PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Chương 12

Hồi Ký — Thời Hải Ngoại
Mùa Thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ... ...
Cung Trầm Tưởng



Sau năm 1979, tôi không còn đi hát với vợ hay với các con nữa nhưng tôi thường được mời đi hát một mình tại Âu Châu, Úc Châu hay Á Châu (Nhật Bản)...

Tôi tìm ra được một phương thức để có thể dễ dàng đi nhiều nơi, giới thiệu các loại ca khác nhau. Tôi thu thanh trước những loại ca này rồi đem Compact Disk đi lưu diễn, cho phát thanh từng bài của từng loại ca chen với lời dẫn nhập hay giải thích của tôi. Tôi gọi đó là A Presentation of CD. Tổ chức biểu diễn cũng giản dị, không bắt buộc phải thuê rạp hát hay phòng họp mà có thể biểu diễn ngay trong nhà một Mạnh Thường Quân, tôi gọi đó là một buổi house concert.

... Trở lại Paris lần đầu tiên trong đời lưu dân, tôi sung sướng gặp lại các bạn cũ như Vũ Văn Thiết tự Thiết Mù, Trần Nhật Quang tự Quang Mờ, Chương Tóc Bạc, Long Kim Chung, Đặng Trần Vận, Trần Văn Khê... những bạn suốt đời của tôi và luôn luôn được tôi nhắc tới trong ba cuốn Hồi Ký trước. Chưa kể những người tình cũ Annie, Marcelle... tóc vàng sợi nhỏ đã nhuốm mầu thời gian, nhưng chúng tôi vẫn nhìn nhau với cặp mắt có đuôi.


Với Paul và Annie


Vũ Văn Thiết tự Thiết Mù


Trần Nhật Quang tự Quang Mờ


với Võ Đức Tuyết


với Cao Thái, Trần Văn Trạch


với Lam Phương


với Hương Lan


Trần Viết Long, chủ gánh hát Kim Chung


Nhà báo Đinh Văn Ngọc, Nguyễn Ang Ca và Ngô Văn Cường chủ nhà hàng Tự Do


tại nhà anh chị Lương Ngọc Châu

Nhưng cũng tại Paris là nơi dường như năm nào tôi cũng ghé chơi một lần, tôi được gặp lại người bạn cố tri Phạm Xuân Thái, mà tôi tưởng là phải chết từ lâu rồi. Cựu Tổng Trưởng Thông Tin thời Ngô Đình Diệm vẫn sống phây phây, sau khi ở trại cải tạo một thời gian, tuổi đã ngấp nghé 80 mà vẫn một mình chống ba toong đi Pháp, đi Mỹ thăm vợ cũ và các con.


...như người chết hiện về !

Đi đâu thì cụ cũng dùng xe bus để di chuyển, khi tới Santa Ana, gọi phone để bố con tôi đi đón, chúng tôi lái xe đi tìm đường gần chết, bởi vì từ khi tới Mỹ, chúng tôi không hề biết ga xe bus ở đâu cả ? Phạm Xuân Thái, tuy vậy, đầu óc cũng lẫn lộn rồi, trong vài ngày ở chơi với chúng tôi, trong lúc đàm đạo, anh bạn già đều chỉ nhắc lại những chuyện đã nói rồi.

Nhưng được cái cụ Thái vẫn ăn ngon, ngủ yên, khi ngủ không ngáy to như cụ Trần Văn Khê chẳng hạn, nhân dịp đi diễn thuyết tại Los Angeles, đến nhà tôi ở vài ngày. Khi cụ Khê đi ngủ, lũ con tôi thu thanh lén tiếng ngáy như sấm của nhạc học gia để sẽ tặng cho bảo tàng viện âm nhạc Việt Nam, coi như là một tài liệu hiếm có về tiếng ngáy.


Phạm Duy Đức và bố tới nhà Trần Văn Khê ở Paris

Paris vẫn làm tôi cảm động như xưa, khi ngồi trong quán café, gặp rất nhiều bạn bè xưa, khi dạo bước trên đại lộ Champs Elysées hay thơ thẩn trong Quartier Latin hoặc khi ngồi trên thang đá bên bờ sông Seine...

Tôi cảm động vì thường coi Paris như một trong những cái nôi ái tình và nghệ thuật của mình, ngoài Huế và dòng sông Hương lặng lẽ. Nhận ra mình đang phải tha hương và không biết bao giờ mới trở về cố quốc nên tôi nặng tình hơn với những nơi chốn tôi từng yêu mến khi còn là khách lạ. Bây giờ tôi thấy gần Paris hơn xưa vì tôi cô đơn hơn trước, có lẽ vì đang khởi sự làm kiếp lưu vong chăng ? Nhớ tới chuyện người Do Thái bị lưu đầy rồi ngồi bên bờ sông Babylon để than khóc :

Babylon xác héo mòn
Nhớ thương than khóc Sion tháng ngày
(Hoàng Vũ)

Trên rặng liễu đó đây
Chúng tôi treo lên đàn cầm
Ở đó họ réo chúng tôi
Bên cướp bóc đòi lời than vãn
Lũ đô hộ muốn một khúc vui
Hát ta nghe ca vãn Sion đi nào
Mà làm sao chúng tôi hát được ca vãn
Yavê đất khách quê người.
(Đào Mộng Nam)



Tôi yêu Paris và muốn chia sẻ với Nàng nỗi buồn xa xứ nên soạn bài Bên Bờ Sông Seine Ta Ngồi Ta Khóc để tặng Paris :

Bên bờ sông Seine ta ngồi ta khóc
Nỗi đớn đau tràn ngập cả kinh thành.
Như gió lạnh làm băng giá nẻo đường
Như tuyết phủ vùi chôn nghĩa địa buồn.

Bên bờ sông Seine ta ngồi ta nhớ
Tiếng võng đưa đều đặn buổi trưa hè
Tiếng sáo diều chiều xa vắng, vông về
Trẻ gọi trâu rộn rã bờ đê.
Bên bờ sông Thương ngày xưa phơi phới
Nước chẩy đôi dòng nhưng lòng ta vui
Ta hát say sưa tiếng hát võng đưa
Bên bờ sông Hương tình ta thấp thoáng
Câu hát câu hò ta tặng người thương
Ta hát vang vang tiếng hát quê hương.
Bây giờ ta xa dòng sông năm cũ
Như chim lạc tổ như ma lạc mồ
Thương nhớ ơ hờ giọng hát nghìn xưa
Bây giờ tìm đâu cầu tre lắt lẻo
Qua khúc sông đào tới nẻo người yêu
Câu hát trong chiều, giông hát tìm nhau.

Ngồi bên bờ sông Babylon, người Do Thái có câu : Trong cơn cùng khổ rã rời, thành tâm tin Chúa chờ thời hồi hương... (Hoàng Vũ) ... thì ngồi khóc bên bờ sông Seine cho tới khi biến thành tượng đá, tôi cũng chờ ngày tái sinh để hồi xứ như con cháu Chúa Giê Su :

Bên bờ sông Seine ta ngồi ta khóc
Đã thấm sâu khổ nhục kiếp lưu đầy
Ma mất mộ, tìm không thấy cuộc đời
Chim mất tổ là thôi hát ngày dài
Bên bờ sông Seine ta thành tượng đá
Ta lắng thinh bỏ mặc những nhân tình
Trong hiu quạnh, chờ mong tháng ngày lành
Sưởi hồn ta, đổi kiếp... tái sinh.

Tại Hoa Kỳ trước ngày 30-4-75, không bao giờ có những tổ chức thiên cộng công khai của Việt Kiều. Chỉ có rất nhiều những hoạt động của người Mỹ, hoặc vì lý tưởng hoà bình hoặc vì truyền thống dân chủ quen chống lại những bộ máy chính quyền nên xuống đường, biểu tình, đốt thẻ trưng binh phản đối cái gọi là VIET NAM WAR.

Tại Mỹ cũng không hề có những tổ chức ngoại vi của Cộng Sản như Hội Việt Kiều Yêu Nước chẳng hạn. Sau ngày 30-4, trước sự vi phạm nhân quyền của Hà Nội do phong trào boat people tố cáo, không thấy những ''chiến sĩ hoà bình'' kể trên đâu nữa, tôi phải soạn thêm một bài tỏ tình với Mỹ Quốc, sau bài Hát Trên Đường Tạm Dung. Tôi hỏi họ trước đây đã từng đấu tranh cho những người bị giam trong ''chuồng cọp'' dưới các chế độ gọi là Mỹ-Diệm hay Thiệu-Kỳ-Hương gì đó. Bây Giờ Các Ngài Ở Đâu ? là tên của bài hát :

Các Ngài bây giờ ở đâu?
Khi xưa hay đứng hàng đầu
Nhân danh Hoà Bình
Và lương tâm loài người
Các Ngài kêu gọi thật là oai...
Các Ngài bây giờ ở đâu?
Ngày nào các Ngài đua nhau
Xuống đường tranh đấu
Ôi muôn sắc muôn mầu
Nhớ những lời Ngài
Vang trên đường dài
Muốn có Hòa Bình
Hãy cứ làm tình
Đừng làm chiến tranh.
Bây giờ các Ngài ở mô?
. . . . . . . . . . .
Các Ngài có còn ngủ không?
Nhìn về phương trời hừng Đông
Nơi người dân sống
Ôi đau đớn vô cùng
Dưới ách độc tài
Trí thức ngậm ngùi
Giáo sĩ lià đời
Mất hết quyền người
Trẻ già gái trai
Sống đời nô lệ mà thôi.
Bây giờ các Ngài ở đâu?
Làm ơn cho đời được biết
Ngài còn sống hay chết ?

Sau ngày 30-4-75, có bao nhiêu Việt Kiều ở Mỹ là có bấy nhiêu người chống Cộng Sản nhưng khi tới Paris vào năm 79, 80 tôi vẫn còn thấy sự hiện diện của những tổ chức thiên Cộng như thời 54-55. Nghe nói vào năm 1977, khi ông Phạm Văn Đồng qua đây, sự đón tiếp của kiều bào hồ hởi không kém cuộc đón tiếp ông Hồ vào năm 1946 là mấy. Còn có thể nói tưng bừng hơn vì ở Paris hiện nay có Đại Sứ Quán để công khai huy động Việt Kiều, không phải chỉ là công nhân và lính thợ, mà là trí thức hay đại trí thức có địa vị cao sang trong xã hội Pháp.

Nhưng từ khi xẩy ra phong trào boat people (1978) thì có một sự tỉnh mộng nào đó nơi những người xưa nay có cảm tình với Hà Nội. Bà con thân thích vượt biển (hay đoàn tụ gia đình) tới Pháp và dạy cho họ một bài học chính trị thực tế. Sau đó, có người hoàn toàn cắt đứt liên lạc với Sứ Quán, có người chưa dứt khoát vì họ còn cần o bế Hà Nội để đưa gia đình qua Pháp hay thủ lợi trong dịch vụ nào đó. Chỉ cần hơn mười năm nữa (1992) là huyền thoại về chủ nghĩa Mác-Lê vô địch, về nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa sẽ tan tành. Việt Kiều thiên Cộng ở Pháp càng về thăm quê hương càng tỉnh mộng hơn.



Vượt Đại Tây Dương nhiều lần, viếng thăm nhiều nước Âu Châu, tôi thấy đồng hương ở đâu cũng ổn định nhanh chóng cuộc sống, phấn khởi sau khi có phong trào boat people và những mâu thuẫn trong nội bộ Cộng Sản. Ai cũng đóng góp thêm vào việc thức tỉnh lương tâm nhân loại, vận động mọi người ở mọi nơi đấu tranh cho người dân ở trong nước.

Tuy được may mắn đi đây đi đó, gặp gỡ bạn cũ hay thính giả mới, nhưng bây giờ con người du khách trong tôi muốn được thoả mãn những giấc mộng giang hồ, nuôi từ thời còn đứng bên cầu biên giới, mơ sống bên người đẹp Tô Châu hay chết bên bờ sông Danube...

Thực ra, danh lam thắng cảnh ở Âu Châu nhiều vô cùng. Tôi rất chú trọng tới di tích của những danh nhân thời xưa và muốn biết người ta đã đối sử với người làm văn hoá như thế nào ?

Tới Anh Quốc, tôi đi thăm căn nhà xưa của William Shakespeare, đã trở thành bảo tàng viện. Ngôi nhà cổ xây theo kiểu nông trại miền quê, phòng rất hẹp, trần nhà thấp, cột gỗ đầy nhà. Gác xép ngắn ngủi đưa lên tầng hai, tôi chú ý tới sự nghiêng lệch của sàn gác. Cái giường ngủ của Shakespeare nhỏ như giường con nít. Thi thư, kịch bản nằm đầy trên bàn giấy của đại thi sĩ kiêm kịch tác gia.



Tới thăm của quê hương của đại thi sĩ Anh Quốc, tôi nhớ ra mình có dịch và phổ thành ca khúc một bài thơ tiếng Anh. Bài này có cái tên là Nhiệm Mầu Thay Phép Lạ Hóa Công và do Elvis Phương hát vào băng PHƯƠNG NGA 4 ở PARIS, hồi mới 1978. Lúc dựa vào bài thơ để phổ nhạc, tôi cứ tưởng bài thơ là của Shakespeare, gần đây anh bạn Phạm Quang Tuấn ở Australia đã cho biết đó là bài Eyes And Tears của Andrew Marvell :

How wisely Nature did decree,
With the same Eyes to weep and see!
That, having view'd the object vain,
They might be ready to complain.

And since the Self-deluding Sight,
In a false Angle takes each hight;
These Tears which better measure all,
Like wat'ry Lines and Plummets fall.

Two Tears, which Sorrow long did weigh
Within the Scales of either Eye,
And then paid out in equal Poise,
Are the true price of all my Joyes.

What in the World most fair appears,
Yea even Laughter, turns to Tears:
And all the Jewels which we prize,
Melt in these Pendants of the Eyes.

I have through every Garden been,
. . . . . . . . . .
Thus let your Streams o'reflow your Springs,
Till Eyes and Tears be the same things:
And each the other's difference bears;
These weeping Eyes, those seeing Tears.

Bài Nhiệm Mầu Thay Phép Lạ Hóa Công có những lời ca như sau :

Thật là nhiệm mầu thay phép lạ của hóa công
Cùng là một đôi mắt sao vừa khóc vừa trông
Thi nhân đã nói đúng
Tôi nhìn rồi khóc ròng
Nhìn cuộc đời xa xôi hay nhìn ngay gần tôi...
Nhìn về miềễn quê hương thấy là một vết thương
Mình là người trong nước sao toàn thấy hờn căm
Ba mươi năm chinh chiến
Giết mình và giết người
Giờ này còn chưa thôi nuôi thù oán ngụt trời.
Ngồi nhìn quanh thế giới, thấy toàn gian dối
Ai cũng nói hoà bình, cũng nói cuộc tình
Giữa loài người trong cõi tử sinh
Nhìn rồi sẽ khóc to cho người khốn khó
Đang kêu gào tự do trong khổ đau
Muốn loài người hãy cứu được nhau...
Thật là nhiệm mầu thay phép lạ của hóa công
Cuộc đời còn mong muốn phép lạ đến nhiều hơn
Xin cho trên thế giới cho người phải cứu người
Để được dùng con mắt khóc rồi sẽ được cười...
CODA
Thực là nhiệm mầu thay
Phép lạ của hóa công
Ta vừa trông vừa khóc
Khóc mừng cho cuộc sống...

Khi tới nước Pháp, cùng với con trai Duy Cường, vốn thích hội họa, hai bố con bèn đi thăm nhà Van Gogh. Phòng nào cũng treo đầy những bức tranh rực rỡ của nhà họa sĩ đã tự xẻo tai mình trong cơn điên hội họa.



Không còn gì thú vị hơn là vừa được coi một bức tranh Van Gogh vẽ nhà thờ, rồi lại tới ngay ngôi nhà thờ đó.





Tới Salzbourg ở nước Áo, tôi vội vã đi thăm căn nhà Mozart, cũng trở thành một bảo tàng viện từ lâu. Bản thảo nhạc viết tay, đàn clavecin, thậm chí cả áo quần giầy dép của Mozart đều được giữ gìn cẩn thận. Nhà Shakespeare xưa đã hẹp nhà Mozart còn hẹp hơn.



Tôi qua nước Ý nhiều lần và đã hai lần tới Venise, một thành phố nằm trên bờ biển, với những lâu đài, dinh thự cổ kính và những con sông với những chiếc thuyền cong (gondola) nên thơ mà hình ảnh đã in sâu vào trí não tôi từ ngày tôi còn nhỏ, coi cinéma hay nghe nhạc Pháp-Ý do Tino Rossi, Rita Kelly hát...O Venise La Belle, La Chanson Des Gondoliers...



Nước Ý còn là kinh đô Roma với thánh khu Vatican của người công giáo... với võ trường là nơi bạo chúa Néron tới coi đấu sĩ (gladiators) giao tranh với thú dữ... với vườn hoa phun nước để tôi ném vài đồng xu xuống đó, miệng khấn thầm mong được gặp một người tình, như trong phim chiếu bóng La Fontaine Des Amours thuở nào.



Được đi thăm những nơi có di tích của lịch sử văn hóa, chen chân giữa đám đông khách du lịch tứ xứ, lòng đầy cảm phục người ta mà cũng đầy ngán ngẫm thương cho thân phận nghệ sĩ Việt Nam...

Cho nên cảnh đồng quê tĩnh mịch vô danh bao giờ cũng quyến rũ tôi nhiều hơn. Tại vùng quê nước Pháp hay tại vùng Bắc Âu, đi trên những con đường vắng vẻ, bên bờ biển Bắc âm u, hay nằm dài trên sườn đồi vắng... kẻ lãng mạn như tôi có dịp được hoà mình với thiên nhiên, như đôi bạn thân thiết xa nhau lâu ngày bây giờ gặp lại.

Và càng thêm nhớ rừng sâu Việt Bắc, núi đồi trung du, sông nước Hậu Giang, biển Đông sóng gợn...


Với Đặng Tiến, Thái Tuấn, vùng Orleans - France


Vùng Bắc Âu...


Vùng Holland...


Phạm Duy