PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Thương Tiếc Nhạc Sĩ Phạm Duy (1921-2013)

    Nguyễn Xuân Hoàng: Phạm Duy và vết thương di tản

    30.01.2013                

     

    Rất nhiều ý kiến trái chiều về Phạm Duy khi ông còn sống. Trong  một bài viết trên tạp chí Văn - số đặc biệt về Phạm Duy phát hành vào  tháng Sáu & Bảy năm 2002, tôi đã đưa một cái nhìn về người nhạc sĩ  đa tài, đa tình và đầy hệ lụy ấy. Tất nhiên bài viết đó đã đến tay ông,  sau chuyến đi trình diễn Kiều 2 tại Minnesota. Một lần ngồi  uống cà phê với ông ở quán Song Long, ông bất ngờ hỏi tôi là “cậu không  thích con người của tôi hả? Tại sao?” Tôi đã không trả lời trực tiếp của  ông. Tôi nói: “Bố già à, tôi rất thích nhạc của bố!” Và ngay lập tức ông đã đứng dậy xô ghế bỏ đi.

    Giờ đây sau ngày ông ra đi những ý kiến trái chiều về ông còn nổi  lên mỗi lúc một đậm đặc hơn. Tôi chia sẻ cái nhìn của nhà phê bình  Nguyễn Hưng Quốc mới đây trên VOA: “Tất cả  những nghi ngờ, bất đồng hay bất mãn [rồi đây] sẽ dần dần chìm vào quên  lãng. Con người thật của Phạm Duy sẽ không còn án ngữ trước khối lượng  tác phẩm đồ sộ và nguy nga của Phạm Duy. Một lúc nào đó, nghĩ đến Phạm  Duy, người ta sẽ không còn nhớ đến những chuyện đi kháng chiến rồi dinh  tê, chuyện vào miền Nam rồi vượt biên hay chuyện sống ở Mỹ rồi quay về  Việt Nam; người ta cũng không còn nhớ những câu phát biểu nhiều khi rất  tùy hứng và tùy tiện của ông. Lúc ấy, nghĩ đến Phạm Duy, người ta chỉ  nghĩ đến những bài hát do ông sáng tác. Lúc ấy, tôi nghĩ, ông mới sống  thật cuộc sống của ông. Một cuộc sống thật vĩ đại.”

    Tôi muốn gửi lên VOA nhận định của tôi về Phạm Duy cách đây 11 năm. Những ghi nhận ấy tôi không thay đổi.

     

    Như những người cùng lứa tuổi, tôi ưa thích nhạc Phạm Duy, trước khi  yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi nghĩ, trước khi nổi tiếng với những  ca khúc của chính mình, Sơn cũng là một người yêu nhạc Phạm Duy. Thế hệ  của anh tôi, theo kháng chiến chống Pháp, chắc chắn là thế hệ của những  người chọn con đường ra chiến khu một phần cũng vì âm nhạc của ông.

    Nhưng tôi có thêm một lý do để nhớ đến ông nhiều hơn các bạn tôi một  chút vì cho đến năm 1972 - không nhớ chắc là năm 72 hay 70, cái năm mà  nhà văn Ngô Thế Vinh cũng ra hầu tòa vì một bài báo của anh - tôi bị  phiền phức do một ca khúc của ông: Bài Bà Mẹ Gio Linh ông viết năm 1948.

    Năm 1972, sau khi Trần Phong Giao thôi tờ Văn, ông Nguyễn Đình Vượng nhờ  tôi làm Tổng Thư Ký tòa soạn ở 38 Phạm Ngũ Lão. Lúc đó tạp chí Vấn Đề  của kịch tác gia - giáo sư Vũ Khắc Khoan đặt trên lầu cùng địa chỉ với  tờ Văn. Ông Thần Tháp Rùa khi đến tòa soạn bao giờ cũng đi ngang qua chỗ  ngồi của tôi. Một lần ông hỏi tôi cho Vấn Đề một truyện. Tôi hứa. Và  lần nào đi ngang qua bàn viết của tôi, ông cũng nhắc: Sao? Có truyện cho  số này không? Tôi xấu hổ vì không viết được. Sau cùng, tôi quyết định /  nhất định phải nộp bài cho ông. Truyện ngắn Cha Và Anh tôi đưa ông để đăng trên Vấn Đề - tôi nhớ hình như là số 52.

    Một buổi chiều Mai Thảo đến tòa soạn kéo ghế ngồi trước mặt tôi hỏi Hoàng viết cái gì cho Vấn Đề mà báo bị tịch thu, đóng cửa vậy?

    Tôi ngớ người.

    Truyện ngắn Cha Và Anh là một hồi tưởng với nhiều hư cấu về một  gia đình (tôi) bị chia cắt trong chiến tranh, và chia cắt ngay cả trong  một thành phố. Một nhân vật bơ vơ mất hướng, không biết mình đi đâu, về  đâu.

    Truyện còn chép một số đoạn trong ca khúc của Phạm Duy:

    Mẹ già cuốc đất trồng khoai
    Nuôi con đánh giặc đêm ngày
    Cho dù áo rách sờn vai
    Cơm ăn bát vơi bát đầy...
    ........

    Nhà thì nó đốt còn đâu
    Khuyên con báo thù phen này
    Mẹ mừng con giết nhiều Tây
    Ra công xới vun cày cấy.
    .........

    Ông Khoan gặp tôi một tuần sau không vui. Tuy vậy, ông cũng tỏ vẻ lo cho tôi. "Anh có sao không? Có bị gì không?" Thưa anh, tất nhiên là có. Em phải hầu tòa đây.

    Đó cũng là thời gian mà [bác sĩ] Ngô Thế Vinh cũng từ Biệt đoàn 81 Biệt kích Dù về hầu tòa vì bài báo Mặt Trận Ở Sài Gòn của anh.

    Nhưng tôi đâu chỉ dính với ông Phạm Duy chỉ chừng đó thứ. Những ca khúc sau này của ông, những bài Bình Ca (Dường Như Là Hòa Bình, Sống Sót Trở Về, Ngày Sẽ Tới...) cũng làm tôi ray rứt mãi.

    Tôi ngạc nhiên về những bài Tục Ca, Vỉa Hè Ca cùng đi với Đạo Ca, Bé Ca, Nữ Ca của ông. Ông Phạm Duy đa tài, đa dạng và là một người giàu có về âm  thanh. Ông mơ mộng hơn những người lãng mạn nhất, nhưng ông cũng là  người thông tục hơn những người thông tục nhất. Ông có nhiều tiếng nói  cho nhiều hoàn cảnh.

    Ông là một trong số ít nhạc sĩ "sống" và "sống mạnh" không phải là thứ  nghệ sĩ ẻo lả của bàn đèn và khói thuốc. Nhạc của ông được nhiều thế hệ  hát và hát khắp nơi. Nhạc ông được nhiều người nhớ và nhớ bằng những kỷ  niệm đặc biệt. Nhạc ông được hát với một trái tim sôi nổi, nhưng cũng  được hát với một nỗi buồn cùng cực. Nhạc ông có nước mắt. Và cũng được  hát với một nụ cười.

    Thế gian có những thứ tình cảm nào, ông đều cho người ta cơ hội bày tỏ thứ tình cảm đó.
    Nhưng tôi biết không phải ai cũng bằng lòng ông.

    Có người nhìn ông như một tài năng hư hỏng. Có người bảo sau những ca  khúc phổ thơ từ Huy Cận, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, ông không còn  để lại gì cho âm nhạc Việt Nam.
    Tôi ngờ những người ấy sống bằng thành kiến.
    Không người Việt Nam nào có thể quên ơn Phạm Duy.

    Để soi sáng giá trị và ý nghĩa của một tác phẩm nghệ thuật - một cuốn  tiểu thuyết, một bức tranh, một nhạc phẩm - người ta thường qui chiếu về  tác giả, về đời tư của người nghệ sĩ. Người ta nghĩ - cũng có lý thôi -  giữa tác phẩm và tác giả chắc chắn phải có một mối giây nhân quả. Tác  phẩm là sản phẩm của nghệ sĩ, nó tất yếu phải mang dấu ấn, hơi thở, đời  sống, ý nghĩ của người sáng tạo.

    Người ta đọc Kiều của Nguyễn Du và người ta đi tìm tiểu sử của ông để  hiểu Kiều. Cũng vậy, người ta xem kịch Lưu Quang Vũ, xem tranh Nguyễn  Trung, nghe nhạc Trịnh Công Sơn, người ta luôn luôn đi tìm tác giả.  Người ta tìm đọc "những bản thảo dở dang, những thư từ, những nhật ký,  hồi ký" và qua đó họ vẽ lại chân dung người nghệ sĩ. Chính chân dung ấy  đã "soi sáng" tác phẩm của họ.

    Tôi chia sẻ "một nửa" ý kiến đó.

    Tôi không tin là cuộc đời của một nghệ sĩ hoàn toàn làm thành tác phẩm của họ.
    Tôi không tin là tác phẩm đang được quần chúng yêu mến kia sẽ kém đi vì  tác giả có một cuộc sống xã hội "không tốt đẹp" theo ý kiến của những  nhà đạo đức.
    Tôi không tin giá trị tác phẩm sẽ bị tụt xuống khi tác giả có một cuộc sống không cân bằng với tiêu chuẩn xã hội.

    Những điều "tôi không tin" ấy thật ra chưa đủ lý lẽ để thuyết phục người  khác. Cho đến khi tôi đọc được mấy cuốn sách của Milan Kundera, một nhà  văn Pháp gốc Czech.*

    Dưới tựa đề Soixante-treize mots (Bảy mươi ba từ), phần thứ sáu của cuốn Nghệ Thuật Tiểu Thuyết, Milan Kundera viết: "L'artiste doit faire croire à la postérité qúil n'a pas vécu", dit Flaubert.**

    Vẫn theo Kundera, Maupassant không cho đưa chân dung của mình vào một  loạt chân dung các nhà văn nổi tiếng: "Đời tư của một người và khuôn mặt  anh ta không phải là của công chúng." Heman Broch nói về mình, về  Musil, về Kafka: "Cả ba chúng tôi đều không có tiểu sử thật."

    Nhà văn William Faulkner muốn làm "người bị triệt tiêu, bị xóa bỏ khỏi  lịch sử, không để lại bất cứ dấu vết gì, không có cái gì khác ngoài  những cuốn sách đã in." Và Kundera nhấn mạnh: Sách là để in, tức là  không có các bản thảo dở dang, thư từ, nhật ký.)

    Tôi muốn bắt chước Kundera nói theo một ẩn dụ của Kafka rằng nhạc sĩ  Phạm Duy (nhà tiểu thuyết) phá ngôi nhà của mình đi, để lấy gạch xây một  ngôi nhà khác: các ca khúc của ông (cuốn tiểu thuyết).

    Từ đó đi đến kết luận là những người viết tiểu sử về một nghệ sĩ (nhà  tiểu thuyết, họa sĩ, kịch tác gia, nhạc sĩ, điêu khắc gia...) là người  phá giỡ những gì mà nghệ sĩ đó đã làm, để làm lại cái mà người nghệ sĩ  đã phá giỡ ra. Cái công việc chõ vào đời tư của một nghệ sĩ (tài năng)  là một công việc tiêu cực, thuần túy tiêu cực, nó không thể soi sáng cả  giá trị lẫn ý nghĩa của tác phẩm; "may ra thì chỉ nhận dạng được vài  viên gạch."***

    Kundera không chỉ nói một lần về vấn đề này trong cuốn L'art du Roman, mà ông nói nhiều lần. Trong phần thứ bảy cuốn sách này, dưới tựa đề Discours de Jerusalem: Le Roman et L'Europe. "Nhà  tiểu thuyết là người, theo Flaubert, muốn biến mình đi sau tác phẩm của  mình. Biến mình đi sau tác phẩm của mình, điều đó có nghĩa là từ chối  vai trò nhân vật xã hội."****

    Phạm Duy là một con người, như mọi người. Ông đã sống tận cùng đời sống  của ông, ông đã hiến tận cùng những gì ông có trong trái tim ông và thân  xác ông. Tôi đồng ý với Hoàng Khởi Phong, Phạm Duy không cần vinh danh,  vì cái danh ấy ông đã có, người ta nên biết ơn ông.

    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, rõ ràng là chúng ta nợ nần quá nhiều  người. Không chỉ nợ nần công ơn sinh và dưỡng của cha mẹ ta, mà ta còn  nợ nần những người làm cho cuộc sống ta tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.  Ngay khi họ làm ta đau đớn vì bản chất của họ, ta cũng nợ họ, vì nhờ đó  ta khám phá ra sự đa dạng của con người,khám phá ra cái bộ mặt đen tối  của một con thú tưởng là người, và ta cũng khám phá ra sức chịu đựng của  mỗi chúng ta.

    Phạm Duy và Stravinski

    Chưa thấy nhà văn nào nói về âm nhạc say mê và đầy kiến thức như Milan Kundera. Trong cuốn Những Di Chúc Bị Phản Bội, ông dành nguyên phần thứ ba Improvisation en hommage à Stravinski (Ứng tác kính tặng Stravinski) từ trang 69 đến 119 để viết về Stravinski.

    Tôi ước gì mình có đủ kiến thức về âm nhạc để viết một chương về nhạc sĩ  Phạm Duy. Nếu cuộc đời của Stravinski chia làm ba phần dài gần bằng  nhau. Ở Nga, 27 năm; Pháp và Thụy Sĩ nói tiếng Pháp, 29 năm; Mỹ, 32 năm;  thì Phạm Duy cũng chia phần đời mình qua những con số tương tự: Miền  Bắc 29 năm, vào Nam 25 năm, và ở Mỹ nay ông đã ở được 27 năm.

    Kundera viết "Di tản: một cuộc lưu lạc bắt buộc ở nước ngoài đối với  người coi đất nước nơi mình sinh ra là tổ quốc duy nhất của mình. Nhưng  tình trạng di tản kéo dài và một sự trung thành mới đang nảy sinh, sự  trung thành với đất nước mình đã nhận; bấy giờ là đến lúc cắt đứt.  Stravinski dần dần từ bỏ chủ đề Nga. Năm 1922 ông còn viết Mavra (hí  kịch phỏng theo Pouchkine), rồi năm 1928, Nụ Hôn Của Bà Tiên, kỷ niệm về  Tchaikovski, rồi ngoài mấy tác phẩm ngoại lệ không đáng kể, ông không  trở lại chủ đề Nga nữa. Khi ông mất năm 1971, Vera vợ ông, tuân theo Ỷ  nguyện của ông, từ chối đề nghị của chính phuđ Xô Viết chôn ông ở nước  Nga và chuyển thi hài ông đến nghĩa trang Venise."

    Kundera viết tiếp: "Không còn nghi ngờ gì nữa, Stravinski mang trong  mình vết thương của sự di tản, như tất cả những người khác; không còn  nghi ngờ gì nữa, sự phát triển nghệ thuật của ông sẽ đi một con đường  khác nếu ông có thể ở lại nơi ông đã sinh ra.”

    Phần đầu của Stravinski và Phạm Duy có vẻ như trùng hợp nhau. Sự khác là  ở phần cuối. Chủ đề trong âm nhạc Phạm Duy luôn luôn là Việt Nam.

    "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời."
    Chủ đề ấy ở cuối đường là Minh Họa Kiều I và II. Việt Nam nhất trong những gì thuộc về Việt Nam.
    Tôi viết những dòng chữ này như một lời biết ơn Phạm Duy.
    Tôi không có nhiều lý lẽ để nói về âm nhạc ông. Tôi mượn nhiều lời của Milan Kundera để cám ơn ông.
    Xin ông khỏe mãi.

    Nguyễn-Xuân Hoàng

     ------

    * L'art du Roman, Collection Folio, 15 Novembre, 1999 và Les Testaments  Trahis, Collection Folio, 18 Janvier, 2002. Bản dịch của Nguyên Ngọc,  NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
    ** Sách đã dẫn, trang 177. Flaubert nói: "Người nghệ sĩ phải làm cho hậu thế tưởng rằng anh ta không hề sống."
    *** Bản dịch của Nguyên Ngọc, Sđd., tr. 156-157.
    **** Bản dịch Nguyên Ngọc, Sđd., tr. 165 

     

    Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/pham-duy-va-vet-thuong-di-tan/1593957.html