PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Chương 17

Hồi Ký - Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chiều ơi
Lúc chiều về rợp bóng nương khoai...
NƯƠNG CHIỀU

Hoàng Cầm

Sau một thời gian tập diễn rất ngắn, chúng tôi khởi sự lên đường công tác vào một ngày có những giọt mưa Xuân làm cho khung cảnh đồng quê như được bao phủ bởi một tấm màn mỏng phất phơ mầu xanh xám. Khi đó chúng tôi mới chỉ là những thanh niên khoảng 25, 26 tuổi, đầy nhiệt tình với Cách Mạng và với cuộc Kháng Chiến của toàn dân cho nên chân chúng tôi mang hia bẩy dặm (mỗi ngày nuốt 40 cây số đường đá như không) và lòng chúng tôi chan chứa tình nước, tình người. Tôi được khá nhiều người yêu mến -- một nhà lãnh đạo kháng chiến đã nói ra điều đó khi gặp tôi ở Thái Nguyên -- vì những bài dân ca mới mà tôi vừa soạn ra rất phù hợp với con người Việt Nam muôn thuở đang được sống trong một hoàn cảnh mới.

Trong kỳ lưu diễn ở miền Cao-Bắc-Lạng này, tôi soạn thêm được nhiều bài dân ca khác trong đó có bài Nương Chiều :

Chiều ơi... Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ
Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều.
Chiều ơi... Mái nhà sàn thở khói âm u
Cô nàng về để suối tương tư, ới chiều...

Đây là một bài dân ca loại mới và có sự tiến bộ về phần nhạc thuật vì nó không còn đơn sơ như những bài tôi đã soạn ra trước đây, chẳng hạn Ru Con, Dặn Dò... Chính trong chuyến đi hát ở vùng này mà tôi thấy tôi đi đúng con đường thăng hoa dân ca. Một buổi nọ, sau khi trình diễn cho đồng bào thưởng thức những màn ca-vũ-kịch -- Văn Chung cũng đã đưa ra một màn múa, diễn tả các động tác của nhà nông gọi là nông tác vũ -- một bà mẹ quê xin ra hát tặng anh chị em trong đoàn văn nghệ một bài hát cổ truyền. Chúng tôi vỗ tay hoan nghênh. Bà mẹ đằng hắng, lấy giọng, rồi hát :

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già...

Đó là bài Nhớ Người Ra Đi của tôi. Nhưng bây giờ nó không còn là của tôi nữa. Nó là của dân chúng rồi. Tôi cảm động, muốn khóc oà lên...

Vào lúc này, Hoàng Cầm vẫn còn nuôi mộng xây dựng một sân khấu kịch thơ sau khi vở Kiều Loan đã không có may mắn được sống trong công chúng. Nó rất muốn dựng những vở kịch thơ trong kháng chiến nhưng với một đội văn nghệ ít người và với đối tượng chính là Vệ Quốc Quân, bây giờ nó chỉ có thể soạn những bài thơ cho một hoặc hai người ngâm trên một thứ sân khấu ngoài trời mà thôi. Bài thơ Đêm Liên Hoan được viết ra ngay trong những ngày đầu đi công tác. Hoàng Cầm và tôi diễn ngâm bài này rất nhiều lần trước hàng trăm, hàng ngàn Vệ Quốc Quân :

Đêm liên hoan đầu nhấp nhô như sóng bể ngang tàng
Ta muốn thét cho vỡ tung lồng ngực
Vì say sưa tình thân thiết Vệ Quốc Đoàn.

Biết bao nhiêu Vệ Quốc Quân lao đầu vào giặc sau khi nghe những lời thơ đầy hào khí và thân thiết này :

Trong tiểu đội của anh
Những ai còn ai mất ?
Không ai còn, ai mất
Ai cũng chết mà thôi.
Người sau kẻ trước lao vào giặc
Giữ vừng nghìn thu một giống nòi
Dù ta thịt nát sương rơi
Cái còn vĩnh viễn là người Việt Nam...

Ngoài bài thơ Đêm Liên Hoan soạn cho riêng tập thể chiến sĩ, Hoàng Cầm -- cũng như tôi lúc đó -- rất quan tâm tới người dân thường. Lúc đó tôi cũng đã đưa vào loại dân ca kháng chiến của tôi những hình ảnh anh thương binh, người mẹ già, người vợ hiền, đàn trẻ nhỏ... nhiều hơn là hình ảnh Vệ Quốc Quân. Hoàng Cầm, qua bài Bên Kia Sông Đuống, cũng đưa ra một cách tuyệt vời những hình ảnh cô hàng sén răng đen, môi cắn chỉ quết trầu, cụ già phơ phơ tóc trắng, em bé xột xoạt quần nâu... Những nhân vật đó lại càng nổi bật hơn lên khi được đặt vào khung cảnh tuyệt vời của miền Kinh Bắc hiển hách đó. Ai mà không muốn chiến đấu để gìn giữ cảnh vật và những con người thân yêu đó ? Những bài thơ kháng chiến như vậy đã được Hoàng Cầm và tôi diễn ngâm trong rừng sâu, trên đồi cao hay trong những hang đá dưới ánh đuốc bập bùng, có khi chỉ cách một đồn địch chừng vài ba cây số.

Vào khoảng đầu năm dương lịch 1948 tức là sắp sửa tới Tết âm lịch, trong chiến dịch thi đua lập chiến công, Hoàng Cầm sáng tác thêm một bài thơ nhan đề Tâm Sự Đêm Giao Thừa mà tôi cho là tuyệt vời. Hoàng Cầm đưa ra hình ảnh một người lính giữ nước, đang đứng gác trong một khu rừng vắng, giữa đêm giao thừa :

Đêm nay hết một năm
Phải gác tới giao thừa
Quê hương chừng rét lắm
Lất phất mấy hàng mưa...

Anh Vệ Quốc Quân này có một người vợ vừa sinh nở được một mụn con. -- Hoàng Cầm đưa ra hình ảnh của người vợ lính vì liên tưởng tới vợ mình -- Người vợ lính đang phải sống lần hồi với một quán hàng trong một phiên chợ nhỏ, quán vắng khách, người thiếu phụ thiếu ăn, không đủ sữa cho con bú. Vì đêm nay là đêm giao thừa và theo thông lệ, dù trong hoàn cảnh chiến tranh, người lính biên thùy (cũng như chàng thi sĩ) cũng muốn có một cái quà gì để gửi về hậu phương cho vợ con nghèo đói. Nhưng chiến sĩ Việt Nam nghèo lắm cho nên chỉ có thể gửi cho vợ con một cái quà qúy giá nhất là sự lập chiến công của mình. Người lính tưởng tượng ra cảnh vợ mình đang đói ăn nên không có sữa cho con bú, nhưng nghe tin chồng thắng trận thì vui mừng quá, máu bỗng chẩy mạnh trong huyết quản của người vợ lính, sữa bỗng đâu căng lên đầu vú, đứa con bỗng có đủ một miếng sữa no trong ngày vui của dân tộc này. Hoàng Cầm đã đem đưọc yếu tố sinh lý vào một bài thơ yêu nước. Trong toàn thể bộ thơ kháng chiến, tôi không hề thấy có ai làm được việc này. Bài thơ kết thúc với những câu thơ vẫn vô cùng thân yêu và đầy hào khí như trong những bài thơ khác của Hoàng Cầm :

Cha con ăn Tết lập lập công
Cho sữa mẹ chẩy một dòng nghìn thu.
Cha đem cái chết quân thù
Làm nên sức sống bây giờ của con.

Bài thơ này -- cũng như các bài thơ khác của Hoàng Cầm viết ra trong thời kháng chiến -- phải được diễn ngâm thì mới thấy được giá trị đích thực của nó. Thơ kháng chiến của Hoàng Cầm có rất nhiều tính chất đối đáp. Tôi và Hoàng Cầm chia nhau ra để ngâm từng đoạn và vì tôi vốn xuất thân là một ca sĩ hành nghề trong một gánh hát rong cho nên ngoài những cách nắn nót giọng ngâm, tôi còn biết dùng điệu bộ, nét mặt để diễn tả những bài thơ hùng tráng này. Ngay cả trong phạm vi nhạc điệu, lối ngâm thơ của chúng tôi lúc đó cũng mới mẻ hơn lối dùng điệu bồng mạc, sa mạc của người đi trước, do đó có tính chất hấp dẫn hơn. Và cũng vì không khí anh hùng của người viết bài thơ, người diễn bài thơ và người nghe bài thơ cho nên lối ngâm thơ của chúng tôi không có tí gì là thảm thiết như lối kêu đường của các ngâm sĩ sau này.

Phải ghi nhận một điều rất quan trong là tác dụng của bài thơ. Nó đã có khả năng diệt giặc hơn cả những võ khí tối tân lúc đó như SKZ (súng không giật) hay bazooka vân vân... Trong ba lô của bất cứ một Vệ Quốc Quân nào cũng đều có những bài thơ chép tay của Hoàng Cầm. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp không thể nào thành công nếu không có những tác phẩm văn nghệ như những bản nhạc của Văn Cao, và những bài thơ của Hoàng Cầm, Quang Dũng...


Phạm Duy