Thời Kỳ Thành Lập (1940-45) - Xu Hướng Nhạc Hùng - Hoàng Quý Và Nhóm Ðồng Vọng
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4014
Trong giai đoạn này, Hoàng Quý đã sốt sắng tham gia với một bài có tinh chất xưng tụng quê hương, bài Chùa Hương với nhạc điệu, lời ca rất mộc mạc, rất êm đềm, không hay lắm nhưng cũng không dở lắm. Nhưng sở trường của ông có lẽ không phải là "nhạc tĩnh mịch" như tiếng nam mô hay tiếng chuông chùa trong động vắng trầm tư. Bài này dùng một âm giai Tây Phương để diễn tả sự trầm lặng của một ngôi chùa Á Ðông. và không được đón nhận một cách nồng nhiệt, có lẽ vì dùng một âm giai Tây Phương để diễn tả sự trầm lặng của một ngôi chùa Á Ðông thì... không được ổn cho lắm...
Chùa Hương
Thuyền bơi lướt trên sóng xanh
Biết bao êm đềm
Con thuyền đưa tôi tới nơi thần tiên
Chùa Hương với đồi núi cao
Biết bao êm đềm
Phút mơ màng quên hết ưu phiền
Chiều sương rơi còn đâu đây
Vang tiếng trầm theo gió
Tiếng nam mô
Êm êm dần lan xa xa
Mỗi phút thêm âm trong ngàn mơ
Chiều sương rơi còn đâu đây
Vang tiếng trầm theo gió
Tiếng nam mô
Lâng lâng hồn tôi bay theo
Tiếng chuông nơi xa mờ
Chùa Hương với dòng nước xanh
Biết bao êm đềm
Con thuyền đưa tôi tới nơi thần tiên
Chùa Hương với đồi núi cao
Biết bao êm đềm
Phút mơ màng quên hết ưu phiền...
Nhưng khi Phong Trào Thanh Niên mà nhà cầm quyền Pháp giao phó cho Ðại Tá Ducoroy để "nắm" thanh niên nam nữ Việt Nam và có sự phản ứng của nhạc sĩ trẻ trong sáng tác, thì Hoàng Quý như cờ gặp gió, soạn ngay cho hai đoàn thể của mình là tổ chức hướng đạo và học sinh ở các trường nơi ông dạy học, một số bài hát có tính chất hát cộng đồng (hát chung với nhau, không còn là hát biểu diễn nữa)... Có bài được dùng để hát và múa trong đêm lửa trại, có bài là những "anh hùng ca", "lịch sử ca", những bài này có lẽ chịu ảnh hưởng của bài Anh Hùng Xưa đã có sẵn trong hướng đạo sinh.
Suốt trong một thời gian từ năm 43 cho tới 45, Hoàng Quý đã quy tụ được một số bạn hữu như Phạm Ngữ, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, và em ruột của mình là Hoàng Phú (sau đổi tên là Tô Vũ) để sáng tác và ấn hành khoảng trên 60 bài ca theo xu hướng nhạc hùng.
Riêng về phần Hoàng Quý, đã soạn ra những bài ca bất hủ như Trên Sông Bạch Ðằng, Gọi Bạn Lên Ðường, Tiếng Chim Gọi Ðàn, Bóng Cờ Lau, Nước Non Lam Sơn, Lời Vọng Ngàn Xưa, Dưới Bóng Thông Xanh, Chiều Xuân, Nắng Tươi... Bài được dùng nhiều nhất trong các đêm lửa trại là bài Ðêm Trong Rừng :
Rừng muôn cây xanh cao
Âm u ngàn gió lá
Khuất bóng ánh trăng sao
Ngồi chung quanh phiến đá
Ta khơi lửa đào
Bập bùng bập bùng trong đêm thâu
Mờ sương reo trong không
Âm u ngàn thác lá
Gió lắng xa mênh mông
Ngồi trong hơi núi giá
Ta khơi lửa hùng
Bập bùng bập bùng trong đêm sâu...
Ta ngồi trong ánh hương đêm
Ta cùng cất cao lời nguyền
Thề đồng tâm ta quyết thề sông núi
Ðem tâm can xây đắp ngày tươi mới
Thề đồng tâm ta quyết thề sông núi
Ðem tâm can xây đắp ngày tươi mới
Một lòng son (Một lòng son)
Rèn tâm chí (Rèn tâm chí)
Vì non nước (Vì non nước)
Có sá chi lao lung
Anh em ơi im nghe vang ầm trong rừng...
. . . . . .
Tân nhạc không còn là những bài hát có tính chất biểu diễn nữa, và trở thành một tiếng hát kêu gọi đoàn viên cùng đến hát chung với nhau những tiếng hát rầm rộ, khỏe mạnh, hứng khởi. Không còn sự tịch mịch, sự bùi ngùi, sự than khóc miệt mài như trong loại nhạc tình tiêu cực nữa ! Rõ rệt là các nhạc sĩ trẻ đã lợi dụng Phong Trào Thanh Niên mà thực dân Pháp đưa ra với ý định "nắm" các thanh niên thuộc địa, để viết ra những "thanh niên ca" của mình, của dân tộc mình.
Những bài hát dùng trong các buổi lửa trại, gọi chung là nhạc hùng gồm những bài thanh niên ca được soạn ra khá nhiều để nung nấu lòng yêu nước của thanh niên, phải cố gắng theo gương những người đã có công cứu nước. Lúc đó, trong giới học sinh, sinh viên, hướng đạo đã có một bài lịch sử ca kể lại hầu hết những vị anh hùng lập quốc, cứu quốc và kiến quốc như Phùng Hưng, Trưng Vương, Ðinh Bộ Lĩnh, Hưng Ðạo Vương, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung, Mai Hắc Ðế, Lê Lai... Nhạc điệu hãy còn phải vay mượn điệu dân ca Hoa Kỳ Clementine nhưng lời ca thì rất hấp dẫn :
Tâm gan nát mòn
Noi gương anh hùng
Cùng nhau gắng sức quên tấm thân
. . . . . . .
Giang sơn điêu tàn
Dân gian nguy nàn
Phùng Hưng uất ức phá tan hoang
. . . . . .
Trên vai mang thù
Thương dân lao tù
Bà Trưng tuốt kiếm phá quân Ngô
. . . . . .
Sứ quân tung hoành
Gieo kinh dân lành
Trừ yêu khắp nước có vua Ðinh
. . . . . .
Quân Mông lên đường
Vua ta lo lường
Ðằng giang quyết chiến có Hưng Vương
. . . . .
Quang Trung anh tài
Vung gươm (?)
Vào Nam xuống Bắc vững không lui
. . . . . .
Ðao cung lên đường
Gian nguy coi thường
Tài Mai Hắc Ðế nhất Nam Phương
. . . . . .
Quân Minh vây thành
Lê Lai quên mình
Vì dân cứu chúa chết quang vinh.
. . . . . .
Ðem binh ngăn Tàu
(?)
Ngàn năm hiếm có Lý Tướng Quân
. . . . . .
Gian nguy muôn từng
Xông pha anh hùng
Cờ Lê phấp phới cứu muôn dân. . .
Những bài anh hùng ca soạn theo nhạc ngoại quốc như vậy đã được tung ra để hưởng ứng phong trào soạn nhạc hùng bên cạnh loại nhạc tình. Ví dụ bài Ngô Quyền của Khuyết Danh, mở đầu cho những bài cùng có chung một đề tài của Hoàng Quý, Lưu Hữu Phước sau này :
Bạch Ðằng Giang, sông ơi !
Cùng ta réo lên chiêu anh hùng xưa
Theo tiếng sóng bên kia vừa tung bay
Tà giáp theo gương thần chập chờn
Trên sông thiêng đỏ máu ai kia
Ðã vung kiếm báu lên trời ghi hú vang
Bên ngàn núi sông chiêu hồn nước non.
Kìa Hoàng Thao đem bao quân sang
Quyết thâu giang sơn nhà Nam
Trên sóng biếc ngô Quyền phá tan
Quân Tàu thoát nơi nguy nan
Bạch Ðằng Giang
Sông ơi là mồ chôn quân Nam Hán
Dân trong nước nhớ ơn đời đời
Nhớ ơn anh hùng cứu nước khơi vùng tối tăm...
Nhưng những anh hùng ca mà tôi vừa kể ra đó, hoặc nó vay mượn nhạc điệu ngoại quốc, hoặc nó thiếu tính chất nghệ thuật cho nên nó đã không phổ biến mạnh mẽ. Ðằng khác, Hoàng Quý có tài sáng tác, có cả một hậu thuẫn là hai giới học sinh, hướng đạo, nhất là có hẳn một cơ sở để ấn hành nhạc hùng là tổ chức ÐỒNG VỌNG, qui tụ được hầu hết các nhạc sĩ trẻ của thời đó.
Anh Hùng Ca của Hoàng Quý là những bài như Bóng Cờ Lau, xưng tụng vị anh hùng ở Ðộng Hoa Lư :
Ta cùng nhau đi thăm nơi anh hùng xưa
Oai linh đang muôn đời giữa nơi sông cùng núi
Và sân đá tường rêu dãi gan sương cùng mưa
Ngàn bông lau reo đưa theo chiều gió phấp phới
Hay bóng cờ năm xưa còn đâu đây
Kìa bao tiếng trâu xa còn vọng trong khói mờ
Dè chừng như tiếng loa trong rừng cây
Hoa Lư ơi non lau còn trong sương gió
Ðến muôn đời mà không dứt lời ca
Với tiếng gió Hoa Lư ơi
Với tiếng gió Hoa Lư ơi
Muôn năm còn trong sương gió
Ðang oai hùng cùng với nước non nhà.
Nhạc điệu nghe ra rất khỏe mạnh. Lời ca không có vẻ sáo ngữ, gợi cho thanh niên những tình cảm đẹp đối với non nước Việt Nam, "sân đá, tường rêu"..."ngàn bông lau reo, đưa theo chiều gió"... với trẻ thơ anh hùng chơi trò đánh trận, với "tiếng trâu xa, còn vọng trong khói mờ, dè chừng như tiếng loa trong rừng cây"...
Xưng tụng Lê Lợi, Hoàng Quý soạn bài Nước Non Lam Sơn :
Vùng non cao ngất
Khí thiêng tưng bừng
Một sáng mùa xuân mới
Tiếng reo vang theo
Cùng hơi gió đến xa vời
Vừng ô lên sương tan mờ trong mây núi
Bóng quân đi theo tiệng chuông oai hùng rơi
Nước non Lam Sơn
Nước non Lam Sơn
Bóng cờ phấp phới
Khắp nơi cờ vàng
Muôn hồn quân Nam.
Nhạc Hoàng Quý không cầu kỳ, bóng bảy, và có đặc điểm thôi thúc, lôi cuốn người nghe. Ông hay nhắc nhở lại một nét nhạc chủ đề trong nhiều ca khúc (1). Một nét nhạc sau đây là một ví dụ. Ðiệp Khúc của bài Bóng Cờ Lau có một nét nhạc tương tự như đoạn cuối bài Nước Non Lam Sơn :
Với tiếng gió Hoa Lư ơi, với tiếng gió Hoa Lư ơi = fa fa fa re re re, fa fa fa do do do
Nước non Lam Sơn, nước non Lam Sơn = fa mi re re, fa re do do.
Hoàng Quý cũng như Lưu Hữu Phước còn ca tụng chiến thắng Bạch Ðằng Giang nhưng nhạc ngữ của ông thiên về Á Ðông hơn. Nhạc phẩm của ông thường là sự dung hòa hai âm giai ngũ cung và thất cung, trong khi nhạc hùng của Lưu Hữu Phước thì hơi giống nhạc fanfare của quân đội Pháp.
Trên Sông Bạch Ðằng (Hoàng Quý)
Trên sông Bạch Ðằng
Quân Nam ầm reo
Sóng nước vang đưa
Bao con thuyền mành trôi theo
Cờ bay gươm tuốt ra, quân vùng lên
Làm cho tan thây hết quân Nguyên
Ðến bây giờ mỗi khi ta đi trên sông Bạch Ðằng
Thì ta nghe nhân dân ca rằng :
(Hát lại từ đầu)
Bài hát của Hoàng Quý giống như một ronde enfantine được hát đi hát lại nhiều lần, rất phù hợp với tuổi thiếu niên đang khao khát âm nhạc mới và được nuôi dưỡng thêm tình yêu nước, yêu những anh hùng liệt sĩ thuở xưa.
Ðánh giá Hoàng Quý không nên chỉ thu hẹp vào những sáng tác của ông, bởi vì sự hoạt động cho nền nhạc hùng còn là một điều khiến chúng ta phải ghi nhớ và ghi ơn. Ông là linh hồn của đám nhạc sĩ trẻ ở Hải Phòng, thúc đẩy mọi người sáng tác và ông làm cho những sáng tác đó có một đời sống hẳn hoi, nghĩa là in ra, hát lên trong những sinh hoạt hướng đạo hay học sinh của ông.
Chắc chắn công việc làm của ông đã ảnh hưởng tới Lưu Hữu Phước, chứng cớ là những nhạc phẩm đầu tiên của họ Lưu đã được nhạc sĩ họ Hoàng cho in trong những tập nhạc ÐỒNG VỌNG, chẳng hạn như bài Bạn Ðường, Anh Em Bước Lên, những hành khúc nho nhỏ mà Lưu Hữu Phước soạn ra trong những ngày theo học ở Ðại HọcViện Hà Nội.
Văn Cao cũng đóng góp vào tổ chức ÐỒNG VỌNG một ca khúc nhan đề Vui Lên Ðường ngoài hai bài hát hướng đạo đã kể.
Phạm Ngữ khởi sự từ bài Nhớ Quê Hương mà tôi đã nói tới, bây giờ cũng sáng tác thêm một bài xưng tụng quê hương : Trước Cảnh Cao Rộng. Hoàng Phú là em ruột của Hoàng Quý thì cống hiến những bài nói tới công ơn của Hai Bà Trưng cũng như của Ðức Trần Hưng Ðạo, nhan đề Ngày Xưa... cả hai bài này đều nằm trong nhạc mục của ÐỒNG VỌNG.
Nói tóm lại, công lớn của Hoàng Quý là ở chỗ đã đẻ ra xu hướng nhạc hùng trong những năm đầu của Tân Nhạc. Không những làm cho phong trào nẩy nở bằng những sáng tác của mình, ông còn là người đỡ đầu cho những nhạc sĩ trẻ cùng một chí hướng soạn nhạc hùng với ông nữa. Tiếc thay, cũng như nhân tài yểu mệnh Ðặng Thế Phong, nhạc sĩ Hoàng Quý đã sớm vĩnh biệt chúng ta vào năm 1946 sau khi đã soạn thêm những bài thuộc xu hướng nhạc hùng như Hương Quê, Sa Trường Tiến Hành Khúc... Lúc ông sắp qua đời, ông cũng để cho một thứ tình cảm mềm mại hơn được phát xuất tự lòng mình qua một ca khúc buồn, bài Cô Láng Giềng. Rồi chưa soạn hết bài Tú Uyên, bản nhạc nói đến mối tình của một thư sinh và một người đẹp trong tranh, thì Hoàng Quý giã từ chúng ta, có lẽ để đi theo nàng tiên vào bức tranh vạn cổ chăng ?
Phạm Duy
__________________________
(1) Nét nhạc này về sau ta cũng thấy hiện ra trong những hành khúc của Văn Cao.