PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Chương 19

Hồi Ký — Thời Hải Ngoại
Cuốc kêu khắc khoải trên ngàn
Chim quyên thảm thiết gọi đàn chim đi...
BẦY CHIM BỎ XỨ


Đài VOA, với Lê Văn

Bây giờ là các hoạt động của tôi với các Đài Phát Thanh quốc tế như Đài BBC, VOA, RFI... và sự cộng tác với các Trung Tâm Sản Xuất băng nhạc hay đĩa hát.Trong phạm vi radio, tôi có nhiều duyên may hơn trong ngành điện ảnh. Tôi luôn luôn được Đài VOA phái anh Lê Văn tới nhà để phỏng vấn, hoặc mời qua Hoa Thịnh Đốn để nói chuyện với thính giả bốn phương (nhất là thính giả trong nước) mỗi khi tôi có sáng tác mới. Tôi đã có dịp tỏ lòng tri ân với Đài này (và đài RFI) trong một chương sách trước.

Nhưng Đài VOA là một đài phát thanh của nhà nước, tiếng nói của chính quốc Hoa Kỳ. Đài này cũng là một thứ dụng cụ của cuộc chiến tranh tâm lý trong chiến tranh lạnh giữa Tư Bản và Cộng Sản. Đài BBC ở Anh Quốc mới thật là đài của tư nhân, không dính dáng với một chính quyền nào cả. Người nghe có thể dễ tin Đài BBC hơn là Đài VOA.

Vào năm 1981, Đài BBC thuê tôi soạn sáu chương trình 30 phút để nói về Lược Sử Tân Nhạc Việt Nam từ năm 1938 cho tới năm 1975. Chín năm sau, với sự cổ võ nhiệt thành của anh Đỗ Văn, đài này còn đặt tôi làm thêm sáu chương trình nữa về diễn tiến của Tân Nhạc Việt Nam trong 15 năm nghĩa là từ 1975 tới 1990. Ngoài ra, tôi còn được thuê để đọc ba cuốn HỒI KÝ trên Đài BBC nữa.


Duy Cường và bố tới Đài BBC

Cũng vì nhu cầu soạn hai chương trình lớn về Tân Nhạc Việt Nam cho Đài BBC, tôi đã phải bỏ nhiều công đi sưu tầm tài liệu và phải là những tài liệu âm thanh vì sự đòi hỏi của ngành radio : nói chuyện về âm nhạc mà không có phần âm thanh thì... chán chết.

Tôi gặp khá nhiều khó khăn khi đi tìm những băng nhạc cũ phát hành tại Saigon trước đây để trích ra những bài hát thuyết minh cho những bài viết của tôi về sự thành lập của Tân Nhạc Việt Nam (38-75). Tìm ra những bài hát xưa như Hồn Xuân, Đêm Tàn Bến Ngự, Bóng Ai Qua Thềm hay Biệt Ly của Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Văn Chung, Dzoãn Mẫn soạn ra vào thời 38-40 thì dễ, vì những bài này đều đã được thu thanh trong những băng cassettes cũ mà một vài cá nhân hay một vài nhà sản xuất vừa cho "tái-phát hành" (rerun) ở Mỹ. Còn nhiều bài khác của Lê Thương, Hoàng Quý, hay Lưu Hữu Phước thì tìm không ra, ví dụ bài Một Ngày Xanh của Lê Thương, xưa rày ít ca sĩ hát vào băng, dù theo tôi, đó là một bài hát tiêu biểu cho thời kỳ nhạc lãng mạn. Tôi đành phải tự mình hát một số bài chưa hề được thu thanh vậy.

Trái lại, khi soạn bài cho chương trình radio về tiến trình Tân Nhạc Việt Nam trong 15 năm (1975-1990) thì việc tìm tài liệu không khó khăn gì cả, bởi vì vào năm 1990 này, nghề phát hành băng nhạc đã phát triển mạnh mẽ ở Mỹ, Âu Châu, Úc Châu.


Với Đỗ Văn

Công việc "làm ăn" với đài BBC này giúp tôi thành người viết nhạc sử bất đắc dĩ. Tôi đã được may mắn là một chứng nhân -- nếu không phải là một người thành lập -- của nền Tân Nhạc, đã từng đi diễn thuyết về Nhạc Việt trước đây ở nhiều nơi, nay lại được thuê để viết về những thời kỳ chuẩn bị, thành lập, phát triểnphân hoá của ngành nghệ thuật này. Tôi đã có cơ hội và nhất là phương tiện để bổ xung kho tài liệu âm thanh của tôi. Nếu sau này, có một Hội Nhạc Sĩ nào, một Nhạc Viện nào (conservatoire là gì nếu không phải là conserver) cần có những tài liệu đích xác và vô tư thì tôi sẵn sàng cung cấp.

Tiến trình Tân Nhạc từ 1938 tới 1975 đã được tôi nói qua trong những cuốn HỒI KÝ trước. Tôi chắc độc giả cũng muốn biết qua tiến trình của Nhạc Việt Nam trong 15 năm qua, nghĩa là từ 1975 tới 1990, vậy tôi xin trình bày như sau...

Điều nhận xét trước tiên của tôi là : trong 15 năm xa xứ, nếu làng nhạc Việt Nam ở hải ngoại đưa ra những bài hát tự vấn, khẳng định, tuyên ngôn, chất chứa ảo ảnh, ác ảnh của quê hương... thì trong một thời gian khá lâu, tuyệt nhiên không có một bản nhạc tình nào xuất hiện cả ! Chỉ về sau này mới có dăm bẩy bản tình khúc soạn theo thể nhạc khiêu vũ và có mùi vị tình yêu đắm đuối hay khổ đau như Kiếp Đam Mê của Duy Quang, Mười Năm Tình Cũ của Trần Quảng Nam (bài này được soạn ra từ lâu) và được phổ biến rất mạnh mẽ. Rồi tới một số nhạc phẩm của Đức Huy soạn theo style nhạc trẻ trong đó có những bài Đường Xa Ướt Mưa, Yêu Em Dài Lâu, Và Tôi Cũng Yêu Em tuần tự ra đời và rất được hoan nghênh. Bài Tình Cầm, thơ của cụ Hoàng Cầm do ông già họ Phạm này phổ thành ca khúc cũng được nhiều người hát trong một thời gian khá lâu, đến độ có cô con gái sửa lại tí tí lời ca, như vầy :

Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Sức mấy em về ở với anh...

Vào những năm đầu của cuộc đổi đời, cũng như tất cả mọi người di tản buồn khác, ca nhạc sĩ ra tới bến bờ tự do là bị phân tán đi sống tại các tiểu bang trong nước Mỹ mênh mông này. Những nhạc sĩ tôi gặp trên lục địa Hoa Kỳ như Vũ Thành, Thanh Thoại, Đỗ Kim Bảng, Ngọc Bích... hình như không còn sáng tác nữa. Hoặc có viết ra những bản nhạc mới nào đó, vì trong mấy năm 75-80 chưa có môi trường như radio, phòng trà, nhà ấn hành nhạc tập hay nhà sản xuất băng nhạc, tác phẩm của họ phải nằm kỹ trong ngăn kéo hay trong cõi lòng.

Nhưng chúng ta có thể coi Nam Lộc là người tung ra bài hát lưu vong đầu tiên với một chủ đề ám ảnh tất cả mọi người lưu vong : chủ đề Thương Nhớ Quê Hương. Trước đây Nam Lộc là người chuyên soạn lời ca cho những bản nhạc Âu Mỹ trong giới nhạc trẻ và là chủ nhân một phòng trà rất đẹp mang tên HẦM GIÓ ở đường Võ Tánh, Saigon. Qua Hoa Kỳ, Nam Lộc trở thành nhân viên đắc lực của USCC (United States Catholic Conference) trụ sở nằm tại Los Angeles. Rất sớm sủa, nghĩa là vào năm 1976, khi tôi còn nằm chết dí ở Florida thì ở California Nam Lộc tung ra bài Saigon Ơi Vĩnh Biệt :

Saigon ơi tôi đã mất người trong cuộc đời
Saigon ơi tôi đã hết thời gian tuyệt vời
Giờ còn đây những kỷ niệm sống trong tôi
Những nụ cười nét trên môi
Những giọt lệ ôi sầu đắng...

Bài hát của Nam Lộc được phổ biến mạnh trong khối người Việt ti nạn đầu tiên ở hải ngoại. Chỉ ít lâu, từ Saigon, Nguyễn Đình Toàn gửi ra ngoại quốc bài Saigon Niềm Nhớ Không Tên như để đáp lời Nam Lộc :

Saigon ơi tôi mất người như người đã mất tên
Như dòng sông nước cuộn quanh buồn
Như người đi cách mặt xa lòng
Lòng nhủ thầm em có nhớ không ?
Saigon ơi đâu những ngày khi thành phố xôn xao ?
Trong niềm vui tiếng hỏi câu chào
Sáng đời tươi thắm vạn sắc mầu, nay còn gì đâu ?


Nam Lộc, Phạm Duy vài tháng trước 31-4-75

Thật là thú vị cho người được nghe cả hai bài hát là tôi. Trong bài hát của mình, người ra đi Nam Lộc hỏi : Saigon ơi nắng có còn vương trên đường đi ? Mưa có còn ngập lối đường về ? Lá có còn đổ xuống công viên ? Thì người ở lại Nguyễn Đình Toàn trả lời :

Saigon đâu còn những ngày mưa mùa, khoác áo đi
Tay cầm tay nói nhỏ câu gì
Đâu mùi hoa quán nhạc đêm về
Đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly ?
Saigon ơi thôi hết rồi những ngày hát bên nhau
Đâu Phạm Duy với tình ca sầu ?
Mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu, còn gì đâu ?

Phản đối sự thay tên của thành phố thân yêu, Nguyễn Đình Toàn còn có những câu mất mát khác : Mất từng con phố đổi tên đường nên ...

...khi hẹn nhau ta lạc lối tìm
. . . . . . .
Mất trường xưa mất tuổi thiên thần
Mất hi vọng xa mất mộng ước gần...
Tất cả, ôi còn gì đâu ?

Cả hai bài hát mất Saigon (1) này được tất cả người Việt hải ngoại thích nghe, thích hát vì ai ai cũng đang sống trong niềm nhớ nhung Saigon rất là khủng khiếp.Xin kể thêm các nhạc sĩ khác, kẻ trước người sau, lần lượt ra đi và cũng nhớ thương Saigon như Nam Lộc, Nguyễn Đình Toàn : Trần Lãng Minh với Saigon Ơi Ta Sẽ Về, Hà Thúc Sinh với Hẹn Em Saigon, Trầm Tử Thiêng với Đêm Nhớ Về Saigon, Lê Uyên Phương với Khi Xa Saigon, Hoàng Ngọc Ẩn và Phạm Đình Chương với Cho Một Thành Phố Mất Tên v.v...

Bài Saigon Ơi Vĩnh Biệt thành công làm cho Nam Lộc có hứng khởi để soạn thêm bài hát Người Di Tản Buồn :

Chiều nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhăn nhoà.
Bạn ơi đó là người di tản buồn
Ngày ra đi lặng câm trong đớn đau
Rồi đêm khuya về trong đôi mắt sâu
Đời như chôn vào con phố u sầu...

Sống tại những thành phố hoa lệ Hoa Kỳ, lái xe láng coóng trên xa lộ rộng rãi nhưng người di tản buồn vẫn van xin :

Cho tôi xin lại một đời
Một đời sống với quê hương.
Cho tôi đi lại đoạn đường
Hàng cây vươn đầy bóng mát
Cho tôi an phận ngàn đời
Bên bờ đê vắng làng tôi.

Với những câu hát xin đi lại đoạn đường quê hương không phải chỉ có những con phố mất tên mà còn có cả con đê vắng làng xưa và với chuyện người đi cách mặt xa lòng, hàng cây lá đỏ trông tìm, người di tản buồn Nam Lộc và người ở lại (càng buồn hơn nữa) Nguyễn Đình Toàn đều có một hành trình như tôi nghĩa là, hoặc đi trên con đường ''tạm dung'' ở ngoài nước, hoặc đi trên con đường ''tạm tha'' (rồi lại vượt biên và bị bắt lại) ở trong nước, đi con đường nào thì cũng chỉ những nhớ cùng thương mà thôi !

Hai bài hát của Nam Lộc là làn gió đầu mùa kéo theo những bài hát của những người khác có nội dung tuyên ngôn như nhớ mầu cờ, phục quốc, quật khởi hay tâm tình như nhớ Saigon, gửi quà về quê hương, những đề tài gần gũi đối với người tị nạn. Tác phẩm của họ được tung ra vào lúc ngành sản xuất băng cassette bắt đầu khởi sắc nên càng được phổ biến rộng rãi và nhanh chóng.

Năm 1980 là lúc người tị nạn đã ổn định cuộc sống mới. Những hội đoàn chính trị, tôn giáo, xã hội đã thành lập. Trong bất cứ một cộng đồng to nhỏ nào cũng đều có chợ Việt Nam, có người mua kẻ bán, có thị trường bán thẳng cho người mua hay qua bưu phẩm cho nên đã có những hiệu bán sách, bán băng, những nhà xuất bản sách, báo và sản xuất băng cassette.

Một người chưa ai biết tới là Châu Đình An xuất hiện tại Khu Bolsa vào năm 1980 qua một chương trình âm nhạc được thu thanh vào băng cassette (có sự giúp đỡ tận tình của gia đình tôi) với chủ đề Những Lời Ca Thép. Trong đó, bài Chôn Dầu Vượt Biển của anh là một hoàn cảnh chỉ có thể xẩy ra với người Việt trong thế kỷ 20 này, do đó nó là một thứ lịch sử ca mà ai cũng muốn nghe đi, nghe lại :

Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh chôn
Anh chôn, chôn hết cả nhũng gì của yêu thương
Anh chôn, chôn mối tình chúng mình
Gửi lại em trăm nhớ nghìn thương...
Hò ơi hò ới ! Tạm biệt nước non...
Đêm nay đêm tối trời anh bỏ quê hương
Ra đi trên chiếc thuyền hi vọng vượt trùng dương
Em đâu, đâu có ngờ đêm buồn
Bỏ lại em cay đắng thật thương
Hò ơi hò ới ! Tạm biệt nước non...

Cùng với những ngôi sao vừa mới xuất hiện trong vòm trời âm nhạc Việt Nam hải ngoại, những bộ mặt lớn và có dĩ vãng xa trong Tân Nhạc như Trầm Tử Thiêng, Lê Uyên Phương, Lam Phương, Ngô Thụy Miên, Trần Đình Quân v.v... bây giờ đua nhau phát hành băng nhạc với những sáng tác cũ cùng với những bài mới soạn.Ta hãy nhìn vào hoạt động âm nhạc trong cộng đồng Việt Nam ở trên thế giới.

Tại Pháp, nằm trong một văn đàn lấy tên là LAM SƠN và hoạt động trong Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris, có Phan Văn Hưng, Ngô Văn Chương, Khúc Lan và các bạn trẻ khác. Những bài hát của nhóm này cũng nằm trong đề tài nhớ Saigon (Saigon Niềm Nhớ của Khúc Lan, Duy Nhân), hát cho ngày về (Hát Trong Ngày Về, Dựng Lại Một Ngày của Khúc Lan), nói đến cảnh lầm than dưới chế độ mới (Thằng Bé Tát Dầu của Phan Văn Hưng, Nam Dao).

Tại Canada, có Vy Hùng hoạt động độc lập. Có Phan Ni Tấn hoạt động trong một phong trào âm nhạc lấy tên là Hưng Ca (giống như các nhóm Du Ca ở trong nước khi xưa). Cũng như nhạc của các người ở trong hay ở ngoài phong trào Hưng Ca tại Canada, nhạc của Phan Ni Tấn là nhạc đấu tranh. Nhưng nhạc của anh không chỉ là những bài ca khẩu hiệu mà là những bài hát rất thi vị, nói tới cây lúa Việt Nam và mang các đầu đề Cái Lúa - Bưng, Tháng Của Bông Lúa Vươn Mình :

Cái lúa ở với nước non
Non nước không còn lúa ở với ai ?

Tại Úc, Phạm Quang Ngọc có tù ca, phục quốc ca, quê hương ca và -- cũng không thể nào tránh được -- có ca khúc cho một thành phố được gọi là người tình với bản Em Saigon.

Vào năm 1985, tại hải ngọai, ta thấy Trầm Tử Thiêng xuất hiện tại Nam Cali. Đây mới là người sáng tác sung mãn nhất trong đám nhạc sĩ lưu vong.



Trầm Tử Thiêng trong thời kỳ còn kẹt lại trong nước -- từ 1975 cho đến 1985 -- viết những bài tình ca như Một Thời Uyên Ương, Một Thời Để Nhớ, Tình Khúc Sau Cùng, Ru Ca Trên Thành Phố Đỏ v.v... Ngoài ra, anh còn có những bài Tâm Ca Của Người Tù Vượt Biển, Hành Ca Trên Nông Trường Oan Nghiệt khi anh bị bắt vì tội vượt biên và phải về sống tại rừng U Minh.

Khi được tha vào khoảng 1981, anh lại tiếp tục tìm cách vượt biên, nhưng không thành công. Trong dịp mưu tìm tự do này, anh gặp một người đàn bà trước kia đưa đò cho Mặt Trận Giải Phóng, bây giờ đưa đò giúp người vượt biên, anh bèn viết bài Mẹ Hậu Giang. Người mẹ này không làm chính trị, bà là hiện thân của tình thương...

Bài Hạnh Phúc Ta Hạnh Phúc Người mà anh soạn sau đó nói về những cái chơi vơi của đời sống con người : đã là nạn nhân của hạnh phúc cho nên đi tìm hạnh phúc... Nhưng rồi lại gặp phải đau khổ khi đi tìm hạnh phúc !

Đến năm 1982 anh lại tìm đường vượt biên nữa nhưng cũng thất bại và khi anh gặp một người đưa đò thứ hai thì anh viết bài Người — Lại Đưa Đò.

Rồi khi Trầm Tử Thiêng vượt biên thành công thì anh có bài Trại Tỵ Nạn Galang, trong đó anh mô tả tâm trạng của một kẻ mới vừa thoát thân nhưng không quên nói tới những điều trắc trở của những người phải sống ở đảo lâu năm. Bài Chiều Trên Đảo Trầm Tư, mô tả tâm trạng của một người ở giữa con đường đi và con đường về. Bởi vì trại tỵ nạn không phải là nơi để mình định cư, chỉ là bến đợi, bến chờ... Do đó người nhạc sĩ nhìn về phía trước chỉ thấy biển, nhìn về phía sau chỉ thấy rừng. Biển thì đầy nguy biến, rừng thì mênh mông. Phía trước mờ mịt, đường dốc thấp dốc cao, phía tương lai thế nào không biết, chỉ nhớ thấp thoáng là có em ở phía trước mặt.

Tại đảo, Trầm Tử Thiêng gặp Trần Đình Quân là tác giả bài Tình Ca Xứ Huế. Hai người cùng gia nhập tổ chức sinh hoạt văn nghệ dành cho các thanh niên ở đảo. Từ khi sang đến Mỹ, Trầm Tử Thiêng soạn Tình Ca Mùa Đông, Mười Năm Yêu Em, Đêm Nhớ Về Sài Gòn, Thư Xuân Hải Ngọai, Hãy Hát Lên Tin Yêu, Giã Từ Mùa Đông, Hãy Hát Tình Thương Về Biển Đông (viết cho chương trình đại nhạc hội yểm trợ tầu Lumière trong chiến dịch vớt người ở biển Đông), Hãy Vui Lên Khi Lòng Còn Biết Buồn, Hối Tiếc, Tưởng Niệm, Mây Hạ...

Nói chung, Trầm Tử Thiêng là người viết ca khúc phong phú nhất trong đám nghệ sĩ lưu vong. Trong khi những vị nhạc sĩ lớn khác dường như không còn đủ óc sáng tạo như xưa, thì nhạc phẩm của anh có đầy đủ các xu hướng Tình Yêu, Quê Hương, Thân Phận Con Người... Tiếc rằng anh không bước qua được thế kỷ 21. Bệnh ung thư đem anh đi vào năm 1999.

Các nhà văn, nhà thơ như Duyên Anh, Hà Thúc Sinh, bây giờ cũng ôm cả bút lẫn đàn trong tay để đi vào làng nhạc lưu vong.


Phạm Duy, Duyên Anh, Paris 1982

Ngoài những sách viết rất ác nghiệt về cuộc đời rất cay chua mà anh vừa trải qua tại Việt Nam, Duyên Anh tung ra một đĩa compact disc nhan đề Ru Đời Phù Ảo gồm 10 bài hát, có bài do anh soạn cả nhạc lẫn lời, có bài là thơ của anh do tôi hay Trần Quang Hải phổ nhạc.

Dường như sau những năm tháng khốc liệt ở trong nước, bây giờ như chim vừa được tháo cũi sổ lồng, Duyên Anh còn muốn nói thêm nỗi lòng của mình qua âm nhạc. Nhưng những ca khúc trong selection Ru Đời Phù Ảo chỉ có thể được soạn ra để nhà văn tự ru mình sau những cơn phiền muộn, mê hoặc, phù ảo và để tự vấn : chỉ còn vậy thôi sao ?

Có thể Duyên Anh có khá nhiều ẩn ức và không chịu nhìn thấy rõ ràng cuộc đời lưu vong đã khác xưa rồi cho nên anh dùng lại ngòi bút Thương Sinh để tấn công một số người. Đang sống yên ổn và thành công ở Paris vì văn phẩm được dịch ra Pháp ngữ và được xuất bản, anh qua Hoa Kỳ và -- cho tới nay vẫn không biết ai là người chủ mưu -- bị hành hung tới độ mang tật nguyền rồi tạ thế tại Pháp, sau khi con gái và người rể bị chết trong một tai nạn máy bay.

Nhưng theo tôi, trong số những người còn soạn ca khúc Việt Nam vào lúc này (1980), ở Mỹ hay ở Âu Châu, Úc Châu... thì Hà Thúc Sinh -- tuy không sáng tác nhiều bằng Trầm Tử Thiêng -- có thể được coi là người nhạc sĩ có những bài hát hay nhất, trí thức nhất.



Hà Thúc Sinh vượt biển qua Mỹ vào năm 1980 với hành lý văn nghệ rất cồng kềnh là cuốn Đại Học Máu và một số bài hát nằm trong một chủ đề chung là :Tường Trình Với Tự Do (còn có thêm cái tên là tủi nhục ca nữa).

Về cuốn sách, những chuyện tù đầy của anh có khả năng đổ thêm máu, mồ hôi và nước mắt vào lòng người sau những sách Cùm Đỏ của Phạm Quốc Bảo và Đáy Địa Ngục của Tạ Tỵ.

Những bài tủi nhục ca của Hà Thúc Sinh thì nói về Đêm Việt Nam, bây giờ là :

Đêm đấu tố và thủ tiêu
Đêm săn bắt cho đầy chỉ tiêu
Đêm cáo chung tự do nhân quyền...
. . . . . . . . . . . . . .
Đêm nhức nhối phang bằng chầy vồ
Vang tiếng thét sau cùng tự do
Đêm có tiếng súng sau trại giam
Người tù binh chết bên bìa rừng...

Cảm động nhất là một bài hát của Hà Thúc Sinh, nói tới thân phận của người thiếu nữ mà trước đây, Trịnh Công Sơn gọi là người con gái Việt Nam da vàng, đi trong đêm, đêm vang ầm tiếng súng... Bây giờ Hà Thúc Sinh gọi người con gái đó là người thiếu nữ Việt Nam cùng đường...

Từ khi em dậy thì, bố em vẫn ngồi tù
Mẹ buồn không dám khóc hóa ngu ngơ...
. . . . . . . . . . .
Vượt biên đi đường rừng
Thái Lan xa nghìn trùng
Đạn giặc không thương sót tấm lưng ong...
. . . . . . . . . . .
Một ngày nghe kể rằng :
Mã Lai đi đường thuyền
Trầm mình một cô gái tiếc hương trinh...
(Có nghĩa là cô tự vẫn sau khi bị hải tặc hiếp)

Chưa hết ! Trong bài Thời Hoàng Hôn Của Ý Niệm, Hà Thúc Sinh còn cho ta thấy hình ảnh một...

...cô gái trần truồng ngồi trước sân phơi ghẻ
Trước mặt mọi người cô vẫn thấy như không !
Âu Cơ Mẹ hỡi, sao nên nỗi đau thương
Cô gái Việt Nam mà sao lại hết thẹn thùng !

Tôi thấy rất cần thiết phải viết ra đây sự biến hình của người thiếu nữ Việt Nam trong Tân Nhạc, chỉ trong một khoảnh thời gian ngắn ngủi là vài năm trước 1975 và sau 1975. Xin bạn đọc đừng quên hình ảnh người nữ trong nhạc Hà Thúc Sinh vừa rồi và cùng tôi theo rõi nhạc Lê Uyên Phương ở Mỹ sau đây...

Đôi uyên ương Lê Uyên Phương tới Hoa Kỳ vào cuối năm 1979, làm sống lại không khí âm nhạc cuồng say của những năm tháng Saigon cũ qua những ca khúc mặn nồng trong các nhạc tập Yêu Nhau Khi Còn Thơ, Khi Loài Thú Xa Nhau, Uyên Ương Trong Lồng, Bầu Trời Vẫn Còn Xanh...

Rồi đôi chim uyên này còn ghi lại cuộc đời chung và cuộc đời riêng qua những tuyển tập tuần tự ra đời trong khoảng 79-90, như Biển, Kẻ Phán Xét Cuối Cùng, Trại Tỵ Nạn Và Các Thành Phố Lớn, Trái Tim Kẻ Lạ, Lục Diệp Tố... trước khi Thần Ung Thư tới, đem người nhạc sĩ tài hoa ra đi chỉ trước sự qua đời của nhà tôi khoảng vài ba tháng.

Trong HỒI KÝ này, tôi không có đủ chỗ để ca tụng tất cả những bài hát lưu vong của Lộc -- tên thật của nhạc sĩ -- nhưng trong lịch sử Tân Nhạc Việt Nam, tôi chưa bao giờ thấy có những bài hát mang tinh thần "ố nữ" (misogyne) rất cảm động, rất cay đắng, rất chua sót như trong nhạc tập Trái Tim Kẻ Lạ của Lê (không có Uyên Phương). Và bây giờ, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc...

Chúng ta đã biết cô gái Việt Nam trong Tân Nhạc thời mới thành lập tươi đẹp như thế nào ? Đẹp như mùa Xuân qua một bài thơ của Nguyễn Bính, Gái Xuân do Tu Mi phổ nhạc.

Những cô gái khác như Cô Hái Mơ, Cô Láng Giềng, Cô Lái Đò, Cô Tú... trong những ca khúc cũ, bạn nhớ không, cô nào cũng đẹp tuyệt vời. Đẹp nhất phải là cô gái trong bản Cung Đàn Xưa của Văn Cao, đi tới đâu hoa nở tới đó, mắt huyền như lưu giữ mùa Xuân và thân hình Cô thì thơm ngát...

Chiều năm xưa
Gót hài khai hoa
Mắt huyền lưu Xuân
Dáng hồng thơm hương...

Rồi thì có sự biến hình của người con gái trong Tân Nhạc... Vào năm 1970, khi cuộc nội chiến ở Việt Nam tới hồi cao độ, chúng ta động lòng sót thương cho cô gái Việt Nam da vàng, chưa hát ca dao một lần, chỉ có con tim căm hờn... của Trịnh Công Sơn.Tới khi Hà Thúc Sinh xuất hiện vào năm 1982 đem theo tờ tường trình với thế giới tự do trong đó có hình ảnh cô gái trần truồng ngồi trước sân phơi ghẻ, cô gái Việt Nam mà sao lại hết thẹn thùng... dưới chế độ mới, thì ta phải hoảng sợ !

Rồi bây giờ thì ta phải rùng mình khi thấy người của phái đẹp ở Hoa Kỳ trong năm 1988 này được gọi là rác rưởi ngoài đường, lượm dưới chân ai... trong bài Vô Tâm hay Là Giọt Máu Bầm Trong Trái Tim Tôi của Lê Uyên Phương :

Em vô tâm như bầu trời
Bầu trời, có đám mây bay
Có đám mây bay, đám mây bay qua...
Em vô tâm như cỏ cây
Cỏ cây mọc ngoài đồng
Cỏ cây mọc ngoài đồng
Cỏ trên đồng...
Em vô tâm như đồng tiền
Đồng tiền xấp ngửa đôi bên
Xấp ngửa đôi bên, xấp ngửa đôi bên...
Em vô tâm như rác rưởi
Rác rưởi ngoài đường
Rác rưởi ngoài đường, lượm dưới chân ai !
. . . . . . . . . . . . .
Đôi khi, đôi khi em đã hiện hình
Như con thú hoang trước người thợ săn !
Đôi khi, em đã hiện hình
Em đã hiện hình
Hình thiên thần trước người mơ mộng !
Đôi khi, em đã hiện hình
Là tờ giấy bạc nhầu nát
Trong mắt nhìn tham lam...
Đôi khi, đôi khi em đã hiện hình
Em đã hiện hình
Là giọt máu bầm
Trong trái tim tôi...

Cuộc đời Việt Nam quả là nhiều bất hạnh ! Người con gái Việt Nam, một thời, cùng chúng ta nhìn đàn bò chạy qua thành phố, bây giờ ra nước ngoài...

Nàng đã bỏ quên
Mối tình của Nàng
Trên chuyến xe bus
Chạy qua thành phố...
. . . . . . . . . . . . .
Nàng đã bỏ quên
Mối tình của Nàng
Trên tấm ghế da...
. . . . . . . . . . . .
Người, người qua
Người, người lại
Giòng đời quá khứ đã trôi xa...

Bài hát này còn thêm đoạn nói :

Một tên ăn mày nghiện rượu...
...đã nhặt được chiếc xách tay của Nàng
trên chuyến xe bus đó...
Hắn tìm thấy trong đó,
tình yêu của nàng,
danh vọng của nàng,
sắc đẹp của nàng,
tuổi trẻ của nàng......

Nhưng không biết làm gì

với những thứ kỳ quặc đó...
Hắn cần một chai rượu mạnh,
và đã đổi tất cả những thứ lượm được
trên chuyến xe bus
để lấy một chai rượu
trong một tiệm "ly cơ" bên kia đường...

Trước khi có bài hát kể trên của Lê Uyên Phương, vào năm 1984, nhạc sĩ Song Ngọc (3) cũng đã soạn ra một bài nhan đề Đàn Bà. Bài rất được phổ biến, có thể vì ai cũng đồng ý nó là sự thật chăng ? Bây giờ ở hải ngoại, đàn bà là mối lo sợ của đàn ông ! Bài hát không '' ố nữ '' nhưng cũng không '' ái nữ '' lắm đâu, nó là tình đời (c'est la vie) như tác giả than ở cuối bài :

Ôi đàn bà là những niềm đau
Hay đàn bà là ngọc ngà trăng sao ?
Ôi đàn bà lại là con dao làm tim nhỏ máu...
Ôi đàn bà dịu ngọt đêm qua
Ôi đàn bà lạnh lùng hôm nay
Ôi đàn bà là vần thơ say, khúc nhạc chua cay !
Em đã đến như huyền thoại,
Em đã đi không một lời
Ôi thế nhân, ôi tình đời...

Vốn là người xưa rày có những tác phẩm rất đẹp về phụ nữ, tôi cứ tưởng rằng mình đã nói quá đủ về thân phận của người con gái Việt Nam và quê hương trong loạt Nữ Ca khi xưa, và nhất là qua những bài hát Lời Người Thiếu Phụ, Giải Thoát Cho Em, Xin Em Giữ Dùm Anh v.v... in trong cuốn sách nhạc THẤM THOÁT MƯỜI NĂM.

Khi được nghe các bạn bè hát lên sự biến hình của người nữ như đã kể thì tôi thấy rằng những tuổi mộng mơ, tuổi ngọc, tuổi hồng, tuổi thần tiên, tuổi biết buồn... của tôi đã bị cuộc đời dần dần nghiền nát hết rồi. Những người em gái, với đôi mắt chói nắng quê Cha và trăng quê Mẹ... với những đôi tay ngà nhỏ ngọn năm nhánh và chân dài vượt vạn nẻo đời... vừa mới vượt biển qua Mỹ, thì nay đã qua đời và trở thành nữ thần hay bóng ma (4) cả rồi.

Đó là chưa kể ngoài đời, trong thực tế một số phụ nữ đã không còn đáng yêu như xưa nữa. Cuộc sống Hoa Kỳ đã tạo nên những người đàn bà viết văn, viết báo, làm Đài Phát Thanh mà thái độ chính trị mị dân, thiếu đoan trang, thiếu bao dung, rất hẹp lượng của họ không đề cao được một chính nghĩa nào cả, chỉ làm cho không khí cộng đồng mỗi ngày mỗi thêm ô nhiễm.

Và tôi đã tưởng rằng từ nay trở đi người cô gái Việt Nam sẽ hoàn toàn vắng bóng trong Tân Nhạc.



Thế nhưng cách đây không lâu (1999), trong làng Tân Nhạc hải ngoại đột nhiên xuất hiện hình ảnh cô gái Việt Nam muôn đời qua một đĩa CD nhan đề Người Con Gái Trong Tranh. Một nữ nhạc sĩ (tài tử) ở Houston-Texas, tên Ngọc, con gái của diễn viên nỗi tiếng Hoàng Vĩnh Lộc, một cách rất âm thầm, lặng lẽ cho cô gái Việt Nam yêu kiều của chúng ta tái sinh :

Từ trong đó em trổ hoa
Toả hương ngất ngây thời gian
Em đẹp như cỏ trên đồng hoang
Như loài hoa một đêm vội tan.
. . . . . . .
Em lạ như đám mây bên trời mầu diệu kỳ
Em là tiếng nói quanh đây gặp lại
Là tranh vẽ ? Hay là em ?
Đứng bên đời lặng lẽ, ân cần
Âu yếm hôn ta bằng nụ cười
Đứng bên đời lặng lẽ, yêu kiều
Ru hồn ta đắm đuối...

Vắng mặt một thời gian, nhạc về người con gái bỗng nhiên lại rất thịnh hành. Nhũng ca khúc rất dễ thương ra đời và được hát cả trong lẫn ngoài nước... Nhưng nếu trong bài ca Sao Em Vội Lấy Chồng (đùa tí nhé, Trần Tiến và các bạn trẻ khác) em mới ''bé xíu'' mà đã về nhà chồng thì tục tảo hôn ở nước ta vẫn còn. Một bài hát khác (của Quốc Hùng) mà rất nhiều người hát, cả người trẻ lẫn người già, nhờ hãng sản xuất dĩa hát và nhờ đài phát thanh quảng cáo dữ dội, có những câu : Con gái bây giờ thích làm ngơ, con gái bây giờ thích nằm yên... Con gái bây giờ nói không là có, nói có là không... Kể ra cũng vui vui, nhưng quá dung tục !

Cuối cùng, có bài hát về con chim đa đa, trách móc tại sao cô gái đi lấy chồng xa mà không chịu lấy chồng gần, thì ta có cảm tưởng bài ca này trách em không lấy chồng ở trong nước mà lại đi lấy Việt Kiều ?


Phạm Duy


(1) Hai ông Nam Lộc và Nguyễn Đình Toàn này than vãn "mất Saigon", chứ tôi đâu có khai là mất cái gì đâu ? Mà báo của Nhà Nước ở Việt Nam cho đăng bài Ai Làm Mất Saigon Của PD ? Chán quá !
(2) Không cứ gì hình ảnh cô gái, trong Tân Nhạc, tất cả những gì gọi là Việt Nam cũng đều vắng bóng (hay khuất bóng?).
(3) Song Ngọc còn phổ nhạc rất nhiều thơ tiền chiến.
(4) Xin nói ngay : nữ thần và bóng ma của riêng tôi thôi đấy nhé !