Một lần đón Phạm Duy cách nay 15 năm
- Details
- Written by Nguyễn Thị Ngọc Hải
- Hits: 4444
Lúc đó còn chưa ai biết ông có được công khai với “Ngày trở về” trình diễn ở hai thành phố lớn nhất – Hà Nội và TP Hồ Chí Minh – như sau này đã diễn ra, với sự hưởng ứng và “phò tá” mạnh dạn của Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế và Công Ty Phương Nam, có cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến dự.
Việc đón ông hôm đó ở Sài Gòn là theo gợi ý của GS Hoàng Ngọc Hiến ở Hà Nội, tổ chức như buổi họp mặt bạn bè tại một biệt thự ở Thủ Đức. Đó là nhà của ông bà Trần Văn Kim - họ hàng của Bác sỹ Bùi Lâm, một người bạn. Và chỉ mời một số ít, khoảng gần 20 người, cuộc trò chuyện thân tình tiếp khách mang ý nghĩa gia đình.
Phạm Duy lúc ấy mới mổ tim xong, nhưng nhìn ông khá khỏe mạnh với mái tóc quăn óng ánh bạc, áo sơ mi màu jean xanh, ra bắt tay từng người. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp nhạc sỹ, còn các bạn bè ông thì gặp lại sau không biết bao năm cách xa.
Ông nói vui trong sự cảm động và trân trọng:
“Tôi được bạn báo rằng hôm nay anh sẽ được gặp những người “có chữ” cổ kim Đông Tây nhưng hiểu tất cả những gì của cuộc sống - giới mang Phạm Duy trong tim mấy chục năm. Ai muốn nói gì thì nói, đầu” những người có chữ” này còn nhớ Phạm Duy. Kìa anh Ngô Văn Quỹ- Bác sỹ lão thành. Anh Cao xuân Hạo tuy chưa nhiều tuổi nhưng trông giống cụ Cao Xuân Huy xưa....””
Mọi người hỏi thăm sức khỏe sau mổ, Phạm Duy cảm ơn và tâm sự vui vẻ:
“Tôi bói khá hay. Năm 1988 khi có phong trào Glasnot ở Liên xô, tôi nghĩ nhiều vấn đề đã được giải quyết rồi, tôi làm bài hát cho tương lai, cho năm 2000 “Người tình già trên đầu non”, hóa sinh thành người trẻ. Đến năm nay tim tôi sau mổ đã trở thành tim người ở tuổi 40. Bảy ống huyết quản thay hết. Tôi về lần này là một thử thách con tim. Cũng khá mệt. Không ngày nào anh em không rủ đi.”
Nhạc sỹ Nguyễn văn Tý: Anh cứ coi sự mệt ấy như “nhạc nhẹ” thôi nhỉ.
Phạm Duy cười: “Vâng. Tôi tìm về tận nơi gốc tích nhà mình (quê ông làng Phượng Dự, huyện Yên Xuyên, tỉnh Hà Tây). Các gia đình họ làm gia phả. Có một người làm Thế phả, từ đời thứ nhất cách 200 năm đến đời tôi thứ 15. Hóa ra tôi còn là trưởng tộc. Về làng vẫn còn bia từ thời Cảnh Hưng, tôi chụp hình hết. 50 năm về lại gốc làng mình. Họ Phạm lớn lắm. Về làng thích lắm. Tìm mộ thì hơi khó, nhưng tìm được tông tích là quan trọng.”
Ông tư lự:
“Tôi nghĩ tất cả người Việt Nam đều muốn về nước. Tôi là con cá hồng ngược sông về suối. Vật lộn lắm.”
Bác sỹ Ngô Văn Quỹ: “Thấy thế nào?”
Phạm Duy:
“Với cá nhân tôi một người xa nước tất nhiên nhiều xúc cảm với con người và cảnh quê. Nhiều lời đồn đại về Việt Nam sai lắm. Tôi nhìn người dân quê, tôi không nhìn người Hà Nội. Con đường xi măng, trẻ con không măc áo rách. Không còn nhà tranh.Tôi từng làm nhiều bài về thợ cày, thợ cấy. Giờ bờ ruộng có Honda. Nhà có Tivi, video....”
Nhạc sỹ Tô Vũ: Bài “Bà mẹ Gio Linh, nghe hát gai cả người.”
Phạm Duy kể chuyện ở Hà Nội, người lãnh đạo đầu tiên ông gặp là nhà thơ Tố Hữu. Ông bảo, với Tố Hữu, ông mang 2 cái ơn. “Một là khi miền Bắc giải phóng, tôi vì hoàn cảnh gia đình phải đi Nam, anh làm bài thơ kêu gọi tôi. Trong bài thơ, có ý là, nếu ai đó hỏi, người nhạc sỹ năm xưa đâu, tác giả không trả lời được. Ơn thứ hai là khi đất nước thống nhất năm 1975, anh Tố Hữu có lệnh đừng “động đến” vài người, trong đó có Phạm Duy..”
“Chúng tôi gặp lại, trò chuyện rất giản dị. Xưa nay, tôi vẫn nhận mình là người hát rong, không nhận là nhạc sỹ. Tôi không bao giờ quan trọng hóa, mà bình thường hóa cuộc đời.”
Ông bảo về quê thích lắm, thích nhất là “Người dân quê vẫn còn mộc mạc như xưa, thế là đủ”.
Một người nào đó nói to: “Anh còn phải về Thiệu Hóa, rừng thông, nơi kháng chiến xưa.”
Nguyễn Văn Tý: “Đúng đấy. Cả nước có 2 nơi tập trung trí thức trong kháng chiến xưa là Thanh Hóa và Việt Bắc.”.
Câu chuyện chuyển dần sang âm nhạc.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý: “Ông Phạm Duy kỳ này mới về chắc chưa mang về nhiều thứ các tác phẩm của anh...?”
Phạm Duy: “Các anh em yêu Phạm Duy có người chỉ biết “Về miền Trung” thôi... Hôm nay có đem đĩa biểu diễn cho quý vị nghe.”
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý: “Anh có nói về âm nhạc đa âm , nhiều hình thức phát triển...”
Phạm Duy: “ Sang Mỹ mới làm được. Phụ thuộc phương tiện. Tôi có phúc là con nó làm cho mình. Duy Cường là nhạc sỹ hòa âm số 1 ở Mỹ. Về lấy mẫu 72 nhạc khí Việt Nam. Tiền đâu thuê người.. Chúng tôi dùng nhạc vi tính. Các anh mà nghe nhạc Việt Nam vào Computer, các anh phải rợn da gà.
Năm 1990 tôi mới bước sang địa hạt của hình thức nhạc đa điệu. Tôi học ở Pháp những năm 54-55 kính phục Mozart và nhạc cổ điển, nhưng lúc đó không áp dụng gì nhiều cho Việt nam.
Tôi ít khoe sự hiểu biết của mình. Nhưng có lúc tôi thuộc cả Opera, thuộc “đã đời” các nhạc sỹ.”
Ai đó hỏi chem: ”Anh dùng concerto?”
̶-- ”Không. Tôi không dùng riêng một hình thức nào. Thí dụ tôi chọn 99 bài thơ Hàn Mặc Tử. Nếu bỏ phần hòa âm không còn giá trị gì cả. Ba phần. Một: Thời kỳ chưa bệnh. Việt Nam chưa ly loạn. Đà Lạt trăng mờ. Sao anh không về thôn Vỹ.... Phần 2: Mắc bệnh hủi. Ba bài diễn tả. Tôi dùng sáo Mèo đã được ghi vào máy, diễn tả đau đớn. Phần 3: Hé ra tươi vui, có lòng tin đạo. Nếu có lòng tin, cứu rỗi... Cái mà tôi đang làm là minh họa Truyện Kiều.”
Ai đó bật lên: “Sao lại “minh họa” ?
-- “Vì Truyện Kiều hay quá rồi. “Cỏ non xanh rợn chân trời” chẳng hạn. Tôi “vẽ” cho các vị nghe phải thấy chân trời cỏ non đó. Minh họa theo nghĩa tốt. Tôi chia 4 phần: Phần đầu gặp Đạm Tiên, gặp số phận của mình. Hai: Gặp gỡ Kim Trọng - Tình yêu 1 đêm không ân ái. Ba: Toàn những bất hạnh, Tú Bà, Sở Khanh. Bốn: Gặp Từ Hải. Gieo mình, không dùng Giác Duyên cứu – Đạo cũng không cứu nổi, mà hỏi: Ai là người cứu nàng Kiều đây?
Tôi đã biểu diễn cho người Mỹ nghe. Có người thông ngôn đứng bên cạnh. May là diễn giải có duyên lắm. Bên đó tác phẩm đánh giá bằng bán được hay không, chứ không phê bình hay không phê bình. Ba ngàn bản bán hết.”
Phạm Duy kể tiếp:
-- “Sau bài Người tình già trên đầu non - tôi viết tiếp “Hẹn em năm 2000”- sẽ có 2 bên cửa hé cho anh trở về. Em ở đây là Việt Nam đấy. Tôi mặc khải, Thinh không bài 1. Võng bài 2. Rồi tiếp Thiền ca số 2. Thiền là tự tìm mình. Anh sẽ tìm thấy anh. Tự về với mình.”
Bắt đầu sang phần “biểu diễn ca nhạc.”
Nhạc sỹ Tô Vũ pha trò:
-- “Chúng tôi là nhạc “cụ” cả rồi. Xin tha cho tuổi già, đừng bắt hát.”
Nhao nhao: Vậy mời Phạm Duy thôi...
Ông hát bài “Võng”.
Thật không ai có thể ngờ có một ngày ở căn nhà này giữa bạn bè, vang lên tiếng hát của chính Phạm Duy:
“Tôi nằm võng, võng đưa đưa... người trần gian lạc thú, thiên cảnh phiêu du...
...niềm vui, nỗi khổ....tôi nằm đó, nằm im mọi chỗ...
Võng đưa ta đi ta vẫn nằm im....”
Ông đột ngột dừng lại nói: Nếu tôi không lầm, ta làm nhạc hành động nhiều rồi. Cần làm nhạc suy tư nhiều hơn....”
Nhớ đến bạn bè, ông nhắc Văn Cao:
-- “Anh em chúng tôi có hôn nhau... bằng thư. Khi tôi về nước có gọi điện chia buồn với gia đình. Rồi mấy người con tướng Nguyễn Sơn đến ngay thăm. Ông Trần Độ có gọi điện.
Ra mộ Văn Cao, tôi rưới cho anh một bình rượu dù xưa tôi hay can: Tao lạy mày, đừng uống rượu nữa.
Anh ấy trong sáng. Chúng tôi thì vướng mắc nhiều lắm, không được như anh ấy đâu. Nếu anh ấy có đời sống điều kiện như tôi thì tài năng cống hiến còn biết bao nhiêu....”
***
Sau cuộc gặp ấy, biết hôm sau ông bay, tôi tìm đến gửi khách sạn nhờ chuyển tặng ông cuốn sách viết về cuộc tìm mộ các liệt sỹ. Tôi đề: “Kính tặng nhạc sỹ Phạm Duy - Để biết thêm một đoạn đời khác của các chàng thợ cày thợ cấy của ông.”
Nguyễn Thị Ngọc Hải
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 24-2-16
Nguồn: http://www.viet-studies.info/NTNgocHai_DonPhamDuy.htm