Trở về hay ra đi?
- Details
- Written by T. Vấn
- Hits: 3082
Người phiêu lãng,
Nước mắt có về miền quê lai láng
Xa quê hương! Yêu quê hương!
(Tình hoài hương – Phạm Duy)
Như vậy là người nhạc sĩ già ấy đã chọn cho mình được một chỗ để yên nghỉ.
Không nhất thiết phải nói ra, ai cũng biết rằng đó là quê nhà.
Thời đại mà ông - người đã để lại những dấu ấn vĩ đại trong suốt nửa thế kỷ – đang sống nốt những ngày cuối cùng, là một thời đại có quá nhiều những cay nghiệt, quá nhiều những đảo lộn của lịch sử, quá nhiều những nhiễu nhương vượt khỏi tầm nhận thức thông thường, nhiễu nhương đến độ khi chọn cho mình một lối về như quê nhà, cũng là chọn con đường đi đầy hệ lụy.
Định mệnh của người nghệ sĩ, ngoài một kiếp tằm nhả tơ, còn là nỗi khao khát một môi trường, ở đó tác phẩm của mình tồn tại, và chính mình, được khẳng định. Định mệnh ấy, ở thời đại của chúng ta, thời đại của nhiễu nhương, đã trở thành một bi kịch cho người nghệ sĩ. Và người nhạc sĩ già thấy mình đang ở ngay trọng tâm của cơn lốc ác nghiệt.
Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn,
Nước tuôn trên đồng ruộng vắn,
Lúa thơm cho đủ hai mùa...
Đã bao lần tôi nghe những lời nhạc xoáy lòng của Tình hoài hương. Đã bao lần tiếng hát vượt thời gian vượt không gian đuổi theo tôi trên những con đường xa lộ xuyên bang thăm thẳm đi tìm một người bạn thời hoa niên, uống với nhau chén rượu, và kể cho nhau nghe câu chuyện kể đi kể lại hàng ngàn lần về một quê nhà xa tít tắp bên kia bờ đại dương. Để viết được một bài hát có tầm cỡ như Tình hoài hương, ngoài tài năng, người nghệ sĩ phải có một tấm lòng thật sâu đậm với đất nước. Nếu không thì làm sao nó có thể làm rung động được lòng người. Nếu không thì làm sao cả hai thế hệ người Việt ở miền Nam, nay dù phiêu bạt ở bất cứ nơi đâu trên những mảnh đất xa lạ, lúc vui lúc buồn vẫn cứ nghêu ngao:
Quê hương ơi! Tóc sương mẹ già yêu dấu
Tiếng ru nỗi niềm thơ ấu,
Cánh tay êm tựa mái đầu,
Ôi bóng hình, từ bao lâu còn ghi mãi sắc mầu,
Quê hương như người mẹ, chiều xuống đứng tựa cửa ngóng những đứa con đi xa đang rảo bước trở về. Và cả những đứa không trở về, hay không còn sống để trở về.
Trở về để rồi lại ra đi. Ra đi để có ngày trở về.
Cái điều tưởng chừng như rất bình thường ấy, rất đơn giản ấy, đã không còn bình thường, đơn giản nữa. Người ta đã dùng nó để phục vụ cho những mục tiêu chính trị ngắn hạn, thiển cận, và độc ác.
Sự việc một người già chọn sống ở quê hương những ngày cuối đời đã bị đem ra làm công cụ tuyên truyền cho một chế độ cần được loại trừ càng sớm càng tốt. Sự việc một người nghệ sĩ (hay nhiều người nghệ sĩ) đem nghệ thuật phục vụ cho đông đảo đồng bào mình ở quê nhà, đã được dùng để đánh bóng cho cái thô nhám của một học thuyết văn hóa dung tục, thô thiển và phi nhân bản.
Quê hương, dân tộc là của tất cả mọi người, không của riêng một chế độ nào, một nhóm người nào, dù đó là nhóm cầm quyền. Trở về giữa lòng quê hương, là trở về với vòng tay mẹ, không phải là chấp nhận sự tồn tại của một chế độ không có lòng dân. Tương tự như vậy, người nghệ sĩ tài năng phải được coi là tài sản của dân tộc. Tác phẩm của ông phải được coi là di sản cần được bảo tồn cho các thế hệ mai sau.
Người nghệ sĩ đích thực, trở về hay ra đi, hoàn toàn ở ngoài vòng cương tỏa của những khái niệm ngắn hạn, giả dối, độc ác. Vì ông, bằng tài năng và tấm lòng, đang vĩnh cửu hóa những giá trị nhân bản trong thời đại ông, làm giàu có thêm những thế hệ tương lai của đất nước.
Rồi đây, lịch sử sẽ phân biệt rõ ràng cái trường cửu của những giá trị nhân bản, tập thể quần chúng nhân dân với sự tồn tại ngắn ngủi của một chế độ, một nhóm cầm quyền. Nhập nhằng hai khái niệm ấy là thiếu trung thực và thiếu công bằng với người, với mình.
Ở ngoài này có ai đó lên tiếng thống trách. Thương nữ bất tri vong quốc hận. Người ca nữ không biết đến cái nhục mất nước. Nhưng nước có mất đâu. Nước vẫn còn đó, dân vẫn còn đây. Những giá trị vĩnh cửu ấy, dù cho có nhất thời dưới sự thống trị của những chế độ không bắt rễ từ lòng dân mà ra, thì không nên coi như đã mất. Vì non xanh nước biếc vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, vì dân vẫn là cái gốc trên đó mồ mả cha ông làng quán họ hàng lề thói tập tục tồn tại, và cũng từ đó những chế độ cầm quyền ra đời, nên cuộc ra đi nào cũng phải chứa cái mầm của sự trở về.
Nhìn hình ảnh người nghệ sĩ già trong bộ quần áo nâu giữa những đường phố quê hương tấp nập người qua kẻ lại, tôi hiểu được cái tâm tình ngổn ngang của người đã từng đặt những bước chân mình trên các thủ đô tráng lệ của thế giới. Không nơi đâu cho mình được cảm giác yên bình bằng quê hương. Không nơi đâu cho mình được sự tự tin vững chãi bằng quê hương. Từ đó, những tác phẩm nghệ thuật ra đời. Từ đó, những mảnh vụn của lòng được chắp vá lại. Từ đó, cuộc sống được mang thêm nhiều phần ý nghĩa. Và cũng từ đó, người ta dễ dàng tha thứ cho nhau.
Nhưng để có được sự chọn lựa ấy, sau bao nhiêu trăn trở, xét mình, còn cần đến cả đảm lược. Bởi vì kên kên vẫn rình rập đâu đó chờ ăn sống nuốt tươi tâm hồn mong manh dễ vỡ của người nghệ sĩ. Bởi vì những oan nghiệt lưu cữu của cuộc chiến 30 năm vẫn dễ dàng ập lên đầu người nghệ sĩ nhiều ngộ nhận, trách móc hoặc thậm chí, lên án. Người ta không chịu nhìn ra cái nguyên ủy của hệ lụy lưu vong quê nhà nằm ở chính cái chế độ thiển cận kia, nó đã hủy hoại đi bao nhiêu những cơ hội để xây dựng đất nước, hòa giải dân tộc. Tệ hại hơn hết, nó đã chặn đường về của những con người còn nặng một tấm lòng. Ở ngoài này, đây đó cũng xuất hiện những quan niệm thiển cận không kém. Mắt nhắm mắt mở vì những hỏa mù từ trong nước, cũng vô tình tiếp tay chặn đường về của chính mình và người khác.
Ai cũng có một quê hương để trở về, nơi đó có mồ mả cha ông và núm ruột để lại. Ai cũng có một thành phố của những ngày mới lớn trái tim biết rung động lần đầu tiên để những đêm không ngủ thổn thức nhớ về. Ai cũng có căn nhà thuở ấu thơ để khi mái tóc bạc phơ về lại trước hiên nhà, đứng kiễng chân nhìn vào mà tưởng tượng như còn nghe tiếng mẹ hát ru à ơi đưa con vào đời. Không tôn trọng những riêng tư ấy ở một con người là độc ác. Lợi dụng những tình cảm ấy cho những mục tiêu chính trị nhất thời là vô luân.
Khi tôi nói lên những điều này, có thể tự tôi đã chất lên vai mình thêm những hệ lụy không cần thiết. Nhưng biết làm sao khác hơn được. Cõi người ta tự nó vốn đã không bằng phẳng dễ đến dễ đi, mà những cư dân ở đó lại chọn cho mình niềm vui bằng cách làm cho mọi việc trở nên rối rắm hơn. Âu cũng là định mệnh làm người, cái định mệnh có ma đưa lối, quỷ dẫn đường.
Giờ đây, khi ngoảnh mặt nhìn lại đoạn đường đời đã đi qua, bất chợt, tôi thấy đoạn đường còn lại phía trước sao mà ngắn ngủi. Và cũng bất chợt, tôi nhìn ra những giằng xé buốt lòng của người nghệ sĩ già. Phần cuối con đường đang sừng sững phía trước, bây giờ là lúc nên tiếp tục ra đi hay trở về? Nhưng đi là đi đâu, và về, là về đâu? Hay lại giống như nỗi bất hạnh của một người nghệ sĩ khác, suốt một đời trăn trở, giây phút cuối cùng nằm xuống cũng vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho câu hỏi mà chính ông đã đặt ra cho mình. Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà.
Bao nhiêu người ra đi đã thực sự chuẩn bị cho mình ngày trở về? Và khi đối đầu với giây phút phải làm một sự lựa chọn, mấy ai không thao thức trăn trở?
Tôi cũng sắp sửa phải đối diện với phút sự thật ấy của riêng mình. Ra đi hay trở về, tôi chưa biết mình sẽ chọn con đường nào, nhưng cái trăn trở của tôi còn là liệu mình có đủ đảm lược để đi theo con đường mình chọn hay không?
Người ta cần đến đảm lược để sống đã đành, nhưng để chết, cũng phải cần đến đảm lược hay sao?
T. Vấn
Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3984&rb=09