Bố Già Và Tôi
- Details
- Written by Nguyễn Ngọc Bích
- Hits: 3465
Nếu tiếng mẹ và lời ru đã ở bên tôi "từ thuở nằm nôi" thì nhạc Phạm Duy cũng đã gắn liền với đời tôi từ tấm bé. Tôi sinh năm 1937 thì bài hát đầu tiên của Phạm Duy, "Cô hái mơ," phổ nhạc thơ Nguyễn Bính, đã có mặt từ 1942. Ký-ức sớm nhất của tôi về tân-nhạc gắn liền với nhạc sinh-hoạt của tuổi trẻ đầu thập niên 40 của thế-kỷ trước ("Lam-sơn giáng sinh anh-hùng / Tài cao tâm trí lớn lao..." nhạc Tây lời ta hát theo điệu "Auprès de ma blonde," rồi "Ngoài kia mưa rơi tí tách / Kêu trong đây chúng mình cùng ca / Và ca cho lên cho tươi / Cười mặc cho ông Trời càng mưa" hay nhạc Hoàng Quý như "Tiếng chim gọi đàn") nhưng một hơi mới đã đến với chúng tôi qua những nhạc-bản của Hùng Lân ("Việt Nam minh-châu trời Đông"), Văn Cao ("Chiến-sĩ Việt Nam," "Hải-quân Việt Nam" và "Không-quân Việt Nam" dù như lúc đó ta chưa hề có hai binh-chủng này, và vâng, cả "Tiến-quân-ca" nữa), Nguyễn Đình Thi ("Diệt Phát-xít") v.v.
1945, tôi, 8 tuổi, được bố đưa về chữa răng ở thủ-đô, ngẫu-nhiên được chứng-kiến cuộc "tổng-khởi-nghĩa" và "cách mạng mùa Thu" ở Hà-nội. Tuy còn nhỏ, tôi nhớ rất rõ là "lực-lượng cách mạng" của Việt-minh lúc bấy giờ không quá mấy chục ngoe, chia ra làm dăm ba toán lính cầm súng cầm cờ, đi trên mấy cái xe cam-nhông nhà binh màu cứt ngựa mới tịch-thu được của Nhật, cho xe lượn qua lượn lại trên các đường phố hô khẩu-hiệu, vẫy cờ để mong cho người ta nhận ra mình là ai.
Nhưng vì lực-lượng của các đảng phái Quốc gia, lúc bấy giờ đông hơn nhiều ở Hà-nội, lại án binh bất động nên phần chủ-động lại về tay Việt-minh – và cuộc cách mạng mấy ngoe kia chẳng mấy lúc cướp được trí tưởng của người dân. Lúc đầu còn sợ sệt nhưng rồi một đồn mười, mười đồn trăm, lời đồn đại lan như lửa rừng rằng Việt Nam đã ĐỘC-LẬP, rằng "ta" đã có chính-quyền, rằng chính-quyền đó ghê gớm lắm, đi ở trong rừng ra, do một người rất bí-mật cầm đầu, thậm chí đến cái tên của ông ta người dân cũng chưa nghe thấy bao giờ – Hồ Chí Minh.(1)
Trong cái say sưa, mà có người gọi là cái "say men chiến-thắng" (tưởng tượng) của lúc bấy giờ, không lạ là một không-khí mới, một khí-thế mới phát sinh ra, và trong văn nghệ tự-nhiên như có một sự bùng nổ tài-năng.(2) Hoàng Cầm trong thơ, Phạm Duy trong nhạc tìm ra hướng đi thực-sự là vào thời-gian này. Vì ta nên nhớ, Phạm Duy cho đến 45 chủ-yếu còn là một ca-sĩ đi đó đi đây với ban nhạc của Charlie Miều. Cũng vì ông ưa hành-động và lang bạt, ông cũng như Nguyễn Bính đã lựa chọn đi vào Nam một đất nước vô cùng xa lạ với người Bắc thời bấy giờ – trong phong trào gọi là "Nam-tiến" để tranh đấu trực-diện với quân thù (=Pháp). Nhưng cũng nhờ sự lựa chọn này mà Phạm Duy đã sớm ý-thức được nhu-cầu có nhạc đấu tranh, nhạc kháng-chiến, và cũng bởi ông đã đi đây đó trên khắp các miền đất nước (lại một kinh-nghiệm khá hiếm vào thời-điểm ấy) ông làm quen được với nhiều điệu dân-ca, dân-nhạc. Hai yếu-tố này (nhạc đấu tranh + làn điệu dân-ca) được Phạm Duy đan lại để thành "nhạc kháng-chiến" mà có lúc ông gọi là "tân-dân-ca."
Do tìm ra được hướng đi đúng, hợp với tâm-khảm của lòng dân vào lúc đó nên dễ hiểu là nhạc kháng-chiến của Phạm Duy – khác với nhạc "cách mạng" của Văn Cao hay Nguyễn Đình Thi – chẳng mấy lúc đã lên ngôi để trở thành tiếng nói của dân-tộc trong một thời-đoạn ít nhất cũng kéo dài 3-4 năm (1945-48). Những bài như "Xuất Quân" (Bà-rịa, 1945), "Chiến Sĩ Vô Danh" (chiến-khu Nam-bộ, 1945), "Nợ xương máu" (Huế, 1946), "Nhạc Tuổi Xanh" (1946), "Về Đồng Hoang" (Phú-thọ, 1947), "Đường Về Quê" (Bắc-giang, 1947), "Khởi Hành" (Tuyên-quang, 1947), "Đường Lạng-sơn" (1947)... trong nháy mắt trở thành những bài hát ở trên môi cửa miệng của mọi người (kể cả không ít những người ở trong các thành phố lúc bấy giờ do Pháp chiếm vì chính những bài hát này lại do những người "dinh tê" mang vào). Bên cạnh những bài nhạc hùng loại này, Phạm Duy lại còn viết một số tân-dân-ca mềm mại, thiết tha hơn, những bài ru, bài thương nhớ có nhiều nữ-tính hơn nhưng lại bị những ông cai văn nghệ (kiểu Tố Hữu) cho là ủy mị, tiểu-tư-sản ("tạch tạch sè"), đó là những bài như "Nhớ Người Thương Binh" (Vĩnh-yên, 1947), "Dặn Dò" (Bắc-giang, 1947), "Ru Con," "Mùa Đông Chiến Sĩ," "Nhớ Người Ra Đi" (ba bài sau này làm tại Thái-nguyên, 1947), "Tiếng Hát Trên Sông Lô" (Tuyên-quang, 1947), "Nương Chiều" (Lạng-sơn, 1947), rồi đến loạt bài làm trong chiến-dịch Bình-Trị-Thiên ("Bao giờ anh lấy được đồn Tây" mà sau vào vùng Quốc gia đổi thành "Quê Nghèo," "Bà mẹ Gio Linh," "Về Miền Trung" và "Gánh Lúa" tất cả làm trong năm 1948).
Song cũng vì Phạm Duy là một Phạm Duy lãng mạn, "nòi tình" dùng theo chữ của Trần Văn Ấn, nên trong cùng thời-gian ông cũng không bao giờ quên làm nhạc tình, từ "Cây Đàn Bỏ Quên" (Bờ biển Phan-rang trong Kháng-chiến Nam-bộ, 1945), "Khối tình Trương Chi" (Huế, 1945), "Tình Kỹ Nữ" (Hà-nội, 1946), đến "Bên Cầu Biên Giới" (Lào-cai, 1947), "Tiếng Đàn Tôi" (Cống-thần, 1947), "Đêm Xuân" (Thanh-hóa, 1948), "Chú Cuội" (Chợ Neo, 1948), "Cành Hoa Trắng" (Chợ Neo, Thanh-hóa, 1950).
Chỉ cần ngần ấy bài, Phạm Duy cũng đủ để thành bất tử trong âm-nhạc Việt Nam rồi. Vô vọng, vô vọng thay, những con người muốn xóa nhòa thành-tích và biểu-tượng số 1 của nhạc kháng-chiến chống Pháp của Việt Nam! Ta hãy giở những tập nhạc kháng-chiến của Hà-nội in ra sau này, tự-nhiên ta thấy mất hẳn khúc đầu xuống đến phần tim phổi, chỉ còn có từ rốn trở xuống, nghĩa là từ khoảng 1948 trở đi với những "Trường Ca Sông Lô" của Văn Cao hay "Hồng Hà" của Đỗ Nhuận, những bài còn hay, để rồi dần dà suy đồi xuống thành những bài hát lai căng, hoặc ảnh-hưởng nhạc Tầu Trung-Cộng (tỷ-dụ, bài "Hò Kéo Pháo," 1953) hoặc khá thì cũng ảnh-hưởng nhạc Thái (như bài "Giải Phóng Điện Biên," 1954).
1965
Biết nhạc Phạm Duy thì từ 45-46 nhưng tôi phải đợi 20 năm mới được gặp ông mặt đối mặt. Thế không có nghĩa là tôi đã không sống bằng nhạc của ông trong 20 năm đó. Tôi xin miễn bàn ở đây giai-đoạn cực-kỳ phong phú của âm-nhạc Việt Nam với ban hợp-ca Thăng Long (gồm Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung và Hoài Bắc, một thời-gian còn có thêm Khánh Ngọc) trong những năm 50 của thế-kỷ 20. Ban Hợp-ca Thăng Long, mà lúc đầu có tên là Gió Nam, đã chinh-phục Hà-nội như một cơn bão vì có hai bộ óc sáng-tác lớn ở đằng sau nó, Phạm Duy sau khi đã đi học hòa-âm ở Pháp về và Phạm Đình Chương (tức Hoài Bắc), chưa kể giọng thiên-phú của Thái Thanh. Lối hát như Hợp-ca Thăng Long (mà chữ ở trong nước bây giờ gọi là "tốp ca" nghe chẳng giống ai) cho đến giờ vẫn chưa có ai qua mặt, cũng tựa như lối trình bầy của The Beatles mà hơn 30 năm sau vẫn chưa có ban nào ăn đứt trong âm-nhạc pop của Anh-Mỹ.(3) Tôi cũng sẽ không nói gì về những bài tình-tự dân-tộc như bài "Tình Hoài Hương," "Bà Mẹ Quê," "Vợ Chồng Quê" và "Em Bé Quê," và nhất là bài "Tình Ca" ("Tôi yêu tiếng nước tôi / Từ khi mới ra đời..."), "Đố Ai?", "Hẹn Hò," "Dân Ca Người Về" ("Me có hay chăng con về?") hay "Người Trở Về" mà ông gọi là Dân-ca phát triển, hoặc những tình-ca bất hủ mà ông làm ra trong cùng thời-gian (thập niên 50) hoặc do ông phổ nhạc Cung Trầm Tưởng. Tôi cũng sẽ không nhắc đến hai trường-ca chủ-lực của ông – và của âm-nhạc VN thế-kỷ 20 – là "Trường Ca Con Đường Cái Quan" và "Trường Ca Mẹ Việt Nam," có thể là gợi hứng từ "Trường Ca Sông Lô" của Văn Cao nhưng qui-mô lớn hơn nhiều.
Dịp tôi gặp ông là dịp ông được Mỹ mời qua đi một vòng trình diễn ở các đại-học và cộng-đồng lớn ở Mỹ. Trước đó, tên tuổi của ông tuy chưa được người ta biết đến nhiều ở Hoa-kỳ song những người để ý đến âm-nhạc Á-đông cũng đã có dịp nghe đến tên ông qua những cuộc đi nói chuyện về âm-nhạc Việt Nam của G.S. Trần Văn Khê, qua một số bài báo và qua một hai đĩa hát như hãng Folkways Records cũng đã thu thanh một đôi bài của ông. Steve Addiss, một nhạc-sĩ dân-ca Mỹ và giờ đây là một giáo-sư về mỹ-thuật Nhật-bản, cũng đã sang Việt Nam mặc bà ba đen đi một vòng thu thập dân-nhạc Việt Nam với ông.(4) Rồi ban đồng-ca lớn trên TV, trong chương-trình "Sing Along With Mitch Miller," cũng có dịp trình bầy bài "Rain on the Leaves," tức "Giọt Mưa Trên Lá," cho cả hàng triệu người nghe.
Ông đến New York, tôi lúc bấy giờ còn là một sinh-viên loại "ABD"(5) nên có khá nhiều thời giờ đi lang thang với ông. Đi cùng với ông lần đó cũng có Steve Addiss, để giới-thiệu và để giúp ông giải-thích nhạc hay lời của ông khi ông vấp váp. Chứ phần lớn thì sau khi Steve giới-thiệu, Phạm Duy tìm cách nói thẳng ngay bằng tiếng Anh. Tuy-nhiên, vì tiếng Anh của ông lúc bấy giờ chưa được như bây giờ nên thỉnh thoảng, như ở New York University, cũng có màn cười vỡ bụng được vì "ắc-xăng" Tây của ông hay ông hiểu lầm cách phát âm của một vài từ ngữ tiếng Anh.
Nhưng cười thì cười chứ một khi ông biểu-diễn, ta lại thấy ngay một Phạm Duy trong đầy đủ cái đam mê, cái tự-chủ, cái khống-chế sân khấu của ông. Mọi mắt, mọi tai đều dồn về ông dù là ông hát dân-ca hay nhạc mới nhất của ông lúc bấy giờ: những bài "tâm-ca" về thân-phận của người Việt Nam trong chiến-tranh, từ những "Để lại cho em này nước non mình / Để lại cho em một nước đẹp xinh / Một miền oai linh hiển hách..." (Tâm Ca số 5) vậy mà bây giờ rách nát, hoang tàn,
"Nhưng em thương anh, thương anh
"Cho súng phải thở dài
"Nhưng em thương anh, thương anh
"Cho tình lên sức sống
"Nhưng em thương anh, thương anh
"Cho lựu đạn im tiếng
"Nhưng em thương anh, thương anh
"Cho đường vũ khí qua tim."
đến những "Giọt Mưa Trên Lá" (Tâm Ca số 4) và "Tôi Sẽ Hát To" (Tâm Ca số 2):
"Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già
"Lời tôi ca, lời tôi ca xin lúa đừng lo...
"Lời tôi thay cho tiếng đạn bay
"Lời tôi xây cho vững tay cầy
"Rồi đêm đêm xua ác mộng đầy
"Lời ca êm ru giấc ngủ say.
"Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ, vơi dòng lệ nhòa
"Một miền quê, một miền quê tim héo và khô.
"Lời tôi ca khâu vá tình thương...
"Lời hôm qua chắp nối con đường
"Lời hôm nay vương tiếng mẹ buồn
"Lời mai đây cao ngút Trường Sơn."
Tâm Ca số 7, "Kẻ Thù Ta," khẳng-định:
"Kẻ thù ta đâu có phải là người
"Giết người đi thì ta ở với ai?"
Mười bài tâm-ca của Phạm Duy là những bài có thể nói được là "chống chiến-tranh" đầu tiên của Việt Nam, có trước cả những Ca Khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn. Ông chống trước hết là vì bị ảnh-hưởng của Phật-giáo, một đạo hòa-bình từ giáo-lý trở đi, song ông cũng chống vì ông linh-cảm là, với sự tham-gia ồ ạt của người Mỹ, chiến-tranh sẽ còn leo thang, mở rộng ra không biết đến đâu nữa. Ông đã quá biết người Cộng-sản (châm-ngôn thời Việt-minh: "Thà giết lầm 9 người còn hơn bỏ sót 1 người!"), giờ đây lại gặp cái thuyết "body count" ("tính xác chết") của McNamara thì chiến-tranh sẽ còn đưa đất nước ta đến chỗ điêu linh bằng chừng nào nữa!
Mặc dầu vậy, đến khi ông về tới Việt Nam, lập-tức một phong trào nổi lên – do CS giựt dây – cho ông là tay sai của Mỹ, là bàn tay nối dài của CIA, cho những người như ông và Thích Nhất Hạnh là "ngụy-hòa." Tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của thầy Nhất Hạnh bị báo chí miền Bắc gọi là "rắn độc" vì một bài thơ trong đó được Phạm Duy phổ thành Tâm Ca số 1, "Tôi ước mơ": "Sáng nay vừa thức dậy / Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường! / Nhưng trong vườn tôi / Vô tình khóm tường vi / Vẫn nở thêm một đóa... / Tôi vẫn sống! / Tôi vẫn ăn! / Và tôi vẫn thở... Nhưng biết bao giờ / Tôi mới được nói thẳng / Những điều tôi ước mơ?" Sau này, Nguyễn Trọng Văn còn gom những loại suy nghĩ độc ác đó thành một cuốn sách, Phạm Duy đã chết như thế nào? (Sài Gòn, Văn Mới, 1971) Dù như Tạ Tỵ, bạn ông, đã có cuốn sách rất hay vì công bằng hơn gấp bội, Phạm Duy còn đó nỗi buồn, Phạm Duy cũng không khỏi nổi sùng và quay ra làm Tục Ca và Vỉa Hè Ca để có dịp chửi thề và xả hơi một chút ("Sức mấy mà buồn! Buồn ơi! Bỏ đi Tám!").
1973
Cuối năm 1971, vợ chồng tôi về nước lập ra Viện Đại-học Cửu Long, với ước mơ là sẽ tạo được ra một lớp trẻ VN tự tin, biết làm việc với nhau (qua các môn học theo ngành quản-lý) và biết làm truyền-thông đại-chúng (qua các môn học về truyền-thông). Thời-gian này, tôi có nhiều dịp gặp các nghệ-sĩ của Miền Nam như Trịnh Công Sơn, Phan Nhật Nam, Cao Tiêu, và nhất là nối lại sự quen biết với Phạm Duy.
Khoảng cuối năm 72 hay đầu năm 73, tôi không còn nhớ rõ, nhạc-sĩ dân-ca James Durst được Phòng Thông tin Mỹ bảo trợ sang Việt Nam trong chương-trình trao đổi nghệ-sĩ với VNCH. Chỉ nhớ là khoảng ấy, tôi cũng vừa tiếp tay Phạm Duy xong trong việc dịch tập Hoan Ca ("Songs of Joy") của ông, dịch lấy ý thôi chứ không nhắm làm thành những lời hát được (English singing versions). Tập đó, in đầu năm 1973 ở Sài Gòn, gồm 10 bài "Bình Ca" (nói về hòa-bình giả hay hòa-bình mong manh sau Hiệp-định Paris), 4 bài "Nữ Ca" tuyệt diệu ("Tuổi Mộng Mơ," "Tuổi Ngọc," "Tuổi Hồng" và "Tuổi Thần Tiên") và 2 bài "Đồng Dao" xuất sắc ("Chú bé bắt được con công" và "Ông trăng xuống chơi"). James Durst dựa vào những bản dịch ý của tôi để biến một số bài thành những bài hát được, rất tự-nhiên trong tiếng Anh. Những bài này sau đó được đưa vào một tập nhạc chung, nửa của James Durst, lời Việt do Phạm Duy, và nửa của Phạm Duy, lời Anh do James Durst, do Hội Việt-Mỹ in ra ở Sài Gòn. Trong số này, có mấy bài mà giờ đây ta có thể coi được là những bài hát của Việt Nam mà hát được trong tiếng Anh, qua những lời Anh tuyệt diệu (như bài "Trả Lại Em Yêu" hay "Em Bé Bắt Dế").
Cũng khoảng này, tôi viết một số bài giới-thiệu nhạc Phạm Duy trong bản tin tiếng Anh hàng tháng của Hiệp-hội Bang-giao Quốc-tế của Việt Nam. Bài ưng ý nhất của tôi có lẽ là bài tôi viết để giới-thiệu tập Đạo Ca của Phạm Duy phổ nhạc thơ Phật của Phạm Thiên Thư, bài "The Holeless Flute" (dịch ý câu "Sáo thần không cần lỗ / Vi vu trong lòng người").
Cũng thời-gian này, qua sự vận-động của Phạm Duy, chính-phủ miền Nam bằng lòng để cho G.S. Trần Văn Khê về thăm Việt Nam và diễn-thuyết một số buổi ở Viện Quốc Gia Ấm Nhạc, ở Hội Việt-Mỹ v.v. Ông Khê, dù như có tiếng là thân Cộng, vẫn thu hút được một số khán-thính-giả đáng kể nhờ sự hiểu biết chuyên-môn thượng thừa của ông. (Thật đáng tiếc là ngay trong chiến-tranh, ông Khê về Sài Gòn được đón tiếp rất nồng nàn vì người ta quý một tài-năng của VN, trong khi đó mười mấy năm sau, ông sang Montréal thì lại có người dọa đốt tiệm ăn nơi ông được mời đến nói chuyện.) Nhân dịp này, tôi được mời đến nhà ông Phạm Duy ở Phú-nhuận, và đây là lần đầu tiên tôi được gặp bà Phạm Duy (ca-sĩ Thái Hằng, lúc đó đã giải nghệ) và các con ông, tuy chỉ là thoáng qua.
1975
Những ngày tháng Tư (mà về sau Phạm Duy gọi là "Tháng Tư Đen"), người Mỹ vì lo cho số phận của những văn-nghệ-sĩ hàng đầu của miền Nam đã tìm cách thu xếp để đưa một số người ra khỏi VN, để tránh những giờ phút mà Sài Gòn có thể ngập bom đạn. Vì Phạm Duy được xem là nằm trong "diện" này nên người ta nhờ tôi đến thu xếp với ông để có thể đưa gia-đình ông đi. Ông nhận lời nhưng đến lúc người ta đến "bốc" bốn người con trai của ông bị kẹt lại trong trại lính vì lúc bấy giờ có lệnh giới-nghiêm 100%. Ông đã không định đi nhưng rồi bị người ta hối thúc, với lời hứa là sẽ cho người đi tìm mấy người con trai rồi đưa đi sau. Thành thử, cuối cùng, ông bà chỉ đi được với mấy người con gái, lúc đó còn nhỏ, mà thôi.
Đến Guam, ông sục sạo đi tìm con, cho réo tên trên radio, cho đăng mục tìm người trên báo Chân Trời Mới, báo của trại Orote Point, nhưng vô vọng. Chúng tôi gặp lại ông ở trại Eglin Air Force Base, Florida, ông nói, ông như một người điên, quay ra trách móc ngay người bạn Mỹ đã bốc gia-đình ông – làm như họ đã dụng tâm chia rẽ ông bà và các con trai của họ. Trong sâu thẳm của tuyệt vọng đó, Phạm Duy nghĩ, ông vẫn phải sống vì chỉ có thế ông mới còn hy-vọng, dù mong manh, tìm lại được con.
Từ vực thẳm của những ngày xa xứ đó, ông đứng dậy. Ông xua đuổi ý-tưởng tìm cách trở về để được đoàn-tụ với các con, dù phải sống với Cộng-sản. Ông nhận ra trại với một người bạn Mỹ đứng tên xì-pông-xo cho gia-đình ông. Và ông nhất quyết dựng lại cuộc đời ở tuổi 50 hơn. Ông nhìn lại: từ một gia-đình quây quần hạnh phúc, trai gái đầy đủ, ông chỉ còn lại có Thái Hằng và mấy người con gái còn ở tuổi choai choai. Mặc dầu vậy, ngay từ đầu ông không muốn phải dựa lâu vào người xì-pông-xo Mỹ, ngay từ những ngày sớm sủa đó ông đã nhất quyết tự-lập – bằng mọi giá. Ông đứng dậy bằng con đường cầm ca, cái nghiệp của ông, với sự tiếp tay của Thái Hằng, người vợ hiền từ dù như đã giải nghệ từ lâu, và của cô con gái lớn trong gia-đình, Thái Hiền, lúc bấy giờ mới chừng 15-16 tuổi, còn đang học trung-học. Phải mấy năm sau, ban nhạc "Gia Đình Phạm Duy" mới có thêm Thái Thảo.
Thế là từ một Phạm Duy sáng-tác, ông trở lại một Phạm Duy ca-sĩ – một nghề ông đã bỏ từ lâu. Thái Hằng cũng vậy. Người ta có thể tưởng về một đôi ca-sĩ về già, kiểu La Strada, tiếng hát tiếng đàn rệu rạo, lạc điệu. Nhưng không! Phạm Duy đứng thẳng dậy, với sự yểm-trợ tinh-thần của người vợ thân quý(6) và sự cộng-tác hết mình của con gái, một bông hoa mới nở nhụy, Thái Hiền mà giọng hát trẻ, khỏe chả mấy lúc được báo chí Mỹ so sánh với giọng Karen Carpenter.
Phải mất ba năm, người ta mới thấy Phạm Duy sáng-tác trở lại, lúc đầu còn dùng một tên giả, Đỗ Quyên. Năm 1977-78, tôi và một số bạn ở Virginia có thuê nguyên một cái trường tiểu-học ở Arlington dùng làm Trung-tâm Cộng-đồng. Nhân dịp này, chúng tôi có mời "Gia Đình Phạm Duy" về hát cho đồng-bào nghe – một hình ảnh mà ta sẽ còn thấy được nhân lên cả chục, cả trăm lần trong những năm sau đó, ở Hoa-kỳ đã đành nhưng còn ở khắp thế-giới, nơi nào có đông người Việt Nam tề tựu. Ông và gia-đình ông không chỉ đem tiếng hát đến cho mọi người, ông còn đem lại cả niềm tin nữa.
Đó là những năm "thuyền-nhân" ồ ạt ra đi, rời bỏ Việt Nam, rời bỏ "thiên-đường CS, thiên-đường xã-hội-chủ-nghĩa" ra đi hàng hàng lớp lớp ("Một là chết nuôi cá, hai là sống nuôi má, ba là má nuôi con" nếu con phải bị bắt bỏ tù trên đường vượt biên). Lúc đầu còn nhỏ, phong trào này chẳng mấy lúc lên đến hàng vạn, hàng trăm nghìn người ra đi trong một năm làm cho cả thế-giới sửng sốt.(7)
1985
Vì sự thôi thúc của thời-cuộc cũng có, của nhu-cầu phải có những bài hát mới trên đường rong ca tỵ nạn, phản ánh một tâm-thức mới, nên Phạm Duy đã lấy lại được niềm tin và sản-phẩm là tập Thấm Thoắt Mười Năm mà Hội Văn-hóa Việt-nam tại Bắc-Mỹ, Tủ sách Cành Nam, và Tạp chí Xác Định có hân hạnh in ra năm 1985 – cuốn sách mà Phạm Duy vung lên khi ra mắt ở Virginia và tuyên-bố: "Cuốn sách nhạc đẹp nhất trong đời tôi!" (tính đến lúc bấy giờ, hiển-nhiên rồi). (Hội Văn-hóa là do tôi phụ-trách, Cành Nam là của nhà thơ Trương Anh Thụy, và nhóm Xác Định là của anh Đặng Đình Khiết, về sau nhập lại thành Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ.)
Trước đó, cuối năm 1982, Phạm Duy đã có dịp phổ nhạc thơ Nguyễn Chí Thiện, Nguyễn Hữu Hiệu in ra một tập 10 bài "Ngục Ca" rồi đến Hội Văn-hóa VN tại Bắc-Mỹ của tôi in ra thành tập 20 bài "Ngục Ca" với lời Anh hát được theo nhạc của Phạm Duy, xong Quê Mẹ của Võ Văn Ái ở Pháp in ra thành một tập ba thứ tiếng (Việt-Pháp-Anh) với bản dịch nghĩa sang tiếng Anh của Ỷ Lan Penelope Faulkner. Cuốn "Ngục Ca" của tôi in ra, về sau tới năm 1996 khi tôi có dịp sang Úc đi một vòng với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, tôi mới hay là ở Úc trước đó đã có bản in lậu lại tập của Hội Văn-hóa. Cũng năm 96, vì bản in lậu kia cũng đã tuyệt bản nên các anh em sinh-viên VN ở Victoria (tức Melbourne) đã xin phép tôi in lại một edition chớp nhoáng nữa (dù vẫn rất xinh). Đủ tỏ sự thành công dai dẳng của tập nhạc này.
Tôi hơi tiếc là "tập nhạc đẹp nhất trong đời" Phạm Duy, tuy bán hết sau một thời-gian, đã không được người ta biết đến nhiều như một số nhạc-phẩm khác của ông. Có thể là vì hoàn-cảnh đất nước và lòng người đổi thay nhanh chóng nên dù tập nhạc, theo tôi, có không ít những bài sâu sắc nhất trong toàn-bộ sự-nghiệp sáng-tác của Phạm Duy, những bài mà chắc chắn rồi đây sẽ được coi là những đỉnh cao của âm-nhạc VN một thời, nó vẫn không được người ta biết đến một cách đầy đủ. Trong sa-mạc sáng-tác âm-nhạc VN của những năm ấy (giai-đoạn 1975-85), 20 bài Ngục Ca và gần 50 bài của tập Thấm Thoắt Mười Năm phải kể là những hòn ngọc báu trân quý của tâm-thức VN thời bấy giờ. Rồi đây, ai có thể viết nổi lịch-sử âm-nhạc VN của 10 năm ấy – cả trong lẫn ngoài nước – mà không nhắc đến những bài như "1954 Cha Bỏ Quê - 1975 Con Bỏ Nước," "Hát Trên Đường Tạm Dung," "Ở Bên Nhà Em Không Còn Đứng Đợi Chờ Anh," "Người Con Gái Việt Rời Xa Tổ Quốc," hay "Nguyên Vẹn Hình Hài" – Không nhắc đến những bài tranh đấu cho nhân-quyền lừng danh một thời như "Tháng Tư Đen" hay "Người Việt Cao Quý" – Không nhắc đến những bài hát tâm-khảm như "Thư Em Đến" hay "Mai Mốt Ông Về" (phổ nhạc thơ Cao Tần) – Không nhắc đến những bài phổ nhạc thơ Hoàng Cầm như "Qua Vườn Ồi," "Cỗ Bài Tam Cúc," "Hoàng Cầm Ca" và nhất là bài "Lá Diêu Bông" – Tất cả, tất cả đều nằm trong Thấm Thoắt Mười Năm.
Nhưng rồi, vật đổi sao dời. 1985, Gorbachev đưa ra chính-sách Glasnost và Perestroika ở Nga, dẫn đến sự sụp đổ của Đông-Ấu Cộng-sản, rồi đến ngay cả sự đổ vỡ của Liên-bang Xô-viết. Người CS Việt Nam xem đó là "tội" không thể tha thứ được của Gorbi nhưng thực ra, đó chẳng qua là một tiến-trình không thể kìm hãm được của thế-giới CS và Gorbi đã có công trông ra để làm cho sự chuyển đổi căn-bản của cả một xã-hội, hơn thế nữa, của cả một thế-giới xã-hội-chủ-nghĩa không xảy ra trong chiến-tranh tan hoang, đổ vỡ, tắm máu. 1986, cực chẳng đã, VNCS theo chân với chính-sách Đổi Mới. 1989, Hà-nội rút quân khỏi Cao-miên, dẫn đến sự làm hòa với các nước ASEAN và Trung-Cộng. 1994, Mỹ bãi bỏ cấm vận, 1995 Mỹ nối lại bang-giao và Hà-nội vào ASEAN. Một sự chuyển mình căn-bản không kém ở Liên-Xô nên ngày nay, người ta nói không sai, không còn gì và ai là Cộng-sản ở VN nữa mà chỉ còn những tên mafia đỏ.
2000
Từ đó, từ 1985, bao nhiêu nước qua cầu.
Cũng từ đó, với bốn người con trai rời bỏ được VN để sang Mỹ đoàn-tụ với ông và Thái Hằng, Phạm Duy đã sang hẳn được một giai-đoạn bộc-phá mới về sáng-tác của ông. Sau Hoàng Cầm Ca (cũng do Hội Văn-hóa VN tại Bắc-Mỹ in ra), ông đã chuyển sang nhạc lịch sử (với "Tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ" tiếp nối câu chuyện bắt đầu với "Con Đường Cái Quan" và "Mẹ Việt Nam"), sang nhạc tâm-linh (với "Thiền Ca" và nhất là "Trường Ca Hàn Mặc Tử"), sang "rong ca" hát cho thế-kỷ 21 và thiên-niên-kỷ thứ III của nhân-loại, sang "Minh Họa Kiều" (mà ông đã hoàn-tất phần 1 và 2, còn thiếu 3 và 4). Nghĩa là ông đã đi nguyên một vòng để trở về với tâm-khảm Việt Nam như được kết tinh trong Truyện Kiều, đại-tác-phẩm của Việt Nam. Trong hơn 20 năm qua, ông lại còn được sự tiếp tay rất điệu nghệ và chuyên-nghiệp của Duy Cường, người con mà ông cho là có nhiều khả-năng tiếp nối ông hơn cả.
Trong mỗi bước đường đi của ông trong 27 năm qua, tôi hãnh-diện là một người nghe, người thụ hưởng, người đã tiếp tay – trong phần nhỏ bé của mình – đem tiếng nhạc lời ca của ông đến với một số đồng-bào ở miền Đông Hoa-kỳ và, qua những tác-phẩm in, đưa được thông-điệp của một nhạc-sĩ thiên-tài đến khắp năm châu và với thế-giới (qua những bản dịch, bài giới-thiệu và nhất là những bài hát được bằng lời tiếng Anh – "English singing versions"). Phạm Duy chưa được xem là một nhạc-sĩ lớn của thế-giới chỉ vì ông hãy còn thiếu người trình diễn nhạc của ông trong các tiếng, nhất là tiếng Anh. Tuy-nhiên, chỉ với một số ít nhạc-bản của ông đã được những tiếng hát như Steve Addiss trình bầy ở Mỹ, James Durst và Ferne Bork sang cả tận bên Nga để trình diễn, không kể ban đồng-ca lớn Mitch Miller, và nhạc của ông ngày càng nhiều nhà nhạc-học trên thế-giới nghiên cứu, tôi đoán là một ngày sẽ không xa khi nhạc và tài-năng của ông cũng sẽ được công-nhận rộng rãi. Tạ Tỵ đã có lần viết: "Phạm Duy, hai chữ đó là tên gọi, kỳ lạ thay, cũng là huyền thoại ngay trong thời gian có Duy góp mặt."
Anh Phạm Duy, chào anh ở tuổi 80, em rất vui đã được học, hát, đi và chia xẻ với một huyền-thoại sống là anh!
Nguyễn Ngọc Bích
Springfield, VA
Ngày 23-IV-2002
Chú thích:
1. Trong cái hồ hởi của giờ phút ấy, người ta quên khuấy đi mất là Nhật đã đầu hàng nên đâu còn lòng dạ nào mà đi dẹp phường múa rối kia, rằng chính vua Bảo Đại đã tuyên-bố độc-lập sáu tháng trước đó, và rằng chính-phủ Trần Trọng Kim là chính-phủ đầu tiên của một nước Việt Nam độc-lập với một thành-phần nội-các gồm nhiều trí-thức có đầu óc và nắm vững chuyên-môn. Ông Hoàng Xuân Hãn, chẳng hạn, là bộ-trưởng Giáo-dục đầu tiên của Việt Nam và chương-trình cải cách giáo-dục của ông đưa ra là khi ông còn trong nội-các Trần Trọng Kim.
2. Trong lúc nhạc-bản còn thiếu, người ta chuyển ngay những cái sẵn có trong tay thành nhạc mới: đó là trường-hợp bài "Appel aux étudiants" của Lưu Hữu Phước, lời Pháp dùng để hát cho tất cả các sinh-viên của ba nước Đông-dương Việt-Miên-Lào, đã gần như trong nháy mắt được các sinh-viên ở Đại-học-xá Hà-nội đổi lời để biến thành bài "Tiếng gọi Thanh-niên" rồi về sau, bài này năm 1948 lại được sửa lời một lần nữa thành bài "Tiếng gọi Công-dân" và biến thành quốc-ca của Quốc-gia Việt Nam rồi của miền Nam sau năm 54.
3. Điều này làm tôi suy nghĩ, một người nào đó sẽ có công lớn lắm nếu bây giờ có thể thu thập được lại toàn-bộ những bài do ban Hợp-ca Thăng Long trình bầy, vì đó là một điểm cao vòi vọi của nghệ-thuật trình bầy âm-nhạc Việt Nam. Nhóm AVT nguyên-thủy cũng vậy.
4. Chuyến đi này có được ghi lại trong một cuốn phim tài-liệu mang tên "Rain on the Leaves," phim đen trắng, 17 phút, 1966, có được giới-thiệu trong Embassy of Viet-Nam 1970-71 Film List, Washington DC, 1971, trang 28. Steve Addiss, nếu tôi không nhầm, sẽ là người đầu tiên chuyển một số bài hát của Phạm Duy thành những lời hát được trong tiếng Anh, đôi khi rất thành công như bài "Gánh Lúa" hay bài "Giọt Mưa Trên Lá." Mấy bài này về sau được đưa vào tuyển-tập nhạc thế-giới của sinh-viên Mỹ ở UCLA. Ông cũng còn làm chung với Phạm Duy một cuốn sách nhỏ, cuốn Dân Ca, in ra ở Sài Gòn năm 1968, trong đó ông hoặc làm lời Anh hoặc dịch ý những bài hát trong sách.
5. Nghĩa là sinh-viên cao-học đã học xong hết các tín-chỉ ban Tiến-sĩ ở Columbia University, đã thi xong "prelims" tức "preliminary examinations," thi viết, và "oral exams," thi vấn đáp trước một ban giám-khảo sáu người, đã được học-bổng sang Nhật gần 2 năm tìm tài-liệu viết luận-án, và chỉ còn chờ hoàn-tất luận-án, "all but the dissertation."
6. Đặng Trần Vận, người nghệ-sĩ đa tài, người đã dựng ra Phòng trà Thiên Thai ở Hà-nội năm 45-46, trước khi chết đã nói với tôi ở Paris một câu chí lý: "Thằng PD được con vợ, chị ta biết hết nhưng để cho anh ta tự do, nhờ vậy dân-tộc có được một nhạc-sĩ lớn!" Một bài học rất lớn cho những chế-độ nào còn thua cả một người như Thái Hằng, tìm cách "cầm chân" hay nói đúng hơn là "cầm tù" các văn-nghệ-sĩ của dân-tộc và đất nước.
7. Số người "nuôi cá" không trong những năm này cũng lên đến gần nửa triệu, theo sự ước-tính của Cao-ủy Tỵ nạn Liên-hiệp-quốc.