Bài 9 - Việt Nam Và Lòng Yêu Nước
- Chi tiết
- Georges E. Gauthier
- Lượt xem: 2869
(nguyên bản tiếng Pháp - Võ Phiến dịch)
... Hai tiếng Việt Nam quá lớn,
máu sẽ còn chảy bao nhiêu năm
nữa để tô thắm hai chữ Việt Nam ?
Phạm Duy, Bách Khoa số 228
Tôi vừa nói về tiến trình của một sự nghiệp, nhưng mặt khác, hơn một lần tôi đã nghĩ rằng, với tư cách một con người cũng như với tư cách một nghệ sĩ, Phạm Duy chính là sàn phẩm của một tiến trình. Nước Việt Nam trải qua bao nhiều thế kỷ, đem theo biết bao nhiều cuộc chiến, bao nhiều sự chết chóc, bao nhiêu cảnh sát hại không tên, nước này thực ra một ngày nào đó phải sinh ra một nghệ sĩ như Phạm Duy, mà tác phẩm -- trái ngược thay -- lại là một đại tình ca xưng tụng cuộc sống. Nếu nhiều khi tiếng Việt Nam gợi nơi tôi một ý nghĩa đầy ải, thì tiếng Phạm Duy lại gợi nơi tôi một ý nghĩa cứu chuộc. Cũng như tác phẩm của Beethoven hay của Schubert, của Chopin hay của Liszt, tác phẩm của Phạm Duy cứu độ ngay chính tôi. Công trình trước tác ấy cứu độ tôi vì nó là một chứng tích. Bởi vì nghệ sĩ đã hẳn hòi sống với thời đại mình, kẻ sáng tạo chân chính đều muốn phát lộ được ý thức, nhưng nếu kẻ ấy không hoà mình vào giai đoạn nhỏ bé của lịch sử mình đang sống, thì làm sao kẻ ấy có thể làm chứng nhân cho nhân loại được ? Bởi vậy nếu tôi có thể nói nước Việt Nam ở trên con đường đi của Phạm Duy, thì tôi càng có thể bảo rằng chính Phạm Duy đã chấp nhận, tự đặt mình trên con đường đau đớn của xứ sở vậy. Chấp nhận sống với tổ quốc, khóc cười theo mệnh nước...
Làm người Việt Nam thật không phải là chuyện dễ dàng -- thực ra, có những hôm, tôi còn thấy là hoàn toàn phi lý-- cũng như một người ngoại quốc mà yêu nước Việt Nam thì thật cũng không phải là chuyện dễ dàng gì ! Có nhiều người (không phải độc giả Bách Khoa) đã trách tôi là chỉ yêu nước Việt Nam qua tác phẩm của Phạm Duy, những người ấy thấy cần phải bảo cho tôi biết rằng cái nhìn của tôi về Việt Nam là thiếu sót và còn sai lầm nữa, và nếu một ngày kia tôi có thể trông thấy ''thực tại'', tôi sẽ thất vọng kinh khủng. Trước tiên, chắc chắn tôi không chối cãi đã yêu nước Việt Nam qua tác phẩm của Phạm Duy. Nước Việt Nam của Phạm Duy vốn đã ở trong con tim của một số khá lớn người Việt Nam để cho tôi khỏi cảm thấy một chút gì xấu hổ vì đã yêu nước ấy theo cách tôi yêu. Thứ đến, cái nước Việt Nam ''thực tại'' đối với tôi khá quen thuộc nên tôi không thể không biết đến. Nước Việt Nam ấy, với những cuộc giết chóc, bạo tàn, với mãi dâm, tham nhũng v.v... báo chí và vô tuyến truyền hình ở xứ tôi vẫn trình bày với tôi hàng ngày. Nhưng có lẽ tình yêu của tôi đối với Việt Nam là một tình yêu bội lý, bởi vì tôi muốn tin rằng từ một mành đất bị dày vò ngần ấy, một ngày kia sẽ nẩy lên những hoa màu tươi tốt lành mạnh hơn và phong phú hơn, tôi muốn tin rằng từ bấy nhiêu thối nát và gian dối một ngày kia sẽ xuất hiện ra một lớp người tốt lành hơn và chính thực hơn. ''Việt Nam không đòi xương máu, Việt Nam kêu gọi thương nhau. Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu. Việt Nam trên đường tương lai. lửa thiêng soi toàn thế giới. Việt Nam ta nguyên tranh đấu cho đời... Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người ''. Lý tưởng lớn lao quá chăng ? Mơ mộng của thi nhân chăng ? Có lẽ... Nhưng tôi, bất chấp tất cả tôi muốn tin ở nước Việt Nam ấy. Thực ra, xứ sở không tưởng ấy đã ở trong lòng tôi. Nhưng đó có lẽ cũng bởi vì tôi không phải là người Việt Nam vậy.
Tuy nhiên, để Phạm Duy có thể là Phạm Duy, chắc chắn nước Việt Nam phải là như thế. Ở một quốc gia có không khí thanh bình, không sướng quá, không khổ quá, thì ai biết được nghệ sĩ ấy sẽ ra sao ? Chắc chắn phải có nước Việt Nam ấy với từng nấy đau thương và quằn quại mới có một Phạm Duy với vóc dáng ấy. Xin đừng ai coi những lời trên đây như một cách gián tiếp ''ca ngợi'' cuộc chiến tranh gợi hứng cho nghệ sĩ. Nhưng sự kiện vẫn là sự kiện và nhất là Phạm Duy không hề chọn lựa để sinh ra ở Việt Nam. Tại sao lại cho Phạm Duy là kẻ ''xu thời'' như một số người đã bảo ? Ngay từ 1946, chàng nghệ sĩ ấy đã ca tụng hoà bình trong một tác phẩm cực hay nhan đề Thu Chiến Trường. Thực ra trong những ngày buồn thảm của chiến tranh cũng như trong những ngày rất đỗi hiếm hoi mà hoà bình tưởng chừng ló dạng ở chân trời, Phạm Duy là một người đã cáng đáng xứ sở mình... Ðịnh mệnh của một nghệ sĩ vốn bí ẩn; bệnh điếc của Beethoven, bệnh điên của Schuman, những mối tình xui xẻo của Schubert, nước Ba Lan điêu linh của Chopin, nước Việt Nam đau khổ của Phạm Duy, đều là những cái bất khả lượng đã đưa những nghệ sĩ đó vào chỗ sâu thẳm nhất của tâm hồn mình, hầu đạt tới sự việt tiến vốn cần thiết cho mọi tác phẩm vĩ đại.
* * *
Thương yêu tất cả, đến hơi thở cuối cùng.
Ðể không mất gì ở sự phụng tiến. Và cả ở thời gian
sống. Và cả ở vai trò người đàn bà, con trẻ nơi nơi.
Ánh mắt mọi người. Ðem tất cả thì giờ để thương yêu
tất cả. Ðể tin tưởng vào đó. Bởi vì như thế là đúng.
Bởi vì người ta không thể nói trái lại. Bởi vì người ta
có thể nói khác đi. Nhưng không thể nói trái lại.
Olivier Marchand, thi sĩ khu vực tiếng Pháp, Gia Nã Ðại.
Cũng như Picasso là Picasso trước khi là người Tây Ban Nha, cũng như Schubert là Schubert trước khi là người dân thành Vienne, Phạm Duy đã là Phạm Duy trước khi là người Việt Nam. Tình yêu nước của tác giả các dân ca thật lớn lao, nhưng có nhiều hành vi, thái độ trong cuộc đời Phạm Duy chứng tỏ rằng ông không làm nô lệ cho tình yêu nước ấy. Con người rất khôn ngoan ấy không thể cho tình yêu quê hương đưa đến một tinh thần quốc gia khả ố và tê liệt. Cùng với năm tháng, tình yêu nước của Phạm Duy vượt dần ra ngoài giới hạn của nó và đạt tới cái phổ quát. Về phương diện này, nhiều đoạn của hai thiên trường ca, một số ca khúc của những năm 50, một số nhiều hơn các ca khúc của những năm 60 -- trong đó có bài tâm ca Ngồi Gần Nhau, một trong những ca khúc hay nhất của toàn bộ tác phẩm, về nhạc cũng như về lời -- đã tỏ ra rất có ý nghĩa.
Bây giờ không còn phải chỉ là vấn đề một nước Việt Nam khổ đau, mà còn là vấn đề một nhân loại khổ đau. Một nước Việt Nam cần cứu độ, một thế giới cần cứu độ, cần thương yêu. Những câu thơ sau đây mà chàng Phạm Duy, công dân của thế giới muốn gửi cho chúng ta ở cuối bài Cung Chúc Việt Nam mới đẹp đẽ làm sao :
Vì thương nhau không là những thiên thần (hay ác quỉ)
Sống tuyệt vời trong niềm đau một phận
Nên từ đó nhân loại kia vẫn vẹn toàn...
Thời gian càng trôi qua, tư tưởng Phạm Duy chắc chắn càng hoà đồng với tư tưởng của Karl Heins Stock Hausen, một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của thế kỳ 20. Nhà nghệ sĩ Âu Châu ấy đã từng viết : Trước hết, nhạc sĩ phải có ý thức về cứu cánh đời mình và về cứu cánh của đời sống mọi kẻ khác, cần phải đạt tới một đời sống siêu đẳng, mở rộng bản ngã cá nhân để đón nhận những rung động của vũ trụ (...) đối với vấn đề của toàn thể thì dẫu hy sinh cuộc đời riêng cũng xứng đáng. Cần gì phải loanh quanh với những chân lý cục bộ, với những vấn đề riêng biệt, với những nhóm quốc gia, có tính chất phe phái và chính trị. Chúng ta không cần lao mình vào một cuộc cách mạng Pháp, Việt, Nga hay Phi Châu : cuộc cách mạng của chúng ta, của nhạc sĩ là cuộc cách mạng của tuổi trẻ đạt tới con người siều đẳng. Con người ấy không phải tạo ra bằng những cuộc phá hoại, những cuộc tách vỡ hạt nhân nguyên tử, bằng sự đóng cửa biên giới, nhưng bằng ý thức mỗi ngày mỗi rõ rệt rằng nhân loại họp thành nhất thể; và rằng hễ bao giờ còn có một bộ phận bị đánh đập, bị giầy đạp, bị cưỡng bức, bị hành hung, thì cả cái nhân thế ấy còn bị đau đớn.
Ðối diện với vũ trụ, đối diện với một thế giới trên bờ hỗn loạn, đối diện với muôn vàn bí ẩn của định mệnh, con người băn khoăn tìm một giải pháp. Âm nhạc là nghệ thuật huyền vi và mê hoặc (còn gì vô hình hơn một âm thanh ?) nghệ thuật vây quanh và thâm nhập con người. vì vậy nhạc sĩ linh cảm thấy giải pháp ấy âu cũng là sự thường. Người thi sĩ nơi Phạm Duy -- vốn là con người của lo âu, như tôi đã có lần nhấn mạnh -- không phải luôn luôn tìm được câu giải đap cho những nỗi hoang mang của cuộc sống. Nhưng người nhạc sĩ như Phạm Duy -- vốn là con người của xác tín -- đã tìm được giải pháp ngay từ thời Cô Hái Mơ. Beethoven đã nói : '' Âm nhạc là một khải thị còn cao cả hơn là mọi nền đạo lý ''. Vì vậy tôi bảo rằng sự nghiệp sáng tác ấy của Phạm Duy là một chứng tích. Một chứng tích cứu độ.
Montréal, Mars 1971
Georges Etienne Gauthier
Võ Phiến dịch
(Tạp chí Bách Khoa 1970-1972)