PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Thương Tiếc Nhạc Sĩ Phạm Duy (1921-2013)

    Blog Gác Xép: "Trả mo cây cau..."

    Tuesday, January 29, 2013

    "... Ông Trăng trả vợ đàn ông trả chồng cô gái trả trái cây cà. Trả hoa  cây bưởi trả lưỡi cần câu trả tầu cho ngựa. Trả nhựa cành sung trả vung  nồi chõ trả mõ ông Thánh. Trả lính nhà Vua trả chùa cho Bụt trả bút học  trò. Trả mo cây cau, trả mo cây cau ... "

    Tôi không biết tôi đã bắt đầu nghe nhạc từ lúc nào. Nhưng hôm nay ở hãng  làm, tôi nhớ lại tuổi thơ của tôi. Và tôi đã nghêu ngao những câu hát  của ông. Đó là những câu hát, những nốt nhạc vỡ lòng.

    Vỡ lòng âm nhạc Việt Nam được bắt đầu bằng những tác phẩm của nhạc sĩ họ Phạm.

    Xem tiếp...

    Ca sĩ Đức Tuấn: "Nhạc ông không hề già, không hề cũ"

    TTO - Là một trong số hiếm hoi ca sĩ trẻ hát  nhạc Phạm Duy và có mối “duyên” với ông từ khi nhạc sĩ trở về Việt Nam  đến lúc qua đời, ca sĩ Đức Tuấn có nhiều tâm tình để chia sẻ với khán  giả về người nhạc sĩ tài hoa này.                                                                                                                                                                                  

    * Từ khi nào anh biết đến âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy?

    - Câu chuyện của tôi với ông bắt đầu từ câu hát mẹ ru. Hồi nhỏ tôi còn nhớ như in từng giai điệu ngọt ngào mà mẹ hát ru tôi: “Trèo lên, lên trèo lên, trèo lên, lên trèo lên, lên cây bưởi hái hoa…”.

    Từ những bước đi chập chững đầu đời tôi đã thuộc lòng bài hát đó của ông. Lớn lên một chút bố mẹ dạy tôi hát Ngậm ngùi. Tôi hát mà… ngậm ngùi thật vì không hiểu gì hết, nhưng vẫn thích. Giai điệu sao mà gần đến vậy. Tôi cũng nhớ tôi đã tập hát Ông trăng xuống chơi phần ngược lại sao cho thật nhanh mà không nhầm, không líu lưỡi. Tôi đã thành công!

    Xem tiếp...

    Tiễn biệt nhạc sĩ Phạm Duy

    Thế là nhạc sĩ Phạm Duy đã đi hết con đường trần thế. Trong 93 năm.


    Nhớ lại buổi họp mặt tại Quận Cam, California năm 2005 để tiễn ông về Việt Nam, ca sĩ lão thành Minh Trang, với phong cách dí dỏm cố hữu của bà, đã nói: "Anh Phạm Duy à, anh với tôi đều là những người đã nhận boarding pass, chờ giờ bay là lên tàu thôi." Tất cả mọi người có mặt hôm đó đều cười vì cách ví von rất hình ảnh, dù rằng biết đó là lời vĩnh biệt của hai người nghệ sĩ cao niên, trước một chuyến đi mà ai cũng hiểu là... đi luôn.

    Xem tiếp...

    Phạm Duy Ngàn Lời Ca

    Mùa Thu 1987, khi xuất bản một tuyển tập hơn 300 ca khúc do chính ông  viết lời, Phạm Duy liên tưởng tới cuốn tiểu thuyết Ngàn Cánh Hạc của nhà  văn Nhật Bản Ysunari Kawabata mà đặt tên cuốn sách mấy trăm trang là  Ngàn Lời Ca.

    Cánh hạc đã bay mất rồi, nhưng ngàn lời ca vẫn đọng trên môi những người còn lại....

    Một  ngày sau khi được tin ông mất, một số người thuộc thế hệ con cháu đã  gọi nhau, text nhau trên máy: "sao không cùng hát với nhau cho nhau  những ca khúc Phạm Duy?" Có cái gì đó thôi thúc mọi người cùng bắt tay  vào việc. Kết quả là một buổi họp mặt nghệ sĩ và thân hữu với tiếng ca  hát chen tiếng cười mà chan hòa nước mắt.

    Xem tiếp...

    Phạm Duy trong Nương Chiều


        06-Feb-2013

    Phạm Duy vừa mất. Một ngàn tác phẩm, riêng Nương Chiều như máy ảnh chụp khoảng khắc kháng chiến 1946-1954. Nương Chiều, nhắc bóng chàm miền trung du cùng đồng bằng một thời  chống Pháp.

    Mai về để lúa trên ngàn
    Ta nuôi người gìn giữ non nước

    Con đường hoa trung du-đồng bằng nở những đóa diệu kỳ nuôi sống nhiều thế hệ. Không có Quang Dũng, sẽ ít nhớ Tây Bắc có Mường Lay - Lai Châu - Lào Cai - Điện Biên - Sơn La. Cũng quên pháp trường Yên Bái, năm 1930 Pháp chặt đầu anh hùng Nguyễn Thái Học và đồng chí. Chỉ cỏ xanh đỡ mười hai đầu lâu òng ọc máu  và tiếng hô cuối cùng “Việt Nam muôn năm”.

    Xem tiếp...

    Vĩnh biệt người “yêu tiếng nước tôi”!

    (Phunu Today)- Ngày hôm qua 27/1, trên các báo và mạng xã hội tràn ngập lời tiếc thương nhạc sĩ Phạm Duy- một cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam. Ông ra đi mà chưa kịp đón mùa xuân cuối cùng của đời mình, gắng một chút nữa thôi, là ông đã chạm vào nó.

      

    Trên mạng xã hội, tôi ấn tượng nhất với lời chia sẻ của nữ đạo diễn Đoàn Minh Phượng- đạo diễn của “Hạt mưa rơi bao lâu”, tác giả của “Và khi tro bụi”: “Tiếc thương nhạc sĩ Phạm Duy, các bạn đừng R.I.P Phạm Duy, ông yêu tiếng Việt lắm”. Ấn tượng bởi sự chia sẻ tinh tế và chân thành của chị, người Việt mình, nhất là người trẻ, thường rất nhanh nhạy trong học tập nước ngoài, khi có người ra đi, người ta hay viết R.I.P (viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Rest in Peace” nghĩa là “yên nghỉ trong an bình”), đặt những con chữ xa lạ ấy cạnh sự ra đi của ông, thấy cứ chông chênh làm sao.

    Cả đời Phạm Duy đã viết nhạc cho người Việt Nam, viết cho những đứa bé lên ba “Ông trăng xuống chơi”, viết cho em bé quê “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ/Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao/ Nằm đồi non gió mát Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo/Em đánh vần thật mau”. Viết cho cô gái mới lớn bước chân vào tuổi yêu “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ/Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay/Em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ/Chim non lề đường, nằm im dấu mỏ...”. Viết cho chàng trai buồn vì một cuộc tình đã vội chia xa: “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo/Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi!”.

    Phạm Duy viết cho đất nước mà ông yêu đau đáu, đã từng “Khóc cười theo vận nước nổi trôi, nước ơi” bao nhiêu bản nhạc đã trở thành gia sản, nào là “Tình ca”, “Con đường cái quan”, “Mùa đông chiến sĩ”, “Tình hoài hương”, “Mẹ Việt Nam”... Ông cũng là một trong số ít các nhạc sĩ, không bao giờ vì nể phe phái chính trị nào, chỉ luôn dùng âm nhạc để nói lên một thứ tiếng duy nhất, đó là “tiếng nước tôi”.

    Xem tiếp...

    Đời vẫn luôn đẹp với Phạm Duy

     Thứ Sáu, 08/02/2013 07:29

    (Thethaovanhoa.vn) - Thật sự thì không phải thấy người sang bắt quàng làm họ hoặc chạy theo cơn sốt mới mang tên Phạm Duy khi người nhạc sĩ tài hoa này vừa nằm xuống, nhưng câu chuyện về Phạm Duy lần này sẽ có thêm ít nhiều trải nghiệm của cá nhân người viết với một tên tuổi lớn như vậy, những điều mà hơn 20 năm trước, khi mới biết đến ông và âm nhạc của ông, tôi không bao giờ dám nghĩ đến…

    Những lát cắt nhanh


    Lần gần đây nhất trò chuyện cùng ông là trên chuyến xe từ Cần Thơ về Sài Gòn sau đêm diễn mừng sinh nhật ông bước sang tuổi 92. Rôm rả từ lúc lên xe cho tới khi về tận nhà ông trên đường Lê Đại Hành. “Chủ đề” chính hôm đó là “Đừng tưởng tôi không viết nhạc kiểu Tây Nguyên, tôi còn nhiều bài chờ được hát lại lắm, lúc đó mọi người sẽ biết”. Người nhớ và hát “minh họa” một loạt bài Tây Nguyên trên chuyến xe hôm đó là Duy Minh, con trai thứ hai của ông. Còn chủ đề phụ là… nhạc kịch Broadway, Phạm Duy kể lại chuyện về các nhạc cảnh do ông sáng tác (một kiểu minimusical) và ông già 92 tuổi say sưa hát gần hết nhạc cảnh Mài dao dạy vợ do ông chuyển thể từ truyện dân gian. Một chuyến đi khác chiều ngược lại, Sài Gòn - Cần Thơ, trên xe có thêm ca sĩ Mai Khôi. Mai Khôi đang trong tâm trạng phấn khích vì mấy ngày trước bất ngờ hát xuất thần bài Đừng bỏ em một mình và song ca Cỏ hồng với Đức Tuấn đầy “dục tính” (như lời Phạm Duy nói) làm “nổ tung” sân khấu Đà Lạt. Và Phạm Duy thủng thẳng thông báo: “Tôi đã chuẩn bị đủ các bài nhục - tình - ca của tôi rồi đấy, lúc nào cô rảnh ghé mà lấy về hát nhé!”.

    Xem tiếp...

    Nguyễn Xuân Hoàng: Phạm Duy và vết thương di tản

    30.01.2013                

     

    Rất nhiều ý kiến trái chiều về Phạm Duy khi ông còn sống. Trong  một bài viết trên tạp chí Văn - số đặc biệt về Phạm Duy phát hành vào  tháng Sáu & Bảy năm 2002, tôi đã đưa một cái nhìn về người nhạc sĩ  đa tài, đa tình và đầy hệ lụy ấy. Tất nhiên bài viết đó đã đến tay ông,  sau chuyến đi trình diễn Kiều 2 tại Minnesota. Một lần ngồi  uống cà phê với ông ở quán Song Long, ông bất ngờ hỏi tôi là “cậu không  thích con người của tôi hả? Tại sao?” Tôi đã không trả lời trực tiếp của  ông. Tôi nói: “Bố già à, tôi rất thích nhạc của bố!” Và ngay lập tức ông đã đứng dậy xô ghế bỏ đi.

    Giờ đây sau ngày ông ra đi những ý kiến trái chiều về ông còn nổi  lên mỗi lúc một đậm đặc hơn. Tôi chia sẻ cái nhìn của nhà phê bình  Nguyễn Hưng Quốc mới đây trên VOA: “Tất cả  những nghi ngờ, bất đồng hay bất mãn [rồi đây] sẽ dần dần chìm vào quên  lãng. Con người thật của Phạm Duy sẽ không còn án ngữ trước khối lượng  tác phẩm đồ sộ và nguy nga của Phạm Duy. Một lúc nào đó, nghĩ đến Phạm  Duy, người ta sẽ không còn nhớ đến những chuyện đi kháng chiến rồi dinh  tê, chuyện vào miền Nam rồi vượt biên hay chuyện sống ở Mỹ rồi quay về  Việt Nam; người ta cũng không còn nhớ những câu phát biểu nhiều khi rất  tùy hứng và tùy tiện của ông. Lúc ấy, nghĩ đến Phạm Duy, người ta chỉ  nghĩ đến những bài hát do ông sáng tác. Lúc ấy, tôi nghĩ, ông mới sống  thật cuộc sống của ông. Một cuộc sống thật vĩ đại.”

    Tôi muốn gửi lên VOA nhận định của tôi về Phạm Duy cách đây 11 năm. Những ghi nhận ấy tôi không thay đổi.

    Xem tiếp...

    Tang lễ Phạm Duy: 'Lương tâm là xa xỉ'

    BBCVietnamese
    4.2.2012

    Cả Hội nhạc sỹ Việt Nam và Hội nhạc sỹ thành phố Hồ Chí Minh đều không gửi vòng hoa tới chia buồn khi biết tin Phạm Duy, cây đại thụ của nền tân nhạc, qua đời.


    Phạm Duy mất hôm 27/1, hưởng thọ 92 tuổi, và được an táng hôm 3/2/2013

    Nhạc sỹ Phạm Duy được an táng tại nghĩa trang Công viên Bình Dương trong ngày hôm qua.

    Xem tiếp...