Viếng Thăm Hoa Kỳ 1966
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3329
Trong 12 năm qua, nghĩa là trong suốt thời gian ông Diệm nắm chính quyền cho tới lúc khởi đầu của chế độ quân nhân, ngoài những bài hát xưng tụng tình yêu, sự đau khổ và cái chết, tôi đã viết ra khá nhiều tác phẩm có tính cách phục vụ xã hội. Đó là những bài hát cho Bộ THÔNG TIN hay Bộ CHIÊU HỒI, cho QUÂN ĐỘI và cho XÂY DỰNG NÔNG THÔN. Nhất là hai bản trường ca Con Đường Cái Quan, Mẹ Việt Nam và 10 Bài Tâm Ca. Tất cả những tác phẩm đó đã gây tiếng vang khá lớn trong dân chúng. Tôi còn là một công chức tại Trung Tâm Điện Ảnh, giáo sư của trường Quốc Gia Âm Nhạc, làm việc hàng tuần với các Đài Phát Thanh và là người cộng tác với Phòng Điện Ảnh của Sở Thông Tin Hoa Kỳ. Đối với người Mỹ, tôi là một nhân vật văn hoá. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có Bureau of Educational and Cultural Affairs phụ trách việc mời những nhà văn hoá ở trên thế giới tới thăm Mỹ Quốc. Qua sự giới thiệu của Toà Đại Sứ ở Saigon, văn phòng này chính thức mời tôi viếng thăm Hợp Chủng Quốc.
Thế là vào tháng 3 năm 1966, tôi leo máy bay đi Mỹ. Trước tiên, tôi tới Honolulu và được nghỉ ngơi hơn một ngày trời cho quen với sự thay đổi giờ giấc. Sau khi ở Pháp về, mười năm đã trôi qua, bây giờ tôi mới có dịp đi xa, hơn nữa còn được tới hải đảo thần tiên mà tôi từng mơ tưởng khi còn bé. Bây giờ tôi được nghe tận tai loại nhạc hạ-uy-di nũng nịu và đa cảm, được nhìn tận mắt những cô gái đảo gần như khoả thân, uốn bụng múa điệu hula-hula gợi tình trong buổi hoàng hôn vàng tím.
Từ Honolulu, tôi đi thẳng qua Washington D.C., tới văn phòng International Exchange Program để biết mình sẽ được đi thăm viếng những nơi nào trên địa lục rộng lớn này. Người Mỹ làm việc gì cũng rất chu đáo. Biết tôi là nghệ sĩ dân ca văn phòng này tổ chức cho tôi đi thăm các đài truyền hình ở New York, đi dự các nhạc hội dân ca (Festivals) ở Florida và Pennsylvania, tới ở vài ngày trong một gia đình nghệ sĩ là The Beers Family ở Petersburg... Họ cũng chiều ý tôi, không bắt tôi phải đi du lịch quá nhiều trên quốc gia mênh mông này và thuận để tôi tới sống trong một tháng tại thành phố mà tôi ưa thích nhất là New York.
Khi tới New York, vào thăm Đài CHANNEL 13 với Steve Addiss và Bill Crofut, ngẫu nhiên tôi được tham dự vào chương trình dân ca của Pete Seeger, nhạc sĩ phản chiến số một của Hoa Kỳ.
Rồi còn được mời ăn trưa với Frank Stanton, Walter Cronkite, Mike Wallace... trong bữa cơm có trao đổi ý kiến về nhạc của THE BEATLES mà tôi cho là có tính chất tribal, nghĩa là nhạc họp bầy, bởi vì khi tiếng nhạc của ban Tứ Quái này cất lên là tất cả thanh niên nam nữ trên thế giới, dù khác mầu da, cũng đều thấy là của mình cả.
Tại Festival ở White Springs, Florida, nơi có đài kỷ niệm ông tổ dân ca Hoa Kỳ là Stephen Foster, tôi được nghe những bài cổ ca Anh Cát Lợi và những bài dân ca của người Mỹ gốc Pháp. Bị mời lên sân khấu, tôi hát bài Giọt Mưa Trên Lá bằng tiếng Anh (The Rain On The Leaves). Sau đó, bài này được nhóm hợp ca nổi danh Mitch Miller thu thanh vào dĩa hát.
Tại Festival ở Pittsburgh, Pensylvania, tôi được thưởng thức những màn ca diễn của người Mỹ gốc Đông Âu. Tôi thấy dân nhạc Hoa Kỳ là sự tổng hợp những bài dân ca của nhiều nước. Trái với quan niệm hẹp hòi của một vài anh chàng chơi cổ nhạc ở Việt Nam, dân ca nước nào cũng đều phát triển và di chuyển không ngừng. Tại hai Nhạc Hội Dân Ca ở Florida và Pennsylvania này, những bài dân ca cổ xưa được hát lên không có gì là xa lạ đối với những bài dân ca mới mà tôi được nghe qua cassette hay radio trong thời gian ở Mỹ, ví dụ những bài hát của bộ ba Paul, Peter, Mary hay của Bob Dylan, Joan Baez. Có khác chăng là về nội dung, bây giờ đa số dân ca mới của Hoa Kỳ mang tinh thần phản chiến. Rồi khi tôi được sống vài ngày trong một nông trại ở Petersburg với gia đình họ Beers, gồm người chồng đánh đàn harpshicord, người vợ hát và cô con gái đánh guitare, tôi liên tưởng tới gia đình nghệ sĩ Thăng Long...
Là một khách du lịch được tổ chức International Exchange Program cho đi thăm những cảnh tượng vĩ đại của nước Mỹ như thác Niagara, vực Grand Canyon, cho tới hưởng cái nóng nung người và thấy cảnh nghèo của người da đen trong thành phố New Orleans, rồi cho thấy thêm cảnh hoa lệ của San Francisco giữa thời kỳ hippy... còn cho gặp gỡ khá nhiều người nổi danh trong giới nghệ sĩ trình diễn (show business), dù trong lòng rất thích thú nhưng tôi không khỏi băn khoăn khi thấy đa số dân Mỹ chống đối cuộc leo thang chiến tranh tại Việt Nam của Hoa Kỳ. Nhất là sau khi được dự buổi họp ở New York của một nhóm chủ hoà, thấy Thượng Toạ Thích Nhất Hạnh mặc áo cà sa mầu vàng ngồi trên sân khấu hội trường bên cạnh nhà văn thiên tả Arthur Miller và thấy những cuộc biểu tình trên đường phố hay trong khuôn viên Đại Học với đám đông gồm đầy đủ trẻ già trai gái, cầm cờ Giải Phóng Miền Nam và những biểu ngữ GET OUT OF VIET NAM, MAKE LOVE NOT WAR...
Với chuyến Mỹ du vào năm 1966, tưởng chỉ là chuyện đi du lịch, nhưng lại là dịp để tôi nhìn thấy tận mắt sự chống đối dữ dội của dân chúng tại một quốc gia đang là đồng minh của Nam Việt Nam trong cuộc đấu tranh máu lửa với chính quyền Bắc Việt mà ai cũng biết đó là mũi nhọn tiền phong của Cộng Sản quốc tế.
Đây là lần đầu tiên tôi thấy tính tình của người Mỹ và sức mạnh của người dân trong một nước có dân chủ thực sự. Sức mạnh có thể thay đổi một đường lối chính trị hay đánh đổ một ông Tổng Thống dễ như chơi. Tôi thấy người Mỹ, nhất là đám thanh niên, dù mức sống rất cao vì nền kinh tế vững chắc của nước này, nhưng họ luôn luôn chống lại những cái gọi là trật tự xã hội. Thập niên 50 là lúc trong giới trẻ Hoa Kỳ có những người chống lại lối sống ngoan ngoãn như cừu của mọi người. Họ mặc quần áo da, đi mô tô và đề cao hư vô chủ nghĩa dù họ đang sống trong một xã hội dư thừa. Một thế hệ được gọi là beatnik generation ra đời để luôn luôn ảnh hưởng tới tuổi trẻ Hoa Kỳ. Sau đó, có lẽ vì được tiếp xúc với văn hoá phương Đông nên một số người Mỹ đưa ra phong trào hippy, chống lại đời sống máy móc. Quyết định không theo luật tài chính kinh tế của xã hội, họ chủ trương sống trong những cộng đoàn và xoá bỏ tư hữu. Họ góp tiền để sống chung với nhau như trong một bộ lạc. Họ còn phản đối định chế hôn nhân, chủ trương tự do luyến ái... Vào lúc Hoa Kỳ nhúng tay mạnh mẽ vào chiến tranh Việt Nam, thanh niên là nòng cốt của phong trào phản kháng xã hội (social protest). Từ hành động này, họ đi tới phong trào phản chiến. Tất cả khởi nguồn từ các khuôn viên Đại Học (campuses) vì khi bị bắt lính, các sinh viên peacenik này tổ chức biểu tình, đốt thẻ trưng binh...
Tuy rất phục tinh thần dân chủ cũng như tính hiếu hoà của lớp người phản kháng, nhưng khi thấy khẩu hiệu MAKE LOVE NOT WAR được áp dụng vào cuộc chiến Việt Nam tôi soạn một bài hát trong đó tôi cho rằng, đối với người Việt chúng tôi, không thể có sự chọn lựa giản dị là chỉ làm tình mà chẳng làm chiến tranh. Thưa quý vị phản chiến, chúng tôi -- than ôi -- phải làm cả hai việc ạ :
Một ngày cho người sống
Một ngày cho người chết
Một ngày cho người thương
Một ngày cho người ghét...
Trong cảnh ngộ một ngày cho cuộc chiến thì một ngày cho lười biếng và một ngày cho bình yên, thì một ngày lại cho điên... người Việt Nam chúng tôi đành chép miệng thở dài :
Hỡi, hỡi ôi !
Thân phận làm người !
Thân phận làm người !
Tôi chấp nhận cuộc đời, cho nên :
Một ngày cho khẩu súng thì môt ngày cho ngòi viết
Một ngày đi mà giết, thì một ngày đi mà hát
Một ngày đi làm lính, thì một ngày đi đảo chính
Một ngày đi cầu kinh, rồi một ngày về quyên sinh...
Bài hát nhan đề Một Ngày Một Đời này kết luận, khác hẳn với ước muốn của con chuồn chuồn năm xưa :
Một đời mang phận sống
Một đời đeo cùm gông
Một đời đi ruổi rong
Một đời vẫn chờ mong
Một đời không còn mới
Một đời không từ chối
Một đời vẫn thường nói :
Một đời người, than ôi !
Hỡi, hỡi ôi !
Thân phận làm người !
Thân phận làm người !
Cứ việc băn khoăn vì phong trào phản chiến lên cao ở nước Mỹ, tôi dùng ngày giờ ở New York để đi mua đĩa hát băng nhạc và đi sắm nhạc cụ cho các con (đang tập toẹ đi vào thế giới nhạc trẻ với ban THE DREAMERS). Vào năm 1966 Việt Kiều ở Mỹ không nhiều, tại New York tôi chỉ gặp Thượng Toạ Thích Giác Đức đang học Anh Ngữ tại Columbia University để cùng đi thăm tượng Nữ Thần Tự Do và gặp Nguyễn Ngọc Bích để nhờ anh bạn trẻ giới thiệu bằng Anh Văn những bản tâm ca khi tôi có hân hạnh tới hát cho sinh viên ở New York City College nghe.
Tôi cũng được hai người bạn đã từng qua Việt Nam để đi hát rong với tôi là Steve Addiss và Bill Crofut dẫn tôi vào thế giới âm nhạc Hoa Kỳ. Đi nghe nhạc jazz tại các hộp đêm và đi coi ca kịch tại các rạp hát lớn ở Broadway, tôi học hỏi được nhiều điều bổ ích cho việc sáng tác của tôi. Được tới chơi với nhiều ca nhạc sĩ rất trẻ và được mời hút thử cần sa, tôi hơi nhạc nhiên khi thấy chất ma túy này quá nhẹ và vô vị so với á phiện mà tôi đã nếm thử, tại sao dân Mỹ có thể ghiền nó được nhỉ ? Tôi cũng được thấy mặt trái của cái xã hội được gọi là dư dật này, khi đi qua những khu phố của dân nghèo, nhất là khu người da đen. Không còn gì buồn thảm hơn cảnh một nhà máy bị đóng cửa với những mảng tường vỡ, trơ ra những sườn sắt rỉ và những sân xi măng xanh mầu rêu phủ.
Sau chuyến thăm viếng Hoa Kỳ vào năm 1966, tôi lại có dịp qua Mỹ lần thứ hai vào năm 1970, khi một phái đoàn của Bộ Thông Tin đi giải độc dư luận Mỹ mời tôi đi theo làm cố vấn. Vào giai đoạn này, tinh thần phản chiến ở Hoa Kỳ đã lên tới cực độ. Sau hai sự kiện mà tôi cho là tệ hại nhất cho Nam Việt Nam là cảnh vụ thảm sát Mỹ Lai và vụ Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan đích thân hạ sát Việt Cộng trong Tết Mậu Thân được chiếu trên Tivi, tôi thấy rằng không ai có thể làm gì để thay đổi dư luận Hoa Kỳ được nữa !
Phạm Duy
Trích Hồi Ký 3 - Chương 16