Khúc hát thanh xuân
- Details
- Written by Ngọc Dung
- Hits: 7510
8.2.2012
Là tên của một trong 14 - sau là 17 Tình ca bất tử do Nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt. Nhưng ở đây tôi chỉ mượn cái tựa Nhạc sĩ Phạm Duy đã đặt cho khúc nhạc êm ái, ngọt ngào của Johann Strauss - bài When we were young - để nói đến một ca khúc khác cũng trong 14 Tình ca bất tử , một khúc hát thanh xuân mãi trong lòng tôi: bản Serenade của Franz Schubert mà ông đã đặt tựa là Dạ khúc.
Tôi nghe Dạ khúc lần đầu do cô Lệ Thu hát từ một tape của Jo Marcel, ba tôi mua về cho cả nhà nghe bằng cái máy magnetophone Sony đã cũ. Cô bé 15 tuổi thuở ấy, "chưa biết gì" nhưng đã ngẩn ngơ trước một bài hát "lạ lùng" dường ấy. Nhạc cổ điển nhưng không trên nền nhạc.. hoành tráng với dàn nhạc hùng hậu cùng với giọng tenor hay soprano cao vút, trong trẻo của ca sĩ (như hồi ấy tôi hằng đinh ninh!). Ở đây chỉ có tiếng piano rơi từng giọt chậm chậm -nghe mà có thể cảm nhận được màu chiều đang úa trên cành vú sữa sau nhà- rồi thật êm trầm, tha thiết là tiếng hát cô Lệ Thu.
Cái giai điệu cổ điển xa lạ mà trầm tư ấy cứ đong đưa đong đưa, thật chậm, thật buồn và len sâu vào hồn mình, không thể nào dứt ra nổi. Là khi lớn lên, nhiều lần hát lại bài hát , tôi nghiệm ra như vậy chứ hồi đó chỉ biết cắm cúi mở đi mở lại bài hát nhiều lần để nghe và chép lời, tập hát theo.
Một thời gian sau, tập nhạc 14 Tình ca bất tử ra đời.
Thấy cô Lệ Thu có hát mấy chỗ không giống như lời trong bản nhạc:
Vẻ sầu của đóa cười
Hình hài của kiếp mai
Thoáng hương trong chiều rơị..
Ở đoạn hát nhanh trước khi kết thúc, cô hát thay cho hai trường canh chỉ có nhạc không lời :
Nhớ nuôi cho hương một chiều vương vấn đời
Còn như tiếng cười. Buồn mãi mãi rồi
Cuộc tình vĩnh viễn xa vời!
Và vậy là biết được NS Phạm Duy đã soạn lời cho bài hát từ năm 1948.
Ngày ấy và bây giờ, cảm nhận về ca từ của bài hát trong tôi dường như không thay đổi - đầy chất thơ, trẻ trung và sang trọng.
* Chiều buồn nhẹ xuống đời
Người tình tìm đến người
Thấy run run trong chiều phaị..
Vẻ sầu của đóa cười
Tình bền của lứa đôi
Thoáng hương trong chiều rơị..
Chiều nay hát cho xanh câu yêu đời
Cho người thôi khóc thương ai !
Cho niềm yêu đến bên tôi !
Chiều nay lỡ ghé môi trên mi sầu
Ru người qua chốn thương đau
Cho làn nước mắt... chìm sâụ..
** Tình đời tỏa ngát màu
Chiều nay là lúc đầu
Nói cho nhau nghe đời sau
Nhẹ nhàng người đắm sầu
Kể lể chuyện kiếp nao
Có ai chia lìa nhau
Một ngày đó tóc mây đã phai màu
Có chờ ta oán trách đâu ?
Có vì duyên kiếp không lâu !
Ðời sẽ thấy chúng ta sống không cầu
Cho tình cứ úa phai mau
Cho người cứ mãị.. phụ nhau
*** Dù một ngày đời sẽ vỡ tan rồi
Người về khuất chân trời
Nhớ nuôi cho hương một chiều vương vấn đời
...
Cuộc tình vĩnh viễn xa vời
Chỉ còn thương nhớ... mà thôị..
Bóng tối buồn... không... lờị..
Hãy đọc những lời ông viết vể chuyện đặt lời cho Serenade. Một giải bày thật thơ mộng.
Cho tới năm 1949, tôi lập gia đình với Thái Hằng ở Chợ Neo Thanh Hoá và vì Thái Thanh, lúc đó còn bé lắm, thích hát nhạc cổ điển cho nên tôi soạn lời ca cho những bài DẠ KHÚC (Schubert), DÒNG SÔNG XANH (Johann Strauss), TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA (Curtiss) v.v... để cho cả hai chị em hát.
Với bài DẠ KHÚC, tôi biết rằng Schubert đã phổ nhạc một bài thơ Ðức thành ra bản nhạc chiều nổi danh này. Tôi cũng biết rằng bản dạ khúc của nhạc sĩ Ðức Quốc nói thẳng vào cảnh vật và con người. Nhưng với lời Việt, với tình cảm Việt, tôi không dùng ngôn ngữ trực tiếp để nói lên cái sầu của những buổi chiều trong không gian Việt Nam và trong lòng tôi."
Tôi nghe Lệ Thu hát bài này không biết bao nhiêu lần nên thuộc cả cách lấy hơi, ngắt câu rất đúng theo lời hát của cô.
Chiều buồn nhẹ xuống đời. Người tình tìm đến người. Thấy run run trong chiều phai....
Và lời 2
Tình đời tỏa ngát màu. Chiều nay là lúc đầu. Nói cho nhau nghe đời sau...
Gần như Lệ Thu ngắt câu theo từng câu trong lời hát. Vì sau chữ người - đầu trong câu thứ hai có một dấu lặng đơn và chữ Thấy –Nói là một dấu đen chấm nên ngắt ngay dấu chấm câu là rất khó. Nhưng cô hát vậy, và tôi ráng bắt chước!
Clip này không biết thu khi nào, nhưng chắc chắn không phải bản tôi đã nghe Lệ Thu hát năm tôi 15 tuổi.
Sau này nghe cô Thái Thanh hát, cô hát liền 3 câu trên không ngắt ở dấu lặng đơn nên không rõ lời như cô Lệ Thu đã hát. Và có phải vì vậy mà tôi thích nghe Lệ Thu hát hơn chăng????
Nhưng nghe Nana Mouskouri, bà cũng ...bỏ qua cái dấu lặng nhỏ xíu đó.
Bao nhiêu năm, vì không biết đàn và cũng chẳng có người đàn cho, tôi cứ hát một mình, không nhạc đệm, dù chắng phụ ai và bị ai phụ, đơn giản chỉ vì quá thích bài hát ấy. Lớn thêm một hai tuổi tôi mê "Vòng tay học trò" của Cô Nguyễn Thị Hoàng. Một phần thích câu chuyện lãng mạn cô-trò đó, và cũng vì trong truyện có nhắc đến những bài hát. Lại gặp những câu trong Dạ Khúc. Bởi lẽ, ca từ quá đẹp, quá phù hợp cho một chuyện tình không trọn vẹn (nhưng không bi lụy, sầu u.)
Rồi những năm Đại học, một hạnh ngộ! Một bạn tôi đệm guitare bản này và thật cảm ơn và thích thú khi được bạn ấy đệm đàn cho hát. Tôi quên chưa nói trên đây, tôi không biết gì nhiều về nhạc, kiến thức là những gì thầy dạy nhạc truyền cho trong 4 năm Thất Lục Ngũ Tứ! Vì vậy mà một khúc cổ điển với những đoạn nhạc tấu không lời thật gian nan với tôi. Không nhớ T đã đệm cho tôi tone nào, chỉ nhớ hoài câu nói của T mỗi khi tôi vô không đúng nhịp: "chị phải chờ tôi đánh hết cái Mi7 này rồi mới vô" ở đoạn giữa bài hát. (Mà tôi thì ...nghe không ra cái hợp âm Mi7!!!) Sai mãi rồi cũng có ngày hát đúng! Bây giờ thì bạn đã cách một nửa địa cầu rồi, bao giờ mới về lại để đệm đàn cho tôi, dù bây giờ với bản nhạc trên tay, chắc là hát không sai nữa.
Rồi 75, rồi tháng 5 có một cuộc mit tin lớn ở Dinh Độc Lập. Cả trường đi bộ từ trường ở đường Võ Di Nguy, về Viện- đường Trương Minh Giảng, rồi đi tiếp, 3, 4 g sáng là tới. Chúng tôi ngồi la liệt trên đường Công Lý. Trời còn tối mờ mờ, bạn bè dựa lưng vào nhau, sương đêm xuống ướt vai, thật lạnh. Đâu có một cuộc tình chỉ còn lại thương nhớ ở đây, đâu phải không gian đang lạnh trong màu chiều, chỉ có một nỗi buồn nào bỗng dưng xâm chiếm tâm hồn và vô thức cất thành tiếng hát. Tôi nghe được giọng mình khe khẽ, mỏng manh lan nhẹ trong sương sớm, chỉ vừa đủ để chia sẻ cùng nhau.
Chiều buồn nhẹ xuống đời
Người tình tìm đến người
Thấy run run trong chiều phai...
Tất cả, làm sao có thể quên!
Tôi có phải nói lên ở đây không , là xin hết lòng cám ơn NS Phạm Duy vì ông đã đưa tôi đến với 17 Tình Ca Bất Tử của nhân loại. Nếu ông không đặt lời Việt, làm sao tôi biết Dạ Khúc, Chủ nhật buồn, Trở về mái nhà xưa. .. Để được thưởng lãm những khúc hát của muôn đời mà Dạ khúc là bài tôi thích nhất!
Bài hát như thế đó, ở mãi trong tôi nên đã thành một khúc hát thanh xuân, tuổi 15, bây giờ. Và cả mai sau nữa...
Ngọc Dung
PS.
1. Các bạn có thể tải tập 17 Tình Ca Bất Tử từ trang này: Tập Nhạc Phạm Duy
2. Hình trang bìa và trang trong của bản nhạc Dạ Khúc được lấy từ Internet.