Vài Cảm Nghĩ Về Phạm Duy
- Chi tiết
- Nguyễn Ngọc Bích
- Lượt xem: 3740
Nếu ở cuối một cuộc đời dài, tính đến nay đã được ngót ba phần tư thế kỷ, qua bao thăng trầm của đất nước kể từ thời Pháp thuộc cho đến buổi Nhật sang, qua một thế chiến, rồi một cuộc kháng chiến để sau một cuộc nội chiến, kết thúc bằng một thảm hoạ buộc bao con dân ưu tú của đất nước phải bỏ nước ra đi, nếu ở cuối đời đó có một ai có thể nhìn lại và không hổ thẹn về sự đóng góp của mình vào gia tài của dân tộc, người đó nhất định phải là Phạm Duy. Sở dĩ được vậy là vì ông đã chọn con đường đúng. Trong khi bao người, già có trẻ có, chọn con đường công danh sự nghiệp -- hiểu theo nghĩa hẹp --thì ông, ngay từ sớm, rất sớm, đã chọn con đường ca nhân, chu du tứ xứ, từ Đông sang Đoài, từ Bắc chí Nam, và mỗi lần chân ông giậm xuống đất là một lần mạch sống từ đất lại thấm vào người ông, vào những tế bào trong thân thể ông để thăng hoa lên thành lời, thành nhạc -- những lời, những nét nhạc rất Việt Nam.
Phạm Duy chọn con đường đó, kiên trì đi trên con đường đó, không bao giờ rời xa nó nên cuối đời ông đã gặt hái được một mùa đồ sộ : NGÀN LỜI CA, mà vẫn chưa hết ! Gần đây, sau RONG CA (hát cho Việt Nam năm 2000), ông lại có Tổ Khúc BẦY CHIM BỎ XỨ (một trường ca ví von thâm sâu nhất trong tất cả những bài ví von trong lịch sử âm nhạc hiện đại), rồi THIỀN CA (đạt tới cái vô cùng) và, gần đây hơn nữa, Trường Ca HÀN MẶC TỬ. Đây không phải là chuyện ''cố đấm ăn sôi'', làm cho có để rồi không còn ai nhớ tới nữa. Trong những bài làm vào lúc xế chiều của cuộc đời này, ông vẫn có không hiếm những viên ngọc để đời, những bài ca mà ta có thể tin chắc là sang thế kỷ 21 người ta sẽ vẫn còn thấy ý nghĩa.
* * *
Đây là một điều lạ vì, ví với người khác, nhạc Phạm Duy, như con người của ông, rất ít già. Ta có thể lấy những bài hát xa xưa nhất của ông ra mà hát, ta vẫn có cảm tưởng là chúng mới chỉ có từ ngày hôm qua. Ta có thể lấy nhạc Phạm Duy viết từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ra mà hát, những Xuất Quân, Nhạc Tuổi Xanh, Đường Về Quê, Nhớ Người Thương Binh, Về Miền Trung, Nương Chiều hay Bà Mẹ Gio Linh, ta vẫn thấy nó gần gũi ta, gần hơn cả những bài nhạc phản chiến của hơn 20 năm về sau (tức ở một thời điểm gần ta hơn nhiều). Bởi vì sao, tôi nghĩ có lẽ vì một số trong những bài này như đã chảy ở trong máu của ta -- như America The Beautiful đã cuộn trong máu người dân Mỹ. Viết về Phạm Duy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (tác giả bài Dư Âm) cũng đã nói: '' Trong nghệ thuật, anh ấy là một trong những người nhạc sĩ đầu tiên biết dựa vào dân ca để xây dựng cốt cách của ca khúc mới Việt Nam mang tâm hồn Việt Nam trong sáng. Vì quá cảm phục Phạm Duy, nên cái chất Phạm Duy ngấm vào mình lúc nào tôi không rõ. Không ít người đã nhận ra điều đó. Mà tôi cũng thấy như thế.'' (báo TUỔI TRẺ, 17-1-1988).
Như vậy cái ''mới'' của Phạm Duy không nhất thiết là cái ''hơi Tây Phương'' mà ta đã học được, đã làm quen từ những năm 30 của thế kỷ, cái cảm hứng ''bán-cổ-điển'' của một bài như Bên Cầu Biên Giới (chứng tỏ ông cũng nắm được cái mạch này từ rất sớm), mà chính là cái gợi nhớ ở trong ta những làn điệu tiềm ẩn trong tâm hồn người Việt, những người được nuôi dưỡng trên những điệu Cò Lả, Ầu Ơ, Sa Mạc, Hò hay Lý. Trở về nguồn để làm cái mới, Phạm Duy đã nối được cái ngàn xưa với cái ngàn sau. Đó là một kích thước Phạm Duy.
* * *
Nắm được bí quyết đó, cũng tựa như Hoàng Cầm trong thơ, Phạm Duy không còn ngỡ ngàng nữa. Từ nhạc kháng chiến, ông trở về thành (1951), cùng anh em nhà vợ, lập ra ban THĂNG LONG -- tiếp nối đi con đường tự-tình dân tộc : Tình Hoài Hương, Vợ Chồng Quê, Em Bé Quê, Tình Ca, Đố Ai, Hẹn Hò. Đây cũng là một kích thước nữa của Phạm Duy. Ông không ''làm'' chính trị nhưng có thái độ chính trị. Bằng hành động, bằng cuộc sống -- không khúm núm (con dân một nước độc lập rồi mà !), không qụy lụy, bằng một sự khẳng định cái tự do căn bản của con người, của cá nhân ông, ông đã tạo được một nếp sống độc lập (cho chính ông, cho gia đình) để khỏi liên lụy vì ai. Trong quá trình đó, ông cũng đã khẳng định được chỗ đứng của ông trong lòng dân tộc. Và dân tộc cũng đã phần nào đáp lại được cái tình của ông dành cho quê hương, dân tộc, bằng cách yêu ông, yêu nhạc ông.
Chính cái xã hội bao dung của miền Nam tự do trong khoảng 1/4 thế kỷ (1951-75) đã là cái nôi nuôi dưỡng cái thiên tài của Phạm Duy để nẩy nở thành những tuyệt tác như :
* Hai trường ca vĩ đại, Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam
* Mười bài Tâm Ca, mười bài Đạo Ca, mười bài Bé Ca, mười bài Nữ Ca, mười bài Bình Ca -- chưa kể mười bài Tục Ca -- chứng tỏ một nguồn cảm hứng dạt dào, một sức sống gần như của thiên nhiên bột phát phi thường.
Đó cũng là những năm phát triển nhất của nhạc tình (lứa đôi) của Phạm Duy. Những Ngày Đó Chúng Mình, Thương Tình Ca, Đừng Xa Nhau, Trả Lại Em Yêu, Cỏ Hồng, Nghìn Trùng Xa Cách làm giầu hẳn một nền tân nhạc vốn dĩ đã sẵn phong phú về nhạc tình. Nhưng nguồn tình, như nhạc Pháp, nhạc Mỹ đã chứng nhận, vốn thiên thu bất tận nên người ta chỉ có thể đắp thêm vào đó thôi chứ không thể làm khô cạn được. Trong những người đắp thêm vào danh mục nhạc tình của nhân loại (chứ không riêng của Việt Nam), tôi cho Phạm Duy sẽ giữ một địa vị hàng đầu : tôi đang nghĩ tới những bài So I Return (tức là bản tiếng Anh của Trả Lại Em Yêu do James Durst chuyển lời) hay Ten Thousand Miles I've Gone Away. Nếu hôm nay thế giới chưa biết nhiều, chưa hát những bài này không có nghĩa là chúng sẽ mãi mãi không bao giờ được người ta biết đến.
Phạm Duy ít nói, ít cãi khi có người hiểu lầm ông. Giữa bạn bè ông chỉ chửi thề một tiếng rồi đi làm chuyện khác -- như viết thêm nhạc, chẳng hạn. Và ông lấy sự sáng tác làm câu trả lời.
* * *
Phạm Duy không phải là người không biết làm lời. Lời nhạc của Phạm Duy đã được nhiều người xem như một thứ thơ -- và đó là nội dung chủ yếu của cuốn sách độc giả cầm trong tay, NỬA THẾ KỶ PHẠM DUY của nhà văn Xuân Vũ, Lê Mỹ Hương. Ông lại cũng đã từng làm lời cho những bản nhạc ngoại quốc, như Dòng Sông Xanh (Le Beau Danube Bleu) Khúc Hát Thanh Xuân (When We Were Young) của Johann Strauss, Chiều Tà (Serenata) của Toselli, hoặc Trở Về Mái Nhà Xưa... hát thấy tự nhiên như hơi thở. Không chỉ thế, nhiều bài hát ngoại quốc do ông đặt lời Việt giờ đây nghe cũng quen thuộc với tuổi trẻ Việt Nam như những bài cổ điển kia đã quen thuộc với thế hệ trung niên hay cao niên rồi. Tóm lại, vẫn một tính cách : ông vừa theo được thời đại, vừa vượt được thời đại, vừa sống với thế hệ ông, vừa lồng mình được vào tâm lý của những thế hệ khác (Bé Ca, Rong Ca) hay của cả một phái tính khác (Nữ Ca), một nếp sống khác (Đạo Ca, Thiền Ca, Trường Ca Hàn Mặc Tử).
Có lẽ khả năng thông cảm với người khác đó đã đưa ông đến chỗ phổ nhạc rất nhiều bài thơ của thời đại, củaác c thi sĩ đương thời. Cũng như người ta có thể lấy những bài ''lieder'' của Đức ra, những bài thơ Đức được các nhạc sĩ Đức phổ nhạc, và ngay sau đó ta có một tuyển tập những bài thơ được dân tộc Đức yêu chuộng nhất từ thế kỷ XVIII sang thế kỷ XIX, thì ở trong thế kỷ XX ta cũng có thể làm một việc tương tự : ta hãy lấy những bản nhạc phổ thơ của Phạm Đình Chương (thơ Đinh Hùng, Trần Dạ Từ, Thanh Tâm Tuyền), Ngô Thụy Miên (thơ Nguyên Sa), Dương Thiệu Tước (thơ Hồ Dzếnh), Võ Đức Thu (thơ Tản Đà) và nhất là Phạm Duy, ta sẽ có được một tuyển tập khá đầy đủ về thơ hiện đại của Việt Nam. Riêng Phạm Duy cũng đã phổ trên 150 bài thơ, không chỉ Thế Lữ, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Bích Khê mà còn Cung Trầm Tưởng, Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Nguyễn Chí Thiện, Hoàng Cầm, Lê Thị Ý, Nguyễn Tất Nhiên, Nhất Tuấn, Hà Huyền Chi, Cao Tần, Ngô Xuân Hậu.
Rõ ràng là nhạc của ông tham gia vào một không khí thời đại. Thơ của các nhà thơ kia chắc chắn là tự nó đã có giá trị nhưng không có nhạc Phạm Duy thêm vào, chắc chắn những bài thơ kia đã không được phổ biến để thành một phần của tâm thức văn nghệ Việt Nam hiện đại như ta có ngày hôm nay. Trong sự hợp tác đó cả nhà thơ lẫn nhạc sĩ đều có lợi, vì thơ kia có nhạc mới bay bổng lên được, và nhạc này có thơ kia thì lại thêm thấm thía.
Như vậy, tự bản thân và dựa vào nhau, các nhà thơ và nhạc sĩ Việt Nam đã tạo dựng nên một nền văn nghệ độc đáo, một thời đại hoàng kim mới mà sau này chúng ta sẽ có dịp nhìn về, con cháu chúng ta sẽ có dịp nhìn về với nhiều tự hào và hãnh diện.
* * *
Cái giá của độc lập tính trong văn nghệ đó, đôi khi Phạm Duy đã phải trả một cách rất đắt. Đứng trước những thế lực chính trị -- bằng nhiều cách -- to lớn hơn một cá nhân không biết chừng nào mà kể, Phạm Duy đã có lúc phải chống chọi một cách rất cô đơn.
Quyết định cho tương lai nghệ thuật của mình, ông khước từ tất cả những đặc ân, vì trong thâm tâm, ông chỉ muốn được tự do để phục vụ quê hương và dân tộc chứ không muốn làm công cụ cho một đảng phái hay một chính quyền nào cả.
Ông cũng không dùng ngòi bút và tiếng ca để ca tụng những nhà lãnh đạo của cả hai miền. Có người phiền muộn và vào thời Đệ Nhị Cộng Hoà, đã có một ông tổng trưởng trẻ nói với giọng đầy khinh miệt : ''Mấy bọn văn nghệ sĩ, chúng ba gai lắm, cứ bóp cho nín thở là xong hết'' ! Có người nghe vậy đã phẩm bình :'' Làm tổng trưởng là chuyện hai, ba năm, hết người đỡ đầu thì cũng hết thành tổng trưởng, chứ một người như Phạm Duy trong văn nghệ thì không những ông ta làm tổng trưởng, ông ta còn làm vua suốt đời nữa''.
Song ra đến hải ngoại, cũng chưa phải là hết người muốn vặn Phạm Duy theo hướng này, hướng kia. Người ta trách ông không tham gia cái này, không lên tiếng cái nọ, người ta quên mất là ông đã viết tập HÁT TRÊN ĐƯỜNG TỊ NẠN trong đó có những bài là linh hồn của cuộc đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam (Tháng Tư Đen, Người Việt Cao Quý, Hát Cho Người — Lại), cho người tị nạn Việt Nam (Hát Trên Đường Vượt Biển, 1954 Cha Bỏ Quê 1975 Con Bỏ Nước, Người Con Gái Việt Rời Xa Tổ Quốc) và cho cuộc sống hôm nay (Hát Trên Đường Tạm Dung, Nguyên Vẹn Hình Hài).
Ông cũng hát cho những tâm hồn dám hi sinh cái ấm no ở hải ngoại để về tranh đấu cho quê hương qua những bài về Trần Văn Bá, Võ Đại Tôn và NGỤC CA, phổ nhạc thơ Nguyễn Chí Thiện đã chẳng là tuyên ngôn đanh thép hay sao?
Nhưng cái quan trọng là nhờ ông đứng vững mà văn nghệ Việt Nam có thể ngửng đầu. Những người viết lịch sử âm nhạc ở trong nước cứ muốn tách sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy ra làm hai đoạn : một đoạn theo kháng chiến (tốt) và một đoạn sau đó (không tốt). Hiển nhiên, đây là cách phân chia hoặc là mù quáng (vì phải làm theo chỉ thị) hoặc là ngu xuẩn (nếu người viết thực sự tin là như vậy).
Gần đây ở Hà Nội có một đại nhạc hội kỷ niệm 50 năm tân nhạc. ''Năm Mươi Năm Tân Nhạc'' mà không Phạm Duy, tưởng che mắt được ai, nào ngờ càng không nhắc đến Phạm Duy thì sự lặng thinh đó càng nổ ra chát chúa. Văn Cao, linh hồn của nhạc CSVN, đã bỏ qua, không dự. Đại nhạc hội kia định vào Saigon, các nghệ sĩ đã phản đối tới mức không dựng lại được ở đó !
* * *
Cho nên sự thực vẫn là sự thực. Tôi đố ai viết được lịch sử âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ này mà không lấy nhạc Phạm Duy làm cái sườn chính, cái khung của nền âm nhạc đó. Tôi thách đố các nhà sử gia Hà Nội xem họ có thể làm nổi việc đó không ?
Nói cho cùng Phạm Duy đã đóng góp bằng âm nhạc, Phạm Duy những năm sau này còn đóng góp bằng một bộ hồi ký đồ sộ, nói lên những sự thật mà ông chứng kiến, quan sát, không tô vẽ, không giấu giếm -- kể cả những lỗi lầm, thiếu sót của ông. Bạn của ông, Tạ Tỵ, đã viết PHẠM DUY, CÒN ĐÓ NỖI BUỒN. Cũng là tiểu sử của ông cộng thêm những cuộc tình lớn trong đời ông. Georges Etienne Gauthier, một nhạc học gia thâm thúy của Canada, một người đã thuộc cả trăm bài nhạc của Phạm Duy và có thể chơi thuộc lòng gần như bất cứ lúc nào trên phím đàn dương cầm, đã có một đóng góp rất sâu sắc về nhạc lý và những bước phát triển của sự nghiệp âm nhạc Phạm Duy. Rất tiếc là những bài nghiên cứu đó, đủ dày để thành một cuốn sách, mới chỉ được biết qua bản dịch của Thu Thủy (tức nhà văn Võ Phiến) trong báo BÁCH KHOA ở Saigon những năm cuối thập niên 60.
Nhà văn Xuân Vũ, Lê Mỹ Hương đóng góp về mặt phân tích văn học những lời nhạc của Phạm Duy. Đủ tỏ, cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Duy có thể ví như một ngọn núi lớn với nhiều mạch quặng để cho chúng ta khai thác. Tôi tin chắc đây mới chỉ là bước đầu.
Nguyễn Ngọc Bích