Xem lại PBN 19, nhớ một thời ‘đói nhạc’
- Details
- Written by Báo Người Việt
- Hits: 4415
9/9/2016
WESTMINSTER, California (NV) – Trung Tâm Paris By Night vừa cho tái phát hành tác phẩm DVD Paris By Night 19, chủ đề “Tác Phẩm và Con Người Phạm Duy,” từng được giới thiệu lần đầu vào năm 1993.
Có thể nói, đây là một trong những chương trình văn nghệ nhờ đơn giản mà có giá trị nghệ thuật lớn.
Với lối dẫn chương trình thân mật, mạch lạc, không rườm rà của Đỗ Văn, ban Việt Ngữ BBC Luân Đôn, 18 sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ lớn, tài hoa của Việt Nam, nhịp nhàng nối nhau như một dòng sông lịch sử xuôi qua miền tâm khảm của chúng ta, gợi lại bao nhiêu ký ức buồn vui của người con xứ Việt.
Ai trong chúng ta là người chưa nghe “Tình Ca” của Phạm Duy? Ai là người có thể dửng dưng, không thấy nao nao, xao xuyến khi nghe lời tự tình quê hương, dân tộc, “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi…” Rồi tiếng lòng mộc mạc chân chất hồn quê ấy chợt vút cao với những đám mây bàng bạc, hòa vào “tiếng sáo diều làng ta” trong âm điệu ngũ cung…
“… Lý, Lê, Trần và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai.”
Tác phẩm “Bên Cầu Biên Giới” với tiếng ca Phi Khanh được Phạm Duy chuyển tải bằng điệu nhạc Tango Mỹ La tinh nhộn nhịp nhưng vẫn lồ lộ một cõi tâm cảnh hết sức Việt Nam, miền tâm cảnh của một chàng lính xa nhà lang bạt kỳ hồ, bỏ lại sau lưng ngôi làng xa cũ nay chỉ còn là một “vùng đau thương.”
Làm trai thời tao loạn, đã mấy ai tránh được cảnh chia phôi, ly biệt. Với DVD Paris By Night 19, chúng ta còn gặp lại cảnh này qua “Nhớ Người Thương Binh,” “Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà” (thơ Hữu Loan), “Con Đường Tình Ta Đi” và “Trả Lại Em Yêu,” toàn những cảnh tử biệt sinh ly. Nhưng qua dòng nhạc Phạm Duy, chúng ta không thấy nỗi bi ai, ủy mỵ, yếu mềm, ai oán, mà chỉ gặp những tiếng thở dài bi hùng, buồn cho vận mệnh non sông còn mãi chìm trong khói đạn.
Hình ảnh quê hương của một thuở thanh bình được Phạm Duy khéo léo phác họa bằng nhạc điệu bình dị mà đau đáu nỗi đợi chờ ngày thanh bình quay về với thôn làng Việt Nam; để có lại
“… trăng lên bằng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo,
bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo
Phố xá vắng hiu hiu
Trong đêm mùa khô ráo
Tôi nghe tiếng còi tàu…”
Giọng ca mượt mà, óng ả của Ý Lan lột tả được hết cái ngày của thời thần tiên ấy.
Nghe lại “Chuyện Tình Buồn” và “Ngàn Năm Vẫn Không Quên” (thơ Phạm Thanh Bình) qua giọng ca trĩu nặng tình cảm và trầm ấm của Duy Quang, nay không còn nữa, lại nhớ giọng hát tài hoa, nhớ lời thơ thật tình và thật buồn, trên hết, nhớ người nhạc sĩ đa tài và đa dạng số một của Việt Nam.
Buộc lòng phải bỏ quê hương xóm giềng, Phạm Duy không lúc nào nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Nhạc phẩm “Tình Hoài Hương” của ông, qua giọng ca bất hủ Thái Thanh, như ân cần chia sẻ nỗi niềm với những người cùng chung số phận của dân tộc.
“Quê hương tôi, có con sông dài xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê…”
Vào đến miền Nam, điệu “hò lơ, hó lơ” trở thành ngữ liệu mới cho ông và, qua tay ông, kết trổ thành đóa hoa Nam Bộ qua tác phẩm “Đi Đâu Cho Thiếp Theo Chàng,” một trích đoạn trong “Trường Ca Con Đường Cái Quan” lần đầu được tiếng hát đồng bằng sông Cửu Long thơm tho, ngọt ngào như mía lùi của Hương Lan trình diễn.
“Ði đâu cho thiếp theo cùng
Ðói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam
Ví dầu tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về…”
Dù được tiếp cận với cấu trúc âm nhạc Tây Phương, thiên tư Phạm Duy luôn nhịp nhàng âm hưởng ngũ cung Á Đông và sự nghiệp sáng tác phong phú của ông là đóng góp lớn cho kho tàng âm nhạc Việt Nam cũng như thế giới.
DVD Paris By Night 19, “Tác Phẩm Và Con Người Phạm Duy,” là bằng chứng lịch sử về người nhạc sĩ tài hoa với 18 nhạc phẩm tiêu biểu để đời. Đây là DVD nên có trong nhà mọi người Việt Nam để chúng ta còn hãnh diện với di sản văn hóa quí báu này.
Phạm Duy, sau một đời “ròng rã buồn vui theo vận nước nổi trôi,” nay đã về cõi xa xôi, nhưng âm nhạc Phạm Duy vẫn còn, như lời thổ lộ trong DVD này: “… nằm dưới rặng mai già, để được lớp tuyết giá băng bao bọc, đầu là Bắc Việt, trái tim là Trung Việt và dạ dày là Nam Việt. Tôi muốn người đời nhớ tôi như một người Việt Nam.”
Đằng Giao
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/giai-tri/xem-lai-pbn-19-nho-mot-thoi-doi-nhac/