Ngày xuân đọc truyện cổ tích Phạm Duy Khiêm
- Chi tiết
- Trọng Đạt
- Lượt xem: 2116
Phạm Duy Khiêm sinh năm 1908 tại Sài Gòn, mất năm 1974 tại Pháp. Là con nhà văn Phạm duy Tốn, ông cũng trở thành nhà văn nổi tiếng viết bằng tiếng Pháp trong giới người cũ chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp.
Sau khi xong tú tài tại ViệtNam ông sang Pháp du học, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm và Thạc Sĩ về văn phạm năm 1935.
Tác phẩm chính:
- Việt Nam Văn Phạm soạn chung với Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ năm 1941.
- De Hanoi à la Courtine, tự truyện, năm 1941. Năm 1958 in lại đổi tên là La Place d’un Homme, Plon,Paris
- Légendes des Terres Sereines, Paris: Mercure de France, 1942
- La Jeunes Femme de Nam Xuong, truyện dài 1944.
- Nam et Sylvie, truyện dài Plon,Paris, 1957.
Légendes des Terres Sereines, Huyền Thoại Miền Đất Thanh Bình là tập truyện cổ tích gồm 30 huyền thoại, giai thoại đời xưa, đoạt giải thưởng Văn chương Đông Dương 1943, được đón nhận nồng nhiệt. Năm 2009 được Harry Aveling dịch ra tiếng Anh (Legends from Serene Lands: Classical Vietnamese Stories by Pham Duy Khiem, translated from the French by Harry Aveling, Prestige, New Delhi, nd, ca 2009).
Viết tập truyện này, Phạm Duy Khiêm muốn giới thiệu những giá trị tinh thần của người Việt Nam với Tây phương, tác phẩm cho thấy Phạm Duy Khiêm rất am tường về phong tục và văn hóa cổ nước nhà, văn chương của ông bay bướm và sâu sắc.
Những truyện cổ dân gian đơn sơ giản dị đã được cây bút tuyệt vời của Phạm Duy Khiêm biến thành những áng văn chương tuyệt tác để đời.
Tôi lựa bốn đề tài được nhiều người ưa chuộng: Khối Tình Trương Chi, Hòn Vọng Phu, Mỵ Châu Hay Chiếc Nỏ Thần, Truyện Trầu Cau và dịch theo nguyên bản tiếng Pháp do nhà Editions Philippe Picquier tái bản năm 2003.
Khối Tình Trương Chi
Ngày Xưa có anh Trương Chi,
Người thì thậm xấu hát thì thậm hay.
Ngày xửa ngày xưa đã lâu lắm rồi, một tiểu thư con quan thượng thư yêu kiều diễm lệ sống cấm cung trên lầu son gác tía. Tiểu thư thường tựa cửa đọc sách, thêu thùa, đôi khi nàng đưa mắt nhìn xuống con sông lững lờ trôi bên dưới rồi thả hồn mơ mộng trông theo dòng nước uốn mình khuất vào đồng ruộng xa xăm.
Có lúc tiểu thư liếc nhìn chiếc thuyền đánh cá cỏn con. Anh thuyền chài nghèo hay hát. Từ xa nàng không thấy mặt mũi, cử chỉ anh ta nhưng tiếng hát vọng tới tai nàng, giọng hát hay, bài ca não nuột. Không ai biết bài ca, tiếng hát của anh có gợi lại trong lòng cô nàng cảm xúc, mơ mộng gì không nhưng hôm nào vắng bóng chàng bên dưới dòng sông thì lạ thay, nàng lại ngóng chờ anh cho tới tận chiều.
Tiểu thư mỏi mòn trông chờ anh thuyền chài hết ngày này sang ngày khác cũng chẳng thấy bóng dáng anh đâu. Nàng ngả bệnh, các thầy lang không tìm được nguyên nhân nào đã khiến tiểu thư đau yếu, song thân lo lắng, thế rồi tự nhiên nàng hết bệnh: Tiếng hát trở lại dưới sông.
Nghe con hầu trình lên sự việc, quan lớn bèn cho gọi người thuyền chài tới gặp tiểu thư. Vừa thấy mặt anh, nàng như tỉnh cơn mê, không còn muốn nghe tiếng hát.
Nhưng chàng đánh cá đáng thương lại bất thần bị tiếng sét ái tình rồi mắc bệnh tương tư. Tình yêu tuyệt vọng khiến anh tiều tụy gầy mòn, tàn tạ chết như một ngọn đèn cạn dầu, mang theo mối hận tình xuống dưới tuyền đài.
Mấy năm sau, gia đình cải mả, bốc mộ anh lấy hài cốt đem chôn. Họ thấy trong quan tài một khối đá mờ mờ đục bèn đem gắn phía trước thuyền làm món đồ trang trí. Một hôm ông quan thượng thư đi ngang qua nhìn thấy thích bèn hỏi mua về giao cho thợ tiện thành cái tách trà.
Mỗi khi rót trà vào người ta thấy anh ngư phủ hiện lên thong thả chèo thuyền quanh chén. Nghe nói thế tiểu thư muốn thấy tận mắt xem sao. Nàng rót chút nước trà vào chén, anh thuyền chài hiện ra khiến nàng xúc động khóc vì hồi tưởng đến chuyện đã qua.
Một giọt lệ rơi xuống tách khiến nó tan ra thành nước .
Trong một kiệt tác phẩm lừng danh của ViệtNam, hai câu thơ sau nhắc đến huyền thoại này.
Nợ tình chưa trả cho ai.
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.
Tuyền đài nghĩa là ở bên kia, nơi mà cánh đồng có nhiều hoa cỏ, những bóng cây bất tử xanh tốt quanh năm.
Nhưng “nợ tình” ở đây có ý nghĩa gì? Ai trả nợ cho ai? Người ta có thể nghĩ người con gái nợ chàng trai vì anh đã yêu nàng cho tới chết mà chẳng được đền bù. Mãi về sau nàng mới trả nợ tình khi rơi lệ khóc cho mối tình kết tinh và đã khiến nó tan thành nước. Niềm cảm thương cho số phận hẩm hiu của chàng và lòng hối hận đã khiến chàng đau khổ sẽ xoa dịu những phiền muộn của chàng ở nơi âm cảnh.
Đối với người ViệtNamtruyện này còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Họ tin rằng tình duyên do tiền định, mọi cuộc xum vầy, kết hợp đều là hậu quả tất nhiên của mối duyên nợ có từ kiếp trước. Khi hai người kết nghĩa phu thê ấy chỉ là họ cùng tự giải món nợ chung. Vì thế cô tiểu thư con quan phải hội ngộ với anh thuyền chài nghèo khó mặc dù hoàn cảnh đã phân chia anh chị. Khi nàng nghe tiếng hát cất lên từ dưới dòng sông và khi chàng ngày đêm tương tư, tưởng nhớ tới dung nhan người đã gặp thì cả hai đã tìm đường tiến tới kết hợp với nhau và trái tim mù lòa của họ đã đập theo nhịp điệu của định mệnh.
Nhưng chàng và nàng đã không kết hợp với nhau lúc sống. Duyên nợ vẫn còn đó nên sau khi chết anh thuyền chài vẫn không biến dạng đi được. Khối đá trong mờ mà người ta thấy trong quan tài của anh không phải chỉ là vật thể tồn tại của mối tình cảm sâu xa sau khi xác thân tan rã nhưng nó chính là con người của chàng, hình hài của chàng ở bên kia thế giới hay bộ mặt của số mệnh còn dang dở khiến nó phải kết tinh lại để đợi chờ.
Về sau người con gái cúi nhìn tách trà trong mờ nơi phảng phất giấc mộng đẹp đã tàn. Nàng nhận thấy mối duyên nợ đã buộc mình vào anh thuyền chài và hối tiếc đã không sớm nhận ra bổn phận của nàng vào lúc mà nàng không gặp được hạnh phúc. Nhưng nàng cũng biết sự kết hợp của hai người phải làm trọn vẹn bên kia cuộc đời phù du này. Có thể nàng đã linh cảm thấy giây phút trọng đại ấy đã gần kề.
Giọt lệ tình của nàng đã khiến tách trà tan biến thành nước để trộn lẫn với nhau trong sự kết hợp giải thoát cho cả hai người.
(Nguyên tác Le Cristal D’Amour của Phạm Duy Khiêm, Trọng Đạt dịch)
Hòn Vọng Phu
Trước khi tới Lạng Sơn, du khách từ Châu thổ lên miền Thượng du để ý thấy, bên phải con đường Bắc kỳ xưa, một ngọn đứng núi trơ vơ. Một tảng đá trên đỉnh giống hình một người đàn bà đứng ôm con. Vào lúc chiều khi mặt trời lặn trông càng giống y như thật. Đó là núi Vọng phu, ngọn núi hình người đàn bà chờ chồng. Người ta kể như sau.
Ngày xưa, có hai anh em mồ côi sống trong một làng tại miền thượng du, người anh tuổi đôi mươi, đứa em gái lên bẩy. Không bà con họ hàng, cả hai yêu thương nhau rất mực .
Một hôm ông thầy tử vi người Tầu qua làng, được người anh hỏi về tương lai ông trả lời.
“Nều ngày giờ sinh của cậu như thế thì nhất định cậu sẽ phải lấy em gái cậu. Không thể cưỡng lại số mệnh được cậu ạ”
Lời tiên tri khiến anh ta khiếp sợ, nó ám ảnh ngày đêm. Về sau phát điên lên anh bèn quyết định liều lĩnh.
Một hôm đi dốn củi trong rừng, đem theo đứa em. Thừa lúc em quay lưng lại, anh lấy búa táng em một nhát rồi bỏ trốn.
Hết bị ám ảnh nhưng thỉnh thoảng tội ác ghê rợn lại hiện ra theo đuổi anh, người thanh niên đổi tên , dần dần bình thản rồi về sinh sống tại Lạng Sơn.
Thời gian trôi qua nhanh, chàng ta lấy con gái một nhà buôn, vợ sinh một bé trai, gia đình hạnh phúc.
Một hôm bước vào sân trong, anh thấy vợ ngồi ngoài nắng phơi mớ tóc dài đen, chị ta quay lưng lại nên không thấy chồng đi vào. Trong lúc nàng một tay giữ làn tóc mượt, tay kia cầm lược chải thì chàng thấy một vết sẹo dài phía trên gáy.
Chàng hỏi nguyên do, sau một lúc do dự người vợ vừa khóc vừa kể chuyện của mình.
“Em chỉ là con nuôi, không phải là con đẻ của cha.
Hồi còn bé em mồ côi, sống với người anh lớn, nhà chỉ có hai anh em. Cách đây mười lăm năm, anh lấy búa chém em một nhát bỏ em lại trong rừng. Một bọn cướp cứu em. Ít lâu sau bị săn đuổi, chúng chạy trốn khỏi sào huyệt người ta tìm thấy em. Một ông nhà buôn có con gái mới chết bèn nhận nuôi em.
Nay em không biết anh ấy ra sao, em cũng không hiểu sao anh lại làm thế .. hai anh em thương yêu nhau rất mực”
Mặt nàng ràn rụa nước mắt. Người chồng tự trấn tĩnh rồi hỏi tên cha mẹ, quê quán của vợ. Sau khi biết chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa, chàng giữ kin chuyện bí mật ghê rợn ấy. Người chồng thấy hỏ thẹn và ghê sợ cho chính mình, cảm thấy không thể sống chung như thế bèn kiếm cớ đi xa. Sáu tháng trôi qua, người vợ nhẫn nại chờ chồng nhưng thời hạn đã qua lâu mà chàng vẫn biệt vô âm tín.
Chiều nào nàng cũng bế con trèo lên núi nhìn về phương xa ngóng chờ chàng trở lại. Lên tới đỉnh nàng đứng ngay như tượng gỗ, mắt đăm đăm nhìn về phía chân trời.
Nàng hóa thành đá vì thế nay người ta vẫn còn nhìn thấy nàng đứng yên trông chờ mãi mãi.
Ngọn núi huyền thoại đã gợi nguồn cảm hứng cho các thi nhân ViệtNam sáng tác lên nhiều vần thơ hay.
(Nguyên tác La Montagne De L’Attente của Phạm Duy Khiêm, Trọng Đạt dịch)
Mỵ Châu Hay Chiếc Nỏ Thần
Truyện này đã được ghi trong biên niên sử từ xưa.
Từ hơn hai nghìn ba trăm năm, vua nước Thục cầu hôn công chúa nhà Hồng Bàng trị vì nước Văn Lang .
Căm giận vì bị khước từ, vua Thục thề sẽ tiêu diệt nhà Hồng Bàng. Nhà vua băng hà không kịp rửa hận bèn dặn con cháu báo thù. Đó là nguyên do chiến trận liên miên giữa hai nước Thục và Văn Lang.
Nhà Hồng Bàng thắng trận nhiều năm. Họ vững mạnh nhờ đó, tin tưởng được thần linh che chở nên canh phòng chểnh mảng, họ hưởng nhàn, ăn chơi thỏa thích.
Khi đó kẻ thù Thục Phán, vua nước Thục đã chuẩn bị chiến trận từ lâu, ông đợi thời cơ thuận lợi để chiếm Văn Lang.
Bị thua trận, vua nước Văn Lang uất hận hộc máu ra rồi nhẩy xuống giếng tự vẫn. Đó là vị vua cuối cùng dòng dõi Thần Nông, một trong năm vị đại đế nước Tầu ngày xưa đã trị vì năm trăm năm.
Thục Phán nhập hai nước làm một, đặt tên là Âu Lạc, lấy hiệu An Dương Vương.
Ngài lập kinh đô tại Phong Khê. Nhưng mới dựng tường thành lên đã bị sụp đổ vì trận cuồng phong ban đêm kéo tới.
An Dương Vương cho khởi công xây dựng lại ba lần nhưng đều bị hủy hoại trong một dêm. Ngài bèn lập bàn thờ ở cửa đông để cầu khấn.
Ngày mồng bẩy tháng ba nhà vua thấy một ông già từ phương đông đến bảo.
“Ngài hãy tin sứ giả Thủy Tinh sẽ đến giúp”
Sáng sớm hôm sau, nhà vua thấy một con rùa vàng thật lớn từ phương đông tới nổi trên mặt nước. Rùa Vàng hay Thần Kim Qui nói đã được giang thần gửi tới. Nhà vua mời vào trong cung và hỏi tại sao ngài lại không xây được thành. Thần đáp.
“Đất này của núi và sông đầy những thần linh. Chính Thần Núi, Sơn Tinh đã giật sập những tường thành của Ngài.”
Nhờ Thần Kim Qui giúp, nhà vua đã chế ngự được bùa phép phá hoại của quỉ thần và xây dựng được thành quách nhanh chóng. Thành gồm ba bức tường dài hàng nghìn trượng cuốn lại theo hình soắn chôn ốc. Do đó gọi là Loa Thành, thành hình vỏ ốc.
Xây Kinh đô xong, Thần Kim Qui giã từ nhà vua. Ngài tiễn Thần ra cửa cung điện bầy tỏ lòng cảm tạ và nói.
“Nhờ ơn ngài mà thành được vững mạnh. Nhưng khi ngài đi rồi tôi có thể giữ thành được không?
Thần Rùa đáp.
“Thịnh hay suy là do Thiên mệnh. Trời phù hộ cho người tài đức, tôi xin tặng Thánh thượng món quà vì ngài đặt nhiều tin tưởng vào tôi. Ngài nhớ là nó sẽ giúp ngài bảo vệ giang sơn”
Thần Rùa bèn tháo một móng chân mình đưa cho nhà vua bảo.
“Ngài lấy cái móng này thay vào cái lẫy nỏ, khi ra trận ngài sẽ bách chiên bách thắng”
Nói rồi Thần Kim qui tiến ra bờ sông, nhà vua nhìn theo cho tới khi Thần biến mất.
Vào thời này Tần Thủy Hoàng cai trị nước Tầu, sau khi thống nhất sơn hà, thu hồi lục quốc, nhà Tần đem quân tới tận biển Nam hải. Vua Tần đồng thời cho xây Vạn lý trường thành và đem quân đánh nước Âu lạc. Nhưng quân Tầu phải tháo lui không tới được Loa Thành.
Ba năm sau, Vua Tần cử tướng Triệu Đà mang năm nghìn quân đi chiếm đất của An Dương Vương , đóng quân trên núi, dàn chiến thuyền dưới sông.
Nhà vua ra khỏi kinh thành dẫn đầu đoàn quân, lấy cái nỏ thần có lẫy linh thiêng rồi bắn ba mũi tên: ba nghìn quân Tầu chết la liệt trên mặt đất, số còn lại chạy tan tác.
Biết không thể chống lại nỏ thần. Triệu Đà bèn nghĩa mưu đánh thắng An Dương Vương, ông xin cầu hòa và gửi con trai Trọng Thủy đế làm con tin trong triều tỏ lòng thân thiện.
An Dương Vương giao miền đất phía trên sông Bằng Giang cho Triệu Đà, đưa Trọng Thủy vào hàng cận thần rồi gả con gái là Mỵ Châu cho chàng ta. Trọng Thủy thương yêu vợ nhưng không quên trách nhiệm mà vua cha đã giao cho.
Chàng bèn hỏi Mỵ Châu cho xem cái nỏ thần, nàng không ngần ngại đưa cho chồng. Trọng Thủy xem xét cái móng rùa rồi làm một cái giả giống y như thế và lén đánh tráo nó. Sau đó chàng xin An Dương Vương cho về thăm nước một thời gian.
Trọng Thủy bảo Mỵ Châu.
“Nghĩa phu thê không làm chàng quên bổn phận với song thân phụ mẫu, từ lâu chàng đã không được quì lạy các người. Chàng tiêc không thể đem nàng đi theo, đường về phương Bắc vạn lý xa xăm qua rừng qua núi đầy những hùm beo, ác thú”
Nhưng trong lúc phân ly chàng không khỏi bồi hồi xúc động khi nhìn vợ hiền, vì thương yêu và tin tưởng chồng nàng đã phản lại vua cha và đất nước mà không biết.
Mỵ Châu chợt thấy Trọng Thủy buồn bã và xúc động sâu xa lúc chia tay, nàng có linh cảm sự chẳng lành và bảo chồng.
“Tình nghĩa phu thê bất diệt, nhưng cảnh thái bình của hai nước thật phù du, biêt đâu mai kia BắcNam cách biệt đôi đường. Nếu phải bỏ Loa Thành chạy loạn, em sẽ mặc áo lông ngỗng mình tặng cho em trước đây. Em sẽ rắc lông ngỗng trên các ngã tư để chỉ cho mình biết đường em chạy qua.
Trọng Thủy vội về nước trao cái móng rùa thần diệu cho phụ vương. Triệu Đà vội cất quân đi đánh An Dương Vương. Nghe tin ấy ông vua này bật cười.
Ông để cho quân địch đến gần mà không ngăn chận, chẳng cần phòng ngự thành. Trên thành cao, lính canh báo hiệu quân Tầu đông như kiến đen nghịt cả chân trời, nhà vua tự mãn bảo.
“Nước láng giềng lại quên cái nỏ thần của ta chăng?" Ông tiếp tục ván cờ.
Sau cùng quân địch đã tới cửa thành nhà vua đứng dậy cầm vũ khí. Nhưng vừa bắn mũi tên đầu ông biết mình bị phản. Nhà vua chỉ kịp nhảy lên lưng ngựa, cõng con gái lên ngồi phía sau rồi phóng nhanh về phươngNam, bỏ cà kinh thành giang sơn mà chạy.
Trọng Thủy vào cung không thấy Mỵ Châu bèn theo dấu lông ngỗng tại các ngả tư đường để phóng ngựa truy tầm nhà vua.
An Dương Vương phi ngựa như gió qua rừng, qua ruộng, leo đồi, xuống dốc, vượt sông. Mỗi khi dừng lại nhà vua nghe thấy tiếng vó ngựa đuổi theo, ngài lại thúc ngựa chạy cuống cuồng như điên dại.
Mỵ Châu ngồi nép mình vào cha, hai tay ôm chặt thân người như hồi còn nhỏ. Nước mắt ràn rụa, nàng cảm thấy thân phận nữ nhi yếu đuối của mình trước nỗi gian khổ mênh mang. Chạy tới bờ biển. Không một chiếc thuyền dưới nước, An Dương Vương kêu than “Trời bỏ ta rồi!
“Sứ giả Thủy Tinh ngài ở đâu? Hãy tới cứu nguy ta.”
Thần Kim Qui hiện lên mặt biển ngay và cất tiếng nói thật lớn đến độ từ xa Trọng Thủy cũng nghe được và dừng lại.
“Ngài cõng kẻ thù sau lưng ngựa làm sao thoát được”?
Nhà vua quay lại nhìn con gái, nàng yên lặng ngước đôi mắt đẫm lệ lên trời. An Dương Vương bèn rút thanh gươm to bản chém đầu nàng. Rồi tay cầm cái sừng tê giác, ngài theo Thần Kim Qui mở đường rẽ nước đi vào lòng biển khơi.
Trọng Thủy thấy xác Mỵ Châu vội xuống ngựa bồng lấy nàng mà khóc. Chàng đem nàng về Loa Thành để chôn cất. Lòng buồn khôn nguôi, chàng đi dạo suốt ngày tại những nơi vợ mình hay ở. Sau cùng trong khi tuyệt vọng chàng nhẩy xuống ao nơi vợ thường tắm.
Những con sò tại bờ biển hút máu từ thân xác Mỵ Châu, rồi từ đó chúng nhả ra những viên ngọc quí. Ngọc này đem rửa tại cái ao nhỏ nơi Trọng Thủy trầm mình sẽ sang rực hắn lên. Nước ao vang danh tới tận bên Tầu và Hoàng Đế bắt phải kèm theo một bình nước ao vào hàng triều cống mỗi ba năm, việc triều cống được thực hiện đều cho tới triều Lý.
Ngày nay tại bờ biển nhìn lên thì thấy một cái đền nhỏ trên núi gần nơi mà cô công chúa đã kết thúc bi thảm đời nàng. Nhưng nhất là tại thành Cổ Loa, giữa những việc tưởng nhớ biến cố lịch sử mà truyền thống còn giữ mãi là việc thờ phụng An Dương Vương và Mỵ Châu. Tại chánh điện của đền, từ hơn hai nghìn năm qua một ngọn lửa vẫn cháy sáng trước bàn thờ của vị anh hùng đã hy sinh chiến đấu bảo vệ giang sơn. Xa xa cành và rễ xum xuê của một cây đa cổ thụ linh thiêng phủ xuống ngôi đền nhỏ bé của Mỵ Châu.
(Nguyên tác My Châu ou L’Arbalète Surnaturelle của Phạm Duy Khiêm, Trọng Đạt dịch)
Truyện Trầu Cau
Huyền thoại này rất phổ biến ở Việt Nam. Truyện này chắc xưa lắm rồi, cốt truyện chính đơn sơ, những chi tiết có nhiều khi khác nhau tùy theo truyền thống, đôi khi khó lựa chọn cái nào cho đúng.
Dưới triều vua Hùng Vương thứ tư (có người nói thứ ba), một ông quan tên Cao có hai người con tên Tân và Lang dù không phải anh em sinh đôi nhưng giống nhau như hai giọt nước đến nỗi cha mẹ còn không phân biệt được. Cả hai đều khôi ngô tuấn tú, thương nhau rất mực, bên nhau như bóng với hình.
Hai cậu còn nhỏ (có truyện nói mười hai, mười bốn tuổi, cũng có truyện nói mười bẩy, mười tám) bỗng một cơn hỏa hoạn khiến cha mẹ chết cháy, sự nghiệp tiêu tan.
Đầu hôm sớm mai thành trắng tay, không bạn bè quen biết, hai anh em đi lập nghiệp phương xa.
Tình cờ gõ cửa nhà ông Lưu, cũng làm quan, người nhân đức có quen biết cha hai cậu. Ông quan quí mến hai cậu bèn đón vào nhà cho ăn ở, cũng vì ông không có con trai chỉ có một người con gái. Ít lâu sau ông muốn gả cô cho hai cậu mồ côi này. Cả hai đều để ý tới cô gái, cô này cũng không biết chọn ai vì họ giống nhau cả người lẫn tính, họ lại ra tỏ cao thượng với nhau, nhường nhau cô gái mà cả hai cùng yêu thương.
Hôm sau ông bảo cô gái làm cơm, có ý muốn tìm ra manh mối qua sự gặp gỡ. Ông sai con gái đem hai chén cơm, một đôi đũa rồi đưa cho hai cậu. Người em bèn tự động đưa đũa cho anh theo bổn phận. Ông quan bèn chọn cậu cả làm rể.
*
Thương yêu anh, theo bổn phận làm em Lang chế ngự được tình cảm với cô gái nay đã là chị dâu của mình.
Thế nhưng Tân vì hạnh phúc mới đã lơ là tình ruột thịt, nhạt nhẽo với Lang. Cậu em cô đơn dù tình cảm với anh, chị dâu trong sáng sâu đậm.
Một buổi sang nọ, buồn quá cậu đành bỏ nhà ra đi.
Chàng ta đi thật xa, đi mãi, đi không biết mệt cho tới bờ sông ngồi nghĩ đến thân phận hẩm hiu rồi chết vì đau khổ. Cậu biến thành phiến đá.
Người anh thấy em bỏ đi biết là tại sao bèn tự trách mình ích kỷ. Anh hối hận bèn đi tìm em. Mấy ngày sau tới chỗ bờ sông ấy, chàng mệt quá ngồi tựa lên phiến đá. Người anh biến thành một cây thẳng đứng có chùm cành lá trên ngọn.
Người vợ không thấy chồng lo lắng khôn nguôi cũng đi tìm chàng. Nàng cũng đi tới tận chỗ cây này rồi ôm lấy nó cho khỏi ngã, khóc thương chồng mà chết. Người vợ biến thành một dây leo cuốn quanh thân cây cao chót vót.
Nhờ báo mộng, dân làng trong vùng dựng một cái miếu thờ ba người tình bất hạnh. Phía đầu hồi có ghi: Anh em xum họp, Vợ chồng chung thủy
*
Về sau trong năm đại hạn hán cuối triều đại vua Hùng vương thứ tư, khi cây cỏ thực vật chết hết riêng cây và dây leo quấn quanh vẫn xanh tươi giữa cảnh hoang tàn khô héo. Nghe chuyện kỳ diệu ấy, từ khắp mọi phương người ta đổ về miếu.
Chính nhà vua cũng tới nơi và được các vị trưởng thượng trong làng kể lại chuyện hóa thân của ba người. Ngài xúc động tìm hiểu ý nghĩa linh thiêng của nó, hỏi các quan tư vấn nhưng không ai giải đáp được. Sau cùng quan thượng thư bộ hình, một cụ già uyên bác bảo:
“Muôn tâu Bệ hạ, nếu muốm biết họ cha của anh chị em, hay quan hệ phụ tử của đứa con hoang, người ta lấy tí máu của các đương sự hứng vào cùng một cái bát. Nếu máu hòa hợp nhau sau khi dông đặc thì kết quả đúng sự thực.
Cũng có thể ta nghiền nát lá dây leo với một quả của cây và một tí đá đập nát thành bột xem sao?..”
Nhà vua nghe theo, sai đem nung phiến đá cho rã ra, nghiền nát ba thứ trên nó biến thành mấu đỏ tươi, thử nghiệm là đúng.
Vì vậy lão thượng thư tâu vua Hùng Vương cho truyền bà việc trồng hai loại cây và dây leo này, lại được đặt tên trầu cau tượng trưng cho tình huynh đệ nghĩa phu thê. Những cô cậu mới cưới hay anh chị em trong nhà bắt đầu nhai lá và quả với một tí vôi để giữ tình thân. Chẳng bao lâu tục ăn trầu được lan truyền đi rất nhanh trong mọi cuộc gặp gỡ giữa những người quen nhau hay người muốn “làm quen”.
Ngày nay người ta còn thấy nhất là tại miền quê, những người tập tành ăn trầu tài tử cho có chút say, với người chưa biết ăn có thể thấy cay cay nhưng nó cũng lưu lại cho họ một hương vị cưới hỏi tươi mát, dịu dàng và chút cay đắng nhè nhẹ.
*
Nếu miếng trầu là đầu câu chuyện như câu ngạn ngữ đã nói, tục ăn trầu cũng thường thấy trong những biến cố lớn của đời sống như quan hôn tang tế cũng như trong những nghi lễ tôn giáo công, tư . Với người đã khuất, tổ tiên, thần thánh trầu cau cùng với chén nước trong là đồ cúng tinh khiết. Nhưng đối với việc cưới hỏi và tình yêu đương trai gái tục lệ này có ý nghĩa nhât.
Theo truyền thống, những cuộc truyện trò hào hoa giữa trai gái bắt đầu bằng trầu cau, đó là lời mời mở đầu. Nếu nhận lời cũng như đã giao ước ít nhiều tùy theo mỗi dịp. Phải biết từ chối khi có dịp như cô gái trong bài hát sau.
Sáng nay em đi hái dâu,
Gặp hai anh ngồi trên phiến đá buông câu
Cả hai đứng dậy bảo em.
Cô đi đâu mà vội mà vàng
Thưa anh em đi hái dâu,
Hai anh mở túi mời trầu,
Thưa anh em nghe lời cha mẹ dặn
Con gái không nhận cau trầu người lạ
Trong đám hỏi, trầu cau của nhà trai đưa được nhà gái đem biếu bà con bằng hữu để báo tin vui. Về sau nếu người ta từ hôn vì một lý do gì, bên gái sẽ trả lại lễ cưới cũng như ở nơi khác người con gái từ hôn sẽ hoàn trả nhẫn. Trong đám cưới vẫn có những quà căn bản, ngay cả ngày nay trong đám hỏi cổ truyền ta thấy những người đội trên đầu những mâm tròn đựng những chùm cau và lá trầu, phía trên phủ tấm khăn đỏ, đó là màu chung thủy.
Hồi xưa vào nhà người Việt Nam, ta thấy trên phản để một cái hộp lớn sơn đỏ hay khảm sà cừ đã mở sẵn. Trong hộp có đĩa di động nhiều ngăn đựng đủ vật dụng ăn trầu: Cau tươi bổ làm tư, cau khô vành ngoài cuốn vào hạt nâu ở giữa, không thể thiếu những lá trầu xanh tươi hoặc ngả vàng hay xanh đậm cuốn lại nhiều tầng như điếu thuốc lá, bên cạnh đó là rễ chẻ từng miếng và cuối cùng một túi vôi nhỏ thường bằng bạc với cái thìa để trát vôi. Dưới mâm trong lòng hộp người ta để dự trữ sẵn những lá trầu, những quả cau nguyên vỏ xanh, một con dao nhỏ sắc như nước và chiếc khăn đỏ để lau tay.
Nay người Việt đứng tuổi còn nhớ hồi nhỏ mẹ thường dậy chị hay em gái têm trầu, cách cầm quả cau bằng năm ngón tay trái để gọt vỏ, bổ làm tư thật đều, cách cắt hai bên lá trầu trước khi cuốn nó rồi đóng lại bằng cuống lá cắt bên cạnh không quên quệt chút vôi trước. Tại một số nhà, các cô gái biết làm nhiều hình lá khác nhau như lá cánh phượng. Cũng có người khéo tay cuốn nó thành hình ống thật đều, dễ coi, mềm mại, dẻo dai mọichỗ.
Ngày nay, tại tỉnh thành người ta không còn thấy tục ăn trầu hay tục nhuộm răng đen. Các cô gái tân thời nếu có học một chút nghề làm bánh, may vá, nấu ăn chưa kể học chữ nghĩa sẽ không còn tập sắp xếp khay cau trầu lỗi thời nữa. Cũng như một chàng trai nay không còn đưa chùm cau và dây trầu tươi để tỏ lòng thành.
(Nguyên tác Le Bétel Et L’Aréquier của Phạm Duy Khiêm, Trọng Đạt dịch)
© Trọng Đạt (Bản tiếng Việt)