Phạm Duy Và Tôi
- Details
- Written by Ngô Đồng
- Hits: 3459
Tôi không là nhà văn, tôi không là nhà phê bình âm nhạc, cũng chẳng là người biết nhiều về âm nhạc. Tôi chỉ là một thính giả nghe và yêu nhạc Phạm Duy. Từ lúc nào tôi biết nhạc Phạm Duy? Tôi đã nghe tự vào đời, tiếng hát bên vành nôi. Từ khi nào tôi biết thưởng thức nhạc Phạm Duy? Khi tôi chưa lên mười, những bài hát của Phạm Duy đã bao bọc lấy tôi như lớp đường ngoài viên kẹo.
Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê .
Quê hương tôi có con đê dài ngây ngất
Lúc tan chợ chiều xa tắp
Bóng nâu trên đường bước dồn
Lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn!
Bài Tình Hoài Hương in đậm nét trong tôi khi nghe và nhìn cô Thái Thanh hát say sưa trên chiếc tàu đầy dân di cư vào Nam trong phim Chúng tôi muốn sống. Hình ảnh người ca nhân chiếc đàn guitar vác trên vai đi lang thang từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau còn mãi trong tôi, giọng hát của ông cũng không thể quên được trong bài Cây đàn bỏ quên trong phim Kiếp Hoa. Trong phim ấy, bộ đồ tây màu trắng, mái tóc bồng bềnh, giọng hát êm đềm đã làm bao người say mê thổn thức, trong đó có tôi.
Tuổi vừa biết tô hồng đôi má thắm, những bài hát ca tụng tuổi thần tiên của ông dành cho những cô gái bước vào tuổi chanh tuổi cốm vang theo tiếng guốc tôi mang, những lời nhạc của ông vây bủa lấy tôi, mưa, nắng, gió, mây tất cả đều hiện diện trong những nốt nhạc ông tỏ bày. Bao vui tươi, bao hờn dỗi. Rồi tiếp nữa tiếp nữa những bài tình ca hoà vào trong tôi từng phút giây con gái, từng mộng mị yêu thương, từng xót xa nhung nhớ. Bao lần giọt nước mắt Mỵ Nương cũng làm tim tôi thức.
Đêm năm xưa yêu dấu người xa xăm
Nâng chén trong lầu buồn
Thương nhớ nơi ngàn trùng
Lệ sầu tuôn xuống câu hò khoan.
Ôi duyên kia ai đã trả cho ai
Cho chén tan thành lời
Cho mắt rơi lệ rồi
Để thành bài hát ru lòng tôi
Tôi biết tôi yêu nhạc Phạm Duy, vì đến nay người Ca Nhân ấy vẫn làm lòng tôi rung động như xưa qua Minh hoạ Kiều. Từ Minh hoạ Kiều 1 đến Minh hoạ Kiều 2, những làn điệu dân ca được ông chau chuốt làm thăng hoa câu truyện thơ lục bát hơn ba ngàn câu (3254) của cụ Nguyễn Du. Phạm Duy lên đồng trong âm nhạc, hồn xác ông hoà nhập vào hồn nhạc, có lúc tôi sợ ông thoát khỏi xác phàm, bay theo note nhạc vút cao.
Tại sao người ta không vinh danh ông như một quốc bảo, có mấy người được như ông? Ngoài con người trần tục đầy đủ cao ngạo, sân, si, ngón tài hoa của ông ai là người không công nhận? Ai là người đi tiếp con đường ông đã đi, con đường ông trải sẵn bao cánh hoa ân tình cùng âm nhạc, ông tìm tòi những làn điệu mới nhưng không làm mất đi những làn điệu lả lơi mượt mà dân tộc, bài nhạc nào của ông không vấn vương điệu lý giọng hò.
Ông chứng minh điều ấy qua minh hoạ Kiều, một món quà riêng tư ông tặng những người yêu nhạc Phạm Duy như tôi chăng? Có thể không nhiều người biết thưởng thức minh hoạ Kiều vì nó lạ quá, nền nhạc giao hưởng tài tình pha trộn hai loại nhạc khí cổ - kim không làm người nghe cảm nhận được tâm tình của những nhân vật chính – Thúy Kiều – Kim Trọng – Đạm Tiên chăng? Hay người nghe vẫn nhớ và thèm thuồng làn điệu nũng nịu nỉ non trong Ngày xưa Hoàng Thị, trong Gọi em là đóa hoa sầu – Em lễ chùa này.
Với tôi nghe Minh Hoạ Kiều là nghe tiếng lòng của Phạm Duy, nghe người Ca Nhân Phạm Duy thổn thức nỗi niềm riêng của ông. Ai là người cấm Kê Khang Phạm Duy truyền khúc nhạc tuyệt vời như nước chảy Quảng Lăng đến thế hệ sau? Ai là người nhốt tù tài năng của Kê Khang, và ai là người giết dần mòn Kê Khang cùng ngón đàn có một không hai?
Tôi hỏi và không biết trả lời.
Tôi sợ quá ngày nào tôi không còn được nghe nữa nhạc Phạm Duy.
Ngô Đồng
(2003)