Chương 7 - Chữ Nhỏ Của Phạm Duy
- Details
- Written by Xuân Vũ
- Hits: 3015
Trong nghệ thuật viết tiểu thuyết Tolstoi có bảo ta: Petit détail fait grand roman Chi tiết nhỏ làm nên truyện lớn. Một câu nói ngắn dạy ta mãi mãi trên đường dài. Vũ Trọng Phụng để lại một chồng tiểu thuyết cho người đời, trong đó có mấy chữ ''biết rồi khổ lắm nói mãi'' của cụ cố Hồng. Câu nói cau có đó vụt bước ra khỏi trang sách, đi khắp dân gian. Thiên hạ cứ tuởng suy tôn kẻ độc tài trở thành vĩ nhân bất tử là đem các khẩu hiệu om sòm cho vô kèn đồng rồi bắt nhạc công phun chúng ra, rồi khi lãnh tụ chết thì xây cái nhà mồ thiệt bự. Không đâu, những bài ca khẩu hiệu sẽ chết một cách ''bất tử'' còn một câu ca dao, đồng dao mang hồn dân tộc lưu truyền từ miệng người đời đời không tắt. Không đâu, Tolstoi mang giày rơm, viết trên bàn gỗ đơn sơ và chết chỉ nằm dưới nấm đất thấp không cần bia đá tượng đồng, thế nhưng vẫn là vĩ nhân, khi còn sinh tiền cũng như sau khi nhắm mắt, quyền lực của ông cao hơn vua chúa Âu Châu. Trên ý thức chi tiết nhỏ làm nên truyện vĩ đại của Tolstoi, tôi tiếp tục đi nhặt thêm vài chữ rất nhỏ của Phạm Duy để coi người nghệ sĩ này lớn như thế nào.
Chữ đóa:
Đóa hoa thì đã đành, nhưng lại còn đóa thơ.
Đóa linh hồn đã đành lại còn có thêm hồn đom đóm, hồn ma, linh hồn, oan hồn, hồn thiêng, hồn xuân...
Có trăng sáng, trăng vàng, trăng già, trăng non đã đành, anh lại còn có trăng tơ và trăng thơ ấu.
Có thằng Bờm rồi, lại còn thêm thằng Bợm.
Người ta nói hùm thiêng sa lưới cũng hèn, Phạm Duy nói hùm thiêng sa lưới vẫn hùng. Chỉ khác nhau một chữ, Phạm Duy đã tạo ra một triết lý mới, đảo ngược và phủ nhận cái có từ xưa.
Chữ úa:
Lá úa, cánh hoa úa, hương úa ... nhưng với Phạm Duy thì cát cũng úa, thời gian úa. và ngôi mộ cũng úa.
Khi bông hoa úa vàng, tình tang (Cây Đàn Bỏ Quên)
Mang mùi hương úa (Tiếng Bước Trên Đường Khuya)
Cánh hoa tươi tơi bời, theo với những lá úa (Xuân Hành)
Làm cho úa vàng từng mộng ước tươi hồng (Tuổi Biết Buồn)
Giọng ca buồn bã vào trong đời úa (Nước Mắt Mùa Thu)
Nào ngờ cát úa tuôn ra dần dà chẳng có hay (Nha Trang Ngày Về)
Thành ngôi mộ úa (Đường Chiều Lá Rụng)
Những xác úa một thời (Mộ Phần Thế Kỷ)
Cỏ hèn đã úa từng cội (Ngựa Hồng )
Lá úa rơi vun cao cội nguồn (Người Tình Già Trên Đầu Non)
Đã Thu vàng úa, ới ơ tình rồi (Tình Thu)
Thời gian là lệ úa (Nghìn Năm Vẫn Chưa Quên)
Hoa úa trong lòng ta (Chỉ Chừng Đó Thôi)
Chữ bâng khuâng:
Chàng tráng sĩ ngồi trên lưng ngựa sắp chia tay với người yêu để ra trận, lòng chàng bâng khuâng, nhưng đồi núi ban mai thức giấc vươn vai cũng bâng khuâng và trời cũng biết bâng khuâng. Nhưng với chữ bâng khuâng, trường hợp dùng sau đây là hay nhất làm tôi thiệt bất ngờ :
Sống sót trở về, anh thợ mỏ náo nức
Sống sót trở về, anh mục đồng thao thức
Sống sót trở về, tên cường đạo lau kiếm
Xé áo giang hồ, xin chèo đò trên bến!
Sống sót trở về, quên màu hồng gái điếm
Trút phấn son rồi, xin mặc lại áo huyền
Sống sót trở về, tôi tạ từ vũ khí
Sống sót trở về, tôi trở lại nhỏ bé
Sống sót trở về, đeo một bầu rượu quý
Sống sót trở về, vui một mình, tôi đi...
(Sống Sót Trở Về)
Cả cái thiên hạ sống sót trở về kia mừng húm thấy mình còn sống. Nhưng tình cảm và hành động mỗi người một khác. Chữ dùng rất đúng, rất hay cho mỗi giai cấp. Nhưng chữ bâng khuâng sau đây mới là tuyệt bút:
Sống sót trở về, anh thợ chài bâng khuâng.
Đọc tới chữ bâng khuâng ở đây thì tôi buông sách. Quái lạ! Cái anh nghệ sĩ này lại sờ tới tim đen người dân lao động thợ chài. Cái hay của người viết là dùng chữ độ lượng (sobre) và đúng (juste). Một chữ của Nam Cao dùng tôi nhớ mãi, khi ông tả một anh Chí Phèo lưu manh say rượu khi tỉnh dậy thấy lòng mơ hồ buồn. Cũng như Thạch Lam tả hương vị cà cuống thoảng tí nghi ngờ lúc ăn bánh cuốn. Chữ dùng đúng và độ lượng vô cùng.
Chữ bâng khuâng được dùng để tả nỗi niềm anh thợ chài thiệt đúng. Chẳng những đúng về nội tâm mà đúng cả cử chỉ. Anh thợ mỏ náo nức vì mai này anh biết anh sẽ đi cuốc than, gã mục đồng cũng biết rõ rằng mình sẽ cầm cờ lau ngồi lưng trâu, nằm nghe sáo diều hay gió reo qua vườn tre mà thao thức không ngủ được. Còn anh thợ chài, tuy biết mình sống chắc rồi. Nhưng giang sơn mình ở đâu? Sông nước nào cũng là của anh được cả, nhưng nó chẳng phải là của anh một tí nào cả. Và ngay cả khi bụng đã chắc rằng ở ven bờ này ta sẽ tóm một mẻ to, nhưng cái chắc đó đâu có chắc như anh thợ mỏ và gã mục đồng. Cho đến khi anh nâng chài lên đung đưa, rùn chân sắp vung chài mà bụng vẫn còn bâng khuâng chưa chắc ở cái kết quả. Nỗi bâng khuâng chỉ biến đi khi anh lôi chài lên và thấy tôm cá nặng đầy. Tôi có mạo muội thử ''nhúc nhích'' chữ này nhưng quả thật không có chữ nào đúng và hay bằng chữ bâng khuâng.
Chữ tả tơi:
Cánh hoa tả tơi, thần đồng gãy cánh tả tơi, biển tả tơi, đất nước tả tơi... nhưng còn cánh tay ngỡ ngàng tả tơi và hồn nước cũng tả tơi, đất nước tả tơi.
Chữ già:
Mẹ già, ông thợ già, trăng già, lính già... nhưng còn có:
Chim ngoan về đậu ngọn tre già (Bầy Chim Hồi Xứ)
Đời hoa chóng già vì thiếu mặn mà (Ngày Trở Về)
Mùa Hè ngày tháng chưa già (Hạ Hồng -- Mới chóng già lại vẫn chưa già)
Có một vài tóc trắng thầm mơ, ước cho hoa nở mãi không già (Hoa Xuân)
Cây lá già trong tuổi thơ Ngày Tháng Hạ)
Hôn má Xuân già (Tiếng Hát To)
Đã già thêm nửa hành trình yêu thương (Tình Thu)
Mây từ biển qúy lên ngôi trời già (Chớp Bể Mưa Nguồn)
Đêm mơ về già (Cho Nhau)
Tình già bình yên (Bài Ca Trăng)
Tình già xác xơ và Như nét môi già (Đường Chiều Lá Rụng -- tình vừa mới bình yên lại già nua và xác xơ ngay)
Đã già thêm nửa hành trình thương yêu (Tình Thu)
Nên mau tóc ngà, con tim sớm già (Hẹ Em Năm 2000)
Trăng già, đá già vẫn còn đương tơ (Trăng Già)
Sa mạc già (Rong Khúc)
Một chữ già rất bình dân và rất phổ thông nằm trong tay Phạm Duy bỗng chốc trở nên sang trọng và biến hóa vô cùng. Những chữ nhỏ như thế, càng đọc càng thấy, thấy không hết, nhưng tôi cố gắng, tôi còn yêu, tôi cứ yêu, nhặt ra càng nhiều càng hay.
Còn mấy chữ nữa cũng thích thú không kém, như chữ gầy:
Ấm lòng thay, những lúa gầy đứng giữa trời mây (Những Bàn Chân)
Dĩ vãng gầy (Đường Chiều Lá Rụng)
Đường thơm bóng gầy (Đường Em Đi)
Giờ đây bão tố trên vai hao gầy (Giờ Thì Em Yêu)
Này em con chim gầy (Bình Ca Một)
Trên đất gầy, trên vũng lầy bùn nhơ (Dạ Hành)
Mẹ Việt Nam gầy ốm (Đi Vào Quê Hương)
Gánh cải lương gầy (Tiếng Hát To).
Và hai chữ héo khô:
Thường thường chữ héo và khô đi dính nhau như một:
hoa héo, lá vàng khô, hay hoa lá héo khô cũng được, nhưng ở đây còn có:
Những lệ buồn cánh khô (Đường Chiều Lá Rụng)
Trong cơn mưa hè, tay nào khô héo bắt anh về (Một Bàn Tay)
Nhựa hòa bình loang nhành khô héo xuống (Một Con Chim Nhỏ Trên Cành Yêu Thương)
Ruộng khô có những ông già rách vai (Quê Nghèo)
Chiều khô nước mắt rưng sầu (Về Miền Trung)
Giờ thì đôi môi đã khô nụ cười (Giờ Thì Em Yêu)
Mảnh tim khô (Kỷ Niệm)
Dấu chân khô lạnh (Dấu Chân Trên Tuyết).
Trong nhạc Phạm Duy có cả cõi trần khô héo, có cánh bướm khô, đám rơm khô, xác thây khô và có thêm con cặc khô (Tục Ca số 10) nữa! Những chữ trên đây đã hay, nhưng sau đây, chữ nầy mới đặc biệt hay:
Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ, cho vơi dòng lệ nhòa
Một miền quê, một miền quê tim héo và khô.
(Tiếng Hát To)
Hai chữ đứng rời ra nhưng chúng vẫn tựa vào nhau như hai cây sinh đôi nâng nhau và hòa làm một, tuy một mà hai. Dù hai vẫn một. Nhưng khi hát thì người nghe, nếu chỉ một chữ héo lẻ loi thôi thì không đập mạnh bằng có tiếng khô đi ngay sau đó. Hãy nghe câu hát một miền quê tim héo và khô thì mới thấy công dụng của sự cắt chữ làm hai này rõ hơn. Như chính Phạm Duy đã làm ở một câu khác:Tôi xa quê hương khi dân no và ấm (trong bài Có Phải Tôi Là Người Quê Hương Ruồng Bỏ Giống Nòi Khinh)
Ấm no khi đi chung thì chỉ cho một khái niệm về sự hạnh phúc, còn khi cắt nó ra thì mỗi chữ cho hình tượng cụ thể hơn, mạnh hơn. Ấm: chăn, áo, No: cơm gạo. Nhất là khi hát ''ấm và no'' thì ấn tượng rất mạnh. Cũng như Nguyễn Tuân đã phán một câu cho nền văn học miền Bắc để đời, mấy mươi năm qua cố gỡ ra mà vẫn còn bị đeo dính. Nguyễn nói: ''Văn học là cái báo, cái chí của ta vừa nhạt lại vừa nhẽo''. Chữ nghĩa của ông thật hay. Ta thường nói nhạt nhẽo, nhưng nếu cắt nó ra thì nhạt có nghĩa của nhạt mà nhẽo lại có nghĩa của nhẽo. Nhạt như nước ốc và nhẽo như con chi chi... Đề cập tới vài ba chữ nhỏ như thế để thấy cái lớn của nhà ngôn ngữ Phạm Duy.
Chữ gầy, một chữ cũng rất kỳ thú:
Ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy (Quê Nghèo)
Suối tóc bát ngát cuốn quanh vai gầy (Trên Đồi Xuân)
Mùa đông manh chiếu rách thân gầy (Bà Mẹ Quê)
Ôi quê hương xứ dân gầy, ôi bông lúa (Về Miền Trung)
Khi xưa em gầy gò và chỉ cần một trận mưa là vai gầy thêm nữa (Chỉ Chừng Đó Thôi)
Tôi còn nhớ mãi thân hình gầy yếu (Tôi Còn Yêu Tôi Cứ Yêu)
Trở lên, tiếng gầy được dùng để tả chân, còn sau đây, tiếng gầy được thi vị hóa và hài hòa trong một khung cảnh đẹp vừa hiện thực vừa siêu thực: Gánh cải lương gầy (Tiếng Hát To)
Đường thơm bóng gầy nhạc run lá bay (Đường Em Đi)
Và còn một nét gầy khác nữa kinh khủng hơn nhiều:
Lá vàng bay! Lá vàng bay! Như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai (Đường Chiều Lá Rụng)
Xin bạn hãy đọc và tìm thêm những chữ nhỏ của Phạm Duy. Còn tôi, tôi thì muốn nói một câu này: Những chữ bình thường qua tay Phạm Duy đã trở thành phi thường, cũng như những cô nàng làm mẫu vô danh nhờ cặp mắt của đạo diễn mà phút chốc trở thành minh tinh rực rỡ. Và nhà đạo diễn trở thành siêu phàm là vì đó.
Còn nữa. Chữ này cũng biến hóa rất dài. Chữ mềm. Tôi chỉ xin nhặt ra để các bạn thưởng thức:
Mẹ mong chồng cũng như là ruộng nông sâu, ruộng cứng hay mềm (Mẹ Đón Cha Về)
Hãy vứt chiếc dép đi trên cỏ mềm (Cỏ Hồng)
Đồng chua rộng nới nới...thành ra ruộng mềm (trong Mẹ Việt Nam)
Mang nặng hồn mềm, em trở mình trên nhân duyên (Nếu Môt Mai Em Sẽ Qua Đời)
Mưa cho lửa tình thêm chút yếu mềm (Mưa Rơi)
Thảm cỏ mềm cho giọt sương lay lắt, sông dài nằm chờ kết bạn trăm năm (Một Con Chim Nhỏ Trên Cành Yêu Thương)
Dưới bước chân anh ướt mềm ngọn cỏ (Bé, Cây Đàn, Ngôi Nhà Xanh, Đồi Cỏ)
Đã vuốt ve em trong Hạ mềm (Người Tình Già Trên Đồi Non)
Những chữ mềm này có thể làm nên một phần của chương hội họa với mục đích nói lên cái tài tả chất (matière) mềm của họa sĩ, nhưng tôi cho vào đoạn này cũng ổn lắm. Tiếp sau đây bạn sẽ thấy chất mềm trong nhiều trường hợp bất ngờ:
Tưởng mơn man làn tóc rối mềm (Cỏ Hồng)
Vài hạt mưa sa hôn mềm trên má và Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt (Trả Lại Em Yêu)... tuy không có chữ mềm, nhưng đọc câu này, ta nhớ câu thơ mềm môi chén mãi tít cung thang
Lớp sóng mơn man thịt mềm da ngát hương (Nha Trang Ngày Về)
Lá vàng êm, lá vàng êm, như mũi kim mềm sẽ khâu cửa tình duyên (Đường Chiều Lá Rụng)
Gối chăn đã lạnh mềm, lạnh mềm, người về trong cõi duyên = một là adjectif, một là adverbe (Bài Ca Trăng)
Lồn non, hay lớn con, mập mạp, lồn mềm (Tục Ca số 7)
Đến đây có lẽ cũng đủ để chứng minh cho cái tài tình trong cách dùng chữ của Phạm Duy, mà trong buổi phát thanh của Đài Saigon về nhạc Phạm Duy, ba nhà văn Nguyễn Quang Hiện, Nguyễn Đình Toàn và Phan Lạc Phúc đã ví chữ nghĩa của Phạm Duy với hòn đảo kim cương của Paul Valéry.
Xuân Vũ