Con đường tình ta đi.
- Details
- Written by Nguyễn Đăng Khoa
- Hits: 8689
Tôi có một thanh niên là Nguyễn Đăng Khoa, 21 tuổi (sinh năm 1987), hiện giờ đang là sinh viên năm cuối ngành Ngân Hàng (Banking)... có thể coi như đại diện cho lớp trẻ ở trong nước, biết và yêu nhạc Phạm Duy.
Anh Khoa cũng làm thơ và có những bài lấy cảm hứng từ nhạc PD, tự mình làm những “bức tranh với lời thơ“ (kiểu Paper Point Show) và vừa gửi cho tôi, kèm một bài viết về vài bài hát.
Ns. Phạm Duy
(2008)
***
Con đường tình ta đi
Lần đến gặp nhạc sĩ Phạm Duy không quên hỏi chuyện “Con đường tình ta đi”, có hỏi ông đại ý rằng với ông thì giọng ca nào đã hát thành công một con đường tình đẹp nhất, thư sinh nhất và tinh khôi nhất cho những đôi lứa “tuổi măng tre”. Ông ngắn gọn một cái tên: Trần Thái Hòa!
Tôi nhìn ông Phạm Duy tóc trắng ngồi díp mắt, nghe nhạc và nhịp chân, chợt nhớ ông ngọai tôi … Không biết có phải ông đang đứng ở đâu đó cuối đường tình không nữa, hay là đang “đi lại từ đầu”, từ một cậu chàng ngập ngừng ngỏ lời yêu vụng về, từ “đôi bàn chân nhỏ bé” trên con phố hắt từng cơn nắng thật nhẹ, nhẹ đến mức làm cho người ta thấy nó có vẻ lưu luyến lắm đôi gót chân người. Trong một bối cảnh khác và một tâm hồn khác, có lúc nắng sẽ rất gay gắt, oi bức và cực kỳ đáng ghét, nhưng đi cùng chuyện tình của chàng thư sinh này, thì ôi chao…Chỉ thấy “nắng vàng tươi đẹp đẽ” mà thôi...Chợt nghĩ về cái nắng ửng cả một màu hồng nhưng lại có lẩn khuất một nét buồn thâm trầm của nhạc Trịnh “Trời ươm nắng, cho mây hồng” hay là “Nắng có hồng bằng đôi môi em”… Đó là nắng trừu tượng, nắng siêu thực, nắng từ cõi tâm, tôi nghĩ nhạc sĩ họ Trịnh chỉ cảm thấy nắng thôi, chứ không sờ vào nắng được. Phải có một sự đồng điệu nhất định, thì người nghe hẳn mới “chấp nhận” rằng “nắng có hồng”. Trong khi đó, ở trên con đường tình này, rõ ràng là nắng rất thực, thực đến mức mỗi lần nghe là dường như mỗi lần ta được dịp bước cùng trên đó, tuyệt vời ông Phạm Duy!
Con đường nào ta đi, với bàn chân nhỏ bé
Con đường chiều thủ đô, con đường bụi mờ
Con đường tuổi măng tre, nắng vàng tươi đẹp đẽ
Bóng người dài trên hè, con đường tình ta đi
Hai cách tiếp cận khác nhau, nhạc tình Trịnh Công Sơn thì buồn lắm, đôi khi băn khoăn và lẫn lộn giữa những câu ca, những hình ảnh ngổn ngang, có phần cô độc và nhiều khi rất tuyệt vọng, mòn mỏi. Ông Trịnh sinh thời đã “ở trọ” trong thế giới này, hay thế giới này “ở trọ” trong tâm hồn ông, một tâm hồn rất nhiều biến động! Nghe nhạc ông, thương ông, có lúc thương luôn cả phận mình!
Nhạc Phạm Duy thì khác hẳn, nghe “Bóng người dài trên hè, con đường tình ta đi” tôi có cảm giác như đang được nhìn một bức vẽ, thật từng hình hài và rất là thoáng đãng! Có nhiều “con đường” được nói đến, nhưng rõ ràng ngừoi nghe chỉ thấy mỗi một “con đường tình” duy nhất. Trong cái riêng, đã có cái chung hiện diện rồi!
Con đường trời mưa êm, chiếc dù che mầu tím
Môi tìm làn môi ngon, nhưng còn thẹn thùng
Con đường về ban trưa, tới nhà hay vào lớp
Con đường của đôi mình, ôi chuyện tình thư sinh.
Thấy trời Sài Gòn đang mưa gió thất thường thế này, nghĩ vui rằng ai mắc mưa ướt sũng, cứ hát “Con đường trời mưa êm, chiếc dù che mầu tím" là hết mệt ngay!
Trong rất nhiều bài hát, có một điều luôn làm tôi rất băn khoăn và luyến tiếc cho ông, là tại sao cứ sau những câu ca tuyệt đẹp và tràn ngập hạnh phúc thì lại là một đọan kết buồn? Có phải là do cái gì quá đẹp thì sẽ trở thành viễn tưởng và ảo mộng cả thôi?
Thế rồi cuộc đời là những cuộc tình chia xa
Đi lạc vào những phía không đường về
Sau này có email cho ông và tìm hiểu một chút tâm sự của ông trong hồi ký thì tôi cũng hiểu ra một chút sự băn khoăn này. Có lẽ trời đã ban cho ông một tài hoa quá lớn, thì tất sẽ lấy đi một điều gì đó, lớn tương đương!
Ai cũng đang đi trên con đường tình của mình, có người vừa chập chững những bước đầu tiên, có người ngồi đâu đó giữa đường nghỉ chân, ngoái nhìn lại một khỏang không phía sau lưng mình … Tôi yêu nhạc Phạm Duy, yêu “Con đường tình ta đi”, nhưng tôi luôn mong một kết cục rất khác, hạnh phúc hơn cho tất cả chuyện tình.
Tôi muốn cảm ơn người bạn đồng hành cùng tôi!
Nguyễn Đăng Khoa