liền được lòng người và đất nước.
Cuộc Hành Trình Xuyên Việt
Trường ca Con Ðường Cái Quan gồm có ba phần: Phần thứ nhất: Từ Miền Bắc; mang tính cách hào hùng của miền Quê Cha Ðất Tổ. Phần thứ nhì: Qua Miền Trung, với tình yêu chứa chan niềm xót xa. Phần thứ ba: Vào Miền Nam, tỏ sự vui mừng của con người đã hoàn thành nướcViệt. Cũng theo nhạc sĩ Phạm Duy, trước đây tác giả bị hạn chế lời ca nên không diễn tả được sự hối hả hay sự cô đơn của người lữ khách xuyên Việt, hoặc không phô bày được cảnh trí hai bên con đường thiên lý như cảnh đập lúa giã gạo, cảnh nhà sàn bên đường v.v..., thì con trai Duy Cường dùng nhạc thuần túy để diễn tả tâm tình của người lữ khách qua bước chân xuyên Việt, cùng gây ấn tượng cho người nghe về âm sắc và màu sắc của xứ sở qua sự khác biệt phong phú của ba miền.
Nhạc sĩ Phạm Duy khẳng định rằng ông đã dùng một số quy luật thống nhất cho người lữ khách xuyên Việt trong trường ca này. Các quy luật đó như sau: Về không gian: ba miền Bắc, Trung và Nam. Về thời gian: chỉ có 3 ngày, 3 đêm, ra đi từ sáng sớm tinh mơ cho đến khi trăng lên. Về phương tiện: người lữ khách đi bằng chân, với những bước chân khi hối hả, khi thong thả..Và bây giờ, nhạc sĩ Phạm Duy, với sự trợ giúp đắc lực của con trai Duy Cường mời chúng ta lên đường, theo dõi bước chân của người lữ khách xuyên Việt.
Trong phần mở đầu, người lữ khách từ giã miền Quê Cha Ðất Tổ vào một buổi sáng bình minh, có hình ảnh con cò bay lả, bay la, có tiếng hò vu vơ của một cô thôn nữ Bắc, hỡi anh đi đường cái quan làm xao xuyến lòng người lữ khách. Và người lữ khách cất bước lên đường, bước chân hăm hở, bước chân rộn rã đầy sức sống, để lại sau lưng một hình ảnh da diết thảm thiết của nàng Tô Thị ngàn năm vẫn đợi người ở đầu nguồn, và lời nhắn nhủ của nàng khuyên người đi đừng có trở về, để nàng mãi mãi làm người vọng phu. Ngưỡi lữ khách từ biệt miền Thượng Du, với rừng sâu núi thẳm, với nhà sàn lên đường vắng để bước chân lùi lũi và lẻ loi của người nói lên tâm trạng cô đơn của người độc hành trên con đường rừng núi đầy bất trắc và hiểm nguy này, để lại sau bước chân anh tâm tình người miền núi và dòng suối lẻ loi.
Người lữ khách về đến miền Trung Du, bước chân chợt phấn khởi lên, khi có thêm bạn đường ở ngoài bến đò hay trong quán nước,và lòng chợt lâng lâng xúc động với chút tình quyến luyến nhẹ nhàng của cô lái đò khi xưa người lữ khách qua sông Thương. Bước chân hối hả của anh chợt chậm lại, chợt rưng rưng nghẹn ngào đi xuyên qua Thủ đô miền Bắc, Thăng Long thành ngày xưa, bây giờ là Hà Nội ba mươi sáu phố phường, thành phố lịch sử đã chứng kiến bao dâu bể đổi thay. Bước chân đơn lẻ của người lữ khách xa dần thành phố cũ, xa dần, xa dần. Trong phần thứ hai, người lữ khách vào đến miền Trung, miền của miếu đền, cung điện, của nghi lễ triều đình, của chùa chiền cổ kính, bước chân rộn rã của người như vang lên sự vui mừng trước sự đón tiếp nghịch ngợm của một lũ trẻ hồn nhiên, lẫn trong tiếng ru con của một bà mẹ Huế vừa an ủi vừa thúc giục người lữ khách tiếp tục sứ mạng nối lại nhịp cầu, lồng vào đó tiếng hò giã gạo vang lên trong thôn xóm nhân lúc ngày mùa. Bước chân rộn rã của người lữ khách chợt chậm lại khi đi qua những Tháp Hời. Ðâu đây vẫn còn vang nhẹ lại những bước chân lặng lẽ của nàng Công Chúa Huyền Trân, bước đi vào lòng người, bước đi vào lòng muôn dân. Con đường thiên lý xa vời năm xưa nàng Huyền Trân đã đi qua, với ước vọng mang hòa bình cho muôn dân, dù sao cũng không dài bằng con đường đi vào lòng người mà người lữ khách giờ đây đang nối tiếp công việc đó. Người lữ khách như cảm thông được tiếng thở dài của nàng Huyền Trân, mối tình nhẹ như tơ..., khi mối tình của nàng cũng như đất nước... cháy theo với ngọn lửa thiêu, ngọn lửa chiến tranh. Người lữ khách lại tiếp tục lên đường, lại vội vã ra đi trong sớm tinh mơ, văng vẳng giọng hò của một cô gái Huế bên sông Hương, trong hồi chuông thúc giục của chùa Thiên Mụ. Và rồi vượt đèo Hải Vân, vượt đèo Cù Mông, xa dần quê nghèo, ruộng nghèo, xa dần cồn cát, để núi cao ngơ ngác trông theo bóng người đi mà bước chân vẫn chưa thấy mỏi, lòng vẫn còn say sưa giấc mộng phiêu du.
Trong phần thứ ba, cũng là phần kết của Trường ca Con Ðường Cái Quan, lữ khách vào đến miền Nam. Lòng người lữ khách ngây ngất với miền nắng gió chan hòa thơm mùi đất phù sa, với sông nước, đồng lầy, rừng chàm và muỗi mòng... và nhất là gặp cô gái miền Nam có mái tóc xuề xòa, có khóe mắt thật thà, yên lành như một giấc mơ. Cô gái miền Nam đã tỏ tình với người lữ khách một cách hồn nhiên chất phác và mộc mạc như đồng lúa phì nhiêu, như bức tranh màu xanh lúa mạ đầy sức sống của miền Nam.
Người lữ khách đã tìm được lương duyên ở cảnh và ở người, và hai vợ chồng son cỡi sóng Cửu Long Giang về miền Hậu Giang sinh sống. Người lữ khách ngây ngất trước cảnh sông nước bao la, uốn quanh như chín con rồng ôm chặt đứa con Việt Nam, lâng lâng với tiếng sóng nương vỗ triền miên như tiếng ru hiền hòa mẹ hiền vỗ về trìu mến đứa con. Người lữ khách đã làm xong sứ mệnh, chuyến đi đã đến chỗ dừng cuối con đường xuyên Việt, nơi đây có cái cối, cái chày, có bờ ao, ôm ấp nuôi nấng đàn con Việt Nam, và cũng nơi đây vang lên tiếng cám ơn cuộc đời của đôi vợ chồng trẻ. Hạnh phúc của họ đơm hoa, chan hòa, reo vui, nhảy múa, êm đềm, đằm thắm, trải dài vô tận trong không gian và thời gian cũng thể như nỗi ước mong của tác giả sẽ có một ngày con đường cái quan hết ranh giới để người được mãi mãi đi trong cuộc đời và trong tình người, trong nỗ lực thống nhất lòng người. Con Ðường Cái Quan 1991 - Nhạc Giao Hòa.
Theo sự dẫn giải của nhạc sĩ Phạm Duy thì nhờ phương tiện máy điện toán và những chương trình nhạc điện tử (music sequencer software), nhạc phẩm Con Ðường Cái Quan được trình tấu dưới hình thức hòa tấu và giao hưởng, gọi tắt là giao hòa, là một sử dụng khéo léo âm thanh, âm sắc của ba loại nhạc accoustic, nhạc ethnic, nhạc electronic và vài đặc điểm của nhạc new age như tiếng gió, tiếng lửa cháy, tiếng nước chảy... để diễn tả, gợi cảm và gây ấn tượng cho người nghe về những âm sắc của xứ sở. Xuyên qua suốt chương trình nhạc hòa tấu, ngoài các nhạc khí quen thuộc như violin dùng để diễn tả lời ru tâm sự của nàng Tô Thị; tiếng sáo diễn tả niềm cô đơn cao tột của người lữ khách trong đoạn leo núi ở miền Thượng Du Bắc Việt, tiếng đàn harp và tiếng đàn bass diễn tả bước chân lùi lũi và thôi thúc của lữ khách, còn có sự góp mặt của nhịp trống như trống ếch và tiếng kèn đám giống như kèn sarinai của người Chàm để tiễn khách về quê hương xứ Hời; tiếng chuông, tiếng khánh, tiếng mõ của nhạc triều và nhạc lễ. đoạn lữ khách vào đến Trung; tiếng đàn Yan Ching - tam thập lục - nói lên sự bất trắc ở những vùng nổi tiếng nguy hiểm như truông nhà Hồ, phá Tam Giang..., tiếng đàn koto Nhật Bản để diễn tả tâm trạng của nàng Huyền Trân; tiếng đàn Santur - cũng là một thứ tam thập lục huyền cầm - để mô tả đoạn đường khúc khuỷu khi lữ khách xa quê nghèo ruộng nghèo, vượt đèo Hải Vân tiến vào Nam; vì không quên kể thêm tiếng đàn monochord - tức là đàn độc huyền - để diễn tả tâm tình mộc mạc của cô gái miền Nam: Ði đâu cho thiếp theo cùng Ðói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam...
Còn Một Chút Gì...
Trong phần kết luận của đêm nghe nhạc hòa tấu, nhạc sĩ Phạm Duy, người nhạc sĩ của Nghìn Lời Ca - mà tất cả đều có dính dáng đến đời sống và quê hương xứ sở Việt Nam, và cũng là tác giả của ba tập hồi ký đã xuất bản, mà theo sự nhận xét của nhà báo Lê Ðình Ðiểu rằng mỗi tập hồi ký là ''một kho tàng cho chúng ta đào bới các bảo vật trong lịch sử và nền âm nhạc Việt Nam vì các nhận xét sâu sắc và sự ghi nhớ trung thực các biến cố lịch sử của tác giả'', đã khẳng khái xác nhận các cuốn hồi ký chỉ là thái độ chính trị của ông, không phải hoài bão tìm một chỗ đứng trên văn đàn, và việc cho tái phát hành trường ca Con Ðường Cái Quan là tấm lòng của ông gửi lại giới trẻ Việt Nam xem như một chút gì trao truyền lại.
Lưu Kim Chi
Báo Người Việt số 2230 ngày 20 tháng 10,