Bài 7 - Chân Lý
- Chi tiết
- Georges E. Gauthier
- Lượt xem: 4368
(nguyên bản tiếng Pháp - Võ Phiến dịch)
Chỉ có hiện tại là không dứt
Erwin Schrodinger
Kẻ sáng tạo chỉ mong được thở để mà sáng tạo ! Và họ còn sống ngày nào, họ còn muốn đổi mới, muốn tái sửa chữa, muốn tái ''tái tạo'' nếu có thể, để hòa mình vào thời gian vốn là địch thủ đáng sợ nhất, trừ phi họ đáp ứng nổi cuộc thách đố bằng cách lưu lại một cái gì bất tử. Ðể mỗi lần người ta nhắc đến là mỗi lần tái sinh. Phạm Duy, như trên đã nói, vốn luôn luôn hợp lý một cách dễ sợ. Nhưng trong khi đối với kẻ khác cần phải nhiều thế hệ để nhiều phong trào phản ứng nhau thì ở Phạm Duy, cũng như ở Picasso và Stravinsky, các phản ứng diễn ra liên tiếp và đột ngột chỉ trong cúng một đời người. Ðiều này là điều cốt yếu giúp ta hiểu về diễn trình sáng tạo nơi tác giả các bài Trường Ca, diễn trình căn bản luôn luôn là sự đổi mới.
Diễn biến của tác phẩm theo liên với diễn biến của con người. Diễn tiến ấy không đi ngược, nó liên tục trong diễn biến của con người, liên tục trong diễn biến của tác phẩm. Vì vậy những bài Dân Ca, Hành Khúc, Tình Ca chẳng hạn vẫn theo chân nhạc sĩ trọn suốt đời, còn những bài Trường Ca thì chỉ đến khi con người của nhạc sĩ đã cảm thấy đủ chín chắn đối với loại tác phẩm khó khăn ấy; những bài Tâm Ca thì đến sau bốn mươi năm của cuộc đời của một con người đồng thời thời cũng là một người Việt Nam; còn các bài Tục Ca và Ðạo Ca thì xuất hiện khi con người gần năm mươi tuổi ấy muốn ném trên cuộc đời này một cái nhìn hoặc hài hước, diễu cợt, hoặc trang trọng trầm ngâm.
Mặt khác, một số người không mấy thích mấy chuyển hướng mạnh mẽ trong tác phẩm và ''phong thái'' của Phạm Duy vào những 60; một số người khác lại tiếc rằng Phạm Duy ngày nay không ''muốn'' làm những bài hát cùng loại hay cùng một ''phong thái'' với những bài đã làm khi còn trẻ. '' Ồ, Phạm Duy, ông ta đâu còn như ngày trước nữa ! ''. Lời nhận xét buôn bã ấy tôi đã nhiều lần nghe từ năm năm nay ! Tất nhiên, về phần tôi, tôi cũng thích chàng Phạm Duy của tuổi thanh xuân ấy, chàng nhạc sĩ vô song, chàng nghệ sĩ sung sướng, chưa bị đời dằn vặt, chàng nghệ sĩ có cảm hứng phong phú đặc biệt, vâng, tôi thích chàng Phạm Duy huy hoàng, rạng rỡ muôn mầu ấy, nhưng làm sao tôi có thể kém thích chàng Phạm Duy vừa đau khổ hơn, vừa thâm trâm hơn, vừa phong phú hơn và lại vừa đầy đủ tài năng hơn của những năm 60 ? Có thể nói Phạm Duy của những năm 40 và 50 là một nghệ sĩ khá hòa hợp với thời đại mình; còn Phạm Duy của những năm 60, trái lại là một nghệ sĩ thường khi vượt trước thời đại mình. Do đó mà xảy ra sự ngộ nhận.Cũng do đó, theo tôi, Phạm Duy thành vĩ đại. Nếu người ta chú ý đến khía cạnh âm nhạc của tác phẩm nhiều hơn, thì việc theo dõi các diễn trình về khúc điệu, hòa điệu và phong cách của Phạm Duy trong những năm 40 và 50 tương đối dễ dàng. Trái lại thường khi ít kẻ trong chúng ta có thể thực sự theo nổi Phạm Duy của những năm 60, và càng khó theo hơn nữa Phạm Duy của những năm 70, cái ông Phạm Duy càng ngày càng tiến về nhạc vô thể ấy, hình như vẫn hướng về một trơ trụi hoàn toàn hơn và tiến tới một phong phú lớn lao hơn trong sáng tạo. Ðối với nhiều người trong chúng ta, sự kiện không thể theo kịp và giải thích tường tận diễn trình sáng tạo của Phạm Duy ấy, là một vấn đề kiến thức về nghệ thuật và âm nhạc, sự kiện ấy cũng còn do ở chỗ thiếu sự thẩm thấu tinh thần giữa kẻ sáng tác và quần chúng thưởng ngoạn. Nói rằng Phạm Duy hiện thời càng ngày càng sáng tác cho riêng mình và càng ngày càng sáng tác cho tất cả, nói thế nếu có vẻ đối nghịch thì cũng chỉ ở bề ngoài mà thôi. Ðó cũng là lý do khiến cho ông mỗi ngày càng mỗi thêm cô độc hơn.
Ðể tóm tắt ý kiến cho được đơn giản hơn, tôi xin nói : bảo Phạm Duy hiện nay sáng tác y hệt như ông đã sáng tác vào những năm 40 và 50 là điều vô ích, gần như là khiếm nhã nữa. Thực là không thích đáng và khó tưởng tượng nổi, chẳng khác gì vào những năm 40 mà đòi Phạm Duy phải đạt đến những đỉnh tuyệt hảo của những năm 60.
Mặt khác, diễn trình của một sự nghiệp không thể đem ra ''chia lô''. Liên tục trong toàn thể, đồng thời cách biệt từ tác phẩm này sang tác phẩm khác : diễn trình sự nghiệp của Phạm Duy là như thế. Mỗi một bài, mỗi một câu sáng tạo nhạc sĩ đều chứng tỏ cách tân kỳ của nó ở những trình độ khác nhau, dưới những khía cạnh khác nhau. Nhưng phải chú ý đến những liên quan và những nhắc nhở, những dấu hiệu và những dính dấp giữa tác phẩm này với tác phẩm khác, chúng kết cấu nên một cá tính nghệ sĩ bất khả phân. Việc vạch ra những ranh giới ngăn cách ''từng tác phẩm'' trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy, càng có tính cách ngụy trá hơn khi nó thường ngụ một quan niệm sơ lược về tiến bộ, quan niệm vốn rất dễ lầm lẫn trên lãnh vực nghệ thuật.
Thực ra, nêu lên được những nét tương đồng bao quát cả sự nghiệp trước tác của Phạm Duy không phải là điều giản dị và cũng không phải dễ dàng, bởi vì không thể bảo rằng ông đã thực sự tận dụng một phương thức sở trường nào, trại hẳn lại, thường thường -- gần như cứ mỗi tác phẩm mới -- có thể nói Phạm Duy lại đặt lại từ đầu tất cả vấn đề, còn liều lĩnh thử thí nghiệm về một chiều hướng hoàn toàn mới mẻ đôi khi không có liên quan gì với những thí nghiệm đã qua. Cái điều bề ngoài có vẻ như một sự bạc tình ấy lại chứng tỏ một sự trung thành của nghệ sĩ đối với mình. Ở đây lại còn có một ý chí đổi mới, một sinh lực của tinh thần, một năng khiếu mạo hiểm, một đà sáng tạo mãi mãi trẻ trung khiến tôi cho rằng mặc dù con người ấy có thể già, nhưng kẻ nghệ sĩ ấy thì vẫn còn là một thiếu niên, vĩnh viễn ngỡ ngàng... Tiến về mùa Ðông bằng tất cả sức lực mùa Xuân.
Rồi diễn trình nghệ thuật đó, sẽ đưa nghệ sĩ đến đâu ? Rồi cuộc tiến về tinh cầu này sẽ đưa ông về đâu ? Về bước việt tiến nào, về cuộc siêu thăng nào ? Chỉ có một mình Phạm Duy là có thể -- hay sẽ có thể -- trả lời được những thắc mắc ấy. Diễn trình của sự nghiệp Phạm Duy là chân lý của một diễn trình, mà cũng là một diễn trình tiến về Chân Lý.
Montreal, 2 1971