Người tình sông Đuống
- Details
- Written by Hiếu Dũng - Ngân Vi
- Hits: 3769
Nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Hoàng Cầm đã có khoảng hai năm trời sống chung gắn bó. Theo lời Phạm Duy, tình bạn của họ thân thiết đến độ "chung chăn chung chiếu chung chè chén". Chưa có người bạn nào tâm đầu ý hợp với ông hơn Hoàng Cầm. Vì thế mà sau này, dù đã xa nhau hơn nửa vòng trái đất, họ vẫn thường xuyên viết thư hoặc đánh điện hỏi han chia sẻ. Khi được Phạm Duy bày tỏ lòng yêu mến với Hoàng Cầm trong tôi, nhà thơ của Lá diêu bông liền ân cần phúc đáp lại bằng Phạm Duy trong tôi. Một cách biểu hiện tình cảm rất chân thành, rất đẹp của hai con người đã cùng nhau đi qua gần hết thăng trầm, hạnh phúc.
Sau một thời gian là đoàn viên của Đoàn văn nghệ Giải phóng Trung ương, hoạt động ở khắp vùng thượng du Việt Bắc, một ngày cuối thu 1947, Phạm Duy từ biệt đoàn này và tới vùng Bắc Giang, đầu quân vào Đoàn văn nghệ của Khu 12. Trong Phạm Duy trong tôi, Hoàng Cầm viết: "Vào một buổi chiều cuối thu 1947, trên đường đê sông Máng đi từ đập Takun (tiếng Pháp đặt thay tiếng Việt: tên gọi đập Thác Huống) có 3 người, 1 quàng guitare, 1 đeo accordéon, 1 cầm clarinette, ngơ ngác hỏi thăm chỗ đóng quân của đội văn nghệ tuyên truyền Khu 12. Đó là các anh Phạm Duy, Ngọc Bích và Ngọc Hiền, đang tìm về với đội văn nghệ của Hoàng Cầm sau khi Đoàn kịch Chiến Thắng của các anh giải thể. Tối hôm đó, trong căn nhà ấm cúng ven rừng Yên Thế, trong ánh sáng ngọn đèn măng sông, ông Lê Quảng Ba giới thiệu ba chàng văn nghệ sĩ này với tôi. Ồ, có gì lạ nhau đâu, Phạm Duy đây mà, với giọng nói cố làm ra vẻ trịnh trọng: "Tôi ở trên ban văn nghệ trung ương, nghe tin anh Hoàng Cầm mới lập một đội văn nghệ lưu động, tôi và hai bạn tôi đây nhất quyết về với các bạn Khu 12, vì toàn là trẻ trung cả". Rồi qua cặp kính trắng rất tài tử, Phạm Duy chớp chớp đôi mắt lẳng lơ nhìn các nữ diễn viên trẻ đẹp của tôi: Tuyết Khanh, Thúy Nga, Kim Oanh, đến nỗi cả ba cùng ngượng nghịu, đưa mắt nhìn nhau, tủm tỉm. Tôi với Phạm Duy quen biết nhau từ sau Cách mạng Tháng Tám. Chỉ biết qua loa về gia cảnh anh, hình như có chuyện éo le gì đó. Mới 15 tuổi anh đã bỏ nhà đi theo những bậc đàn anh như Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương, Đàm Quang Thiện, học được cách ghi xướng âm và những điều cơ bản về âm nhạc, chẳng bao lâu tài năng bộc lộ, anh chịu khó chắt lọc, sử dụng tinh hoa dân ca miền Bắc. Vốn thông minh, học một biết hai, anh đã có thể đi đàn ở các tiệm nhảy để mưu sinh...".
Về phía Phạm Duy, ông bảo: "Gặp Hoàng Cầm, tôi yêu nó ngay. Nó bằng tuổi tôi. Trong khi tôi thích đùa rỡn thì nó giống như một ông đồ non, lúc nào cũng ngồi hút thuốc lào, rung đùi, trầm ngâm". Thế, hai con người sinh ra để gây duyên gầy nợ, thành thử việc Phạm Duy quyết định phổ thành nhạc cho bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm cũng là chuyện rất đỗi bình thường.
Hiếm có thứ tình nào tuyệt mỹ như vậy. Nếu Phạm Duy luôn miệng khẳng định Hoàng Cầm là một nhà thơ lớn trong kháng chiến thì Hoàng Cầm từng tâm sự rằng: "Tôi thường chiều ý Phạm Duy, vì biết cứ xê dịch luôn, có cảnh đẹp lạ mắt, có những cô gái xinh tươi thì thể nào Phạm Duy cũng bật ra được những giai điệu say mê, trữ tình, mặc dù đề tài nhiều bài ca nổi tiếng của anh không phải là chuyện tình nam nữ hoặc chuyện xa cách nhớ nhung, thở ngắn than dài như một số ca khúc buồn trước cách mạng". Suốt những năm tháng kề vai sát cánh, họ chắp cánh cho nhau. Rất dễ dàng nhận thấy Hoàng Cầm đã ảnh hưởng tới sự nghiệp Phạm Duy như thế nào. Một giai đoạn trong cuộc đời soạn nhạc của Phạm Duy mang đậm dấu ấn Hoàng Cầm: Giai đoạn Hoàng Cầm ca, dù khi ấy, họ đang xa cách nhau đến nghìn trùng.
Cười như mùa thu tỏa nắng
Một ngày nọ trên đất Mỹ, Phạm Duy bỗng tình cờ gặp được cô con gái của Hoàng Cầm với người vợ cũ Tuyết Khanh. Cô tên Kiều Loan - tên của một vở kịch thơ do chính bố Hoàng Cầm sáng tác và mẹ Tuyết Khanh thủ vai chính vào năm 1945. Phạm Duy nhận Kiều Loan làm con nuôi, hết lòng nâng đỡ về mặt tinh thần như chính con ruột của mình.
Mùa xuân năm 2000, Phạm Duy trở về Hà Nội, người bạn đầu tiên mà ông tới thăm là thi sĩ Hoàng Cầm. Họ tự nhận nhau là: "Hai thằng bạn già, vượt thời gian không gian".
Hôm biết tin người tri âm tri kỷ của mình tạ thế, Phạm Duy không nén nổi xúc động mà viết:
"12 giờ trưa ngày thứ năm, 6.5.2010
Ông Hoàng của tôi ơi!
Tôi vừa soạn xong bản nhạc phổ thơ bài Bên kia sông Đuống và đã đưa cho người soạn hòa âm để thu thanh, với ý định tặng riêng ông cho ông nghe để ông đỡ buồn (vì thấy ông không có một bài viết nào trên các báo xuân vừa rồi, nghĩ rằng ông ốm)... thì nghe tin ông vừa qua đời sáng hôm nay!
Thế là tôi lại mất đi một người bạn tốt, đã từng chia sẻ với nhau những vinh quang và tủi nhục của cuộc đời.
Phải xa nhau gần nửa thế kỷ, khi cuộc đời Việt Nam đã bình thường rồi thì chúng ta đã trao đổi thư từ trong đó, hai ông già ngoài 70 tuổi vẫn cứ xưng hô mày tao như trong tuổi 20. Chúng ta đều cho rằng cả hai thằng bạn, vào lúc gần đất xa trời, rốt cuộc đều thấy đời mình chỉ là một cuộc chơi! Cuộc chơi đã đưa hai đứa lên rất cao, rồi cũng đã dìm hai thằng xuống rất sâu nhưng cả hai kẻ lãng tử này đều được cứu rỗi bởi một sợi dây bí ẩn. Đó là sợi dây cảm nhận, rung động và sáng tạo nghệ thuật làm cho chúng ta, sau nhiều cơn vật vã, vẫn có thể gạn đục khơi trong rồi làm ra những vần thơ điệu nhạc lung linh sức sống kỳ diệu của con người. Vâng! Nghệ thuật đã rửa hồn chúng tôi, như Hoàng Cầm nói: ton art purifie ton âme và sẽ còn giúp chúng ta đi nốt con đường chúng ta đã chọn là con đường tình: tình nước, tình người.
Vĩnh biệt người bạn cố tri. Chúc ông yên vui trong giấc ngủ ngàn thu"
Nằm trên giường bệnh, nghe nhắc về Hoàng Cầm, Phạm Duy lại khe khẽ đọc đôi câu thơ trong bài Bên kia sông Đuống:
"Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng"
Rồi ông chùng giọng xuống: "Hồi xưa đẹp lắm, giờ không còn được thế nữa...".
Hiếu Dũng - Ngân Vi
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130101/nguoi-tinh-song-duong.aspx