Tiếp Tục Nhạc Tình
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 4994
Nhạc Tình Sau Mười Năm Ngủ Kỹ
Trong một thời gian khá lâu, từ 1948 cho tới 1957, tính ra gần một thập niên, vì quá mải mê soạn nhạc xã hội, quá say sưa soạn những bài tình tự quê hương hay những bài ca xưng tụng tình yêu của những đôi tình nhân khác, ở thôn quê (VỢ CHỒNG QUÊ) hay ở thị thành (PHỐ BUỒN) hoặc đem thơ tình của các nhà thơ (Thế Lữ, Lưu Trọng Lư...) ra phổ nhạc cho nên tôi không soạn một bản nhạc tình nào cho tôi cả. Vả lại, trong 10 năm trời, tôi cũng không gặp một người tình mới mẻ nào cả !
Trong cuộc đời náo nhiệt của tôi lúc đó, nói thẳng ra, bổn phận đối với gia đình, đối với quốc gia, đối với xã hội, tôi đều lo toan rất tròn trĩnh, dù có đôi ba lần gian dối, nhưng đời vẫn ban cho ngọt bùi. Thế nhưng trong lòng của một kẻ đang ở trong tuổi trung niên, đầy sinh lực như tất cả mọi người, đã vẫn tàng ẩn cái cô đơn nghiệp dĩ của mình, dù tôi có gào lên ba lần như thi sĩ Thanh Tâm Tuyền lúc đó: Tôi không còn cô độc, tôi không còn cô độc, tôi không còn cô độc... Khát khao lấp được cái huyệt cô đơn không đáy, tôi soạn bài:
TÌM NHAU
(Saigon-1956)
Tìm nhau trong hoa nở
Tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ
Tìm nhau khi nắng đổ
Tìm nhau khi trăng tỏ
Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ.
Tìm trong câu thơ cổ
Tìm qua tranh Tố Nữ
Tìm trên môi đương ca câu thương nhớ
Tìm sâu trong muôn thuở
Tìm nhau như Thiên Cổ tìm Ngàn Thu.
Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời, người ơi
Gặp nhau, hãy nép hơi im trong hương mới
Gặp nhau trong Nhân Tình đầy Bác Ái, ơi người
Gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông.
Tìm nhau trong bom lửa
Tìm nhau trong mưa bão
Tìm nhau trên kinh đô xây trong xương máu
Tìm nhau trong thống khổ
Tìm nghe câu than thở
Tìm nhau như goá phụ tìm mộ bia.
Tìm đâu môi em đỏ
Tìm đâu mây trong mắt
Tìm cho ra mái tóc ngây thơ đó
Tìm xem trong kinh sử
Tìm tương lai sáng tỏ
Tìm nhau khi nhân loại được trùng tu.
Gặp nhau trong vinh dự của đời người, người ơi
Gặp nhau dưới Ðức Tin bao la phơi phới
Gặp nhau trong cơ khổ của thế giới, ơi người
Gặp nhau, đôi tâm hồn được nghỉ ngơi.
Nhạc Tình Cảm Tính
Xin nói qua về những tính chất nhạc tình trong Tân Nhạc Việt Nam. Khi mới thành hình, nhạc tình trong âm nhạc cải cách mang nhiều tính chất lãng mạn với ca khúc của Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Ðặng Thế Phong, Lê Thương hay của Dzoãn Mẫn... Tình nhân trong những ca khúc đó bao giờ cũng phải có mùa Thu, gió heo may, sông nước, trời mây, hoa cỏ để làm đẹp cho cuộc tình... Rồi theo với thời gian, nhạc tình tiến tới giai đoạn phát triển của Tân Nhạc, nó rời khỏi khung cảnh lãng mạn (romantique) để tiến tới loại nhạc tình cảm tính (sentimentale), nghĩa là bây giờ đôi lứa yêu nhau không cần đến bối cảnh chung quanh nữa. Trong loại nhạc tình này chỉ có anh với em mà thôi, nghĩa là chỉ có người nam, người nữ dìu nhau đi trên đường tình. Rồi nhạc tình Việt Nam sẽ tiến tới giai đoạn não tính (cérébral), nhục tính (sensuel), ảo tính (psychedélique). Nhạc tình của tôi ra đời trong giai đoạn 58-68 nằm trong hạng nhạc tình cảm tính vậy...
1956. Tôi đi tìm và tôi đã gặp tình yêu. Tôi không lẩn tránh nó dù biết không giữ được nó suốt đời. Cuộc tình kéo dài 10 năm này khởi sự bằng bài:
THƯƠNG TÌNH CA
(Saigon-1956)
Dìu nhau đi trên phố vắng
Dìu nhau đi trong ánh sáng
Dắt hồn về giấc mơ vàng, nhẹ nhàng
Dìu nhau đi chung một niềm thương.
Nhịp chân êm êm thánh thót
Ðừng cho trăng tan dưới gót
Chớ để mộng vỡ mơ tàn, dịu dàng
Ðừng cho không gian đụng thời gian.
Ðưa nhau vào cõi vô biên
Có chim uyên tình thiêng
Hát ru êm triền miên
Ðưa nhau vào chốn không tên, mặc đời quên
Không bến, không thuyền, hết câu nguyền.
Dìu nhau sang bên kia thế giới
Dìu nhau nương thân ven chín suối
Dắt dìu về tới xa vời, đời đời
Dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu.
Sau khi đã dìu nhau trong THƯƠNG TÌNH CA để đi vào cuộc tình 10 năm, tôi soạn những bài như: NGÀY ÐÓ CHÚNG MÌNH, ÐỪNG XA NHAU, CHO NHAU... bài nào cũng soay quanh chữ ''nhau''.
NGÀY ÐÓ CHÚNG MÌNH
(Saigon-1959)
Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
Và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối
Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời
Và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi.
Ngày đôi ta ca vui tiếng hát vói đường dài
Ngâm khẽ tiếng thơ, khơi mạch sầu lơi (ý y y)
Ngày đôi môi đôi môi đã quyết trói đời người
Ôi những cánh tay đan vòng tình ái (ớ ơ ờ)
Ngày đó có ta mơ được trọn đời
Tình vươn vai lên khơi tới chín trời mây khói
Ngày đó có say duyên vượt biển ngoài
Trùng dương ơi ! Giữ kín cho lâu đài tình đôi.
Ngày đó có em ra khỏi đời rồi
Và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối
Ngày đó có anh mê mải tìm lời
Tìm trong đêm rách rưới cơn mơ nào lẻ loi
Ngày đôi ta chôn vơi tiếng hát đã lạc loài
Chôn kín tiếng thơ rơi, ngậm ngùi rơi (ý y y)
Ngày đôi môi thương môi đã xé nát nụ cười
Ôi những cánh tay ngỡ ngàng tả tơi (ớ ơ ơ)
Ngày đó có bơ vơ lạc về trời
Tìm trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới
Ngày đó có kêu lên gọi hồn người
Trùng dương ơi ! Có xót xa cũng hoài mà thôi...
Và tôi đã van xin chúng tôi: 'Ðừng xa nhau, đừng xa nhau nhé !'
ÐỪNG XA NHAU
(Saigon-1958)
Ðừng xa nhau ! Ðừng quên nhau !
Ðừng rẽ khúc tình nghèo
Ðừng chia nhau nỗi vui, niềm đau
Ðừng buông mau ! Ðừng dứt áo !
Ðừng thoát giấc mộng đầu
Dù cho đêm có không bền lâu.
Ðời phai mau, người ghen nhau
Lòng vẫn cứ ngọt ngào,
Miệng ru nhau những ân tình sâu
Ðừng xôn xao, đừng khóc dấu
Ðừng oán trách phận bèo
Vì sông xa vẫn trung thành theo.
. . . . .
Dù mai sau dắt nhau mà qua cầu
Mồ chôn sâu ánh trăng vàng mái lầu
Ðừng xa nhau nhé !
Ðừng quên nhau nhé !
Ðừng chia nhau núi cao vực sâu.
Ðừng xa nhau ! Ðừng quên nhau
Ðừng dứt tiếng ngậm sầu
Ðừng im hơi đắng cay rời nhau
Ðừng đi mau để mãi mãi
Là chiếc bóng đậm mầu
Còn theo nhau tới muôn đời sau.
Rồi tôi phổ nhạc một bài thơ cũng ở trong chữ ''nhau'' (mà một người nữ quen biết từ xưa là Hoài Trinh gửi cho từ Paris) để nói lên mối tình xanh vẫn còn lo sợ của tôi lúc này. Ðó là bài:
KIẾP NÀO CÓ YÊU NHAU
(theo thơ Hoài Trinh)
(Saigon 1958)
Ðừng nhìn em nữa anh ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi
Ðừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi
Ðôi mi đã buông xuôi, môi nhăn đã quên cười.
Hẳn người thôi đã quên ta
Trăng Thu gẫy đôi bờ
Chim bay xứ xa mờ.
Gặp người chăng, gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ đêm sâu gối ơ thờ.
Kiếp nào có yêu nhau
Thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở
Tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau
Thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi?
Anh đâu anh đâu rồi?
Ðừng nhìn nhau nữa anh ơi
Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã quên rồi
Còn nhìn chi, còn nhìn chi nữa anh ơi
Nước mắt đã buông suôi, theo tiếng hát qua đời
Ðừng nhìn nhau nữa... anh ơi !
Trong thời gian đầu của cuộc tình, tôi soạn những bài xưng tụng tình yêu của chính tôi. Tôi thường đưa người yêu đi học trong khi mưa rơi trên phố xá Saigon ban chiều hay ban đêm. Là vạn cổ sầu của Ðặng Thế Phong, mưa rơi đối với tôi cũng là sầu thiên thu, nhưng còn là hạnh phúc địa đàng nữa...
MƯA RƠI
(Saigon-1960)
Mưa rơi từ nghìn xưa, mưa rơi về nẻo mơ
Mưa đem sầu Thiên Thu đến cho ta
Mưa đi từ tuổi thơ, mưa theo cuộc tình tơ
Mưa rơi bạc đầu ai mong nhớ mưa.
Mưa rơi từ nguồn xa, mưa tuôn về bao la
Mưa chia dòng lệ ra chín con thơ
Mưa trôi về đời ta, mưa xây nhà âm u
Mưa giăng vải màn sô nuôi giấc mơ.
Mưa rơi vào lòng ta ! Mưa rơi vào tình ta !
Có hay chăng là mưa rơi vì chúng ta.
Mưa rơi, và còn rơi ! Không bao giờ mưa ngơi
Không bao giờ ta nguôi yêu người ơi !
Mưa rơi ngoài đường đêm, đưa em về nhà em
Mưa vui mừng quấn quýt dưới chân êm
Mưa rơi lạnh trời đen, mưa trong lòng lên men
Mưa cho lửa tình thêm chút yếu mềm.
Mưa rơi ngoài hè đêm, như đôi bàn tay tiên
Ru nhe nhẹ một ca khúc không tên
Mưa to nhỏ triền miên, mưa trên đầu vô biên
Mưa ấp ủ tình duyên thêm vững bền.
Mưa rơi vào lòng ta ! Mưa rơi vào tình ta !
Có hay chăng là mưa rơi vì chúng ta.
Mưa rơi, và còn rơi ! Không bao giờ mưa ngơi
Không bao giờ ta nguôi yêu người ơi !
Trước đây Văn Cao đã diễn tả người tình tưởng tượng của ông có gót hài khai hoa, mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương trong một tình khúc tuyệt vời nhan đề CUNG ÐÀN XƯA. Tôi cũng bắt chước Văn Cao, tả người tình bằng xương bằng thịt của mình bằng bài hát nhan đề:
ÐƯỜNG EM ÐI
(Saigon-1960)
Ðường em có đi, hằng đêm gót hoa
Nở những đoá thơ, ôi dị kỳ
Ðường êm có khi chờ em bước qua
Là nghiêng giấc mơ ước thề.
Ngàn sao sáng xa nhìn em thướt tha
Rụng rơi vướng mây tóc ngà
Ðường thơm bóng gầy, nhạc run lá bay
Hàng cây thiết tha đắm say.
Ðường dìu ngang bao ngõ đắng cay
Dừng chân phút dây xong, chia lìa
Ðường dài thêm bao nỗi éo le
Dài thêm nắng mưa, thêm ê chề
Ðường em cứ đi, tình ta cứ xây
Chờ em thoát thai quay đường về
Ðường quanh khúc co, nhịp chân trói vo
Ðường duyên ấm vui, đường mơ...
Hạnh phúc trong tình yêu khiến cho tôi sống như người mộng du.
MỘNG DU
(Saigon-1959)
Ðêm đêm người mở lòng ra
Ôm ta trong cõi mơ hồ
Giã từ đời bằng hơi gió
Hoá hồn theo cánh mây xa.
Ta đi bằng một sợi tơ
Lung linh luồn trong khói mờ
Ta treo hồn vào tình Thu
Thấy mình trôi loãng trăng loà
Ta rơi bằng một đời hoa
Tan theo với ngàn cánh uá
Không ngờ hồn hoà
Vào làn phấn bướm xanh lờ (ơ... ớ)
Ta bay bằng một giọng ca
Tuôn ra thế giới mịt mù
Ta về bao la, trôi suôi theo dòng tinh tú (u... ú)
Êm êm người dệt bài thơ
Nâng ta trong lưới mơ hồ
Ta về lòng người bỡ ngỡ
Khóc cười như bé bơ vơ
Ta theo đường mộng còn lưa
Hương đưa vào nẻo ngàn thu
Người về tay ngà thương nhớ
Kêu ta bằng một lời ru.
Nhưng trong hạnh phúc của nhạc tình đã thấy le lói sự khổ đau rồi. Bởi vì tôi tự biết không giữ được cuộc tình này cũng như không đủ can đảm để đi theo nó, cho nên tôi có những bài như:
NẾU MỘT MAI EM SẼ QUA ÐỜI
(Saigon-1958)
Nếu một mai em sẽ qua đời
Hoa phủ đầy người
Xe nhịp đằm khơi... xa xôi.
Nếu một mai em đốt pháo vui
Hát theo người
Hương cưới chia phôi, cười mặn tình đời.
Nếu một mai em bước qua thềm
Mang nặng hồn mềm
Em trở mình trên nhân duyên
Nếu nửa đêm trăng gió đã lên
Bão mưa êm, chăn gối ghi tên
Bia mộ đường quên.
Nếu một mai không còn ai
Ðứng bên kia đời trông vòi vói
Không còn ai ! Ðâu còn ai ?
Trong ngày mai, có dư hương người
Chỉ là giăng giối mà thôi.
Nếu về sau em có qua cầu
Không chẳng vì sầu, thương chẳng còn đâu
Mà nói chuyện quên nhau
Nếu vì sao, quay gót cuốn mau
Dấu chân sâu in vết không lâu
Chẳng nợ gì nhau...
Với hoa phủ đầy người, em sẽ lên xe hoa! Xe hoa ở đây là xe tang hay là xe cưới? Chỉ biết rằng em sẽ qua cầu, em phải xa anh! Rồi còn gì nữa đâu? Còn gì nữa đâu mà chờ đón nhau? Mà tưởng nhớ nhau? Mà oán trách nhau? Mà phải khóc nhau? Mà gọi mãi nhau??? Dù phải đợi mười năm sau mới chia tay với người tình, bài CÒN GÌ NỮA ÐÂU được soạn ra ngay trong lúc này. Về phương diện nhạc thuật, bài này có những biến chuyển quanh co, khuất khuỷu của một nhạc đề đau khổ.
CÒN GÌ NỮA ÐÂU
(Saigon-1960)
Còn gì nữa đâu ? Mà tìm thấy nhau
Mối thương đau dài lâu
Ðã lên cao chìm sâu
Ngăn bước qua cầu, tình đã nghẹn ngào
Còn gì nữa đâu ? Mà chờ đón nhau
Suốt đêm thâu lạnh lẽo
Ngóng trông nhau bạc đầu mà chẳng thấy nhau
Còn gì nữa đâu ?
Còn gì nữa đâu ? Mà tưởng nhớ nhau
Bóng dáng yêu, từ lâu
Ðã trôi mau về đâu
Trong giấc mơ nghèo tình đã nhạt mầu
Còn gì nữa đâu ? Mà oán trách nhau
Có quên mau cuộc sầu
Có nuôi bao tình sâu thì lòng vẫn đau
Còn gì nữa đâu ?
Còn gì nữa đâu ? Mà phải khóc nhau
Có đi theo mùa Ngâu
Tới suối reo nghìn thâu, tình chôn đã lâu
Còn chi nữa đâu ? Còn gì nữa đâu ?
Mà kể với nhau
Vết thương đầu ngày nào
Có sống bao đời sau thì đà mất nhau...
CODA
Còn gì nữa đâu ?
Còn gì nữa đâu ? Mà gọi mãi nhau !
Phạm Duy