Một Đời Ca Nhân
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3073
PhamDuy.com - Đây là bài mở đầu của trang nhà phamduy2000.com
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội cho tới khi tôi 17 hay 18 tuổi thì tôi đi mưu sinh bằng nghề thợ điện tại Mông Cáy, bằng nghề làm ruộng tại Bắc Giang, bằng nghề thư ký tòa án và trợ giáo tại Hưng Yên, Kiến An…
Sau đó, tôi trở thành ca sĩ và theo một gánh hát rong, đi từ Hải Phòng qua Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Tourane, Faifoo, Quảng Ngãi, Tuy Hòa, Phan Rang, Phan Thiết, Biên Hòa, Saigon, Mỹ Tho, Bến Tre, Bặc Liêu, Trà Vinh, Long Xuyên, Hà Tiên, Châu Đốc… rồi khi có cuộc Cách Mạng Tháng Tám thì tôi trở về sống tại Hà Nội.
Khi xẩy ra cuộc kháng chiến chống lại Quân Đội Viễn Chinh Pháp, tôi tản cư ra vùng quê rồi theo một đoàn Văn Nghệ Giải Phóng với tư cách văn công, đi từ Hà Đông, Sơn Tây, Việt Trì, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái tới Lào Kai… Tách khỏi đoàn Văn Nghệ kể trên, tôi là một nghệ sĩ tự do đi sống và sáng tác cho Vệ Quốc Quân tại Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Chợ Đại Cống Thần, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Tri và Thừa Thiên… Chủ trương của tôi ngay từ bước đầu chọn nghề ca nhân là soạn nhạc phản ánh cuộc đời trước mặt.
Sau khi lập gia đình và có con đầu lòng là Phạm Duy Quang ở Thanh Hóa, tôi và gia đình vợ rời vùng kháng chiên, về Hà Nội rồi di cư vào Saigon trước khi Hiệp Đinh Geneve chia đôi đất nước, vô hình chung, dù muốn hay không muốn, tôi được coi là người nghệ sĩ của một trong hai miền sẽ đối nghịch nhau vể chính trị.
Sống ở miền Nam trong 24 năm, tôi vẫn chỉ là một thường dân hành nghề ca nhân, soạn nhạc và đi hát tại các Đài Phát Thanh, các Phòng Trà và các Đại (hay Tiểu) Nhạc Hội ở Saigon và ở hầu hết các tỉnh lỵ trong miền Nam. Trong một thời gian ngắn, tôi là công chức soạn nhạc phim cho Trung Tâm Điện Ành Quốc Gia và dạy nhạc lý tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon.
Thời cuộc đã khiến gia đình tôi phải rời Việt Nam đi sống ở Hoa Kỳ trong 30 năm, trước hết bay từ Saigon tới trại tạm trú Eglin và tạm sống với gia đình người bảo trợ (sponsor) ở Fort Walton Beach, Florida rồi rời đi định cư ở Midway City, California. Gia đình chúng tôi không làm nghề gì khác ngoài nghề ca diễn (show business). Tôi vẫn không gia nhập bất cứ một tổ chức chính trị nào và tiếp tục viết nhạc và đi lưu diễn như trước. Tôi có cơ hội đi hát ở hầu hết các tiểu bang trên đất Hoa Kỳ như Texas 11 lần, Illinois 13 lần, New York 10 lần, Hoa Thịnh Đốn, Louisiana, Pensylvania 6 lần. Tới Maine, Florida, Virginia, Massachusett, Maryland rồi tới những tiểu bang miền Trung nước Mỹ từ Kansas tới Missouri, từ Wisconsin tới Georgia và những tiểu bang miền Tây như Oregon, Washington…
Hành trình của tôi không giới hạn trong biên giới của Hiệp Chủng Quốc, còn phóng lên Bắc Mỹ, trước sau 15 lần trình diễn ở Montreal, Toronto, Vancouver, Windsor… phóng sang bên kia bờ Đại Tây Dương, tôi trình diễn ở Anh Quốc 5 lần, Pháp 19 lần, Thụy Sĩ 7 lần, Đức 11 lần, Belgique 5 lần, Norway 2 lần… Tôi tới Úc châu, diễn 18 buổi ở Brisbane, Sydney, Melbourne, Adelaide, Perth… Tới Nhật Bản 7 lần, trình diễn tại Tokyo và Osaka…
Nếu cần nói về sự lang thang của tôi trong gần suốt một đời người, thì xin tóm tắt :
Sau 30 năm ở miền Bắc nước Việt, khi đất nước bị chia đôi, tôi phải di cư vào Nam; sau 24 năm ở Saigon, khi quê hương đã thống nhất nhưng tình hình còn gay go, tôi phải qua sống tại Mỹ trong 30 năm. Khi tôi 80 tuổi, tình hình trong nước đã ổn định, tôi được trở về quê hương, sống nốt quãng đời còn lại...
Phải rời bỏ nơi này đi nơi khác, chắc chắn là vì thời thế ! Chắc chắn là trong những tình thế rất nóng bỏng, dù tôi chỉ là một thường dân nhưng mang một cái “mũ” chính trị, tôi không có chọn lựa nào khác hơn là đi tìm chốn an thân ! Nhưng đó lại là lý do khiến cho một người cầm bút vô danh, tuổi trẻ hơn tôi (trên Internet, ngày thứ ba, 29/03/2005), phê bình tôi là một nhạc sĩ có tài nhưng đầy mâu thuẫn bởi hay nói trước quên sau, một con người đã nhiều lần rời bỏ những gì từng quý từng yêu để đến những bờ bến lạ với hy vọng ngày mai sẽ vui thú hơn ngày hôm qua... Nhận xét này rất chủ quan, vì tôi không bao giờ quên một điều gì cả, trừ phi tôi muốn quên nó ! Tôi không bao giờ bỏ những gì tôi từng yêu quý để đi tìm những thú vui hơn ! Rất giản dị, tôi ra đi vì trong những cơn bão tố, ai mà chẳng muốn đi tìm chốn yên thân?
Thế nhưng những sự ra đi đó cũng không hẳn chỉ vì chuyện chính trị, mà tại vì trong tôi cũng đã có sự khát khao xê dịch từ khi tôi còn ít tuổi. Lúc tôi mới bước vào nghề ca nhân, tôi chỉ muốn vào hát tại Đài Radio Indochine ở Saigon, do đó tôi nhẩy vào một đoàn hát lưu động để có thể thực hiện giấc mơ của mình. Cuộc xê dịch với nhiều “bước đàng” trên đường cái quan này sẽ giúp cho tôi có thêm rất nhiều “sàng khôn”. Trở ra Hà Nội, cuộc Kháng Chiến giúp tôi được xê dịch đây đó bằng chân đất để biết đời sống của dân mình ở khắp nơi trên miền Bắc. Khi đất nước bị chia đôi, tôi lại có dịp lang thang ở khắp hai miền Trung Bộ, Nam Bộ. Đã là người đi rất nhiều trong một xứ bé nhỏ là Việt Nam, có nhiều khi tôi khát khao được làm một lữ khách trên toàn cầu:
Người mơ ước tới
Đường tan ranh giới
Để người được mãi
Đi trong một duyên tình dài
Con đường thế giới xa xôi
Trong lòng dân chúng muôn nơi…
(CON ĐƯỜNG CÁI QUAN)
Và cơ hội đi xa đã tới với khúc quanh của lịch sử Việt Nam trong năm 75. Nhờ vậy, trong làng du khách không mệt mỏi, tôi trở thành người được chu du khắp năm châu, bốn bể…
Nhưng rồi cũng có lúc, với những chán chường xê dịch thường đến với tuổi già, với ý nghĩ chim bay về tổ, lá rụng về cội, cái khát khao -- hay khắc khoải -- cuối cùng của tôi là được trở về sống chết ở quê mình. Vào năm 2000, tôi quyết định làm một việc khó khăn nhất đời là việc hồi hương. Dù cho tới năm 2005 tôi mới thu xếp xong việc tái định cư ở Saigon, nhưng tôi đã 9 lần trở về quê hương trước đó.
Tôi trở về quê hương với chủ trương nghỉ hưu vì tuổi đã cao, nhưng tôi không quen "ngồi chơi sơi nước” cho nên sau khi đã được phép hành nghề trở lại, ai mời tôi ca diễn là tôi nhận lời liền. Tôi là cố vấn của phòng trà do con tôi lá ca sĩ Duy Quang chủ trương, Hơn nữa, đã từ rất lâu, tôi có một thú vui là sống với thời đại “a còng” cho nên sau khi đóng cửa một website rồi, sau gần ba năm, tôi mở một website khác.
Website này không chỉ phản ảnh đời tôi trong quãng cưối mà còn là nơi để tôi ghi lại chuyện một dòng họ với ba đời là văn nghệ sĩ. Trước kia, 4 anh, chị của tôi đã không lưu tâm tới việc ghi lại dòng dõi họ Phạm, thậm chí còn đánh mất cả cuốn gia phả, thành ra bây giờ tôi phải có nhiệm vụ đi tìm tông chi họ hàng. Và dù chưa có đủ chi tiết nhưng tôi đã tìm ra được dây chuyền của các thế hệ họ Phạm.
Trong website này, ngoài những trang có tính cách Bút Ký của tôi ra, tôi đã sơ lược một thế phả họ Phạm và tôi sưu tập những tài liệu về bố tôi là nhà báo, tiểu thuyết gia Phạm Duy Tốn, các anh tôi là nhà văn Pháp Ngữ Phạm Duy Khiêm, nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng, vợ tôi là ca sĩ Phạm Thị Thái Hằng, các con ruột tôi là ca sĩ, nhạc sĩ Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng, Duy Cường, Thái Hiền, Thái Thảo và con rể là Tuấn Ngọc... tất cả đều là văn nhân, nghệ sĩ đã liên tục đóng góp vào gia tài văn hóa Việt Nam trong hai thế kỷ vừa qua.
Mục đích của tôi là muốn ưu tiên cho các hậu duệ của tôi biết về tổ tiên của chúng và sau nữa cho bạn bè biết thêm những chuyện tưởng như đã cũ của một nghệ nhân, nhưng vẫn còn có thể thấy được nhiều cái mới. Và trong những chuyện mới thì lại thấy không thiếu những chuyện rất cũ…
Mời các dân mạng (netter) còn yêu nhạc, vào thăm “Phạm Duy trong những năm 2000”, với tấm lòng khách quan và vị tha hơn là chủ quan và nghiêm khắc, để thưởng thức nghệ thuật mà không cần phải phán xét một con người mới mẻ (mà vẫn cũ kỹ) trong bẩy năm trời hồi hương và hồi tịch.
Rất cám ơn,
Phạm Duy
(trang nhà phamduy2000.com)