Phạm Duy và Dư Luận
- Details
- Written by Nguyễn Bích Liên
- Hits: 5362
Tôi không thích ngôi lê đôi mách, và cũng không để ý đến chuyện đời tư của người khác. Phải nghe những chuyện thầm kín của bệnh nhân hàng ngày, nên không có "xì căng đan" gì là đáng kể nữa. Gần đây, khi cùng Hội Ung Thư Việt Mỹ tổ chức chương trình "Phạm Duy, Một Đời Nhìn Lại", tôi bị lôi kéo vào dư luận về nhạc sĩ Phạm Duy. Trước kia, chỉ có bệnh nhân gọi hỏi bệnh, bây giờ nào fax, nào e-mail về Phạm Duy gửi đến tới tấp. Định làm lơ, nhưng không được. Vì bây giờ bị kéo vào vòng nên tôi cần lên tiếng.
Bao nhiêu lời chê trách: nào là Phạm Duy thiếu đạo đức, tình ái lăng nhăng, nhạc tục, tham tiền, theo Cộng sản, lại vô tài vì đã 30 năm nay, ông không cứu nổi nền âm nhạc Việt đang giậm chân tại chỗ. Họ bảo ông già rồi, viết nhạc hết hay mà còn huênh hoang. Chính tôi và những người trong ban tổ chức cũng bị mắng là dựa hơi ông Phạm Duy để nổi tiếng.
Tôi suy nghĩ nhiều về những lời chỉ trích rất nặng lời đó. Dư luận có cái lý riêng. Phạm Duy có lăng nhăng, ông không dấu giếm là có bồ bịch (tuy chưa ai nhận là con rơi của ông). Nói theo tiêu chuẩn các vị thánh thì ông đúng là vô đạo đức. Ông chắc tham tiền, cũng như tôi vậy. Nếu phải chữa bệnh miễn phí cho tất cả mọi người để được ca tụng là "lương y như từ mẫu", mà không có tiền nuôi thân và gia đình, tôi sẽ không nhận danh hiệu này. Việc Phạm Duy dám về thăm Việt Nam và nói chuyện với những người có chức quyền (theo những e-mail tố cáo mà tôi nhận được). Trong cương vị của Phạm Duy, tôi cũng muốn có dịp về Việt Nam, và được nói chuyện với những kẻ ấy, may ra có giúp họ mở mang thêm kiến thức và thay đổi đường lối chăng? (Thế nào tôi cũng sẽ bị mắng là ngu quá, bị cộng sản nó lừa mà không biết. Nhưng cũng đành chịu thôi, vì hình như có nhiều người cũng ngu như tôi vậy). Ông lại thật không biết điều, già rồi thì đi chỗ khác chơi cho người khác có chỗ mà lên chứ, hơn 80 tuổi mà còn tối ngày soạn sách, thu thập tài liệu, viết lách, làm nhạc. Ông làm hết như vậy thì còn ai có cơ hội làm nữa, thật là ham danh.
Dư luận đòi hỏi quá nhiều ở nhạc sĩ Phạm Duy. Lúc nào sáng tác của ông cũng phải hay, không được dở. Một ngàn bài mà có năm mươi bài dở là công trình vất đi, thà không sáng tác được bài nào như tôi đây còn hay hơn (!). Ông phải là một nhà đạo đức, hay đạo đức giả cũng được. Ông phải uống nước lã mà sống, phải tránh xa những quan hệ nam nữ không chính đáng, nghĩa là ông phải là một ông thánh. Ông gặp ai cũng phải chắp tay nhún mình để được tiếng khiêm nhường. Ông phải tránh xa bọn cộng sản vì coi chừng sẽ bị lây cộng sản, dù ngày xưa ông đã từng chạy trốn cộng sản trong thời kháng chiến, và vẫn bị chế độ cộng sản coi như kẻ phản động vì những bản nhạc ca tụng tình người của ông. Ông đừng có tự do tư tưởng, mà phải theo sự lãnh đạo của những vị thánh hay to tiếng trong cộng đồng. Và nhất là ông đừng làm gì nữa. Người Việt chúng ta hay kính trọng người lớn tuổi và có công, nhưng chỉ thích những người làm ra vẻ khiêm nhường. Ai tự tin và năng động thì bị mắng là huênh hoang!
Phạm Duy chỉ là con người thôi! Ông có đủ thói hư tật xấu, và cả cái hay cái đẹp của một con người. Chỉ khác là Thượng Đế cho ông quá nhiều. Đó là số mệnh cuả thiên tài. Nhiều tài và nhiều "tật xấu" nên ông thông cảm con người, nhìn ra và diễn tả tuyệt vời những nét đẹp, nhưng không tránh né cái xấu xa của nhân loại. Vì thế, khi nghe hay hát nhạc Phạm Duy, chúng ta rung động và gần gũi một cách đặc biệt. Một vị thánh làm nhạc, sẽ không cho tôi những rung cảm thành thực như vậy.
Nhạc ông không phải bài nào cũng hay. Tôi không thích nhiều bài. Nhưng nói không ngoa cả đời tôi được nuôi bằng nhạc Phạm Duy. Từ những bài ru con à ơi nghe mẹ hát "từ khi mới ra đời"; đến những bài nhạc tuổi thơ hát lúc "một trời nam tròn trăng thu, em bé ra ngồi xem chú Cuội đâu"; rồi tuổi dậy thì mơ mộng "Em ước mơ mơ gì tuổi mười hai, tuổi mười ba", đến tình yêu lãng mạn chỉ dám " bỏ quên cây đàn" hay " uống ly chanh đường uống môi em ngọt"; rồi say đắm những dục tình bốc lửa của " Cỏ Hồng", cuả "Nha Trang Ngày Về"; rồi "Tôi yêu tiếng nước tôi, à à ơi tiếng ru muôn đời", những bước chân trên "Con Đường Cái Quan", những huyền thoại "Mẹ Việt Nam" cho tình yêu quê hương dân tộc; rồi hào khí ngất trời của thanh niên kháng chiến chống ngoại xâm với "Ngày bao hùng binh tiến lên, bờ cõi vang lừng câu quyết chiến"; qua đến những dằn vặt suy tư tâm linh của tuổi trung niên "Chiều xuống trên giòng sông Cửu Long, như một cơn ước mong, ơi chiều", đến những triết lý về Đạo, về Thiền, về Cái Chết và Sự Sống, về cõi Vô Hạn..., của tuổi già, và nhiều nhiều nữa. Với nhạc Phạm Duy, chúng ta lữ hành qua cuộc đời với đủ ngọt bùi, cay đắng, tham sân si, thất tình lục dục, tuyệt vọng, hi vọng, thăng hoa, và giải thoát.
Dư luận có lý lẽ riêng. Nhưng nếu chúng ta khắt khe với Phạm Duy, sao không khe khắt hơn với chính mình: "Tôi đã làm được gì cho đời?"
Mỗi viên đá chúng ta định ném ra, hãy xem lại, kẻo ném phải chính mình. Hãy dịu lại đôi mắt nhìn và mở rộng tấm lòng để cám ơn những ai đang làm đẹp cuộc đời. Ta sẽ thấy đời còn đẹp lắm.
Nguyễn Bích Liên