Ngày trở về của Phạm Duy trong bối cảnh âm nhạc Việt Nam
- Details
- Written by Phạm Quang Tuấn
- Hits: 4705
Việc nhạc sĩ Phạm Duy hồi hương gây nhiều tranh luận sôi nổi trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại cũng như ở trong nước. Hầu hết những bài báo hải ngoại và một số bài báo trong nước nhìn việc này qua lăng kính chính trị. Một số bài cũng nhìn vào khía cạnh tình cảm cá nhân của một ông già trở về quê hương sinh sống. Tuy nhiên, bài này sẽ hoàn toàn không đề cập đến những khía cạnh đó, mà sẽ tập trung vào mặt âm nhạc, văn hóa của chuyến hồi hương này.
Tự nó, việc Phạm Duy trở về không có ý nghĩa nhiều về mặt âm nhạc. Nhưng nếu sự hồi hương của Phạm Duy dẫn tới việc nhạc của ông (sớm) được lưu hành và phê bình, bàn luận ở trong nước, thì có thể sẽ có những hậu quả quan trọng cho nền tân nhạc Việt Nam. Ðó mới là điều giới nhạc Việt Nam quan tâm.
Trước hết, tôi xin bàn về vị trí của nhạc Phạm Duy trong âm nhạc Việt Nam. Nền tân nhạc Việt Nam thường được coi là “chính thức” khai sinh khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên đi khắp nước diễn thuyết và trình bày những ca khúc của ông vào năm 1938, tuy rằng nhiều nhạc sĩ đã bắt đầu viết ca khúc theo thang âm Âu châu vài năm trước đó, nhưng chưa có cơ hội phổ biến. Vậy cứ cho rằng tân nhạc có một lịch sử khoảng 70 năm. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, ba nhạc sĩ thường được coi là nổi bật nhất là Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn.
Theo thiển ý, chỗ đứng của Văn Cao không vững vàng bên cạnh hai người kia. Tuy ông là người đa tài, tiềm năng của ông đã không được thể hiện xứng đáng vì những hoàn cảnh lịch sử, chính trị. Những tác phẩm của ông làm thời trẻ còn quá cổ điển, quá Âu tây (dù đã dùng ngũ cung Việt Nam trong bài Thiên thai), chưa phát huy đến nơi đến chốn tính thẩm mỹ Việt Nam, chưa độc sáng và thoát ra khỏi cái khuôn mẫu “dĩ Âu vi trung”. Lê Thương mới thực sự là nhạc sĩ đáng kể với những đóng góp vô cùng quan trọng và giàu tính dân tộc qua ba bản Hòn Vọng Phu.
Nhưng Lê Thương hơi kém về lượng. Trịnh Công Sơn mới chính là đối thủ của Phạm Duy về số lượng và tính cách độc sáng. Nếu Phạm Duy là người đã đem dân ca VN vào nhạc, thì Trịnh Công Sơn là người đã đem hồn thơ, và quan trọng hơn, đem những suy tư của người Việt trẻ đô thị, vào nhạc. Mỗi nhạc sĩ đã sản xuất trên dưới một ngàn tác phẩm.
Trong nghệ thuật, cũng như trong khoa học, số lượng không phải là điều quan trọng, mà quan trọng là sự đặc sắc và khai phá. Có những người có thể viết cả ngàn bài thơ, bản nhạc, mà thế giới không biết họ là ai và cũng không cần biết, vì những thơ nhạc đó chỉ là rập theo khuôn mẫu của kẻ khác. Có những người (như Lê Thương trong tân nhạc hay Mendel trong khoa học) chỉ có vài ba bản nhạc hay một khám phá mà đủ để có chỗ đứng trong lịch sử. Nhưng những nghệ sĩ lớn thường có số lượng đồ sộ, vì nghệ thuật là cả cuộc đời của họ, và họ không thể ngừng sáng tác. Và do đó Trịnh Công Sơn và Phạm Duy là hai cột trụ của tân nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20.
Tính cách của hai nhạc sĩ này hoàn toàn khác nhau. Trong khi Trịnh Công Sơn tập trung vào một phong cách riêng, với những giai điệu dựa trên âm giai E minor đặc thù của chiếc tây ban cầm, kể lể suy tư suốt mấy trăm tác phẩm, thì Phạm Duy, trái lại, như một con bướm bay từ vườn này sang vườn khác. Trịnh Công Sơn tinh khiết, Phạm Duy xác thịt. Trịnh Công Sơn là mặt trăng, Phạm Duy là mặt trời. Trịnh Công Sơn trừu tượng, Phạm Duy cụ thể. Trịnh Công Sơn đơn điệu đơn sắc, Phạm Duy đa điệu đa sắc đến cùng cực. Trịnh Công Sơn có chỗ đứng vững chắc, Phạm Duy luôn luôn đi trong cuộc hành trình. Không có đề tài nào mà Phạm Duy không thí nghiệm, từ cái dơ dáy của Tục Ca tới cái hồn nhiên của Bé Ca và cái cao siêu của Ðạo Ca, thuần khiết của Thiền Ca. Phạm Duy như một đứa trẻ năm tuổi, chạy chơi tung tăng trong vườn hoa của cuộc đời và của nghệ thuật, khi thì bắt bướm, khi thì vọc bùn, hoàn toàn không cần biết cha mẹ răn đe la mắng, cứ thích gì là làm nấy. Và may mắn cho chúng ta, một trong những cái Phạm Duy thích làm là... viết ca khúc!
Nhưng điều đáng buồn là, trong khi Trịnh Công Sơn được chính thức vinh danh, nhạc của ông được phê bình, bàn luận, in và phổ biến, thì nhạc Phạm Duy bị cấm đoán, không ai được nói tới trong nước. Dĩ nhiên, một số ca khúc Phạm Duy vẫn được hát trong các phòng trà, phòng khách. Nhưng khi sự lưu hành hoàn toàn dựa vào thị hiếu của công chúng như vậy, mà không có sự phê bình bàn luận chuyên nghiệp hỗ trợ, thì không thể bảo đảm rằng những tác phẩm giàu nghệ thuật nhất, trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ và đa dạng của ông, có cơ hội được sống.
Trong mọi bộ môn nghệ thuật, thị hiếu của công chúng không bao giờ là thước đo của giá trị nghệ thuật. Những tác phẩm thực sự độc đáo và tầm cỡ thường khó làm quen, và cần sự bàn luận, phê bình của những người có trình độ để khơi óc tò mò của công chúng và nhẹ nhàng dẫn dắt họ đi vào tác phẩm. Thử hỏi thời nay nếu chương trình trung học không dạy về Truyện Kiều thì sau vài chục năm còn có ai cảm nhận nổi? Dĩ nhiên, khi công chúng đã được giới thiệu và tác phẩm bắt đầu trở thành quen thuộc, thì nó sẽ đi vào lòng người một cách sâu đậm và lâu dài hơn những tác phẩm kém giá trị.
Cũng vậy, thành phần nhạc Phạm Duy hiện được lưu hành một cách tự phát và không chính thức chỉ là một phần nhỏ, vài chục bài tình ca, trong một sự nghiệp đồ sộ và đa dạng. Ðó là những tác phẩm bắt tai nhất của Phạm Duy, đánh vào những cảm xúc thông thường của lòng người bằng những kỹ thuật căn bản. Những bản nhạc ngắn với cấu trúc ABA, âm giai trưởng hoặc thứ của Âu châu, trở về chủ âm thường xuyên để ve vuốt lỗ tai, lời lẽ ướt át, tuy không đến nỗi “sến,” nhưng thường cũng chỉ ở mức độ cảm nhận trung bình của thanh niên thiếu nữ thành thị. Những tác phẩm đó, theo tôi, không cho một hình ảnh chính xác và đầy đủ về nghệ thuật của Phạm Duy.
Nói chuyện về Phạm Duy với một người trẻ ở miền Bắc, hay sinh ra ở miền Nam sau 1975, ta thường nghe những ý kiến như sau: “Có gì đâu, chỉ vài bài tình ca lỗi thời”, “Tôi không thấy nhạc Phạm Duy hay ở chỗ nào,” “Không làm tâm hồn tôi rung cảm gì cả”, thậm chí “Nhạc Phạm Duy nghe thấy sến!”. Hẳn những thính giả miền Nam và hải ngoại ái mộ Phạm Duy nghe vậy sẽ rất kinh ngạc, nhưng những người am hiểu một chút về sự cảm nhận âm nhạc và nghệ thuật nói chung thì không ngạc nhiên với những phản ứng ấy. Chúng xuất phát từ sự thiếu quen thuộc của những người mới chỉ nghe vài bản tình ca Phạm Duy.
Sự cảm nhận âm nhạc, nói cho cùng, dựa vào sự quen tai: về phương diện âm thanh thì quen với cung cách giai điệu, thang âm, tiết tấu, tiến trình hòa âm; về ca từ thì quen với từ ngữ, hình ảnh. Trừ phi có học lý thuyết âm nhạc, cái mà hầu hết thính giả Việt Nam không có điều kiện, còn thì sự quen tai là tất cả. Nghe đi nghe lại một số bản nhạc cho đến khi những đường nét giai điệu hằn vào trong óc như vết rãnh của bánh xe bò trên đường đá, nhất là khi đầu óc còn non nớt mềm dẻo và đá còn là đất, đó là tất cả sự đào tạo âm nhạc của hầu hết thính giả Việt Nam.
Trong cái khung cảnh âm thanh rất hạn chế đó, yếu tố ca từ nổi lên chiếm phần quan trọng. Mà ca từ thì tùy thuộc rất nhiều vào thời đại, vào bối cảnh xã hội chính trị. Khi nhạc của một nhạc sĩ bị cấm đoán trong ba mươi năm, qua một cuộc đổi đời về xã hội chính trị, sự cảm thụ tác phẩm của nhạc sĩ ấy trong một thế hệ mới sẽ không dễ. Tân nhạc Việt Nam, do đó, là một tập hợp của những phong trào, biến cố phù du. Bộ phận nào lỡ đánh rơi là mất, không tìm lại được nữa. Sự cấm đoán nhạc Phạm Duy trong 30 năm qua, một sự nghiệp làm gạch nối liên tục suốt từ những năm đầu của Tân nhạc cho đến bây giờ, do đó, là một vết thương trầm trọng của tân nhạc VN.
Một lý do nữa của sự phù du của tân nhạc Việt Nam là nó bị quá coi rẻ trong nền giáo dục âm nhạc. Trong khi nhạc cổ điển Tây Phương luôn luôn được coi là tuyệt đỉnh nghệ thuật, ở cả miền Nam và miền Bắc trước và sau thống nhất, và được giảng dạy trong các nhạc viện, và nhạc truyền thống dân tộc cũng được chú trọng (tuy nhiều khi “phát triển” sai cách và bị ép theo khuôn mẫu Tây phương), thì tân nhạc phổ thông hoàn toàn không được chú ý, kiểu như nhạc jazz bị giới nhạc hàn lâm Tây phương lơ là coi rẻ trong đầu thế kỷ 20. Vì sự lơ là đó mà hầu như không có một sự liên tục nào trong tân nhạc Việt, cứ mỗi thế hệ lại chạy theo những thời trang mới nhất nhập cảng từ ngoại quốc, như một đám bèo bọt trên sông đi từ vũng xoáy này sang vũng xoáy khác.
Muốn có một sự tiến bộ và mở mang liên tục, mỗi thế hệ nhạc sĩ cần học hỏi từ các thế hệ đàn anh. Phải có những bài bàn luận, phê bình, khảo cứu về cách viết nhạc, để xem những người đi trước đã có những sáng tạo gì về kỹ thuật cũng như nội dung, những gì đặc sắc, những gì Việt Nam. Học hỏi để bắt chước và phát huy những cái hay, hoặc để tránh bắt chước một cách vô tình nếu ta muốn đi tìm con đường mới.
Hiện nay, thay vì học viết ca khúc từ các đàn anh nhạc sĩ Việt Nam, các nhạc viên phải học từ các nhạc sĩ Âu châu thời cổ điển. Ðành rằng, ở một trình độ căn bản, ca khúc Việt Nam cũng giống ca khúc thất cung Âu châu, nhưng đó chỉ là trình độ nhập môn. Ca khúc xuất phát từ ngôn ngữ, mà tiếng Việt khác hẳn với các loại tiếng Âu châu về âm thanh. Những ngũ cung các miền Việt Nam, những luyến láy theo dấu của các địa phương VN, đem tới cho ca khúc Việt một sắc thái đặc biệt không nước nào có.
Phổ thơ sang nhạc là một hoạt động căn bản của nhạc sĩ khắp các nước, nhưng với các thể thơ Việt Nam dựa lên âm điệu lên xuống, luật bằng trắc và những thể thơ riêng, hoạt động ấy có những vấn đề rất đặc biệt. Trải qua mấy thế hệ, các nhạc sĩ tìm cách giải quyết và áp dụng nhiều cách khác nhau. Mà về phương diện đó thì Phạm Duy là bực thầy. Thử xem ông phổ câu ca dao
Trèo lên cây bưởi hái hoa
và hớn hở nhắc đi nhắc lại chữ “trèo lên” để vươn lên gần hai bát độ, ngân nga nũng nịu kéo dài dấu hỏi trong chữ “bưởi”, thì mới thấy tài năng tuyệt diệu của ông trong cách biểu diễn tình cảm qua âm điệu và làm chủ ngôn ngữ Việt Nam. Tác giả bài này đã bàn thêm về nghệ thuật phổ thơ của Phạm Duy trong một bài khác [1] .
Như đã nói ở trên, những tình ca ngăn ngắn của Phạm Duy viết trong thời ở miền Nam, tuy rất thịnh hành và được lưu hành không chính thức vì dân chúng quá thích nên không ngăn được, không thể coi là những đóng góp quan trọng nhất của Phạm Duy. Không có tình ca Phạm Duy thì cũng có tình ca của nhiều nhạc sĩ khác, còn mùi mẫn, ướt át cảm động hơn. Dĩ nhiên, nhiều người khác, kể cả nhạc sĩ Phạm Duy, có thể không đồng ý với ý kiến này!
Vậy những bản nhạc nào biểu hiện cho sự đóng góp lâu dài của Phạm Duy vào kho tàng âm nhạc Việt Nam? Tác phẩm của Phạm Duy quá đa dạng để mọi người có thể đồng ý về sự lựa chọn. Riêng tôi, tạm để ra ngoài những tác phẩm có tính cách thời sự khó lòng được lưu hành trong tương lai gần (tuy nhiều bài rất giá trị về mặt nghệ thuật), và cũng xin tạm không nói đến Minh họa Kiều còn cần thời gian để đánh giá, tôi xin đưa ra vài ví dụ tiêu biểu sau đây:
- Dân ca (mới). Ðiều này ai cũng biết. Nét đặc biệt của Phạm Duy là đã đem dân ca vào dòng chính của tân nhạc, với những âm điệu hấp dẫn, mới mẻ mà vẫn đầy bản sắc Việt Nam. Tối thiểu, dân ca Phạm Duy là chiếc cầu để người trẻ thành thị đi về với dân ca truyền thống nguyên thủy. Nhưng còn hơn nữa, dân ca Phạm Duy làm thăng hoa dân ca truyền thống, làm nảy nở những tinh hoa của nó. Nghe một bài dân ca Phạm Duy như Ðố ai, Quê nghèo, Người về, Ngày trở về, Bài ca sao, người thành thị không chút nào cảm thấy cố gắng phải “tìm về bản sắc dân tộc” để “ra vẻ Việt Nam”, mà cảm thấy cái bản sắc ấy tự nhiên nảy nở throng lòng họ và lôi cuốn họ, chẳng kém, hoặc còn hơn, là khi nghe một bản nhạc thời trang ngoại quốc. Ít có nhạc sĩ VN khác nào làm được điều đó.
- Những tình ca quê hương: cũng tương tự như dân ca, nhưng phát triển thêm một nấc về tầm cỡ, nghệ thuật và cảm xúc. Cách phân loại của tôi hơi khác với của Phạm Duy, tôi xin đặt vào loại này những bản như Về miền Trung, Tình ca, Tình hoài hương, Chiều về trên sông... Ðây là những tác phẩm điêu luyện, có tầm cỡ, độc đáo, bố cục chặt chẽ mà lại không khả đoán, ra ngoài khuôn sáo của các bài hát bình thường, mang nhiều âm hưởng ngũ cung dân gian, và tràn đầy tình quê hương, thích hợp và cần thiết cho mọi thế hệ người Việt.
- Hai bài trường ca Trường ca Con đường cái quan và Mẹ Việt Nam. Ðặc sắc nhất, theo thiển ý, là tác phẩm Mẹ Việt Nam. [2] 21 ca khúc trong Trường ca này được dàn dựng chặt chẽ, nối kết với nhau bởi một ý tưởng rất đẹp và sâu sắc, dùng chất liệu thần thoại và lịch sử của dân tộc, để nói lên những khát vọng hòa bình, cảm thông và đoàn kết của cả một dân tộc. Không hiểu những khát vọng phi chính trị, rất chính đáng và rất hợp thời này có được chính quyền sớm hiểu và cho phép phổ biến không? Hay là vì nó xuất phát từ trong một trái tim “ngoài vòng kiềm tỏa,” chứ không phải từ một ban tuyên giáo hay trường chính trị nào đó, nên sẽ bị cấm đoán mãi? Nếu vậy thì thật đáng tiếc.
- Mười bài Ðạo ca, phổ nhạc Phạm Thiên Thư. Về mặt âm nhạc thuần túy, cũng như về mặt kết hợp giữa nhạc điệu và ca từ, tôi nghĩ rằng đây là một kiệt tác của Phạm Duy. Ông đã dùng những kỹ thuật về tiến trình hòa âm và chuyển thể của âm nhạc Tây phương một cách điêu luyện để diễn tả những tư tưởng thiền và đạo rất Việt Nam.
- Những bài khác có tính cách khai phá kỹ thuật, thử nghiệm với những âm điệu lạ tai, nhưng vẫn thành công rực rỡ trong việc chuyển tải cảm xúc: Ðường chiều lá rụng, Mộng du, Tóc mai sợi vắn sợi dài
- Những ca khúc phổ thơ sử dụng những kỹ thuật đặc sắc để thích ứng với ngôn ngữ và thể điệu thơ Việt: Thuyền viễn xứ, Tiếng sáo thiên thai, Nụ tầm xuân...
Không biết bao giờ nhạc Phạm Duy mới được chính thức lưu hành và tự do bàn cãi tại Việt Nam. Nhưng một ngày qua mà chưa được hát, chưa được bàn, là thêm một mất mát cho nền âm nhạc Việt Nam, vốn dĩ chưa có gì phong phú.
Phạm Quang Tuấn
© 2005 talawas
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Phạm Quang Tuấn. Nghệ thuật phổ nhạc của Phạm Duy. Thế Kỷ 21, đăng lại ở http://www.tuanpham.org/photho.htm.
[2]Phạm Quang Tuấn. Introduction to Phạm Duy's “Mẹ Viet Nam”, http://www.tuanpham.org/EnglishLyricsFull.htm#MVN0.