Đất mẹ đón Phạm Duy
- Details
- Written by Nguyễn Văn Tý
- Hits: 3229
Ngày 17-5-2005, sau 30 năm lưu lạc xứ người, nhạc sĩ Phạm Duy đã chính thức trở về định cư ở quê nhà. Như ông tâm sự: “Đối với tôi, không có gì là quá muộn... Đất nước đang mở cửa và vì thế tôi trở về...”
Ngày 17-5, nhạc sĩ Phạm Duy đã về nước. Về luôn đấy. Đêm nay (18-5) ông đã mời một số bạn gần gũi trong tầm tay, đến khách sạn để cùng dự một bữa cơm thân mật. Trong số đó có giáo sư Trần Văn Khê, nhà thơ Phạm Thiên Thư, bác sĩ Trương Thìn và nhiều nhà thơ, nhà báo cùng những anh em bạn bè, bà con thân thuộc khác...
Thong dong trở về
Nhận được tin này qua một cú điện thoại từ lúc tinh mơ tôi đang còn ngủ, sao tôi tỉnh táo hẳn lên. Có lẽ đó là điều mà bao năm nay tôi vẫn chờ đợi. Lần về nước nào, ông cũng thường để lại trong tâm trí chúng tôi - những người mến mộ ông - một câu hỏi “Liệu ông có về hẳn không và bao giờ thì về”. Thế là đến hôm nay, câu hỏi đó đã được giải đáp. Sở dĩ hỏi là vì chúng tôi rất hiểu hoàn cảnh, người đi và người về, không phải dễ dàng và đơn giản đâu. Ông cũng như người rơi vào một bụi gai, gai đâm nhằng nhịt vào người. Phải có thời gian để gỡ từng cái, không khéo thì cũng dễ bị sứt thịt xẻ da, nếu không thì ít ra cũng rách quần rách áo... Nhưng được cái ông là người luôn tỉnh táo nên mọi cái gai, níu kéo, ông đã gỡ xong, để bây giờ thong dong mà về nước...
Có một nhà báo đã nói với tôi: “Ngày ra đi... trong lòng ông cũng nhiều bối rối lắm. Vì dễ gì mà người ta đã tin ông. Trong trạng thái ấy, có một thời gian, ta nên hiểu cho ông: “Thời thế, thế thời phải thế”. Vì dầu sao thì ông vẫn chỉ là một nghệ sĩ thôi mà. Tôi nói thế, không phải vì yêu mà xí xóa cho ông cả những việc làm không đúng đâu mà chỉ cốt để mọi người chúng ta rộng lượng một chút để thể tình mà tha thứ cho ông, rồi kiên nhẫn đợi chờ ông làm người xứng đáng. Quả nhiên từ 1986 đến 1994, đây là lúc ta gọi là “thời kỳ đổi mới”, chế độ ta, đất nước ta có những đường lối thông thoáng hơn thì ở ông lại là thời kỳ “từ bỏ chính trị để đi vào nghệ thuật”. Và cũng đáng khen cho ông: Biết bao tác phẩm có giá trị nghệ thuật đã ra đời từ những năm ấy, để ngày nay ông lại có đầy ắp cả một sự nghiệp gồm những tác phẩm làm rung động lòng người.
Để Phạm Duy “thực sự trở về”
Ngày trước, lúc mới chống Pháp, ông đã để lại những âm vang bất hủ trong Nhạc tuổi xanh khiến lớp trẻ lúc bấy giờ, và mãi đến bây giờ, tóc đã bạc, răng đã long mà những câu hát kia vẫn bám chặt trong lòng: “Đường ta, ta cứ đi. Ruộng ta ta cứ cày, đợi ngày... ngày mai quân cướp kia... không còn đây, ta hát câu tự do” (Nhạc tuổi xanh). Hay những câu hát trong Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung và Bao giờ anh lấy được đồn Tây... Những câu hát không chỉ còn đọng lại trong lòng người miền Trung mà còn đọng lại trong lòng biết bao người dân Việt... Những câu hát sắp thành dân ca rồi, vì người đời không nhớ nổi ai là người đã làm ra nó... Nhưng cái ngày xưa còn đó. Đến thời kỳ đổi mới người ta mới nhận ra, ở phương xa lại có những: “Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười...”. Hay “Nắng chia nửa bãi chiều rồi, vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu” (Ngậm ngùi - thơ Huy Cận), cũng như Tiếng thu (Lưu Trọng Lư) thì cũng là của một người ấy là Phạm Duy đã ra đời từ xưa. Chỉ có khác: Một bên là chính trị, một bên là nghệ thuật mà thôi.
Theo tôi nghĩ: Nếu Bộ VHTT ta mà biết sàng lọc ra thì Phạm Duy còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật đáng lưu truyền. Để những Nhạc tuổi xanh, Anh thương binh về làng kia, cùng xếp hàng vào đó, thì có ích hơn. Và nếu được thế thì trong hàng ngũ của ta lại có thêm “một cây đa”, từ thuở nào nay vẫn còn sống để lại phát huy thêm trong những giai đoạn sau này.
Có như thế ông mới thực sự “trở về”.
Hy vọng và chờ đợi
Từ ngày xưa tôi đã phục ông về cái tài “cảm hứng nhanh”, sáng tác nhanh, như có lần ông cùng tôi trong kháng chiến chống Pháp đi sang quân y để chữa bệnh lở, mà khi mới gặp một cô y tá tên Thu có đôi mắt xanh, tôi thấy ông cứ chần chừ đứng ở ngoài mãi không chịu vào để chấm thuốc. Không ngờ khi về đơn vị ông đã đàn hát ngay: “Thu ơi Thu! Ta vỗ súng ca. Ca cho đời cho Thu với ta (sau này thành bài hát Thu kháng chiến rất phổ biến). Hay một lần Đoàn Văn công Sư đoàn 304 chúng tôi vừa tiếp nhận mấy ca sĩ mới ra từ nội thành, trong đó có chị Thái Hằng sau này đã thành người vợ hiền của ông và đã sinh ra Duy Quang, Duy Minh, Duy Cường và Thái Hiền - toàn là những nghệ sĩ xứng đáng với tên tuổi Phạm Duy - Thái Hằng. Hồi đó, ngày đầu mới gặp Thái Hằng mà ông đã có những câu hát bất hủ như: “Tôi yêu cô Hằng đêm qua xuống trần; một đàn con trai rủ đàn con gái ra ngồi nhìn trăng (Bài Ông trăng chú Cuội) mà ngay sáng hôm sau, chính chị Thái Hằng cũng phải ngồi tập hát rất nghiêm chỉnh câu hát bất hủ trên kia: “Tôi yêu cô Hằng...”. Riêng tôi chỉ biết lắc đầu mà thầm nói: “Ông này tài quá, nhanh quá! Thế là xong rồi!”. Và hình như hai người đã yêu nhau từ đó.
Cái tài đó, bây giờ ông có còn không? Hình như vẫn chưa hết đâu. Tôi hy vọng nó vẫn còn cho đến khi ông thực sự đã trăm tuổi.
Hôm nay, bữa cơm này mới chỉ là bữa cơm đầu tiên để những người bạn gặp nhau. Tôi tin tưởng và hy vọng sẽ còn nhiều buổi họp mặt khác nữa để đón một tài năng từ phương xa trở về đất mẹ và để ông được đờn ca, hát xướng tưng bừng trên quê mẹ...
Cầu chúc cho nhạc sĩ Phạm Duy có một tương lai như mọi người đang mong đợi!
Nguyễn Văn Tý
Báo Người Lao Động