Bài 18 - Mấy Lời Kết Thúc
- Chi tiết
- Georges E. Gauthier
- Lượt xem: 2918
(nguyên bản tiếng Pháp - Võ Phiến dịch)
Sẽ không có một ai kế nghiệp Phạm Duy cả. Tôi nói thế là vì tôi biết mấy năm gần đây có đôi ba người tưởng rằng một nhạc sĩ trẻ Việt nam nào đó sẽ là kẻ kế tục Phạm Duy. Nghĩ như thế là hiểu rất lầm về tính cách đích thực tài năng Phạm Duy cũng như của tài năng người soạn giả trẻ tuổi nọ. Không một ai thực sự kế tục Mozart, Beethoven, Schubert hay Chopin cả. Thế giới riêng biệt của một người nghệ sĩ cùng mất theo với nghệ sĩ ấy. Những kẻ đến sau nghệ sĩ này hay nghệ sĩ khác không tiếp tục công việc người đi trước, họ làm công việc khác. Dù sao, giả sử Phạm Duy có thể có một kẻ kế tục, người ấy phải có nơi mình cả thiên tài của Phạm Duy lẫn kiến thức nhạc học uyên bác của ông, ấy là chưa kể nhiều điều kiện khác nữa. Mà theo chỗ tôi biết thì không hề có một dấu hiệu gì tỏ ra có một Phạm Duy thứ hai đã ra đời ở Việt nam, không cứ là Nam hay Bắc, trong vòng ba mươi năm nay. Vả lại bầu không khí chung của cả nước Nam đã từ quá lâu trở nên hỗn độn, khó cho phép xuất hiện một thiên tài nghệ thuật mới. Cuối cùng -- và có lẽ đây là điều quan trọng nhất -- những cơ hội đã tạo nên cuộc đời của một Phạm Duy đều quá ư đặc biệt và độc đáo, khó bề tái diễn lần thứ hai.
Những nhận xét vừa rồi cũng khiến tôi nói rằng Phạm Duy không phải là người nhạc sĩ của một thế hệ nào. Bảo rằng tác giả của các bài Trường Ca là ''nhạc sĩ của thế hệ những năm 40 hay 50'', hay bảo ông là ''nhạc sĩ của ba thế hệ'', đều là ''xếp hạng'' một cách hấp tấp. Hiểu rõ Phạm Duy tức là, ngoài các việc khác, nhìn nhận ông không phải là nhạc sĩ của một thế hệ nào cả. Thực ra, Phạm Duy là người nhạc sĩ của mọi thế hệ. Một sự nghiệp sáng tác lớn lao không cần qui định vào thời gian, không cần giới hạn phạm vi vào khoảng mấy chục năm. Phải từ một chỗ thuật cao nhìn bao quát công trình sáng tác của Phạm Duy mới nhận thấy rằng công trình ấy mặc dù đã hình thành trong một thời nhất định, nhưng trong toàn thể vẫn là một công trình vĩnh cửu. ''Mọi vĩ nhân đều liên hệ với thời đại của mình ở những khía cạnh nhỏ'', Goethe đã nói thế, và điều này theo tôi hình như đặc biệt đúng với Phạm Duy. Tác giả các bản dân ca không phải lúc nào cũng vĩ đại, nhưng ông ta đã khá nhiều lần tỏ ra vĩ đại để cho một phần lớn tác phẩm của mình -- nhờ tính cách chân và mỹ -- có thể vượt khỏi khuôn khổ chật hẹp của thời kỳ chúng ra đời. Sự kiện có nhiều ca khúc Phạm Duy của những năm 40 và 50 ngày nay được phổ biến như ngày chúng mới được sáng tác, sự kiện ấy rất có ý nghĩa.
Viết loạt bài này, tôi đã có ý muốn cố gắng phần tích thơ Phạm Duy. Tuy nhiên, trong khoảng 400 bài của ông, tôi chỉ có được bản dịch trọn vẹn của hơn một trăm tác phẩm. Khi đã biết các chỗ tế nhị vô cùng của thi ca Việt nam, người ta sẽ hiểu vì sao tôi không dám nhờ Phạm Duy (một dịch giả tuyệt vời) hay một người nào khác làm cái công việc dài dòng và khó khăn là dịch hộ mấy trăm bài khác. Tuy vậy tôi vẫn ao ước có được bản dịch lời ca của toàn bộ ca khúc Phạm Duy bởi vì tôi yêu lời thơ của ông -- cũng như tôi yêu thi ca Việt nam nói chung -- và lại, việc hiểu được lời ca cũng giúp tôi hiểu được ít nhiều chi tiết về khúc điệu và hoà điệu trong một số ca khúc. Cuối cùng, sở dĩ tôi không phần tích thơ Phạm Duy, ấy cũng bởi vì tôi nghĩ rằng một người Việt nam mà làm công việc phân tích ấy, mà nhận định về các đặc tính chủng tộc, tinh thần v.v... của lời thơ ấy thì vẫn hơn.
Mặt khác, mặc dù tôi không có gì bất mãn về loạt bài khảo luận về Phạm Duy này, tôi vẫn cho rằng sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ còn có thể có một công trình khảo cứu xuất sắc hơn nữa. Thật ra một cuộc nghiên cứu mới và sâu rộng hơn về tác phẩm Phạm Duy do một người Việt hay một người Âu tiến hành, điều ấy không mấy quan trọng. Chỗ thực sự quan trọng là người nào tiến hành một công cuộc nghiên cứu như thế, trước tiên phải có một kiến thức sâu xa như nhau về toàn bộ nền âm nhạc cổ truyền Việt nam cũng như toàn bộ nền âm nhạc cổ điển và dân nhạc Tây phương. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng nhạc Phạm Duy nắm trong cả hai truyền thống Việt nam và Tây phương, và nó phải được nhận định theo tính cách ấy.
Sự diễn biến của phẩm chất nhạc Phạm Duy trong tương lai một phần nào sẽ tùy thuộc vào nền hoà bình ít hay nhiều của nước Việt nam và vào sự ổn đinh ít hay nhiều trong đời sống riêng của nghệ sĩ. Tuy vậy, dù cho rốt cuộc nước Việt nam có được hoà bình và dù cho đời sống riêng của nhạc sĩ có thoát được mọi ưu tư chăng nữa, thì để cho Phạm Duy có thể hoàn toàn hồi phúc, để ông ấy có thể lấy lại hồn mình, ông cần phải có một tình yêu -- Bởi vì, cách đây mấy năm, khi người yêu ra khỏi cuộc đời ông, nàng như thể đã mang theo tất cả phần hồn của các bản tình ca Phạm Duy. Những lời thơ gợi lại mối tình cũ vẫn còn đẹp đẽ, nhưng các khúc điệu mang lời thơ ấy không còn cất cao được nữa, lắm khi oằn oại lê mình sát mặt đất. Ðể kích thích thiên tài mình, để cho cảm hứng của mình lướt cao lên tột đỉnh, Phạm Duy cần một mối tình ngay trong hiện tại. Và, thảm kịch thật sự và duy nhất của Phạm Duy trong lúc này, chính là sự vắng thiếu một mối tình như thế trong đời. Tôi đã nói về chuyện này ở những đoạn khác rồi, và sở dĩ tôi trở lại vấn đề một lần cuối, đó chỉ vì tôi muốn bày tỏ sự tiếc nuối cho Phạm Duy, một sự tiếc nuối sâu xa.
Bây giờ cái gì gợi hứng nhất cho Phạm Duy đó là một bài thơ hay. Về phương diện này, sự xuất hiện của thơ Phạm Thiên Thư trong thế giới nghệ thuật của Phạm Duy vào khoảng đầu những năm 70 là một biến cổ quan trọng. những bài thơ của Phạm Thiên Thư giúp Phạm Duy tự phục hồi trong nghệ thuật khúc điệu còn hơn cả loạt bài của Georges Etienne Gauthier. Vẻ đẹp khác lạ, tính cách thâm trầm, tế nhị và tình cảm kín đáo của những bài thơ Phạm Thiên Thư trong Mười Bài Ðạo Ca, cũng như trong các bài thơ khác như Ngày Xưa Hoàng Thị, Em Lễ Chùa Này và Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng -- đã gần như lần nào cũng gợi hứng cho Phạm Duy sáng tác nên những khúc điệu tinh tế, cực đẹp, những khúc điệu thấm nhuần một nhiệt tình mới mẻ, những khúc điệu chứng tỏ rằng khả năng sáng tạo của Phạm Duy hãy còn lớn lao biết bao mỗi khi nó được kích thích đúng cách. Nói cho đúng, ngày nay Phạm Duy cần một thi sĩ viết cho mình những bài thơ đẹp hơn là cần một người giải thích nhạc phẩm của mình, dù cho người giải thích ấy có tận tâm hay rộng lượng đến bậc nào. Tôi nghĩ rằng nếu trước đây tôi có kiêu hãnh chăng về công cuộc nghiên cứu về Phạm Duy, thì một điểm nhận xét vừa rồi cũng đủ lôi tôi về một thái độ khiêm cung lành mạnh.
Trong khi viết loạt bài này, giữa việc đòi hỏi Phạm Duy tiếp tục làm một người hùng cho đến cùng và việc cắn răng chấp nhận ông trở thành một nhạc sĩ xoàng, tôi đã thử chọn một thái độ trung dung. Khi xét về giá trị thực sự của Phạm Duy của những năm gần đây, tôi đã không tiếc lời tán thưởng nồng nhiệt. Khi xét đến một vài nhược điểm của Phạm Duy hiện tại, tôi đã hết sức công bình được chừng nào hay chừng ấy, không tìm cách triệt hạ ông hay làm ông nản chí, mà chỉ tìm cách gián tiếp gợi cho ông một giải pháp khả dĩ tự phục hồi. Nhưng bởi vì tôi là một kẻ ngưỡng mộ nhiệt thành nhạc của Phạm Duy và cũng là một người bạn thân của nhạc sĩ, cho nên mỗi lần đề cập tới các nhược điểm hiện tại của Phạm Duy tôi vẫn có sự dè dặt. Tôi rất lo sợ làm Phạm Duy buồn lòng hay khó chịu. Nhưng vì mến yêu Phạm Duy và vì muốn thẳng thắn với ông -- chứ không phải vì lý do nào khác -- tôi đã đề cập tới vấn đề ấy. Hơn một lần -- nhất là trong bài sau chót về khúc điệu Phạm Duy khi tôi nói đến những khúc điệu ''thiếu cao nhã'' -- tôi đã tưởng lời phê bình khiến tôi mất tình bạn của Phạm Duy. có những điệu lo sợ của tôi đã sai lầm, nhưng có những điệu khác không sai lầm. Bởi vì nếu Phạm Duy có thể công nhận dễ dàng những nhược điểm trong tư cách làm người thì ông chấp nhận khó khăn hơn một số nhược điểm trong tư cách nghệ sĩ. Nhưng điều này cũng dễ hiểu, bởi vì tác giả các Trường Ca là một con người rất kiêu hãnh !
Mặt khác, tôi muốn nhấn mạnh những nhược điểm nhận thấy ở nhạc Phạm Duy mấy năm gần đây, chỉ liên hệ chút ít với loại ca khúc mà ông ta đề cập. Như vậy nghĩa là xin thưa rằng tôi tuyệt nhiên không công phẫn vì một chục bài tục ca mới đây của Phạm Duy. Ở Phạm Duy, sự xuất hiện của lối hài hước tục tĩu hay sỗ sàng này cũng khá bình thường, và do bản tính ông ta và tuổi tác hiện nay. Ðại chúng thường không biết rằng những nhạc sĩ hết sức ''đứng đắn'' như Chopin và Mozart, ấy là chỉ kể tên vài người, rất ưa thích sự hài hước tục tằn; Mozart lại còn phổ nhạc một số bài thật sỗ sàng. Phạm Duy như chính ông đã nói, làm những tục ca ấy ''để đùa chơi'' và chắc chắn cũng là để cho chúng ta cùng vui đùa. Và người Việt Nam hiện nay -- hơn mọi dân tộc khác -- đang cần cười một phát... và có lẽ cũng cần một bài học luân lý nho nhỏ nữa, bởi vì trong những câu hài hước nọ cũng có ngụ một ý nghĩa răn đời nào đó. Tôi cũng ghi nhận rằng bốn hay năm bài tục ca có những khúc điệu khá xinh, mang chất Phạm Duy rõ rệt, những khúc điệu với những khía cạnh tinh quái và mỉa mai rất ngộ nghĩnh. Dĩ nhiên tôi không mong rằng Phạm Duy sẽ dành trọn những ngày còn lại của cuộc đời để làm tục ca, bởi vì loại nhạc ấy không thể đưa ông lên những tuyệt đỉnh cảm hứng, nơi mà từ trước đến nay ông đã thành tựu những tuyệt phẩm phong phú và bất hủ. Tạm thời thì chúng ta hãy bằng lòng thừa nhận độ chục bài tục ca ấy như là một chút gia vị thêm vào một mâm cỗ nghệ thuật cũng đã khá cổ điển và khá ngon lành.
Trong loạt bài này, đôi khi tôi có quan tâm đến những nhược điểm của một số ca khúc gần đây của Phạm Duy tôi xin nhấn mạnh rằng sự quan tâm đó không dẫn tôi đến chỗ thương tổn. Do đó chắc chắn là tôi không nói, như một nhà phê bình cách đây không lâu, rằng : ... sự nghiệp Phạm Duy như thể một toà lâu đài đang sụp đổ ! Vâng, quả thực ở tầng trên của toà lâu đài do Phạm Duy xây dựng, có những viên gạch non yếu, nhưng mà nền móng, vách tường và những ngọn tháp khác của toà lâu đài đều đã được xây dựng vững chắc và theo tôi thì hiển nhiên là toà kiến trúc nọ không hề đang sắp sụp đổ. Ngay cả những viên gạch non yếu nọ, xung quanh nó cũng có bao nhiều là viên gạch bền đủ để cả khoảng tường ấy dù sao vẫn giữ được sự vững chắc của toàn thể. Mặt khác, nguyên một việc Phạm Duy đã xây dựng cả một toà lâu đài trong khi bao nhiêu kẻ khác không làm được gì, một túp lều con cũng không nổi, việc ấy đã hàm chứa một sự xác nhận sức mạnh của tác giả các bản Trường Ca !
Hãy xét qua về những nhạc phẩm Phạm Duy trong vòng một năm nay. Tình Khúc Chiến Trường, Vùng Trời Mang Tên Ta, 12 Tháng Anh Ði... Hãy để ý rằng trong khúc điệu bồn chồn nhưng rất khéo ấy có một sự sắp đặt chuyển biến đặc biệt nồng nàn từ âm thể ''thứ sang âm thể ''trưởng''. Lên Trời với đoạn đầu theo hình thức ''bậc thang'' rất lôi cuốn. Tưởng Như Còn Người Yêu, ở đây nhạc đề sơ khởi theo ''Si giảm trưởng'' có nét cao nhã uyển chuyển, nhạc đề ấy được lập lại ở cuối ca khúc, nhưng lần này lại theo thể ''Ré trưởng'', nhờ thế mà gây được một chuyển biến âm sắc đẹp đẽ. Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng, khúc điệu mang tình cảm nồng nàn một cách dịu dàng và gần như mê hoặc. Áo Anh Sứt Chỉ Ðường Tà với lối kết cấu biến hoà một cách tài tình, lối kết cấu có phần nào giống với các bài Ðạo Ca Ba và Ðạo Ca Bẩy. Những ca khúc trên đây tôi cho là rất thành công, nói tóm lại là thuộc thứ nhạc hay của Phạm Duy. Hơn nữa, những bài Yêu Tinh Tình Nữ, Thôi 2, Nụ Hôn Ðầu và Em Lễ Chùa Này theo tôi là những ca khúc có vẻ đẹp tầm thường hơn. Sau cùng, các bài Thầm Gọi Tên Nhau, Huyền Thoại Trên Một Vùng Biển, Ở Rừng U Minh Ta Không Thấy Em, Còn Chút Gì Ðể Nhớ và Con Ðường Tình Ta Ði tôi thấy có vẻ yếu, sáo cũ và kém tưởng tượng. Ðó, bản tổng kết luận rõ ràng đâu có tệ, thực ra tôi còn thấy trong đó những yếu tố khích lệ bởi vì số ca khúc xuất sắc hay tương đối thành công vẫn nhiều hơn là số bài kém. Dĩ nhiên tôi ước mong rằng trong tương lai nhạc phẩm của ông càng ít bài kém càng tốt, để sự nghiệp của ông giữ cho đến cùng mức độ chung chung về phẩm chất khá cao. Nhưng rốt cuộc tất cả đều do ở Phạm Duy, do ở thái độ nghiêm cách của ông đối với tính chất của cuộc sống và do đó đối với tính chất của nghệ thuật mình. Một trong những kỷ niệm đẹp đẽ nhất mà tôi còn ghi nhớ trong chuyến viếng thăm của Phạm Duy tận nhà tôi ở Montréal vào đầu mùa thu năm 1971, đó là hình ảnh của con người hào hiệp ấy hơn một lần vung tay chỉ vào chỗ quả tim mà bảo tôi : '' Xin anh yên trí, nào là nhạc, nào là những khúc điệu, còn đây cả trong đây ! '' Cảm động, tôi nghĩ rằng hẳn trong những ngày thơ ấu xa xưa của nhà nghệ sĩ, thân mẫu và người vú nuôi của Phạm Duy đã truyền vào con tim ấy đây những tình yêu thương và âu yếm đến nỗi mãi về sau, rất lâu về sau này, Phạm Duy vẫn còn hưởng được ở chính nơi mình nguồn yêu thương và âu yếm đã biến thành nhạc thành thơ. Hơn nữa, tôi vẫn thường nghĩ rằng một phần lớn của sự phong phú và vẻ đẹp trong nghệ thuật Phạm Duy bắt nguồn từ đâu đó trong buổi thiếu thời của ông, bên cạnh người Mẹ hiền và người vú ân cần đã hết lòng thương yêu bé Cẩn. Phạm Duy đã làm được những bài như Ru Con, Tình Ca, Mẹ Việt Nam, Lời Ru Bú Mớm, Nâng Niu (Ðạo Ca Sáu) và bao nhiêu kiệt tác khác, là nhờ rất nhiều vào hai người đàn bà phi thường nọ, ngay từ buổi bình minh của cuộc đời nghệ sĩ, đã trao cho ông không tính toán tất cả tình yêu thương mà ông cần đến, tình yêu thương ấy đã thực sự ru Phạm Duy đến tận muôn đời... Trước những điều tôi vừa nói ra, Phạm Duy có thể tin rằng tôi giữ nguyên lòng tin tưởng đối với sự nghiệp sáng tác của ông trong tương lai. Mà dẫu cho Phạm Duy có ít xuất sắc so với trước kia thì chúng ta vẫn có thể tha thứ cho ông, bởi vì dù sao chúng ta vẫn luôn luôn cần đến ông.
Một trong những tai hại của cuộc chiến tranh này là đã ít nhiều trực tiếp ngăn chở việc phổ biến nhạc Phạm Duy ra khỏi nước Việt Nam. Dăm ba chuyển đi của ông sang Mỹ, sang Âu Châu và các nơi khác thực ra chỉ cho ông tiếp xúc với rất ít người -- vì thiếu phương tiện -- và nhạc Phạm Duy vẫn còn ít được biết đến ở ngoài Việt Nam. Trong lúc bao nhiều loại nhạc âu Mỹ -- nhạc ''pop'', ''rock'', ''twist'' và các thứ khác, nhạc cổ điển và dân ca -- du nhập vào Việt Nam một cách dễ dàng và bắt rễ ở đây khá vững chắc, thế mà nhạc Việt Nam -- dân ca và tân nhạc -- vẫn cứ bị giam hãm bên trong biên giới xứ sở, tôi cho đó là điều có vẻ bất bình thường. Tuy nhiên, nếu những bản dân ca Việt Nam, những ca khúc của Phạm Duy và các nhạc sĩ Việt Nam khác đã được kẻ viết loạt bài này yêu thích, thì chúng cũng có thể được hàng ngàn thính giả tây phương khác yêu thích nếu được nghe. Tôi từng có nhiều cơ hội đem các ca khúc Việt Nam ra trình bày cho những cử toạ Gia Nã Ðại và Hoa Kỳ, lần nào thính giả cũng ngạc nhiên và say đắm vì cái đẹp và những xúc cảm của khúc điệu Việt Nam. Ðiều ấy, tôi thấy rất có ý nghĩa. Thực ra, các dân tộc trên thế giới có sự cần thiết cấp bách phải biết một hình ảnh của nước Việt Nam nào khác hơn hình ảnh một xứ sở luôn luôn lâm chiến, mãi mãi chìm trong máu lửa. Có thể là chuyện nực cười nếu ước mong rằng mai kia trong số những ngân khoản dùng vào việc tái thiết nước Việt Nam, hãy dành ngân khoản nhờ để gửi ra ngoại quốc mấy đoàn ca sĩ -- ca sĩ thượng thặng, dĩ nhiên -- để bắt đầu phổ biến ca khúc Việt Nam ra các nước. Nhưng tôi ước mong như thế. Các nghệ sĩ đã cùng nước Việt Nam sa ngã, họ phải cùng nước Việt Nam vươn dậy. Trong công cuộc tái thiết, nước Việt Nam sẽ phải cần đến sự giúp đỡ của ngoại quốc, nhưng không có tiền bạc nào, không có đường lối chính trị nào có thể đem lại những mối thiện cảm của người đời mà nước Việt Nam cũng sẽ cần đến không kém. Hơn tất cả ai khác, các nghệ sĩ sẽ đem về nhiều nhất cho Việt Nam những thiện cảm ấy của con người. Ai nấy hẳn đã biết rằng nghệ sĩ bao giờ cũng là và sẽ mãi mãi là những vị đại sứ tuyệt hảo nhất cho xứ sở mình. Hơn nữa, do kinh nghiệm đã sống qua, nước Việt Nam có thể nhắc lại cho các nền văn minh Tây phương hiện đại về con đường nhân ái, về tình thương nhân loại, về tấm lòng trắc ẩn, mà các văn minh nọ đôi khi muốn quên đi. Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người, những tiếng ấy sẽ không còn là một khấu hiệu hay một nguyện ước, mà sẽ là một thực tại.
Những kết luận bao quát hơn -- mặc dù không nhất thiết là quyết đinh -- sẽ được đưa ra khi nào Phạm Duy đã hoàn tất sự nghiệp sáng tác. Lời kết luận không nhất thiết là quyết định, đúng thế, bởi vì ''khi một mình nó, nó bắt đầu một cuộc phiều lưu vô định trong các tâm hồn. Tác phẩm không phải một sự vật, bất động trong thời gian và trong cõi lòng mọi người. Vượt ra ngoài cái ý nghĩa do nghệ sĩ gán trao cho nó, ý nghĩa của nó biểu lộ tùy thời và tùy người, trong sự chuyển biến bất định của cuộc phiêu du của nó. Trong cuộc đối thoại giữa chúng ta với tác phẩm, chúng ta được tự do. Không có một ai -- dù là chính người nghệ sĩ nữa -- được quyền chi phối đến các tình cảm, các ý tưởng, các mối khích động phát sinh ra từ cuộc đối thoại nọ : chúng ta trọn quyền tự do chọn lựa sự sáng tác của chính mình khi tiếp xúc với tác phẩm ...'' (André Boucourechliev).
Từ khởi đầu, sự nghiệp của Phạm Duy, trong toàn thể, đã có một đinh mệnh khá tốt đẹp. Tuy vậy tôi tin rằng chỉ khi nào Phạm Duy không còn nữa thì tác phẩm của ông mới đạt tới số phần dứt khoát, số phận vinh quang nhất của nó. Và không muốn tiên tri quá đáng, chính loạt bài của tôi đã cố gắng hình dung trước cái số phận đó.
Thường khi, bên dưới mỗi bài chép tay, bên cạnh tên ký của mình, nghệ sĩ đã vẽ hình một chiếc lá, đôi khi một bông hoa. Tôi nghĩ rằng Phạm Duy tự xem như một thân cây và mỗi lần ông sáng tạo một tác phẩm, có phần nào giống như một chiếc lá đã rời khỏi cành cây. Khi mùa thu qua đi, cây đại thọ Phạm Duy sẽ gần trơ trụi, nhưng ở dưới gốc cây, chúng ta sẽ được ngắm một tấm thảm lá đẹp đẽ nhất ! Tuy nhiên, khi mùa Ðông đến, thì cây đại thọ Phạm Duy sẽ không chết. Có thể nó sẽ chỉ thiếp ngủ. Ðể chờ đợi một mùa Xuân mới.
Viết xong vào cuối tháng 6-1972
Georges Etienne Gauthier
Võ Phiến dịch
(Tạp chí Bách Khoa 1970-1972)