PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Tác Phẩm Tác Phẩm

Cảm Nghĩ Khi Nghe Bầy Chim Bỏ Xứ

Hôm 21 tháng 6 vừa rồi Phạm Duy có lòng yêu đến thăm và cho nghe thử băng nhạc Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ. Thú vị quá, nghe xong Phạm Duy bảo viết vài câu giới thiệu. Tôi nghe bật cười trong bụng: mình có biết hát hỏng chi đâu mà dám giới thiệu ngọn Thái Sơn của nhạc Việt, nhưng cũng phải ưng, vì nhận ra kẽ hở tạm có thể chen chân chút ít là đưa ra vài cảm nghĩ về nội dung của tổ khúc, chính nó làm cho tôi rung động hết sức, vì có nghĩ suy theo đấy phần nào.

Mở đầu tổ khúc là lịch sử nước ta từ đầu thế kỷ này có thể tóm vào câu ca dao sau:


Phượng hoàng cắt cánh đuổi đi
Bắt con bìm bịp đem về mà nuôi.

Thế là:


Tuyết rơi lả tả là tà
Như chim lạc tổ như ma lạc mồ.

Read more ...

Phạm Duy, Buổi Chiều và Những Dự Phóng Tiếp Nối

Người ta không phê bình Phạm Duy.

Như người ta không ''phê bình'' một buổi chiều nắng ''đẹp'': người ta tận hưởng cái vẻ ''đẹp'' của nó. Như Baudelaire, và rồi Xuân Diệu của một thời xa xưa đã viết: ''Có nghĩa gì đâu một buổi chiều...'' (''Il n'a pas de signification, un de ces soirs...'' - thơ Baudelaire). Phạm Duy cũng không phải là một huyền thoại, hay một thần tượng từ lâu đã không còn chỗ đứng trên thế gian. Phạm Duy là một con người thực, đã sống, sống rất thực, và ca hát, ca hát rất say sưa, với chúng ta, giữa chúng ta, từ buổi rạng đông khi non sông bừng thức dậy, qua gần nửa thế kỷ chiến tranh điêu tàn, băng hoại từ ngoại vật đến con người, và cho tới nay, giữa đàn chim bỏ xứ, tiếng hát đó vẫn vang lên, hùng hồn như hình ảnh những chàng trai Siegfried thuở xa xưa, tình tứ nồng nàn như tiếng sáo thần của những bộ lạc Do Thái, huyền bí như đoàn Việt điểu trong truyện thần kỳ...

Nhìn Phạm Duy đi lại, đứng lên, ngồi xuống, múa may trên sân khấu, lim dim con mắt, đưa tay đánh nhịp, nghe Phạm Duy nói chuyện, dẫn giải giữa những âm thanh của Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ được trình diễn trong Buổi Chiều Phạm Duy, một sinh hoạt văn nghệ đa phương tổ chức tại phòng sinh hoạt Thế Kỷ chiều chủ nhật tháng 10 vừa qua nhân dịp sinh nhật thứ 70 của Phạm Duy, người ta đã đi lạc vào một thế giới riêng, thế giới của Phạm Duy. Trong thế giới đó, một thế giới không có sự thánh thiện mà cũng chẳng còn loài rắn độc, một thế giới rất ''người'' theo nghĩa của Pascal, mọi thẩm định giá trị, mọi phán xét đều ngừng đọng lại.

Read more ...

Phạm Duy với Bầy Chim Bỏ Xứ

Con đường đi của âm nhạc Việt Nam cho đến năm nay 1990 kể như đã được 55 năm, nếu lấy cái mốc khởi hành từ 1935 với sự xuất hiện lần đầu tiên của những ca khúc do các nhà soạn nhạc Việt Nam sáng tác. Trong lớp người đi tiên phong ấy có Nguyễn Xuân Khoát, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Lê Yên, Dzoãn Mẫn, Hoàng Quý, Ðặng Thế Phong, được xem như những nhà soạn nhạc có công đầu trong việc sáng tác nhạc Việt Nam.

Nhưng thời kỳ đáng kể nhất, đánh dấu sự vươn mình mạnh mẽ của âm nhạc nước nhà, phải kể từ những năm thập niên 40 của thế kỷ, ăn nhịp với những biến chuyển dồn dập trên đất nước. Vận hội giành lại nền độc lập với cuộc kháng chiến của toàn dân đã là chất men kỳ diệu thúc đẩy ý hướng sáng tác của lớp người soạn nhạc thế hệ 1945, trong đó có sự đóng góp của Phạm Duy như một khuôn mặt nổi bật nhất.

Thật vậy, từ hơn nửa thế kỷ ấy, Phạm Duy đã là người nhạc sĩ của những biến cố lớn trong lịch sử. ''Con Ðường Vui'', hợp soạn với Lê Vy, ''Về Ðồng Quê'', ''Quê Nghèo'', ''Mùa Ðông Binh Sĩ'', ''Bà Mẹ Gio Linh''... Một thời xuất hiện trong mùa khói lửa chiến chinh như những tiếng hát quen thuộc của mọi người thanh niên Việt. Bởi Phạm Duy đã là người có công lao đầu tiên trong lịch sử âm nhạc, đem những làn điệu dân ca vào trong sáng tác của mình, khiến người nghe cảm nhận thấy gần gũi với họ, như chính tiếng lòng của đa số người dân Việt thầm lặng được sinh ra và lớn lên trên giải đất quê hương thân thương. Những làn điệu mà mọi người đều rung động như nghe tiếng ru mẹ hiền từ khi mới nằm nôi.

Read more ...

Sương Mù London và Âm Thanh Phạm Duy

Bầu trời vào buổi chiều thứ ba 13 tháng 12 năm 1994 như rắc những lớp bông xám xịt che phủ mặt trời, gần tối bắt đầu có mưa nhẹ, bay bay như những dòng nhạc. Tối đó là một buổi sinh hoạt của Câu Lạc Bộ Việt Nam với chủ đề Nhạc Thoại Phạm Duy - Nói về Hàn Mặc Tử nhân một chuyến đi giới thiệu các tác phẩm mới của nhạc sĩ ở Châu Âu.


Tổ chức buổi gặp gỡ vào một ngày không phải cuối tuần, đồng thời là ngày mưa lạnh, thế mà những bạn bè thân hữu, những người ái mộ đã đến dự buổi nói chuyện đó. Thật hoàn toàn bất ngờ và tôi nhận được giấy mời rất gấp nhưng cũng chuẩn bị sẵn một số câu hỏi để có dịp thì sẽ nói chuyện với Nhạc sĩ Phạm Duy. Vì đó là một địa chỉ lạ, muốn đến đó phải đổi xe bus hai lần cho nên tôi đã đến sớm hơn giờ qui định 20 phút.

Mưa vẫn mưa rơi... lời của một bài hát được soạn ra như để diễn tả thời tiết London tối hôm đó. Ðịa điểm là một ngôi trường cổ, phải đi qua một dãy hành lang dài rồi lên tầng trên. Trong khi chờ đợi, tôi ra chỗ canteen mua một tách cafe rồi uống. Chợt mười phút sau thì cánh cửa rộng mở. Một người đầu đội chiếc mũ dạ, khoác một chiếc mantel mầu đen bước vào. Khi ngả mũ tôi mới để ý thấy mái tóc bạc như cước và khuôn mặt một người châu Á. Theo sau là mấy người nữa, trong đó có một người trung niên tay bê một cái ampli và có hỏi tôi: '' Sao đến sớm thế '' ?

Read more ...

Trường Ca Hàn Mặc Tử: Hành Trình Của Người Nghệ Sĩ Về Cái Ðẹp

(đăng trong Thế Kỷ 21, tháng 6, 1994)


Trường ca Hàn Mặc Tử (TcHMT) là tác phẩm mới của Phạm Duy vừa ra mắt quần chúng vào những ngày cuối năm 93. Về hình thức thì đây là một tổ hợp những bài thơ Hàn Mặc Tử do Phạm Duy phổ nhạc. Nhưng người nghe có thể hình dung được chủ đích của tác giả tổ khúc này không phải chỉ là phổ nhạc một số bài thơ lẻ của một nhà thơ; TcHMT có thể xem là một bản diễn giải bằng nhạc những hành trình nghệ thuật của tâm hồn Hàn Mặc Tử (HMT).

Kể từ khi nhà thơ qua đời đến nay đã hơn 50 năm, không biết bao nhiêu sách và bài báo nỗ lực phân tích tâm sự nhà thơ bằng nhiều ngả. Nhiều người đã dựa vào căn bệnh hiểm nghèo của thi sĩ mà nói nhiều về tâm trạng điên loạn bất thường của HMT để dẫn đến sự nương náu tâm hồn trong ánh sáng tôn giáo; có người đã dùng con mắt của nhà phân tâm để diễn dịch tâm hồn HMT qua những biểu hiện phức tạp của một người chịu đựng những ẩn ức tâm lý triền miên từ lúc trẻ đến khi phát bệnh nan y.

Read more ...

Phạm Duy: Ngày xưa… Dân ca

Nhà sử học Lê Văn Lan kể rằng trong một lần đi công tác ở huyện Thanh Trì - Hà Nội, ông tình cờ gặp được một cụ bà là bà mẹ Việt Nam anh hùng, có con là liệt sĩ. Cụ bà đã hơn trăm tuổi tuy không biết chữ nhưng vẫn thuộc và hát gần như trọn vẹn ca khúc Nhớ Người Ra Đi của Phạm Duy. Ai có nghe tiếng hát hành quân xa… mà không nhớ thương người mẹ già… chờ con lúc đêm khuya, người con đã ra đi vì nước… nhớ thương con, oán thù loại thực dân… lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng… bóng dáng người hùng anh, về ấm lũy tre xanh…

Cũng một chiều bên bờ sông xứ Huế, có người đàn ông bán vé số dạo. Khi biết người vừa mua cho mình mấy tấm vé số là nhạc sĩ Phạm Duy, ông sẵn sàng hát luôn mấy ca khúc thời kháng chiến ca cho Phạm Duy nghe. Trong đời mình Phạm Duy hẳn từng đã nghe nhiều thế hệ ca sĩ, danh ca hát nhạc của mình nhưng bà mẹ trăm tuổi, người bán vé số dạo có lẽ là trường hợp bất ngờ, gần gũi và giản dị nhất đủ làm xúc động tâm hồn ông, một nghệ sĩ.

Read more ...

Theo Chân Phạm Duy Một Đoạn Đường Từ 1945 tới 1951 (Quãng đường Kháng Chiến Ca)

Trong chuyến đi Mỹ mùa hè năm 1970, tôi có tặng cho các bạn quốc tế một số cuốn Dân Ca-Folk Songs của Phạm Duy, trong đó các lời ca được dịch sang tiếng Anh. Mấy hôm sau một cô bạn Thụy Điển nói với tôi: "Lời các bản nhạc trong cuốn sách hay quá!" Tôi không ngạc nhiên vì lời khen ấy, vì tôi đã biết lời trong đó rất hay, tôi chỉ mừng có người chịu khó đọc và hiểu được cái hay đó.

Tôi nhớ cô bạn đã chỉ tôi coi bài Xuân Ca :

Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về
Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ
Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ

Rồi nói với tôi: "Tôi chưa thấy ai nói về mùa xuân của đời mình như thế này. Mùa xuân bắt đầu từ khi mầm sống đầu tiên của tôi được tạo nên, được tả trong động tác ái tình của cha và mẹ. Thật tuyệt vời."

Read more ...

Tính chất hiện thực trong Nhạc Kháng Chiến của Phạm Duy

…Lúc xung phong vào Nam Bộ (1945), ông sáng tác những bài ca ủng hộ kháng chiến, nhưng lời nhạc đầy tính cách ước lệ và nhiều sáo ngữ như gươm tráng sĩ, thư phòng, chiến y, ngựa hồng, chinh phu - âm vang của Chinh Phụ Ngâm hay Cung Oán Ngâm Khúc độ nào.

Ta là gươm tráng sĩ đời xưa
Bên mình chàng hiên ngang một thuở…
(Gươm tráng sĩ)

Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y
Mà hồn nương bóng quốc kỳ
(Chinh phụ ca)

Trong một số bài khác (loại nhạc hùng), ca từ hùng hồn, gây nhiều ấn tượng, hát lên nghe "kêu", mạnh, kích thích, nhưng vẫn là những từ ngữ có tính cách ước lệ: chiến đấu, chiến thắng, oán thù, máu, giết, vấy máu, máu xương. Ngay cả một số bài hát rất "mới" như Xuất quân hay Nợ máu xương, ngôn ngữ và hình ảnh lại rất "cổ điển" (từ của chính PD):

Từng bụi lốc cuốn rơi
Từng đường kiếm thét ngời
Một đường kiếm thét oai hùng đưa
Đoàn quân tiến qua làng
Từng thanh kiếm đứt ngang
...Ầm rung tiếng sa trường
Như nhắn nhủ người trai mài kiếm dưới trăng

Những bài hát rất cần hiện thực, nhưng chẳng "hiện thực" tí nào! Sau này, khi tham gia toàn quốc kháng chiến, những bản nhạc có tính cách tuyên truyền vận động quần chúng, thứ ngôn ngữ "cổ điển" tuy không còn nữa, nhưng tính ước lệ và sáo ngữ vẫn còn áp đảo:

Một đoàn người hiên ngang
Đeo trên vai nợ máu xương
Vui ra đi không buồn nhớ thương
...Một rừng cờ phấp phới!
Một màu vàng chiêu dương!
Và một nền vinh quang bằng máu!
(Khởi hành, 1947)

Read more ...

Tiếp Tục Nhạc Tình

Nhạc Tình Sau Mười Năm Ngủ Kỹ

Trong một thời gian khá lâu, từ 1948 cho tới 1957, tính ra gần một thập niên, vì quá mải mê soạn nhạc xã hội, quá say sưa soạn những bài tình tự quê hương hay những bài ca xưng tụng tình yêu của những đôi tình nhân khác, ở thôn quê (VỢ CHỒNG QUÊ) hay ở thị thành (PHỐ BUỒN) hoặc đem thơ tình của các nhà thơ (Thế Lữ, Lưu Trọng Lư...) ra phổ nhạc cho nên tôi không soạn một bản nhạc tình nào cho tôi cả. Vả lại, trong 10 năm trời, tôi cũng không gặp một người tình mới mẻ nào cả !


Trong cuộc đời náo nhiệt của tôi lúc đó, nói thẳng ra, bổn phận đối với gia đình, đối với quốc gia, đối với xã hội, tôi đều lo toan rất tròn trĩnh, dù có đôi ba lần gian dối, nhưng đời vẫn ban cho ngọt bùi. Thế nhưng trong lòng của một kẻ đang ở trong tuổi trung niên, đầy sinh lực như tất cả mọi người, đã vẫn tàng ẩn cái cô đơn nghiệp dĩ của mình, dù tôi có gào lên ba lần như thi sĩ Thanh Tâm Tuyền lúc đó: Tôi không còn cô độc, tôi không còn cô độc, tôi không còn cô độc... Khát khao lấp được cái huyệt cô đơn không đáy, tôi soạn bài:

TÌM NHAU

Read more ...

Nhạc Tình Giữa Mùa Kháng Chiến

Trong thời gian đang phục vụ cho kháng chiến, từ 1945 cho tới 1951, ngoài những bài hát cho cuộc chiến đấu chung, tôi có gặp dăm ba cuộc tình và do đó cũng có soạn nhạc tình. Nếu trong thời kỳ trước, cũng như hầu hết các nhạc sĩ còn non trẻ khác, tôi chỉ soạn nhạc tình cho người tình tưởng tượng và cho ra đời ba bản gọi là tình ca ấp úng, tình ca nhút nhát hay tình ca câm lặng như CÔ HÁI MƠ, CÂY ÐÀN BỎ QUÊN, KHỐI TÌNH TRƯƠNG CHI... thì sau đó, tôi có một mối tình giang hồ để soạn bài TÌNH KỸ NỮ là một bản tình ca có đối tượng thật sự. Từ đây trở đi, tôi sẽ chỉ soạn nhạc tình khi có người yêu bằng xương bằng thịt ở trong vòng tay của mình.

Read more ...