Chương 14 - Nhạc Tình Hạnh Phúc Có Đàn Đêm Ấy Ru Trái Tim Này
- Details
- Written by Xuân Vũ
- Hits: 2925
Tình yêu hạnh phúc không mấy khi đi vào tác phẩm, có đi vào thì cũng mờ nhạt, không có mấy tác phẩm nói về tình yêu hạnh phúc. Trong lúc đó có rất nhiều tác phẩm nói về tình yêu đau khổ.Nhạc tình của Phạm Duy chiếm gần 1/3 tổng số. Tác phẩm của anh dẫn giải hết, chỉ xin trích dẫn mấy bài. Với nhận xét tổng quát sau đây: Phạm Duy chẳng những tả tâm tình người yêu mà còn tả tâm lý của người yêu như viết tiểu thuyết. Lời ca của Phạm Duy có những chi tiết như truyện.
Tình yêu hạnh phúc nảy nở rực rỡ muôn màu như những kỳ hoa dị thảo nhưng Phạm Duy đi vào những khía cạnh rất độc đáo, không bao giờ trùng vào những lối mòn. Đi lại từ đầu, ta thấy bài đăng trước nhất trên dòng nhạc hạnh phúc là bài Đêm Xuân:
Đêm qua say tiếng đàn
Đôi chim uyên tới giường
Chim báo tin Xuân đã về trong giấc mộng
Em yêu câu hát buồn
Lả lướt trong màn trăng
Yêu trời thanh vắng đã đưa em tới chàng.
Bài hát này, như tác giả chú thích, soạn ra cho Thái Hằng. Đó là bài tác giả tặng người yêu để một năm sau hai người trở thành chồng vợ. Tất cả những bài nhạc tình khác đều không có lời đề tặng bất cứ ai.
Mải mê đi theo cách mạng, kháng chiến, rồi chiến đấu với đời sống hằng ngày khi phải di chuyển cả gia đình từ Bắc vào Nam... mãi gần 10 năm sau, Phạm Duy mới viết thêm một bản tình ca, bài Tình Ca Mùa Thu:
Đêm nay sương mờ bao phủ, như lòng thương nữ
Nhớ mấy cung đàn, thương nhớ đường tơ
. . . . . . . . .
Có hương gây mùi nhớ
Ngỡ hương là tình duyên trong cõi bao la
Có trăng treo tình gió
Mây quên đường xưa
Hoa thu nở trong tiếng tơ...
Lời ý nhẹ nhàng mơ màng, không mang một tình cảm đắm đuối như Đêm Xuân, một loại hạnh phúc như mây như khói, như hương như gió. Trái hẳn với Hạ Hồng, một cuộc tình say đắm và mãnh liệt hơn mà bối cảnh là mùa hè lửa thiêu trái đất. Nguyễn Du mô tả mùa hè:
Đầu đường lửa lựu lặp lòe.
Nguyễn Khuyến cảm tác mùa hè:
Cái nóng nung người nóng nóng ghê.
Pham Duy thì:
Mùa hè trong ta đã đỏ hoe
Mùa hè đôi ta bốc lửa cháy...
Tôi chưa thấy bài hát nào tả tình táo bạo, dữ dội và dị kỳ như Hạ Hồng:
Lửa thiêu trái đất này
Mùa hè con tim đã tỏa nắng
Mặt trời trong ta đã ngồi cao
Mùa hè mưa rơi cũng đỏ máu
Và nhuộm hồng trăng sao
Đôi ta chỉ có một mùa Hè thôi
Đôi ta chỉ có một cuộc tình thôi
Đôi ta chỉ có một lần đời vui...
Mùa hè nhuộm sắc đêm hồng
Mùa hè làm sáng tim đen
Mùa hè đưa ta tới hồng hoang
Trần truồng yêu nhau trong trời đất...
Một cuộc tình khác cũng có bối cảnh mùa hè, nhưng ở đây là một Phạm Duy khác, cũng vẫn là triết nhân, nhưng một triết nhân mềm mỏng ôn hòa, tình vẫn nở trong mùa hạ, nhưng không "hiếu chiến" như trong Hạ Hồng. Ðó là bài NGÀY THÁNG HẠ:
Ngày tháng hạ mênh mông buồn
Lòng vắng vẻ như sân trường
Ngày tháng hạ lê thê dài
Lòng nín lặng như khung trời
Trời cao ngất vươn lên hoài
Nhà nghiêng xuống muốn khóc ai
Bờ dốc mòn theo tưởng nhớ.
. . . . . .
Bờ sông vắng neo con thuyền
Dòng nước đứng trong êm đềm
Ngày tháng hạ mưa gieo buồn
Nơi phố nhỏ hai linh hồn.
Nằm nghe tiếng tương lai rồn
Rồi bỗng thấy biết tiếc thương !
Ở mùa Hạ trước gã lữ hành là một hòn sắt nung đỏ rực đang trèo dốc núi quyết trèo lên tận đỉnh để hái bông hoa rừng, còn mùa Hạ này buồn tênh với bờ sông vắng neo con thuyền. Hai tình cảm hoàn toàn khác.
Nhưng mùa Hạ buồn mưa gieo không kéo dài. Thu thương nhớ đường tơ đã trở lại ngay, cũng như tình yêu. Yêu say đắm đó, rồi say đắm hơn cả lần trước. Yêu là một thứ bệnh, người yêu là con bệnh. Khỏi bệnh rồi lại bệnh. Đêm xuân, yêu chị Hằng, chim uyên tới bên giường. Hoa Thu có trăng treo tình gió, mây quên đường xưa, Hạ hồng, trần truồng yêu nhau trong trời đất, chiều Đông, như con giun ngước lên trời, yêu trăng sao vời vợi.
Một cuộc tình khác, khác hẳn hai cuộc tình trước vì cách diễn đạt rất độc đáo, theo lối nói ngược mà Phạm Duy thường dùng.
Yêu người như lá đổ chiều đông
Như mây hồng chưa tím
Như con chim khóc trong lồng
Như cơn giông đêm hè
Tình ta nức nở canh khuya.
Yêu người như suối cuộn rừng sâu
Như con tầu say gió
Như con giun ngước lên trời
Yêu trăng sao vời vợi
Làm sao sao nói được tình tôi?
Yêu người ! Yêu Phượng !
Yêu hoa đầu mùa
Yêu mầu rực rỡ yêu em mù loà
Yêu bằng tiếng nói đơn sơ
Yêu người, yêu cả cơn mơ dụt dè
Yêu bằng gió núi qua khe gập gềnh
Yêu bằng tiếng hát yêu tinh.
Yêu người xong, chết được ngày mai !
Yêu như loài ma quái
Đi theo ai tới chân trời
Đi không ngơi kêu gào
Làm sao tránh được tình yêu ?
Yêu người, yêu có một lần thôi !
Xin yêu, dù gian dối
Xin yêu tôi, dẫu nghi ngờ !
Khi bơ vơ còn nhiều
Thì đâu chối bỏ tình yêu ?
(Phượng Yêu)
Mỗi một lần yêu, Phạm Duy có một trái tim khác hay Phạm Duy cho ta một trái tim khác. Phạm Duy có tài nói ngược:
Em trắng như bông vì dãi nắng dầm sương trên đồng ruộng...
Nếu nói da em rám nắng thì đã có lắm người nói rồi, có gì lạ đâu? Vả lại có ở đồng quê miền Mam mới thấy thôn nữ thường chùm khăn kín đầu che nắng nên da mặt vẫn trắng như bông.
Xe lam lắc rung rinh đường quê...
Đường quê đâu có rung vì xe lam. Xe lam rung lắc vì đường quê lởm chởm thì có.
Lạnh lùng cơn gió đêm hè...
Cơn gió đêm hè mát mẻ vô cùng, nhưng đối với người chinh phụ cô đơn thì cả cơn gió đêm hè cũng lạnh, và mùa đông thì lạnh đến nỗi nào? Ngược mà xuôi.
Tiếp tục bơi trong dòng Hạnh Phúc Tình Yêu, ta sẽ gặp Cỏ Hồng. Cỏ Hồng là một loại hạnh phúc không đơn điệu một chút nào. Cỏ gì lại hồng? Và đây cũng là một cách nói ngược:
Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối
Rước em lên đồi, hẹn với bình minh
Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép
Hãy vứt chiếc dép, bước đi ôm cỏ mềm
. . . . . .
Níu em trên đồi, cỏ thơm mùi sữa
Níu em yêu ngồi trên bãi cỏ non
Giương đôi tay ôm thân tròn ơn mưa móc
Hãy xoã mái tóc, rũ trên vai anh mòn
. . . . . .
Cỏ non đổi sắc theo nhân tình
Mặt trời cũng đứng soi tia lành.
Cỏ hoang xao xuyến trên ngọn ngành
Đỏ như trong giấc mơ lung linh.
Em ngoan như tình nồng
Em bao la mịt mùng
Em thơm như cỏ hồng em ơi !
Bạn thấy không, nhân vật ''cỏ'' ở khắp nơi, nhưng cỏ ở đây đã thành cỏ có hồng, cỏ biết ôm chân đôi nhân tình, cỏ đa tình lóng lánh đeo giọt sương tinh nguyên, rồi cỏ vươn lên (khi ta yêu nàng) cỏ cũng biết xao xuyến tận ngọn ngành, cỏ cũng yêu, và cỏ hóa thành cỏ hồng, đỏ như trong giấc mơ. Phạm Duy đặc tả cỏ, nhưng không dùng màu xanh thiên nhiên của nó. Phạm Duy cho cỏ mọi tính chất non, mềm, hoang v.v.... cho cỏ cảm xúc và cả hành động như lung linh, ngoan, ôm thân, vươn lên v.v... và cuối cùng, cao điểm chót vót của hạnh phúc là khi đồi run lên vì ta yêu nàng thì cỏ xanh vụt biến thành cỏ hồng như mơ. Cái hạnh phúc ta yêu nàng đã truyền sang cỏ, làm cho cỏ xanh hóa hồng? Đó là một qui luật phủ nhận hoàn toàn duy vật biện chứng pháp. Cỏ xanh, cỏ vàng, cỏ úa, cỏ gì thì cỏ, chứ không có cỏ hồng, thế mà cỏ hồng lại là một hiện tượng ta chấp nhận hoàn toàn, thỏa thích, như thời trẻ con, ta chấp nhận những phép thuật của tiên thánh (mà ta chưa bao giờ trông thấy) là một sự thực.
Nghệ thuật trở thành siêu đẳng ở Cỏ Hồng là vì thế. Xin lấy câu này kết thúc dòng Nhạc Tình Hạnh Phúc để bơi tiếp sang ngành Nhạc Tình Đau Khổ, một ngành lớn trong con sông nhạc tình Phạm Duy.
Xuân Vũ