PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Cái Tôi Của Phạm Duy Trong 'Xuân Ca"



Nhạc sĩ Phạm Duy có nhiều bài hát về mùa Xuân như “Nụ Tầm Xuân”, “Hoa Xuân”, Xuân Thì”, “Xuân Hiền”... Trong số đó có “Xuân Ca” (Saigon – 1961). Đây là bài hát tôi thường nghe và nó để lại ấn tượng trong tôi “cái tôi” của Phạm Duy.

Trước tiên là tình trong “cái tôi” của Phạm Duy có bóng dáng của cha, của mẹ. Tình yêu thương của cha mẹ tạo thành hình hài cho con trẻ. Tình ở đây từ một “đêm vui”, “một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về”. Thật là diệu kỳ khi người con được khơi nguồn sống bởi ân tình nồng thắm của mẹ, của cha. Chính tình yêu của mẹ, của cha đã xóa tan sự âm u, lắt leo trong nguồn suối mơ để rồi bừng reo lời ân ái từ cha như nắng chói chan lòng mẹ:

“Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về
Xuân âm u, lắt leo trong nguồn suối mơ
Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ”
.


Tiếp đến, “Xuân Ca” là tình hòa chung của “cái tôi” cùng nhân thế. Đã là người, mấy ai không mang phận số, mấy ai không đớn đau, kêu gào cho kiếp nhân sinh. Dù thế nào đi nữa, con người vẫn phải đón nhận và vui sống. Và Phạm Duy, theo tôi nghĩ, cũng vậy:

“Xuân tôi ra, góp chung câu gào thiết tha           
 Là xinh, là tươi có Xuân thuở xưa ước mơ hiền hoà
.          
Xuân xanh lơ, hắt hiu trong trời nắng mưa
         
Vườn Xuân là Xuân có hoa ngày mai hát Xuân thật dài”


Mỗi khi nghe đoạn này, tôi như thấy một Phạm Duy yêu cuộc sống mãnh liệt biết chừng nào! Được là người, ông mong “góp chung câu gào thiết tha” trong cõi “Xuân xanh lơ, hắt hiu”; ẩn chứa trong đó “là xinh, là tươi có Xuân thuở xưa ước mơ hiền hòa” và lấp lánh “vườn Xuân là Xuân có hoa hát Xuân thật dài”.

“Xuân Ca” còn là tình yêu lứa đôi. Muôn đời nay, tình yêu ấy vẫn là nỗi khát khao, nồng ấm, cháy bỏng. Dẫu có lúc tưởng chừng cách biệt, nhung nhớ, buồn thương, để rồi được gặp nhau tràn căng nhựa tình, cuồng quay tình Xuân tràn ngập bến đỗ tình yêu:

“Xuân tôi sang bến yêu tôi tìm gió trăng
Tình Xuân là Xuân có khi mừng vơi, có khi sầu đầy
Xuân yêu đương, muốn căng lên nhựa sống ngon
Tìm em, gặp em đón Xuân nghìn năm bão Xuân ngập lòng”
.

Nghe “Xuân Ca”, tôi còn bắt gặp một Phạm Duy như thể bay lên, hòa cùng đất trời để nghe tình Xuân nở giữa cõi nhân gian, mặc cho thế nhân còn buồn thương, hờn giận: 

“Xuân lên cao, chóp Xuân buông nhìn xuống sâu
Hồn Xuân, hồn thiêng ngút lên từ lâu cõi Xuân còn dài
Xuân trong ta đã muôn ngàn lần đã qua
Mặc cho, mặc bao những cơn buồn thương những cơn giận hờn”
.

“Xuân Ca” còn là “cái tôi” đúng nghĩa của một người khát khao tình yêu, dẫu biết rằng rồi mai đây, cũng như mọi người, con người chỉ là cát bụi và trở về với cát bụi. Dù trở về cùng đất, nhưng Xuân vẫn trường tồn. Xuân vẫn mãi đem tình yêu đến cho những kẻ yêu nhau:

“Xuân tôi ơi! Sức Xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu
Xuân muôn năm, có ta Xuân còn hỡi Xuân
Thì xin, thì Xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần”
.

Nghe hết cả bài “Xuân Ca”, điệp khúc “Xuân ơi Xuân! Xuân ới Xuân ơi!

Xuân ơi Xuân! Xuân ới Xuân ơi!” như là tiếng gọi mời Xuân đến, như lời yêu thương được cất lên, như tiếng kêu hạnh phúc ngập tràn. Đây là tiếng lòng của Phạm Duy, cũng như mọi người. Và tôi chợt nhớ thủ bút của nhạc sĩ Phạm Duy trong dịp Xuân Giáp Thân, 2004: “Sinh ra vào mùa Thu, nhưng tôi yêu mùa Xuân. Quanh năm tôi gọi ‘Xuân ới Xuân ơi’! Xuân không bao giờ bỏ tôi đâu”.

Nghe đi rồi nghe lại “Xuân Ca”, riêng tôi cảm được rằng, qua ca từ từng đoạn, “cái tôi” Phạm Duy như là hiện hữu từ đêm đầu tiên khi cha mẹ ông hợp hôn đến khi ông cảm nhận hết dư vị của cuộc đời.

Tôi cũng như thấy “cái tôi” của ông biến chuyển theo thời gian để cả cuộc đời chỉ là “Xuân Ca”. Tôi thấy thấp thoáng đâu đó “cái nó” (Id) đầy dục tính (libido) được “cái siêu tôi” (Superego) chuyển hóa thành “cái tôi” (Ego) đầy chất người (theo Sigmund Freud). Là người mới có sự thăng hoa từ “đêm gối chăn phòng the”, “nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ”, “căng lên nhựa sống ngon”, “nghìn năm bão Xuân ngập lòng” đến “hồn Xuân, hồn thiêng ngút lên từ lâu cõi Xuân còn dài” để “tôi tìm gió trăng”, “góp chung câu gào thiết tha”, với “sức Xuân tôi còn khát khao”, “Thì xin, thì Xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần”.

Nghe “Xuân Ca” mỗi khi Tết đến, Xuân về, dẫu biết Phạm Duy rời cõi hồng trần, nhưng tôi như thấy ông đang gãy đàn hát vang: “Xuân tôi ơi! Sức Xuân tôi còn khát khao/ Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa  cầu…”

Xuân 2020

Phan Trang Hy

Bài này in trong Quán Văn số 71 XUÂN CANH TÝ(tháng 01/ 2020)