Tạ Ơn Phạm Duy (Thay lời tựa)
- Chi tiết
- Xuân Vũ
- Lượt xem: 2999
Tôi viết quyển sách này là để tạ ơn Phạm Duy. Tôi là người ham hát. Thuở nhỏ, tôi đã hát ở nhà thờ và lớn lên đi kháng chiến ở Bến Tre, tôi quảy cây măng đô trên lưng và trong ba lô luôn có tập nhạc dày cộm. Tôi chép nhạc rất công phu, tên bài hát thì tôi viết rất nhiều kiểu vẽ tùy theo bài, còn cây vẽ ngũ tuyến biểu thì làm bằng vỏ hột quẹt cắt thành năm chia đều, gạch một phát là xong một dòng cớ 5 hàng rất đều. Đặc biệt khi chép nhạc, tôi không bao giờ quên đề tên tác giả. Nhạc của... lời của... Tôi có ông cậu rất giỏi nhạc. Do đó tôi đàn hát rất khá. Thời đó đi kháng chiến mà có cây măng đô trên vai thì thật là... oai. Tôi chép không thiếu một bài hát nào. Ai có bài mới là tôi tìm đến để xin chép, hoặc ai mượn vở của tôi tôi cũng cho mượn. Tiến Quân Ca, Buồn Tàn Thu, Chiến Sĩ Việt Nam, Thăng Long Hành Khúc, Đống Đa, Không Quân Việt Nam, Hải Quân Việt Nam, Bắc Sơn... của Văn Cao; Tiếng Gọi Sinh Viên, Bặch Đăng Giang, Ải Chi Lăng, Hồn Tử Sĩ, Kinh Cầu Nguyện, Giòng Sông Hát... của Lưu Hữu Phước; Đêm Thu, Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong; Hòn Vọng Phu, Học Sinh Hành Khúc, Bản Đàn Xuân, Biển Sau Giông Tố của Lê Thương; Bướm Hoa, Bình Trị Thiên Khói Lửa của Nguyễn Văn Thương; Xuân Về, Nắng Tươi của Thẩm Oánh; Núi Non Nước, Tuyên Truyền Xung Phong của Phan Huỳnh Điểu; Quốc Dân Tiến của Lê Trầm; Tiếng Còi Trong Sương Đêm của Lê Trực; Trung Đoàn 307 của Nguyễn Hữu Trí; Đời Sống Mới của Nguyễn Đức Toàn; Nhớ Chiến Khu, Sơn La, Du Kích Ca, Du Kích Sông Thao của Đỗ Nhuận; Xuất Quân, Chiến Sĩ Vô Danh, Chinh Phụ Ca, Tiếng Đàn Tôi, Nhạc Tuổi Xanh, Bà Mẹ Gio Linh, Nương Chiều, Thi Đua Ái Quốc, Nhớ Người Thương Binh, Dặn Dò, Về Miền Trung... của Phạm Duy.