Bài 17 - Nghĩ Về Nghệ thuật Của Thái Thanh
- Chi tiết
- Georges E. Gauthier
- Lượt xem: 4205
(nguyên bản tiếng Pháp - Võ Phiến dịch)
''... Nàng là một người đàn bà hát như một người đàn bà. Nàng mang trong giọng hát những ngày vui tươi và những ngày sầu khổ của đời nàng, mang luôn cả những ngày hoan lạc nữa; khi thì là cái bộc trực của một tiếng thét, khi lại là những ngoắt ngoéo trong một trò đùa, có lúc là nỗi nhớ tiếc quãng đời đã qua, thường khi lại là niềm tin tưởng vào khoảng thời gian còn lại của cuộc sống; nhưng bao giờ nàng cũng mang trong giọng hát những đường nét của thân thể, những di động của mái tóc, những ngụ ý của ánh mắt, cho đến đỗi những ai biết nghe nàng hát cũng có thể như trông thấy được nàng. Không có gì là bí mật cả người đàn bà ấy là một nghệ sĩ xác quyết hơn bất cứ người nào khác, bởi vì ngay khi nàng thâm nhập vào một bài hát nào thì nàng trình bày lại cho chúng ta nghe với mối xúc động nhất, ý nhị nhất, khiến chúng ta hiểu bài hát ấy đến độ ngay lúc đó tất cả chúng ta đều trở thành nghệ sĩ cả ...''
Những giòng này là viết về một nữ ca sĩ Gia-nã-đại chưa được biết đến ở Việt-nam; nhưng tôi thấy nó hợp với Thái Thanh đến độ tôi không ngần ngại đem ra áp dụng vào trường hợp của nàng. Ðôi khi người ta thường ngạc nhiên về sự gặp gỡ của hai định mệnh nơi Thái Thanh và Phạm Duy.
Thật ra, đây không phải là sự kiện độc nhất trong lịch sử nghệ thuật. Một nhà sáng tác lớn thường tạo nên một diễn xuất lớn. Vào thế kỳ trước, danh ca Volgh gặp một nhà soạn nhạc trẻ vừa hai mươi tuổi tên là Schubert, đã say mê các khúc điệu của ông ta, và từ đó đã trở thành người trình bày nhạc Schubert cảm khích nhất và nhiệt thành nhất. Nghệ sĩ tuyệt hảo về dương cầm Clara Wieek có lẽ là người trình bày xuất sắc nhất và tận tụy nhất các tác phẩm của người nhạc sĩ sau này trở thành chồng nàng, là Robert Schuman. Gần chúng ta hơn nữa, có những định mệnh kỳ diệu khác -- như của dương cầm gia Yvonne Lorlod với soạn giả Olivier Messiaen, của nhà soạn nhạc Igor Stravinski với nhạc trưởng Robert Craft, của nghệ sĩ vĩ cầm Fritz Kreisler với người nghệ sĩ dương cầm kiêm soạn giả Serge Rachmaninoff -- những định mệnh cũng đã gặp nhau để làm cho đời họ và nghệ thuật của họ trở nên cực kỳ phong phú.
Chính với Phạm Duy mà Thái Thanh đã được khai tâm về nhạc lý và về nghệ thuật ca xướng. Nhưng chỉ nguyên việc ấy không đủ cắt nghĩa vì sao sau này Thái Thanh đã thường hát và hát một cách tuyệt diệu các ca khúc của Phạm Duy. Giữa hai người nghệ sĩ hết sức bén nhậy ấy không làm sao khỏi có một liên hệ tâm tình. Thái Thanh đã thấu hiểu bằng trực giác cái ý nghĩa sâu xa của nghệ thuật Phạm Duy, do đó các khúc điệu uyển chuyển và cao nhã của Phạm Duy đã hoàn toàn tự nhiên trở thành thứ môi trường lý tưởng cho giọng hát cũng uyển chuyển và cũng cao nhã của nàng. Cũng vì thế, người ta tự hỏi không biết giọng hát Thái Thanh đã gây hứng cho Phạm Duy hay các khúc điệu của Phạm Duy đã tạo cảm hứng cho giọng hát Thái Thanh. Tôi xin thưa : đồng thời cả hai. Thật ra, giữa hai nghệ sĩ mà tài năng có tính cách bổ túc lẫn nhau thì sự ảnh hưởng qua lại là điều không thể tránh khỏi. Thái Thanh và Phạm Duy gần nhau trong cuộc đời cũng như trong nghệ thuật, có lẽ chính vì thế mà định mệnh chung của họ có thể sung mãn và hoàn hảo như thế.
Bây giờ ta thử tìm hiểu giọng hát nọ qua năm tháng. Những ai đã nghe Thái Thanh vào cuối những năm 40 và trong khoảng đầu của những năm 50, những ai còn giữ được các băng ghi âm những tiếng hát đầu tiên của nàng, đều có thể nhớ nàng Thái Thanh của cái thuở ban đầu ấy. Giọng hát hơi ẻo lả -- điều không có gì lạ ở một nữ ca sĩ trẻ măng -- chưa có sự nồng nhiệt và cá tình của một Thái Thanh già dặn; nhưng người ta đã cảm thấy ở nữ ca sĩ trẻ tuổi ấy một niêm vui thích ca hát, một sự dốc hết mình vào tiếng hát, khiến người ta không thể nào không yêu giọng hát ấy được. Nàng Thái Thanh thuở ấy hát như chim hát, có phần vô ý thức, hát như để chào mừng bằng tất cả tấm lòng và tất cả tâm hồn buổi bình minh của một cuộc đời sẽ phải rất đẹp đẽ, rất đắm say. Nhưng cũng như chàng thanh niên Phạm Duy, nàng Thái Thanh thuở ấy cũng chỉ mới là một hứa hẹn. Và sự hứa hẹn ấy không mấy chốc sẽ được thực hiện.
Vào cuối những năm 50, và nhất là vào khoảng đầu những năm 60, tiếng hát Thái Thanh dần dần đạt đến cái âm sắc hết sức độc đáo của nàng sau này. Tiếng hát thêm sung mãn và phong phú, kỹ thuật vốn đã uyển chuyển và vững vàng từ trước, nay lại càng thêm uyển chuyển và vững vàng, nhưng nhất là giọng hát lúc này, có cái súc cảm, cái nồng nàn êm dịu và cái đẹp đẽ vẫn còn mãi cho đến ngày nay. Nhiều người cho rằng Thái Thanh đã đạt tới chót đỉnh của nghệ thuật mình trong những năm 60 (cũng có những người còn cho là từ những năm 50). Về phần tôi, tôi cho rằng chỉ gần đây thôi -- nói cho rõ hơn là từ hai ba năm nay -- Thái Thanh mới đạt đến một vài tuyệt đỉnh của nghệ thuật ca xướng và diễn đạt của nàng. Ðể thấy rõ điều ấy hãy lắng nghe kỹ lưỡng những băng ghi giọng nàng mới hát lại các ca khúc cũ của Phạm Duy -- như Cô Hái Mơ, Dạ Lai Hương, Tìm Nhau, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Chiều Về Trên Sông và mấy bài khác -- hay cả những băng ghi giọng nàng hát các nhạc phẩm gần đây -- như Chuyện Hai Người Lính, Nghìn Trùng Xa Cách, Phượng Yêu, Giết Người Trong Mộng, Ngày Xưa Hoàng Thị và nhất là Mùa Thu Chết, Áo Anh Sứt Chỉ Ðường Tà và Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng. Còn có thể nào ước mơ những lối trình bày tuyệt hảo hơn, xúc động hơn được nữa ? Không thể được ! Ở đây tiếng hát Thái Thanh đẹp quá, nồng nàn quá khiến người nghe như bị đau đớn. Thật là huy hoàng biết bao, và nhất là bổ ích biết bao ! Cũng giống như trường hợp Phạm Duy, nếu nàng Thái Thanh của những năm 50 là một sự hứa hẹn, thì đến đây sự hứa hẹn đã được thực hiện, một cách rực rỡ biết bao, lỗi lạc biết bao. Bởi vì cũng lại như trường hợp Phạm Duy, nghệ thuật của Thái Thanh trước hết và trên hết là thiên tài của con tim.
Các khúc điệu của Phạm Duy có lẽ đã cho phép người nữ ca sĩ của chúng ta phát triển đến cực độ tài năng của nàng và thi thố chỗ tuyệt vời nhất của nàng, nhưng như ai nấy đều biết, Thái Thanh không phải chỉ hát có nhạc Phạm Duy mà thôi. Buồn Tàn Thu, Thiên Thai, Giọt Mưa Thu, Ðêm Thu, Lá Ðổ Muôn Chiều, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Ðêm Ðông, Tình Quê Hương, Những Lời Ru Cuối, Hen Một Ngày Về, Hướng Về Hà-Nội, Mưa Trên Phím Ngà, Thương Về Năm Cửa Ô Xưa, Tâm Sự Ca Nhân, Ngày Về, Mộng Dưới Hoa, Mộng Ðêm Xuân, Ghen, Ðêm Tàn Bến Ngự, Ngọc Lan, Tình Khúc Thứ Nhất, Tuổi Ðá Buồn, Gọi Tên Bốn Mùa và biết bao ca khúc khác của những nhạc sĩ Việt Nam được yêu thích nhất, còn kể cả nhiều bài trong số những khúc điệu cổ điển Tây phương hay nhất, tất cả đều được Thái Thanh trình bày một cách cảm động và thường khi rất khó quên.
Frank Liszt, người nghệ sĩ lớn chuyên trình bày nhạc kẻ khác, đã viết : ''Ðối với người trình bày, các nhạc phẩm thực ra chỉ là những thể hiện bi thảm và kích động của những xúc cảm của chính mình. Người ấy phải khiến cho các nhạc phẩm nói được, khóc được, hát được và thở được, người ấy phải tái tạo được các nhạc phẩm làm sao cho phù hợp với ý thức của chính mình. Do đó người trình bày cũng như cũng là một kẻ sáng tạo y như soạn giả, bởi vì người ấy tự mình cũng phải có trong thâm tâm những xúc cảm mà hắn muốn làm sống dậy một cách nồng nàn.'' Các ca khúc của Phạm Duy cần phải được sống, tôi có thể nói cần phải được chịu đựng bởi người trình bày chúng. Cuộc đời Thái Thanh hẳn đã có phần vui, phần buồn của nó, và không còn nghi ngờ gì nữa, chính cuộc đời của Thái Thanh đã hiển hiện qua giọng hát của nàng. Còn cách nào khác hơn được ? Cách trình bày đích thực, cách trình bày đứng đắn duy nhất, không phải là biển cải nhạc theo tâm trạng mình, mà là tự mình thâm nhập vào nhạc. Có lẽ đó là một trong những bài học lớn lao nhất mà nghệ thuật Thái Thanh dậy cho chúng ta.
Trong vòng hăm lăm năm nay ở Việt nam nhiều giọng hát đã có thì giờ cất lên rồi tan biến khỏi sân khấu ca nhạc, nhưng giọng hát Thái Thanh thì luôn luôn còn đó, luôn luôn được yêu thích, mến chuộng trong đa số người Việt nam. Làm sao giải thích được sự thành công liên tục của người nghệ sĩ trong một thời gian lâu dài như thế ? Làm sao giải thích vị trí ưu đãi mà nàng đã chiếm được trong lòng khán giả ? Thực ra, giọng hát Thái Thanh đưa ta trở về với cái đẹp nhất và bên vững nhất nơi mỗi chúng ta, nó đưa ta trở về tuổi ấu thơ, trở về cái điểm tinh khôi và đẹp đẽ vẫn còn nguyên vẹn nơi mỗi chúng ta. Giọng hát Thái Thanh đưa ta trở về lòng nhân ái, nó đưa ta trở về bản tính con người. Trong một cõi đời thường khi phi lý và cam go, giọng hát Thái Thanh khả dĩ đem đến cho chúng ta những xác tính duy nhất, xác tín về cái đẹp, về sự dịu dàng và về hoà bình vĩnh cửu.
Sau khi nghe nàng hát, có khi chúng ta cảm thấy nơi chính mình một chút bâng khuâng, lúc bấy giờ có lẽ là niềm ''nhớ nhung cõi trời'' -- mà Beaudelaire đã nói -- dù sao giọng hát Thái Thanh vẫn không phải là giọng u buồn. Giọng Thái Thanh là một giọng ca hoan lạc, giọng hát của hạnh phúc ca xướng, giọng hát của hạnh phúc nói chung. Hãy nghe nàng vào lúc cao hứng nhất, khi giọng hát của nàng vụt nở như một nụ cười hiền dịu hướng về cõi đời này, hãy chăm chú lắng nghe... Giọng hát Thái Thanh lúc đó qua từng nhịp thơ và từng nhịp nhạc, như chỉ muốn nói với ta có một lời. Lời nói tình yêu. Xin Thái Thanh chấp nhận nơi đây tấm lòng tôn quí cảm kích của tôi.
Montreal, tháng 5-1972
Georges Etienne Gauthier
Võ Phiến dịch
(Tạp chí Bách Khoa 1970-1972)