Vài cảm nghĩ khi xem xong Blu-ray “100 Năm Phạm Duy”
- Details
- Written by Hiệp Dương (aka Học Trò)
- Hits: 1596
Đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 102 của nhạc sĩ Phạm Duy, tôi đặt trước và mua được Đĩa Blu-ray “100 Năm Phạm Duy” do gia đình Phạm Duy tự sản xuất và phát hành. Những thông tin chính thức về đĩa này đã được ghi nhận đầy đủ trên trang phamduy.com, vì thế tôi sẽ không nhắc lại. Một disclosure nho nhỏ, tôi và một người anh quen trên liên mạng và một số thân hữu đã ngồi xuống năm 2013 và tính đến chuyện làm phamduy.com bản mới. Tuy vậy, từ một năm sau, tôi không còn phụ giúp được gì nhiều cho anh trong việc upload và sửa chữa bài vở, chỉ đôi lần nhờ anh đăng một vài bài tiểu luận về nhạc thuật Phạm Duy mà thôi. Tôi cũng không liên lạc với ai trong gia đình Phạm Duy từ đó, ngoài chuyện lâu lâu gửi anh Duy Cường bài viết để xin anh ý kiến và xin phép đăng những ảnh cắt từ bài nhạc để minh họa tiểu luận. Vì thế, những cảm nghĩ sau đây là chủ quan của riêng tôi, cùng những ước muốn được thấy nhiều tài liệu cũ hồi sinh trong tương lai.
Blu-ray quả đúng là do gia đình thực hiện, từ hòa âm, ca sĩ, thâu âm, thu hình, post-production, và giám đốc sản xuất đều là do dâu rể và các con ruột của gia đình Phạm Duy. Thật đáng nể phục khi thấy trong danh sách là chị Thái Thảo phụ trách phần âm thanh, chị Thiên Phượng là đạo diễn, soạn bài chung với chị Thái Thảo, và cũng là người làm editing và post-production nữa. Ngoài ra, anh Tuấn Ngọc rất chuyên nghiệp với hai bài do anh tự arrangement làm tại studio của anh, đem lại một làn gió mát với lối hòa âm jazzy, nhẹ nhàng. Anh có nhiều tài quá! Trong đĩa có một liên khúc với tiếng hát mới của cô gái út Thái Hạnh, cô cũng đẹp và hát không thua gì các chị của cô, tôi thực sự mong cô sẽ góp mặt nhiều hơn trong các projects tới.
Những trailers từ 1 đến 7 cùng trailer cuối (xem link ở cuối bài) đã cho người muốn tìm mua một khái niệm về nội dung của đĩa, và quả thật khi xem xong, tôi đã không thất vọng chút nào. Những liên khúc các cô chọn rất thích hợp, lối trình bày chuyên nghiệp và quyến rũ. Có đơn ca nam, đơn ca nữ, song ca, tam ca, tứ ca, có MTV bonus “Một cành củi khô”, là Tâm ca 6, mà tuy tự hào là một Phạm Duy fan, tôi thú thật là chưa nghe bài này lần nào hết. Cũng dễ hiểu thôi, Phạm Duy có cả “Ngàn Lời Ca”, làm sao nghe và biết hết được?
Blu-ray quả thật là một survey về những ý nghĩ của các con nhạc sĩ Phạm Duy về người cha của mình. Đĩa được sắp đặt để những phỏng vấn về từng bài nhạc cũng quan trọng và tạo thích thú nơi người xem không kém bài nhạc. Track 1 là giới thiệu chung vai trò của từng người, lý do tại sao đĩa ra mắt năm 2023 thay vì 2021 (mà COVID là thủ phạm.) Rồi từ track 2 tới 16 là xen kẽ giữa những giới thiệu liên khúc hay nhạc phẩm và video nhạc. Có hai track là một track riêng với hỏi-đáp Duy Cường và bonus “Một cành củi khô” như đã nhắc ở trên.
Trở về blu-ray, riêng tôi còn là một catch-up với những hoạt động âm nhạc của các anh chị trong Gia Đình Phạm Duy mà tôi hơi lơ là theo dõi từ 10 năm nay. Tôi được nghe những sáng tác hòa âm mới nhất của anh Duy Cường, vẫn điêu luyện và “phù thủy” như xưa, khi tôi mới nghe lần đầu CD “Cõi Tình” của ca sĩ Khánh Hà năm 1990. Anh Tuấn Ngọc vẫn với lối hát điêu luyện, tự sự, đầy một trời băn khoăn, trải nghiệm riêng tư trong bài “Tạ ơn đời”, xen lẫn những ngạc nhiên, thích thú với lối hòa âm của anh. Mong anh có thêm những sáng tác mới trong tương lai. Vâng, tôi cũng có một “aha” nho nhỏ khi thấy anh Tuấn Ngọc vẫn còn trẻ lắm, tinh nghịch, và nhất là tài hoa lắm!
Chị Thiên Phượng nữa, là fan của chị từ ngày biết chị qua những CD do anh Cường hòa âm, nhất là CD “Trở về mái nhà xưa”, hay những bài nhạc tình Trịnh Công Sơn và Lê Uyên Phương trong đĩa “Đá Xanh”, tôi muốn được biết những hoạt động âm nhạc gần đây của chị. Thì đây, tôi đã có câu trả lời, chị là một người tổ chức giỏi, sẵn sàng làm những projects về nhạc Phạm Duy. Rất mong chị, chị Thái Thảo, anh Duy Đức và các anh chị khác sẽ làm nhiều những projects lý thú như vậy trong tương lai gần. Có lẽ cứ vài ba năm các anh chị lại cho ra một Blu-ray chăng?
Riêng câu hỏi cuối trong track “Hỏi Đáp với anh Duy Cường” và câu trả lời của anh đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều về tương lai của dòng nhạc Phạm Duy mà gia đình có thể đóng góp tích cực vào việc giữ gìn di sản của Ông - cho không những người Việt quốc nội, tha hương và những thế hệ tiếp theo, mà còn cho cả nhân loại nữa. Đồng ý với một ý kiến của một ngòi bút trên Số Đặc Biệt Chuyên Đề Phạm Duy tháng 1 năm 2023 (xem link ở cuối bài), nếu soạn nhạc gia Bob Dylan được giải thưởng Nobel về văn chương chỉ với những ca từ của ông, thì nhạc sĩ Phạm Duy cũng xứng đáng được trao posthumously một giải thưởng như vậy, với những cống hiến về “Ngàn Lời Ca” và “Ngàn Lời Ca Khác” của ông, rồi Bốn tập Hồi Ký, và những biên khảo giá trị khác, mà tầm cỡ của chúng không còn là của riêng Việt Nam nữa, mà đã là tài sản chung của nhân loại.
Ngoài những cố gắng mà trang web phamduy.com đã chia xẻ với bạn đọc liên mạng từ hơn mười năm qua, tôi mạo muội thấy những văn bản sau đây cần được Gia Đình Phạm Duy cho tái bản dưới dạng “printing on demand” (in theo nhu cầu) của trang mua bán trên Amazon, để những ai có nhu cầu tìm hiểu về nhạc và văn chương của nhạc sĩ Phạm Duy có cơ hội được mua bản gốc:
• 9 tập nhạc đã xuất bản từ những năm 1990, cho vào thành 3 quyển, mỗi quyển 3 tập nhạc, tức là 90 bài nhạc mỗi tập. Tôi may mắn mua được cả bộ ở một nhà sách tại Cali, nay đã đóng cửa.
• Một hay hai quyển nữa, dành tiêng cho các tác phẩm không có trong 9 tập trên, như các Trường Ca Con Đường Cái Quan, Mẹ Việt Nam, Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, Minh Họa Kiều, Hương Ca, Nhạc Ngoại Lời Việt, các bài hát cuối cùng, như bài “Chiếc Bông Tai”.
• Ngàn Lời Ca – Phạm Duy Cường Productions
• Ngàn Lời Ca Khác (ca từ của các bài nhạc ngoại lời Việt) – Phạm Duy Cường Productions
• Đường Về Dân Ca (biên tập lại và lược bỏ những phần không liên quan), v.v.
• Hồi Ký 1, 2, và 3, xuất bản từ những năm cuối 1980, nay đã tuyệt bản. Nếu có thể, in luôn cuốn số 4, hiện nay chỉ có e-book trên net thôi,
• Liên lạc với Giáo Sư Eric Henry, đề nghị và phụ giúp ông in thành sách những bộ Hồi Ký này. Tôi đã được nhạc sĩ Phạm Duy cho xem khoảng năm 2005-2006 cả Hồi Ký 1 bằng Anh Ngữ, văn dịch quá sức hay. Con cháu chúng ta cần được xem những quyển sách này.
Ngoài ra, các quyển sách khảo luận về nhạc Phạm Duy khác đã hoặc chưa xuất bản từ các tác giả khác nhau cũng cần được xuất bản hay “printing on demand”, như của các ông Trần Văn Ân, Phạm Văn Kỳ Thanh, Tạp chí Văn số chuyên đề Phạm Duy, v.v.
Riêng tôi, một ưu tiên hàng đầu là viết một bài phân tích bài nhạc “Chiếc Bông Tai”. Bài này căn bản là thơ lục bát, xen kẽ một đoạn có những câu 5 chữ. Tôi thấy tất cả các kỹ thuật phổ thơ thành nhạc đã gói trọn trong bài này, từ chủ âm tây phương, tới cách dùng các điệu thức, tới cách ngắt, lặp lại, thêm chữ, v.v., làm tôi “hạ quyết tâm” phải viết xuống hết những gì tôi tìm hiểu.
Chúc bạn nhiều sức khỏe, và hẹn bạn kỳ tản mạn tới.
Hiệp Dương (aka Học Trò)
Ananheim, California 10/8/2023
Tài liệu tham khảo:
• Trang nhà Phạm Duy: https://phamduy.com/vi/
• Trailer cuối: https://www.youtube.com/watch?v=BF-KTll7qTE
• Tạp Chí Văn Học (Số 21 tháng 10 năm 1987) https://issuu.com/nvthuvien/docs/tapchivanhoc_021?mode=window&viewMode=doublePage
• Báo Sài Gòn Nhỏ - Chuyên Đề Phạm Duy (1/2023)
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/Chuyen-de-4-Pham-Duy.pdf
• Học Trò: Những nhận định về nhạc Việt Nam và Âu Mỹ:
https://t-van.net/hoc-tro-nhung-nhan-dinh-ve-nhac-viet-nam-va-au-my/
Hình ảnh phụ:
Hình chụp CD gồm tất cả các bài nhạc tờ nhạc sĩ Phạm Duy tặng tôi, làm tài liệu để tìm hiểu nhạc Phạm Duy.