Bài 8 - Ðạo Ca : Tiến Về Ánh Sáng
- Details
- Written by Georges E. Gauthier
- Hits: 2649
(nguyên bản tiếng Pháp - Võ Phiến dịch)
Trên mảnh đất Mỹ Châu mà tôi đang sống, hằng ngày, những nhà chọc trời và những hòa tiễn, máy mọc và kỹ thuật tự động vẫn nêu lên với chúng tôi một chân lý. Trên mảnh đất Ðông Dương và còn trên nhiều miền khác trên thế giới, chân lý hàng ngày thường hiện bày dường như là chân lý của súng đạn và chiến cụ, chân lý của xương máu và hận thù. Toàn những thứ chân lý lọc lừa, những chân lý mà là những ngụy trá ! Nhưng tôi muốn nhớ rằng tôi là một con người và tâm hồn tôi cần đến một chân lý rộng lớn hơn, êm đềm và dịu ngọt hơn, mà cũng vĩnh cửu hơn. Ði tìm chân lý, đó là hành trình mà Phạm Thiên Thư và Phạm Duy đề nghị với tôi khi bắt đầu mười bài thơ và khúc điệu này. Nhưng cuộc đi tìm chân lý không ngắn ngủi, không dễ dàng gì. Bởi vì mười bài đạo ca này giống như thể một thứ trường ca, với hướng đi rõ rệt, với sự luân chuyển của những màu sắc rất riêng biệt của thơ và nhạc nhưng cuối cùng tạo thành một bích họa mang tính cách gần như có một không hai. Nào ! chúng ta đừng nên kéo dài mãi phần vào đề này, mà hãy lên đường đi tìm chân lý. Và để nhất quyết làm cuộc hành trình đi đến tận cùng của chính chúng ta. Trước tiên hãy rũ một chút bóng râm xuống tâm hồn mình...
... Bởi vì chính cái cổng vào Ðạo Ca Một ấy đang chìm trong một hoà điệu mờ ào, dị thường và như là mê hoặc -- lối hoà điệu chuyển hành rất thích hợp với mục đich thăng hoa cuộc sống, ca ngợi tình yêu huyền hoặc giữa những con người -- nhưng giai điệu của Phạm Duy này, len lỏi khó khăn qua giọng ''Sol trưởng'' lững lờ để nghỉ lại ở một hợp âm ''Mi giảm'', chỉ có thể đạt hết được ý nghĩa trong hoà điệu có tình cách ấn tượng và nhuốm màu nhạc vô thể đó mà thôi. thực ra, có thể nói rằng giai điệu này phát sinh chính từ hoà điệu vậy.
'' Mình với ta tuy hai mà một. Ta với mình tuy một mà hai '', những câu thơ ấy của Tàn Ðà bỗng nhiên xuất hiện vào giữa nhạc phẩm. Vũ trụ chỉ là một; chúng ta không phải tìm chân lý vì chân lý chính là chúng ta. Và trong một đoạn rất tương phản, nhạc Phạm Duy sẽ nhấn mạnh sự xác thực của nhất nguyên tính ấy. Do đó, giọng ''Sol trưởng'' vừa rồi càng lững lờ và bấp bênh bao nhiêu thì giọng ''Mi giảm'' lúc này càng chắc chắn và quả quyết bấy nhiêu, trong sự diễn tả niềm hạnh phúc trĩu nặng mà nghệ sĩ đang cảm thấy. Tôi yêu nét hân hoan trong vinh quang của giọng ''Mi giảm'', nó hoàn toàn điển hình cho nhạc Phạm Duy.
Thương người là thương mình; cứu người là cứu mình : đó là một chủ đề mà Ðạo Ca Hai sẽ nhấn mạnh. và trên những câu thơ tinh vi của thi phẩm thanh tịnh đó, giai điệu của Phạm Duy lướt qua như đám mây xanh giữa bầu trời bao la và trong sáng của giọng ''Do trưởng''. Nhưng phải chăng chính ngọn gió ban mai đó đã gợi hứng cho nghệ sĩ một giai điệu dịu dàng và như là phai biến này, một bản luân vũ mềm mại và không cần dấu diếm sự nồng nhiệt ? Phạm Duy ở trong tình yêu !
Ðạo Ca Ba sẽ có một không khí hoàn toàn khác hẳn. Truyện một chàng dũng sĩ trên lưng ngựa vàng, đi tìm người đẹp lý tưởng, để rồi cuối cùng, chính con ngựa vàng hoá thân thành người đẹp đó : ảo ảnh đã hóa thành sự thực ! Ở đây, nhạc cũng như thơ, sẽ hùng tráng, phấn khích. Phạm Duy thực hiện những giấc mơ của mình ! Nhất là một Phạm Duy trên đỉnh nghệ thuật của ông ! Từ phách đầu tới phách cuối của nhạc phẩm lớn này, dòng nhạc chày dài, dôi dào, mãnh liệt, tài tình.
Nếu cuộc hóa thân trong ca khúc là kỳ diệu, thì cuộc hóa thân khác, cuộc hóa thân mà Phạm Duy bắt giai điệu của ông phải chịu, cũng lại thật là kỳ diệu. Túy theo những biến chuyển của lời thơ, giai điệu sẽ linh động và dồn dập, rồi đài các và oai dũng rồi -- ở những đoạn có ghi ANDANTINO và ANDANTE thì lại nồng nàn, kiêu hùng và hơi có tính cách nhạc kịch; sau khi quay về -- MODERATO rồi RALLENTENDO -- đoạn mở đầu náo nhiệt giọng ''Ré thứ'', một kết cấu ngắn bằng giọng ''Ré trưởng'' làm cho tuyệt mỹ nhạc phẩm lớn lao này, một công trình âm thanh có khả năng diễn đạt và gợi cảm hiếm có. '' Trong nghệ thuật, có một loạt những niềm hân hoan ưu đẳng, thâm trầm và cao thượng đến độ ta phải mang ơn mãi mãi kẻ nào đã mang đến cho ta ''. Nhưng tôi đâu cần phải trích lại câu nói đó của Sacha Guitry nhỉ ? Từ rất lâu, Phạm Duy đã xứng đáng với lời này.
Và bây giờ thì ta tới Ðạo Ca Bốn . Trong một bài thơ cảm động, Phạm Thiên Thư sẽ kể cho chúng ta nghe câu chuyện buồn của một bà mẹ kia, đi tìm đưa con ruột rồi một hôm, bà chết đi, biến thành mẹ chung của chúng ta, biến thành thiên nhiên bao bọc chúng ta.... Cũng giống như hình ành của bà mẹ đó, giai điệu của Phạm Duy đi lang thang, buồn bã và già cội trong giọng ''Mi thứ'' ảm đạm, đây đó chỉ lọt vào dăm ba tia nắng hoà điệu ngắn ngùi. Ðiệu ru nặng nề và phiền muộn dành cho đưa con không còn nữa. và mặc dù lời thơ sáng lên vào đoạn cuối, điệu ru của sự đau khổ vẫn không kém phần tang tọc và nhợt nhạt cho đến phách cuối cùng, để lại trong lòng chúng ta một cảm tưởng lạ lùng khôn tả. Tôi yêu tính chất tượng trưng của các Ðạo Ca Ba và Ðạo Ca Bốn. Bà Mẹ ấy và chàng dũng sĩ kia thật là những nhân vật cảm động, kẻ đi tìm con đã mất, người đi tìm ảo ảnh đã tan cho đến khi cả hai cùng hoà vào tình yêu và chân lý, những cuộc hóa thân duy nhất và cuối cùng...
Nếu ta đặt đời ta vào dòng sống của nhân loại thì ta không còn sợ chết nữa. Sự chết là niềm vui : đó là điều mà Phạm Thiên Thư và Phạm Duy thử tiết lộ trong Ðạo Ca Năm này, đem sự việc để giải thích hành vi của người con gái nhỏ tuổi Nhất Chi Mai -- một thứ hành động làm cho đa số người Tây phương phải phân vân, kể cả tác giả bài này. Giai điệu của ca khúc, vô sắc và thơm tho lạ lùng, được xây dựng trên một âm điệu chuyển hành đi lên -- hoà điệu chuyển hành giản dị nhưng được Phạm Duy sử dụng một cách rất thông thái -- nhưng cũng như trong Ðạo Ca Một, giai điệu và hoà điệu ở đây sẽ liên hệ với nhau khá chặt chẽ, cái này ít nhiều dẫn dắt cái kia. Khởi đầu từ giọng ''Fa trưởng'' giả định, giai điệu bơi lội trong một vũng nước lần này cũng lại có tính chất khá vô thể, cho đến một đoạn bằng giọng ''La trưởng'' bên vững hơn một chút. Sau khi trở về giọng ''Fa trưởng'' mở đầu, ca khúc sẽ kết thúc một cách hơi bất ngờ bằng cung ''La trưởng'' sáng sùa, giống như khuôn mặt của Phạm Duy càng ngày càng thụ cảm ân sủng, tự giải thoát ra khỏi thế giới dục vọng để đạt dần tới một thế giới vô diện...
Biết nói làm sao về niềm cảm xúc lớn lao đã tràn ngập tôi khi tôi mới lướt qua lần đầu tiên lời thơ của Ðạo Ca Sáu ? Tôi vốn sinh sống ở một miền tuyết lạnh, ở đây con tim người ta thường gần như bị tê cóng nếu không phải là bị nguội lạnh theo với khí hậu xung quanh -- tôi đã tưởng chừng nếu ngày tôi còn bé mẹ tôi cũng ru tôi bằng những lời ru tương tự thì, vâng, tôi đã tưởng chừng tôi lớn lên, tôi trở thành một con người khá hơn, nghệ sĩ hơn. Phạm Thiên Thư và Phạm Duy tin tưởng rằng lời ru, bú mớm, nâng niu là những yếu tố làm nên tâm hồn đưa trẻ. Thật là đúng biết bao ! Ðó là chân lý nguyên sơ, chân lý của buổi đầu cuộc đời, đó là chân lý mà những bà mẹ Việt Nam phải tìm lại : '' Con ơi ! Mẹ là Thượng Ðế... Nghìn năm còn đây thắm thiết, câu ru mạch máu Ðông phương '' ! Mà tôi muốn trích dẫn tất cả từng câu của thi phẩm làm cho ta phải bàng hoàng này ! Trong nước Việt Nam từng xuất hoá bao nhiều là bài hát chiến tranh vô ích ấy, tôi tưởng chừng chỉ một bài ru đơn giản như bài ru này cũng đủ nghiền nát tất cả những bài hát kia. Ca khúc được soạn ra để nghĩ tới những bà mẹ Việt Nam, nhưng mà tôi, bất chấp hết, tôi ước nguyện rằng tất cả những bà mẹ trên thế gian này sẽ được nghe ca khúc đó một ngày gần đây, để cho không riêng gì Việt Nam mà cả nhân loại sẽ tốt hơn, tốt hơn từ cơọi nguồn... Trên bài thơ của những bài thơ này giai điệu của Phạm Duy vút lên đơn giản và thanh khiết trong những nẻo đường nhẹ nhàng thanh thoát của giọng ''La giảm trưởng''. Ở đây, mến thương, nồng nàn, xúc cảm cùng nhau hoà hợp tinh vi trong một bức thủy họa bằng âm thanh có nét quyến rũ độc nhất và lưu giữ. Nghệ thuật là hạnh phúc, bởi vì khoành khắc của nghệ thuật lại là vĩnh cửu.
Trong cuộc đời, tất cả chỉ là mây hồng trôi trên trời như những con suối, những con suối đẹp đẽ và lặng lẽ biết bao nếu ta biết đối thoại với sự lặng lẽ đó : đó sẽ là ý nghĩa của chân lý thứ bảy, kể lại truyền thuyết khá quen biết về ''Cuộc Ðại Chiến Thầm Lặng'' này. Hãy thử xem Phạm Duy ca ngợi sức mạnh của lặng lẽ đó bằng âm nhạc như thế nào... Một đoạn khí nhạc mở đều có tính cách kể chuyện, trước hết gây một không khí huyền thoại, rồi trên một quãng 6 trưởng tao nhã, giai điệu khai mào, đài các và nồng nàn, như một thứ luân vũ chậm và nặng nề cố ý. Biết bao là quyến rũ trong nhạc đề bằng giọng ''Si giảm trưởng'' này -- âm thể khêu gợi niềm vui của núi non -- nhạc đề đó, với một cách hơi bất ngờ, đến ngừng nơi một hợp âm ''Ré trưởng'' kéo dài gần ba phách, hợp âm kẹo dài này rất quan trọng vì nó sẽ tái hiện nhiều lần trong ca khúc, với nhiều chủ âm khác nhau, như thể một tiếng vang, một ngưng nghỉ của sự im lặng nhưng hợp âm ''Ré'' đó sẽ đưa tới âm thể tương hợp của ''Si giảm'' nghĩa là ''Sol thứ'' -- âm thể khêu gợi nỗi buồn của biển khơi -- để mở ra một nhạc đề lớn thứ hai là, phát xuất một cách hợp lý từ nhạc đề bản mở đầu bằng ''Si giảm''. Trong một đoạn nhạc thứ ba bằng giọng ''Ré trưởng'' tuy nhiên vẫn liên hệ chặt chẽ với hai nhạc đề trước, Thủy Vương tuyên chiến với đôi uyên ương đẹp...
Nhiều người Việt Nam không có may mắn học hỏi về âm nhạc nên sẽ không hiểu hoặc ít hiểu về vấn đề âm thể, hợp âm và hoà âm trong nhạc của Phạm Duy, tuy nhiên tôi xin nhấn mạnh rằng những cái đó rất là quan trọng để hiểu đến nơi đến chốn bản chất đich thực của xúc cảm nghệ sĩ nơi người nhạc sĩ này, sự tinh tế, thâm trầm và tuyệt hảo của khiếu nhạc nơi ông. Thực ra, đối với một nhạc sĩ, vấn đề âm thể và hoà âm cũng quan trọng ngang với vấn đề màu sắc đối với một họa sĩ. Mặt khác, trong khi phần đầu của ca khúc, vì phong cách của giai điệu, phảng phất giống lối bel canto của thế kỷ 19 bên Ý Ðại Lợi -- chắc chắn Bellini, Rossini và Verdi phải yêu đơn điệu gợi hứng này, nhưng chỉ Phạm Duy, tuy vậy, mới có thể đem vào đơn điệu đó một sắc thái độc đáo và lưu luyến như thế -- thì phần nhì lại có một không khí lâm ly và kích thích hơn. Bởi vì bây giờ cuộc chiến đã khởi sự giữa Thủy Tinh và Sơn Tinh, sự kiện được minh họa bằng một nhạc đề mới, có vóc dáng mạnh mẽ và nóng nẩy, nhạc đề đưa sự kích thích lướt nhanh trên một loạt âm thể nối tiếp cho đến một giai đoạn nghỉ ngơi ở cung Do thăng trưởng phong phú và cực kỳ hiếm hoi. Một nhạc sĩ kém tài hơn Phạm Duy có thể sẽ diễn dịch đoạn thơ này bằng một khúc nhạc ''mô tả'' với lối đẹp dễ dãi và kém giá trị nghệ thuật. Phạm Duy thì không. Dụng ý mô tả vẫn có đấy, nhưng nó là thứ yếu, chính âm nhạc, chính sự cần thiết sáng tạo nghệ phẩm đã thắng và luôn luôn thắng.
Nhưng rồi từ ''Do thăng trưởng'', chúng ta chuyển qua những âm giai đông hoà ''Si giảm thứ'' và ''Ré giảm trưởng'' để nói đến sự bại trận của Thủy Tinh. Ðoạn này liên kết với hai nhạc đề trước của ca khúc, nhưng do việc sử dụng nhiều âm thể có nhiều dấu giảm (bemol) cho nên ở đây, giai điệu mang vẻ đài các và phong phú hơn. Sau đó, giai điệu như hướng về một kết cục êm à bằng giọng ''Si giảm trưởng'', nhưng bất ngờ hợp âm cuối cùng lại sẽ là một hợp âm ''Ré trưởng'', mây hồng lững lờ trong lặng lẽ... Ðó là câu kết của Ðạo Ca Bẩy, tác phẩm chỉ có Ðạo Ca Ba mới sánh kịp về vẻ đẹp và về sức mạnh của những ý nhạc.
Ðạo Ca Tám sẽ nói với chúng ta về tiếng chuông chùa -- trong Phật giáo Việt Nam -- đã từng thức tỉnh con người trong kiếp sống rất cô đơn và bát ngát. Ca khúc sẽ gợi kỷ niệm của vị đại thiền sư Vạn Hạnh xuống núi theo tiếng đại hồng chung, nắm tất cả mùa đông trong lòng tay, gậy thiền chống xuống thời gian và không gian, vô ngại, cứu vớt nước Việt Nam và cứu cả nhân loại. Giai điệu của ca khúc, lần này, sẽ là giai điệu ngũ cung, thanh bình và sắc nét từ đầu đến cuối, như muốn phác họa chân dung vị sư già lững thững. Về điểm hoà âm, tiếng chuông chùa sẽ được gợi nên bằng những hợp âm có nhiều nốt phụ suốt dọc ca khúc. Không một hợp âm toàn bài nào được sử dụng âm thể của toàn bài, một lần nữa, sẽ rất giả định. Tuy nhiên, về hiệu quả âm thanh thì đó là một nhạc bản huy hoàng. những âm hưởng trong suốt tuyệt vời và lạ lùng, những hôi chuông nhẹ nhàng và như là thoát tục... Debussy và Ravel có thể sẽ yêu một tác phẩm như vậy, nhưng tuy thế chỉ Phạm Duy mới có thể viết như lối viết này mà thôi.
Ðạo Ca Chín sẽ đưa ta đến một thái độ cung kính và yêu thương đối với tất cả những vật chung quanh, bởi vì tất cả đều thiêng liêng bởi vì nấc thang giá trị giữa mọi vật chỉ do con người đặt ra. Chắp tay như một đóa hoa, quỳ lạy cuộc đời, lạy tất cả chẳng trừ vật nào. Theo sát lời thơ, giai điệu tiến tới từ đầu đến cuối bằng những đoạn ngắn với nhịp điệu thay đối. giọng ''Do thứ'' khiến cho giai điệu một tính chất trang trọng, nhưng một hoà điệu khá linh động, như bấy nhiều nụ cười, sẽ soi sáng bước đi của nhạc phẩm.
Ca khúc trở về thiên nhiên, gia đình, xã hội và siêu nhiên, ca khúc gợi thế quân bình của người Việt giữa cảm súc, trí thức và hành động : đó sẽ là Ðạo Ca Mười. Nhưng ngoài việc tô đậm cái tinh túy của triết lý Việt Nam phát xuất từ ba tôn giáo Phật, Khổng, và Lão, Phạm Thiên Thư và Phạm Duy còn muốn nói rằng sự hồi sinh của tạo vật còn là sự thức tỉnh mạnh mẽ của tâm hồn của chúng ta. Về mặt âm nhạc, giờ đây chúng ta lại trở về giọng ''Sol trưởng'' ổn định hơn và xác quyết hơn, mặc dù chuyển cung rất nhiều lần sang các giọng gần khác. Giai điệu vui tươi, với một nét nhạc đi nhanh như thể một đám rước làng linh hoạt và nhịp nhàng. Phạm Duy đem mùa xuân trở về cõi lòng chúng ta.
Tôi yêu những chân lý mà Phạm Thiên Thư và Phạm Duy vừa phát hiện. Ðối riêng tôi, những chân lý đó hoà đồng dễ dàng với những chân lý nghệ sĩ của tôi, cũng như thêm thắt vào những chân lý trong tuổi thơ ấu của tôi, chân lý của người Tây phương Thiên Chúa giáo. Chân lý là ánh sáng. Bởi vậy tôi nói rằng mười bài đạo ca này là một cuộc hành trình tiến về ánh sáng. Nhưng cuộc hành trình chẳng dễ dàng gì, nó phải đi qua đau khổ và lo âu.
'' Chúng ta, những sinh vật hữu hạn mang tinh thần vô hạn, chúng ta chỉ sinh ra cho nỗi khổ hay niềm vui, và ta có thể nói rằng những kẻ siều việt chụp lấy niềm vui qua đau khổ ''. Ðó là lời của Beethoven, một người đã từng biết khổ đau trong thể chất cũng như tinh thần. Và đối với đa số người Việt Nam, sự ''đau khổ'' không phải là một chữ vô nghĩa. Nhưng Phạm Thiên Thư và Phạm Duy đã bất chấp tất cả để đón mời chúng ta lên đường về niềm vui qua nhạc tuyển này. Chúng ta có thể là những con người sáng suốt lên đường đi gặp một thứ ánh sáng khác là chân lý. Mỗi người trong chúng ta đều được kêu gọi vượt thoát khỏi cuộc đời vật chất này để đạt tới một thế giới vô sắc, đạt tới nguồn gốc của ánh sáng. Bởi vì chỉ có những cái gì không thể nhìn thấy mới thực là đẹp vậy.
Montréal, Avril 71
Georges Etienne Gauthier
Võ Phiến dịch
(Tạp chí Bách Khoa 1970-1972)