PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Bài 15 - Con Ðường Cái Quan

Một Người Gia-Nã-Ðại và Nghệ Thuật của Phạm Duy - Bài 15 - Con Ðường Cái Quan
(nguyên bản tiếng Pháp - Võ Phiến dịch)

'' Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại cho em đây than đôi lời.
Ði đâu vội mấy anh ơi ?... ''




Mấy câu ấy đi đôi với một khúc điệu giản đơn, hơi uyển chuyển, khá gần với giọng thường của mỗi tiếng nói, tuy vậy vẫn là một khúc điệu có thoáng một chút gì khác lạ, một chút sinh động của cái sinh khí rất điển hình nơi nhạc sĩ của chúng ta. Ðó, Con Ðường Cái Quan, nhạc phẩm đầu tiên trong ba thiên Trường Ca của Phạm Duy bắt đầu như thế. Một công trình rực rỡ về thi ca và âm nhạc, một công trình độc đáo nhất và tạo bạo nhất mà một nghệ sĩ Việt Nam có thể quan niệm được đã bắt đầu như thế. Nhưng mặt khác, mục đích của đoạn khởi đầu theo thể hát ví ấy là làm một cái giàn phóng cho đoạn Tôi Ði Từ Ải Nam Quan.


Căn cứ theo nét nhạc, thì hành khúc này khác hẳn với những hành khúc mà Phạm Duy đã viết ra trong những năm 40. Thực ra, vào khoảng những năm 40, hành khúc này dễ thành ra khúc điệu mới mẻ nhất, tạo bạo nhất của nhạc sĩ từ trước đến giờ. Vâng, Tôi Ði Từ Ải Nam Quan là một khúc nhạc thật đẹp ! Phạm Duy đã chinh phục vũ trụ âm nhạc của ông bằng những nhịp ngắn cụt, những quãng 5, quãng 8 nhẩy bực, những chuyển cung đột ngột. Ở đây dĩ nhiên phải nói đến sự hùng khí, nhưng cũng phải nói thêm rằng Tôi Ði Từ Ải Nam Quan đưa ra cái giọng chung cho toàn thể trường ca, bởi vì hùng khí ấy không phải chỉ thấm nhuần phần đầu tức đoạn Từ Miền Bắc mà thôi, nó còn bao trùm cả hai phần khác là Qua Miền Trung và Vào Miền Nam nữa, điều ấy còn giải thích lý do tại sao nhiều khúc điệu trong thiên trường ca có tính cách khí nhạc hơn là thanh nhạc.

Sau đoạn khơi dậy đầy phấn khởi về buổi ban sơ của đất nước Việt Nam, bài Ðồng Ðăng Có Phố Kỳ Lừa -- câu phong dao mà Phạm Duy đã biến cải ít nhiều -- gợi lại một cách vắn tắt câu chuyện huyền thoại về nàng Tô Thị và nối đoạn hành khúc trước với đoạn hát lượn Người Về Miền Suôi. Trái với sự phấn khích vừa rồi, Người Về Miền Suôi là một khúc điệu bình lặng, khoan thai và đĩnh đạc, phong độ khá cổ điển, một khúc điệu đặc sắc và rất quyến rũ. Nhân tiện cũng nên ghi nhận những đoạn chuyển cung rất đẹp đẽ ở khoản các câu ''đường về miền xuôi biết bao đò bao quán mới -- đường dài mà vui hỡi người bạn đường nặng vai'', nhạc từ cung ''do trưởng'' chuyển sang ''mi trưởng'', sang ''si thứ, sang ''mi trưởng'', rồi rốt cuộc lại đưa chúng ta trở về với cung ''la thứ của lúc đầu.

Bài tình ca Này Người Ơi thì quả là rặt giọng Phạm Duy trong lúc cao hứng nhất và quả là khúc điệu thuần túy nhất của cả đoạn đầu trong bản trường ca. Ðoạn khúc gần như quá ngắn ngủi ấy, thật là sảng khoái, thật là nồng nàn ! Khúc điệu chảy qua âm thể trong trèo của cung ''La trưởng'' một cách thoải mái và lôi cuốn chúng ta vào đoạn Tôi Ði Từ Lúc Trăng Tơ. Ðoạn này lập lại một cách hợp lý, khúc điệu Tôi Ði Từ Ải Nam Quan với những lời ca mới.

Hình ảnh Thăng Long vừa phai tàn thì chúng ta bắt đầu vào phần thứ hai của tác phẩm : Qua Miền Trung. Vài nhịp ca theo điệu hát lý Ai Ði Trong Gió Trong Sương đưa chúng ta vào bài hát ru Ai Vô Xứ Huế Thì Vô. Ðiệu hát đơn âm khó khăn này cũng giống như các điệu ru địa phương khác của Việt nam, nhưng dù sao nét nhạc ở đây vẫn có một tinh tế riêng biệt của Phạm Duy. Chúng ta gặp một nét phóng túng nho nhỏ về tiết tấu : khúc điệu vốn theo nhịp 4/4, nhưng vào giữa bài có hai phách đột ngột chuyển sang nhịp 5/4. Nhịp 5/4 hạn hữu ấy đã được đưa vào đây bởi sự mở rộng chút ít của nét nhạc. một nhạc sĩ khác kém cỏi hơn, chắc chắn sẽ không thể có lối thay đổi tiết tấu gần như nhỏ nhặt ấy, nhưng Phạm Duy thì không bỏ qua một chi tiết nào, và các bản liên hợp phổ của ông, như tôi đã có lần nói đến, nổi bật lên vì lối viết kỹ càng chính xác.

Tôi cũng ghi nhận điệu này là âm hưởng của điệu Ai Vô Xứ Huế Thì Vô nghe quen thuộc với lỗ tai người Việt nam, nhưng đối với lỗ tai của người Tây phương thì nó lại có một vẻ quyến rũ đặc biệt mới lạ và mê hoặc. Phải có thiên tài của Phạm Duy mới có thể biến một điệu dân ca tầm thường như điệu hò giã gạo thành ra một điệu phi ngựa bằng âm thanh huy hoàng như bài Ai Ði trên Dặm Ðường Trường. Từ phách đầu đến phách cuối, khúc điệu tinh xác và khó khăn này đã biểu lộ một sinh lực mạnh mẽ phi thường mà vẫn luôn luôn được kiếm soát chu đáo. Hơn nữa tính cách cực kỳ hợp lý thấm nhuần suốt con đường chuyển đạo của khúc điệu này, chính là tính cách điển hình của nhạc Phạm Duy.

Còn bài Nước Non Ngàn Dặm Ra Ði thì sao ? Còn điều gì đáng nói thêm nữa về bản nhạc tuyệt đẹp ấy ? Quả thực tất cả bản trường ca từ đầu đến đây dường như nhắm đưa chúng ta đến chỗ tuyệt đỉnh của khúc hát trữ tình này. Tôi khoái khúc điệu ''ngàn vạn dặm'' này, với một nhạc điệu thật dài, lặng và thấm thía mãi nỗi buồn nhớ não lòng, thể hiện một cách thanh nhã từ giọng kim cao vụt cho đến giọng thổ thẳm sâu, qua nhiều đợt âm ba lớn bé tiếp nhau. Tôi cũng khoái đoạn giữa uyển chuyển -- bắt đầu từ câu ''nhưng ánh tháp vàng cây quế giữa rừng''... đoạn này chuẩn bị một cách vững vàng, chính xác cho sự trở về nhạc đề tình ca nguyên thủy. Nước Non Ngàn Dặm Ra Ði không phải là khúc điệu đẹp đẽ duy nhất và vượt xa các khúc điệu khác cùng tác giả, tuy nhiên trong vũ trụ âm thanh của Phạm Duy, khúc điệu này chắc chắn phải chiếm một trong những vị trí hàng đầu, nhờ lối cấu trí toàn hảo và những cảm súc mạnh mẽ của nó.

Trong khi âm vang của tiếng hát Huyền Trân công Chúa vừa tắt, thì khúc Gió Ðưa Cánh Trúc La Ðà -- một điệu hò trên sông vi vút và thoang thoảng không khí của bản tình ca trước đây -- cất lên để chuyển sang bài Tôi Xa Quê Nghèo Ruộng Nghèo, bài này lập lại điệu hò giã gạo vừa rồi với những lời ca đầy hình ảnh, và kết thúc phần thứ nhì của tác phẩm.

Bây giờ chúng ta đến phần thứ ba của bài trường ca, tức phần Vào Miền Nam. Ðoạn Hỡi Anh Ði Ðường Vắng Ðường Xa ngắn ngủi đưa chúng ta vào hành khúc Nhờ Gió Ðưa Về, một loại khúc điệu khổng lồ. Cơn gió lớn ấy bắt trớn từ một ''quãng năm nhẩy bực'', rồi cách đó xa hơn một tí lại bắt trớn lần nữa bằng một ''quãng sáu thứ''. Những cái trớn ấy phóng ra một khúc điệu khí lực thật mạnh mẽ, một khúc điệu cốt cách cổ điển nhưng vẫn mang một tính chất Ðông phương khá rõ rệt. Vào giữa bài, ''quãng sáu thứ'' vừa rồi lại chuyển sang một ''quãng sáu trưởng'' nồng nhiệt, còn điệu ''la thứ'' ở đoạn đầu lại chuyển thành ''la trưởng'' trong sáng, thế rồi khúc điệu mang tính cách giao hưởng ấy được kết thúc một cách huy hoàng và thắng lợi.

Ðoạn Ði Ðâu Cho Thiếp Theo Cùng là một khúc điệu kỳ cục và tinh tế, hơn nữa lại có phần khó trình bày, đem lại một sự tương phản -- dĩ nhiên cả lời lẫn nhạc vẫn hoàn toàn hợp nhau. Ðoạn hò lơ tiếp theo đó -- Ðèn Cao Châu Ðốc Gió Ðộc Gò Công -- không có gì đáng nói nhiều. Tuy vậy, tôi cũng xin ghi nhận rằng cái phần do Phạm Duy soạn (từ câu : đèn nào cao bằng đèn Châu Ðốc v.v...) hoàn toàn hợp với phần còn lại của tác phẩm, và làm cho khúc dân ca giản dị, rất điển hình của Miền Nam Việt nam được phong phú hơn nhiều.

Tôi yêu sự nồng nàn và nét nhục cảm ngụ trong đoạn âu ca Cửu Long Giang. Tôi yêu điệp khúc đẹp một cách tao nhã ấy, khúc điệu giống như giòng sông Cửu Long uốn khúc với một vẻ duyên dáng và thoải mái vô cùng... Lại một tuyệt đỉnh nữa của nhạc trữ tình Phạm Duy. Rồi thì đến Về Miền Nam, bản hành khúc của những hành khúc, kiêu dũng và sung mãn, nó lôi cuốn ta không cách nào cưỡng nổi. Về Miền Nam, vào cuối những năm 50, chắc chắn là cái tuyệt đỉnh của một loại hành khúc nơi Phạm Duy. Những bản hành khúc mà ông sáng tác sau này vào những năm 60 -- Tôi đặc biệt nghĩ đến các bài Mẹ Trong Lòng Người Ði, Thênh Thang Thuyền VềKhi Tôi Về -- không phải kém thua, nhưng chúng mang những tính chất khác.

Sau khi đã đưa hành khúc -- và dân ca -- đến một mức toàn hảo nào đó, lẽ tự nhiên Phạm Duy tìm cách chuyển biến, đổi mới hình thức nội dung của hai loại nhạc ấy. Giã Ơn Cái Cối Cái Chày như một khúc điệu nhỏ xinh xắn, đậu vắt vẻo trên ngọn ''La trưởng'' mà đong đưa; điệu hò ru hồn nhiên ấy đưa niềm hoan lạc Về Miền Nam trở lại với chúng ta, nhưng lần này với những lời ca khác mới. Nhiều đoạn nhạc trước đây viết theo một kỹ thuật khá khó khăn và diệu xảo, còn đoạn cuối cùng của bản trường ca, tức đoạn kết Ðường Ði Ðã Tới do sự cố ý của tác giả, lại hết sức giản dị. Vào những phách sau chót, một đoạn kết ngắn lại vắt vẻo lần nữa trên chót đỉnh của cung ''La trưởng'', kết thúc một cách mạnh mẽ và khinh khoái tác phẩm đầu trong ba thiên trường ca của Phạm Duy.

Trong phần thứ ba của tác phẩm, soạn giả có cố ý đưa vào đôi đoạn, một vài âm hưởng đặc biệt của nhạc Tây phương. Dù thế, phần Vào Miền Nam cũng không kém Từ Miền BắcQua Miền Trung. Trái lại, sự pha lẫn những âm hưởng Tây phương vào những âm hưởng riêng biệt của Việt Nam đã làm cho bản trường ca thêm phong phú và do đó cũng khiến cho nó có tính cách phổ quát hơn. Và lại thái độ ấy rất hợp với quan niệm nghệ thuật của Phạm Duy từ những năm 40 đến nay. Hơn nữa trong bản trường ca thứ hai cũng như trong nhiều tác phẩm khác ra đời trong những năm 60 và 70, nhạc sĩ tiếp tục pha lẫn âm hưởng Ðông phương với Tây phương, với một kỹ thuật càng ngày càng vững chắc và tinh vi. Nhưng tôi đã nói về điểm này trong những trang trước đây rồi.

 
Montréal, 2-1972

Georges Etienne Gauthier
Võ Phiến dịch
(Tạp chí Bách Khoa 1970-1972)