PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Chương 3

Hồi Ký — Thời Hải Ngoại
Thân tôi đây Bắc Việt là đầu
Nơi sinh trí óc của Rồng Tiên...
NGUYÊN VẸN HÌNH HÀI

Bià nhạc tập NGHÌN TRÙNG XA CÁCH - Thái Hiền, bên bờ biển Florida

Từ Guam vào đất liền, tôi chọn đi Florida vì tôi muốn sống ẩn dật tại một nơi thật xa quê hương. Bây giờ nhìn vào bản đồ tôi đột nhiên thấy tiểu bang này có hình hài hơi giống nước Việt Nam. Cũng là dải đất hao hao hình chữ S nằm ven biển rộng. Thế là muốn đi thật xa để có thể quên được quê hương thì quê hương lại lù lù hiện ra. Quê hương thiêng liêng thật !

Người Mỹ đặt thêm cho Florida danh hiệu tiểu bang của mặt trời là đúng vì miền Đông Nam Hoa Kỳ này có nhiều nắng ấm. Vào mùa Đông, ở các tiểu bang phía Bắc, ai cũng bị cái lạnh hành hạ thì ở đây thời tiết vẫn nóng như trong mùa hè. Người già chọn về ở vùng này vì ngoài cái nóng ra, giá sinh hoạt nơi đây rẻ hơn nơi khác. Căn nhà 100,000 US$ ở Cali, ở đây chỉ đáng giá 30,000. Tiểu bang này ấm áp, êm ả, dễ sống đấy nhưng Florida cũng là nơi có những cơn bão lớn từ biển tràn vào, phá nát nhà cửa, đường xá, mùa màng... sự thiệt hại có khi lên tới hàng trăm triệu đô la.

Fort Walton Beach ở phía Tây Bắc của tiểu bang là một thành phố của người già. Dù Florida có Disneyworld quanh năm nhộn nhịp, hàng tháng thu hút hàng triệu du khách, nhưng nơi thần tiên này ở rất xa Fort Walton Beach (1).

Tôi đang sống với một nỗi buồn lớn, muốn trốn tránh cuộc đời nên từ trại Eglin ra tạm cư ở nơi buồn hiu này là rất hợp cảnh. Thị trấn là vài dẫy phố nằm dài ven biển, có hàng dừa lùn, có bãi cát trắng, có cồn cát cao, có biển xanh nhợt... kể ra cũng đẹp đấy nhưng làm sao đẹp bằng Nha Trang của tôi được ? Trong những ngày tháng ở đây, tôi ít khi ra biển và ra phố nên chỉ có một hình ảnh duy nhất của thị trấn in sâu vào óc tôi, đó là nhà Bưu Điện, nơi tôi đi gửi thư về Việt Nam cho các con. Và cũng chỉ có một người tình mà ngày ngày tôi mong đợi, đó là người đưa thư vào mỗi buổi sáng.


Nebraska Avenue -- Fort Walton Beach, Florida

Gia đình họ Carle ở con đường mang tên một tiểu bang khác : Nebraska Avenue. Nhà Mỹ thường chỉ có ba phòng ngủ, cựu trung tá Jon và vợ là Joyce với con gái Kelly đã chiếm hai phòng rồi. Bốn con trai của gia đình Carle (được đặt tên theo vần K, cũng như tên con gái út) là Kit, Kriss, Kurt, Klay đã thoát ly gia đình từ lâu. Hiền, Thảo ở một phòng, Đức, Hạnh ở chung phòng Kelly, còn vợ chồng tôi, a lê, xuống garage.

Jon và Joyce Carle thuộc giới trung lưu Mỹ, rất yêu nước nên ghét Cộng Sản, rất bảo thủ nên chỉ bỏ phiếu cho Đảng Cộng Hoà.


Phạm Duy và sponsor Jon Carle

Chồng từng là phi công riêng của Tướng Westmoreland nhưng uống nhiều rượu quá nên đau tim và được cho về hưu non. Vợ là cựu giáo viên, lấy chồng rồi thôi việc, thành bà nội trợ.

Cũng như mọi người Mỹ khác, họ rất ngây thơ, rất lạc quan, khá tốt bụng và nóng tính. Những ngày sống chung với Jon, Joyce, Kelly và thỉnh thoảng gặp các con trai từ đâu đó trở về thăm cha mẹ (Kriss dễ thương nhất, để tóc dài trông như Chúa Giê Su, ăn chay, mặc quần áo kiểu hippy, về sau làm giáo sư văn học), tôi thấy gia đình này rất đáng yêu, chỉ tiếc rằng tôi không thể vồn vã với bất cứ ai trong lúc tôi đang đau khổ vì nhớ con và lo lắng cho đời mình.

Nhẩy xổ vào gia đình họ Carle vào ngày 24 tháng 5, hôm sau, tôi đánh một điện tín về cho các con. Khi nhận được điện tín trả lời, tôi vơi ngay được một lo lắng. Rồi sau lá thư tôi gửi về (tháng 6) và lá thư đầu tiên của Duy Quang tôi nhận được (tháng 11), là một chuỗi thư đi thư lại, thư nào cũng mất hai tháng mới tới tay người nhận.

Trầm mình trong đau khổ khi ngồi im trong sáu tháng (từ tháng 5 tới tháng 11-75), từ đầu 1976 trở đi, hạnh phúc của tôi là ngồi viết thư cho con hay nằm đọc thư của các con. Và từ đó, sự thống khổ chống gậy ra đi dần dần, niềm tin yêu từ từ khập khiễng trở về lòng tôi... cho tới ngày tôi thét to như vỡ tung lồng ngực (chữ của Hoàng Cầm) khi ôm các con vào lòng, đầu tháng ba năm 1979.

Trước khi tìm lại được sự bình tĩnh vào đầu năm 1976, tôi khởi sự làm hai công việc : một là tìm mọi cách để đoàn tụ với các con, hai là gửi tiền về cho chúng.

Tôi viết thư cho thượng nghị sĩ Edward Kennedy, cho vài chức sắc của Hội Đồng Tôn Giáo Hoa Kỳ (mà tôi quen) để nhờ họ đích thân can thiệp. Họ đều viết thư trả lời phải đợi có bang giao giữa hai nước. Lúc đó, không ai tiên đoán được sự ra đời của việc đoàn tụ gia đình qua một chương trình (gọi là) ra đi có trật tự (ODP = Orderly Departure Program). Muốn ra khỏi Việt Nam, chỉ có cách vượt biển.

Lúc đó cũng chưa có sự dễ dãi trong việc gửi quà hay gửi tiền về Việt Nam, tôi phải gửi tiền qua Pháp, nhờ mẹ Julie (quốc tịch Pháp) đem về Saigon. Nhưng muốn có tiền để giúp các con, tôi không thể nằm dài trong nhà sponsor được nữa. Bỏ nước ra đi, tôi chỉ có 20 US$ ở trong túi. Khi ra trại, cũng như mọi người, gia đình tôi được một số tiền trợ cấp thì Jon Carle lĩnh hộ rồi. Tôi không hề nhận được một xu nào trong số tiền đó, nhưng không bao giờ tôi có ý nghĩ mình bị lợi dụng. Trong mối liên hệ người tị nạn/người bảo lãnh có khá nhiều chuyện vui buồn tôi muốn kể ra đây :

... Một cô gái được một ca sĩ trong loại nhạc country ở Tennessee bảo lãnh rồi đương nhiên trở thành con nuôi của triệu phú đó.

... Một cô gái khác vừa về ở với sì-pông-so đầu tháng thì cuối tháng chủ nhà nhận được cái bill điện thoại 1,000 $ vì ở nhà một mình, buồn quá, cô gọi long distance cho bạn bè suốt ngày. Sì-pông-so điên lên, mời cô ra khỏi nhà ngay !

... Một số đồng bào may mắn gặp được ''sì-pông-so'' trong dòng đạo Mormon. Trước kia, dòng đạo này bị kỳ thị và bị bao vây kinh tế nên sống chặt chẽ trong cộng đồng riêng, thực phẩm bao giờ cũng chứa đầy kho. Nay người tị nạn được tiếp tế hàng tấn lương thực, khỏi phải đi chợ hàng tuần hay hàng ngày, thật là khoẻ quá!

... Một gia đình nọ được đôi vợ chồng hippie tới bảo lãnh. It ngày sau họ nhăn nhó trở về trại : nhà của sì-pông-so bẩn hơn chuồng lợn, tối tối vợ chồng hippie mời tị nạn hít cần sa. Có danh từ pông sô lủng (nghĩa là có lỗ) để nói tới những người tị nạn không may như vậy. Sì-pông-so (sponsor) nghe gần giống pông-sô (poncho = cái bạt che mưa).

Ở chung với ''sì-pông-so'' John và Joyce Carle, chúng tôi làm cho họ thay đổi ít nhiều trong cách sống. Khi trước, họ có cái lối ăn không hết thực phẩm là đổ ngay vào thùng rác. Vợ tôi phụ bếp với Joyce, với số tiền đi chợ hằng tuần của họ, bây giờ có thể nuôi ăn cho cả hai gia đình Carle-Phạm. Tiền điện nước không tăng dù có thêm người ở, vì tôi không chịu nổi sự phung phí của gia đình này, cứ tối đến là cả nhà bật đèn sáng trưng. No way ! Không có ai ở trong phòng là tôi tắt đèn ngay.


Thái Hiền và Mommy Two

Có bạn Mỹ để sớm tối trò chuyện, tôi cũng vơi được nỗi buồn riêng nhưng tôi gặp luôn một tai nạn ! Cũng như đa số người Mỹ, vợ chồng nhà này uống rượu kinh khủng. Ban ngày còn khá, vào buổi tối, khó lòng ngồi nói chuyện với họ được. Họ lè nhè làm tôi bực bội. Muốn bỏ đi ngủ nhưng lại sợ mình vô lễ. Nghiện rượu là quốc bệnh của Hoa Kỳ vì người Mỹ cô đơn khủng khiếp. Jon và Joyce rất ít bạn. Trong 9 tháng sống ở đây, tôi chỉ thấy họ tiếp khách vài lần. Một người bạn chung là Tướng Samuel Wilson (khi trước làm cố vấn ở Long An, bây giờ điều khiển cơ quan DIA tại Washington D.C.), một hôm về chơi Fort Walton Beach, thấy tôi buồn thì an ủi :

-- Buồn làm gì, Fam Zwee ? Sao ''zu'' không coi như đi du học rồi ít lâu nữa sẽ trở về Việt Nam...

Sĩ quan tình báo cấp cao này nói khá đúng : 15 năm sau, cửa Việt Nam hé mở và tôi ung dung trở về...

Có chúng tôi tới ở chung, Jon và Joyce vui ra mặt. Thấy tôi sống điều độ, không rượu, không thuốc lá, họ muốn chừa rượu hay uống ít đi. Họ cưng chiều lũ con tôi -- chúng gọi Joyce là Mommy Two -- nhưng có lần họ quá say và to tiếng với Thái Hiền. Khi tỉnh rượu, nhớ ra chuyện vợ chồng tôi ngăn không cho con phản ứng mạnh, họ khâm phục người Việt điềm tĩnh và lễ độ, dù đang sống trong cảnh nước mất, nhà tan, xa con... May cho họ đấy, họ không biết có trường hợp người tị nạn quá đau khổ nên mắc bệnh tâm thần, hay vì bất đồng ngôn ngữ, bất đồng văn hoá sinh ra bất bình rồi đánh sì pông so sứt đầu bể trán.


Đêm Giáng Sinh đầu trên Mỹ Quốc - từ trái : Thảo, Joyce, Klay, Kriss Đức, Thái Hằng (đội mũ len), Jon

Trước khi thấy cần phải làm ra tiền để cứu các con, tôi rất nhàn rỗi. Các con nhỏ Thảo, Đức, Hạnh vừa ra trại là đi học ngay. Đức mới 10 tuổi vào lớp học là khóc hu hu vì không hiểu gì hết. Nhưng chỉ ít lâu sau là các con tôi trở thành Mỹ con ngay...


Elementary School -- Fort Walton Beach, Florida

Để có tiền tiêu vặt, Hiền phải đi làm trong một tiệm chuyên bán các loại trứng chiên từ 11 giờ đêm tới 4 giờ sáng. Tôi đưa đón các con đi học và đi làm nên cũng bớt phải ngồi (hay nằm) một mình để nhớ nhung, buồn bã, đau khổ...

Sau khi liên lạc được với các con và quyết định làm ăn sinh sống, tôi ngửi thấy mùi thèm nghe nhạc của người tị nạn. Mang theo dăm bẩy cuộn băng cassette với những chương trình như Trường ca Con Đường Cái Quan, Mẹ Viêt Nam, Đạo Ca, Tình Ca Tuổi Trẻ... tôi quyết định ''mở '' nhà phát hành băng nhạc, bán theo kiểu mail order. Với 200 đôn của một thiếu phụ Mỹ ở Wisconsin gửi tặng, tôi mua hai cái máy cassette nhỏ rồi chỉ cần một sợi dây cable là tôi hoàn thành một món hàng đáng giá 5 đôn trong 60 hay 90 phút. Bìa băng là giấy trắng với tên bài bản được viết tay hay đánh máy. Trừ đi tiền băng trinh và tiền gửi, bán được một băng là lãi được ba đôn. Băng cassette bán chạy đến độ tôi phải mua ngay một máy sang băng với tốc độ nhanh hiệu Wollensak, chỉ cần hai phút là sang xong hai cuộn băng.


Một trong những cassette đầu tiên của Pham Duy Enterprises

Rồi tôi soạn ba cuốn sách Tự Học Guitar và cho in với giá in rẻ nên cả bìa lẫn ruột đều xấu xí. Tuy vậy, bộ sách này bán rất chạy vì dễ hiểu, dễ học. Ngoài những bài dạy nhạc lý, trong sách có nhiều bài hát quen thuộc. Sách có băng cassette đi kèm để giúp người học thực tập. Tôi nhận được thư khen của vài người học đàn tuổi đã ngoài năm mươi.

Có tiền, tôi mua một xe Volkswagen nhỏ để, trước hết, đi tới làng chài của người tị nạn mua tôm đem về luộc ăn. Fort Walton Beach và những thị trấn phụ cận là vùng đánh cá nên dân chài Việt Nam tới sinh sống khá đông. Trong số hơn 100,000 người Việt di dân qua Mỹ, người đánh cá là lớp người thành công nhanh nhất. Chẳng cần phải học nghề hay học chữ, tới định cư ở thành phố biển nào là mua tầu ra khơi hành nghề ngay. Một là quá thành công (2) vì siêng năng, hai là ít tôn trọng luật lệ về chài lưới nên họ tạo nên sự ghen ghét của dân đánh cá người Mỹ vốn có sẵn chất kỳ thị trong máu. Xẩy ra những cuộc ẩu đả, đấu dao, đấu súng làm cho nhà chức trách địa phương cùng với đại diện người Việt phải mất nhiều thời gian mới giải quyết xong những mâu thuẫn to nhỏ (3).

Có xe hơi là có thể đi thăm người thông gia là bà Tường. Bà này là chị của ca sĩ Tâm Vấn và là mẹ vợ của một con trai tôi (cũng vì con tôi kẹt lại trong bốn năm mà hai đứa sẽ mỗi người một ngả). Bà Tường hiện đang ở với sponsor cách Fort Walton Beach khoảng 20 miles. Tới nơi, thấy bà Tường gặp phải poncho lủng rồi! Người bảo lãnh thuộc lớp trưởng giả, đối đãi với gia đình này rất tệ. Bà Tường sẽ nhanh chóng bái bai (bye bye) cái poncho thủng lỗ này. Vợ chồng tôi có ý định cộng tác với bà thông gia để mở tiệm cơm vì bà ta có tài nấu bếp thật là tuyệt diệu. Tôi đã xin tài liệu về nghề mở restaurant, nếu tôi không tiếp tục nghề nhạc thì chúng tôi và bà Tường đã mở hàng ăn và đã giầu to. Hay đã vỡ nợ rồi !


Phạm Duy


(1) Có duyên với Walt Disney nên khi ''mu'' về California, tôi được ở ngay cạnh ''thiên đường làm bằng máy điện tử '' mang tên Disneyland.
(2) Về sau người ta thường bỏ dấu để gọi người ''đánh cá'' là ''danh ca''. Có lẽ vì danh ca cũng chẳng cần học hành mà vẫn dễ dàng thành công.
(3) Cuộc chiến giữa da trắng, da vàng trong nghề biển này khiến cho đạo diễn nổi danh người Pháp Louis Malle kéo cả đoàn quay phim tới vùng Texas để thực hiện cuốn phim thương mại PORT ALAMO. Phim này không thành công vì truyện phim cũng như diễn viên quá dở.