Khi mưa Ngâu bỗng ngừng ngang đầu...
- Details
- Written by Nguyễn Đăng Khoa
- Hits: 7361
buông theo nước cuồn cuộn mau
Một người chìm sâu
trong khi mưa Ngâu bỗng ngừng ngang đầu..."
(Hẹn hò - Phạm Duy)
Mặc dù luôn có cảm giác thừa thãi những hiếu thắng của tuổi trẻ, đã hai năm qua, tôi vẫn ngần ngại chưa dám nhận lời thách vui của một anh bạn vong niên: "Khi nào đó, em hãy viết về bài Hẹn hò của Phạm Duy nhé!"
Ngày soạn ca khúc Hẹn hò, nhạc sĩ Phạm Duy, ngoài ba mươi tuổi - cái tuổi mà người ta hay gọi là Tam thập, nhi lập. Tức, ngoài ba mươi, đàn ông mới bắt đầu hiểu đời, hiểu mình, mới bắt đầu trưởng thành thật sự.
Trong Hồi ký, ông giãi bày rất ngắn gọn về ca khúc này : "Bài Hẹn Hò được xây dựng trên giai điệu ngũ cung, kể lể một câu chuyện tình thảm thiết, giống như chuyện Ngưu Lang Chức Nữ" .
Tôi đọc, cảm được cái kiêu bạc của một thời trai trẻ đương sống lại trong ông. Có vẻ ông muốn nói, theo một cách không thể giản dị hơn, rằng ừ thì Hẹn hò cũng như những ca khúc khác của ông đấy thôi, ừ thì có thêm một cái hay, hay là bớt đi một cái hay, thì Phạm Duy vẫn là Phạm Duy, một ca nhân, đam mê suốt đời ca hát vô tận vô biên đấy thôi.
"Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu
Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào
Trời thì mưa rơi mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau
Người thì hẹn nhau sang sông mong cho chóng tạnh mùa Ngâu"
Tôi, cách đây hai năm, và cho đến hôm nay, vẫn nguyên vẹn những ngại ngần xưa, trước sự hiểu, sự cảm của mình về Hẹn hò. Tôi soi chiếu tôi, thì vỡ ra lý do là bởi sự cộng hưởng giữa ba yếu tố :
Một là, âm giai ngũ cung vô cùng dân tộc được Phạm Duy sử dụng trong một bài viết về chuyện một tình yêu đôi lứa (mặc dù ở đây, hình ảnh được đưa ra chỉ là một đôi lứa tượng trưng, không cụ thể), thay cho những nhạc điệu có màu sắc Tây Phương, như khá nhiều bài tình mộng khác của ông. Điều này dễ dàng làm lắng đọng, gợi dẫn nhiều suy tư miên man cho người thưởng thức.
Hai là, câu Chuyện tình Ngưu - Chức năm cũ không chỉ được mô phỏng, diễn xuôi mà còn được nhạc sĩ Phạm Duy tái tạo, làm mới, lồng ghép, dung nạp thêm vào đó muôn vàn thanh âm trích xuất từ hàng triệu chuyện tình đôi lứa đời này, đời sau. Ở Hẹn hò, đâu có Thượng Đế bắc cầu, đâu có đàn quạ trọc đầu về xây cầu Ô Thước. Duy chỉ có những hờn trách "Cuộc đời làm cho đôi bên yêu nhau cách một biển sâu", những đợi chờ " Người thì hẹn nhau sang sông mong cho chóng tạnh mùa Ngâu", những hoài mong "Xin sông nước vẫn cho gần nhau" là hiện hữu. Ngoài ra, việc khắc tả dòng tâm xúc của một đôi lứa - tượng trưng - như đã đề cập, sẽ đẩy bài hát đi xa khỏi quỹ đạo của những nhớ nhung, hờn giận, hoài vọng thường thấy và đơn điệu của một tình yêu cụ thể.
Ba là, trong bài này, nhạc sĩ Phạm Duy đã đề cập đến một điều, là "chuyện thiên thu" :
"Hẹn hò gặp nhau thiên thu cho phong phú đời người sau..."
Nghe một bài tình ca đôi lứa, tôi đâu thể chuẩn bị tâm thế để đón nhận những chia ly phiêu dạt đến chốn miên viễn như thế được. Đã như vậy, âm giai ngũ cung còn được nắn gọt rất tinh tế, đẩy xa thêm mức độ tác động của bài hát đến tâm tư người thưởng ngoạn. Như thế thì, thử hỏi, một người rất trẻ như tôi thì làm sao mà không ngơ ngác, không hoài nghi, không e dè trước những câu ca trôi dạt về xứ vĩnh hằng, xứ viễn mơ kia cơ chứ.
Tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó, tôi thấu tận được câu chuyện hèn hò gặp nhau ở thiên thu kia, thì chắc là tôi sẽ can đảm hơn đôi chút, mà viết thật nhiều điều về Hẹn hò, hòng giải được lời thách đố năm nào, của anh bạn vong niên.
Nhưng đó, chắc hẳn không phải là hôm nay, một ngày tháng Bảy Âm lịch, sáu mươi năm sau khi ca khúc ra đời, mà những giọt Ngâu vẫn tha hồ vỡ trên vai của tất thảy tình nhân..
Nguyễn Đăng Khoa
Sài Gòn 10.8.2014