Phạm Duy và Tiếng Hát Quê Hương
- Details
- Written by Giao Chỉ
- Hits: 4503
3-1976
(Amnhac.fm) - Bài nay trích từ tạp ghi Cõi Tự Do tương thuật lần đầu tiên ban nhạc gia đình Phạm Duy với thành phần không đầy đủ trình diễn tại Chicago vào mùa Xuân năm Bính Thìn 1976.
Trong thời gian vừa qua tôi có cơ hội nghe gia đình Phạm Duy trình diễn hai lần. Lần thứ nhất vào dịp Việt Nam họp mặt tại Chicago nhân ngày Tết Bính Thìn. Lần thứ hai tại Bloomington cũng trong ngày họp mặt, kỷ niệm một năm bỏ nước ra đi.
Lần đầu nghe Phạm Duy trình diễn ở Chicago đã gợi cho tôi thật nhiều kỷ niệm. Tôi còn nhớ hôm đó là ngày Chủ Nhật và nhằm ngày mồng hai Tết Âm Lịch. Tất cả anh em bè bạn và gia đình chúng tôi cư ngụ ở khu vực Springfield trên dưới 40 người, sử dụng 6 xe khởi hành vào buổi sáng dưới trời mưa tuyết tầm tã. Đi hơn 200 miles để tới họp mặt tại Chicago. Chúng tôi đến với Phạm Duy như là đến với tiếng gọi quê hương. Lòng tràn đầy ước mong được gặp lại những người quen thuộc và cũng lại khung cảnh quen thuộc với những tiếng hát mà chúng tôi đang khao khát.
Thái Hằng, Thái Hiền và Phạm Duy - Chicago 3.1976
Ban nhạc mà anh Phạm Duy gọi là gia đình Phạm Duy gồm có anh với chị Thái Hằng và ái nữ Thái Hiền. Chương trình của anh được gọi là "Để đóng góp vào tiếng hát chung của Hiệp Chủng Quốc."
Hôm đó, trong suốt hơn 2 giờ liên tiếp, gia đình Phạm Duy đã trình bày 3 phần. Phần đầu là dân ca : Hội Trăng Rằm, Qua Cầu Gió Bay, Lý Quạ Kêu, Cái Trống Cơm... Phần thứ hai là những ca khúc của Trịnh Công Sơn như Người Con Gái Da Vàng, Tình Ca Của Người Mất Trí, Gia Tài Của Mẹ. Và sau hết là những khúc hát của chính Phạm Duy như Người Thương Binh, Kỷ Vật Cho Em... Để chấm dứt luôn luôn vẫn là bài Việt Nam, Việt Nam. Hôm đó và có lẽ cũng như phần đông các buổi trình diễn của anh, hầu hết đồng bào và một số các thân hữu Hoa Kỳ ở vùng Chicago đều có mặt.
Cũng như chúng tôi, họ đi tìm Phạm Duy như là để tìm lại tiếng của quê hương, tìm lại hơi ấm của đồng bào và cũng như là để tìm lại chính mình. Phạm Duy như là một cơ hội cho ta nghe lại tiếng lòng. Phải nói ngay rằng, với một số lượng ca sĩ quá hạn chế và nhạc khí duy nhất là cây đàn guitar, Phạm Duy đã khéo sắp xếp và chuẩn bị một chương trình gồm đủ những bài ca kể cả tiếng Việt lẫn tiếng Mỹ. Những bài ca thích ứng với đối tượng và hoàn cảnh. Với riêng tôi, Phạm Duy luôn luôn là một nhà soạn nhạc vĩ đại. Tôi thiển nghĩ Phạm Duy là một phần, hay có thể là một phần lớn tinh hoa của nhạc Việt Nam. Tiếng nhạc của Phạm Duy đã đóng góp thật nhiều vào văn hóa Việt. Cái văn hóa mà chúng ta, những người di cư, những người tỵ nạn chính trị đã đem theo trên con đường bỏ nước mà đi. Tuy nhiên nghe gia đình Phạm Duy trình bày, cảm tưởng của chúng tôi là một cảm tưởng ngậm ngùi. Phần lớn những bài ca, tiếng hát đem lại cho chúng tôi một nỗi xót xa bàng bạc từ trong đáy lòng. Đó đây vẫn có tiếng cười, nhưng cái vẻ thê lương nhường ấy, không nhòa lệ nhưng cũng chẳng dấu được ai.
Tuy nhiên đây là cái thê lương cần thiết, nỗi buồn tái tê mà ta vẫn phải tìm đến. Riêng với Phạm Duy, chính anh, tôi không nghĩ rằng anh là một ca sĩ trình diễn bởi vì trong Phạm Duy đã có một nhạc sĩ lớn và không còn chỗ cho ca sĩ Phạm Duy. Tuy nhiên anh vẫn phải đóng vai trò của một nghệ sĩ trình diễn và anh đã thành công trong nhiệm vụ. Đó cũng là một nhiệm vụ cần thiết bởi vì thật ra cũng không còn lối nào hơn. Về phần Thái Hằng, ngày xưa chị đã là một ca sĩ.
Nhưng bây giờ chị còn hiện thân một bà mẹ. Tôi thấy qua Thái Hằng hình ảnh một bà mẹ Việt Nam. Tiếng ca không còn những âm hưởng vang dội ngày nào, mà chỉ còn như những tiếng than thở. Thực sự chỉ có Thái Hiền năm nay 18 tuổi là một giọng ca đang phát triển và là tiếng hát chính, tiếng hát cưng của Phạm Duy. Không có Thái Hiền chắc hẳn không thể có ban nhạc gia đình Phạm Duy. Thái Hiền là cái đinh của suốt buổi trình diễn và còn nhiều chiều hướng khá hơn trong tương lai. Khi viết về ban nhạc gia đình Phạm Duy ở đây, thật ra tôi không có ước vọng làm phóng sự buổi trình diễn.
Buổi trình diễn chỉ là một cái động lực để đưa ta về dĩ vãng. Tôi thấy tràn ngập những kỷ niệm. Tôi còn nhớ Phạm Duy đến với tôi vào một ngày của mùa Thu khói lửa. Mùa Thu của toàn quốc kháng chiến từ năm 1945 và những tiếng hát, những lời ca hùng vĩ tràn ngập tâm hồn thanh thiếu niên. Phạm Duy cùng với nhiều tài hoa khác đã lớn dần trong lửa khói chiến tranh. Từ Hà Nam Ninh đến Cao Bắc Lạng. Xa hơn nữa vào cả Thanh Nghệ Tĩnh, những bài ca kháng chiến như sóng cồn và danh vị Phạm Duy lớn dần cùng với những tiếng hát bay cao. Những tiếng hát bừng bừng như lửa dậy. Ôi ! Những kỷ niệm của ngày bao hùng binh tiến lên. Cùng theo dòng kỷ niệm tràn đầy, tôi nhớ lại khi mới bắt đầu làm quen với nhạc kháng chiến, nhạc tình tự dân tộc, cũng như nhạc tươi trẻ qua tiếng hát của chim Họa Mi liên khu 4, đó là tiếng hát Thái Thanh. Hầu hết giới trẻ, học sinh, sinh viên, bộ đội đều sung sướng thưởng ngoạn nhạc Phạm Duy và tiếng ca Thái Thanh. Tiếng ca đó vang dội suốt liên khu 4 và theo chân những toán thiếu niên tiền phong lên chiến khu Việt Bắc :Việt Bắc ! Việt Bắc, chốn rừng núi, chốn đồi núi, chốn rừng thiêng âm u, chốn toàn dân biên khu, theo cha già đấu tranh một mùa Thu. Ôi ! Những lời ca hào hùng và cũng ngây thơ biết chừng nào !
Dòng kỷ niệm đưa tôi về tới những ngày của ban Gió Nam từ Sài Gòn ra Hà Nội. Tôi còn nhớ những lần trèo tường hay sử dụng vé giả vào nhà hát lớn nghe Đoàn Gió Nam trình diễn. Những thành phần nghệ sĩ lừng danh một thời như Phạm Duy, Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc, Khánh Ngọc, Trần Văn Trạch... Những ngày mà tiếng hát bay thật cao. Những ngày đó ta có thể nhớ suốt đời. Tiếp đến thời vàng son của những năm 55-60, thời kỳ của ban Thăng Long mà những đại nhạc hội có Trường Ca Hội Trùng Dương. Khánh Ngọc hát lên Tiếng Sông Hồng, Thái Hằng nỉ non Tiếng Sông Hương và Tiếng Sông Cửu Long là của Thái Thanh. Thái Thanh từ đó đã bắt đầu vươn lên chỗ đứng trên đỉnh cao. Đạt được cái danh xưng là Tiếng Hát Vượt Thời Gian. Tôi đọc ở đó đây trong một vài tiểu thuyết của văn sĩ Hoàng Hải Thủy. Anh thường tôn sùng một cách nhiệt thành tiếng hát Thái Thanh. Nhân dịp một nữ danh ca của Pháp chết, hàng chục ngàn khán giả mộ điệu đi đưa đám ma.
Hoàng Hải Thủy đã cảm khái viết rằng đời anh ta có một ước vọng duy nhất là được đi đưa đám tang của Thái Thanh. Bây giờ thì kể cả Thái Thanh lẫn Hoàng Hải Thủy đều ở lại Sài Gòn và tôi ngậm ngùi nghĩ rằng rồi đây không biết ai sẽ đi đưa đám ma ai. Biết có dịp để đi đưa đám ma của nhau không ? Ôi ! Ban hợp ca Thăng Long của ngày xưa bây giờ còn lại những ai? Khánh Ngọc, người ca sĩ đa tình đó đã từ lâu biến dạng. Gia đình Hoài Trung di tản kịp và Hoài Bắc ở lại.
Bây giờ xin trở lại với Phạm Duy. Thực ra năm nay anh Phạm Duy đã đến cái tuổi mà người ta có thể gọi là lão thành. Tuy nhiên, dù mái tóc bạc phơ nhưng tâm hồn, nhân dáng và cốt cách của anh vẫn còn trẻ. Vẫn còn nhiều lúc tươi vui nhưng đã mang nặng nhiều cay đắng. Thực vậy, vẫn còn nhiều đau thương lắm bởi vì cũng như những số lớn đồng bào của chúng ta, gia đình Phạm Duy còn kẹt lại bốn người con trai đã trưởng thành tại Sài gòn. Ban nhạc gia đình Phạm Duy với ba người đứng đó, hầu như mang nặng hình ảnh của một gia đình chia cách. Đó là hình ảnh của một quê hương tan nát. Với bằng ấy tuổi, với địa vị và khả năng của anh trong văn hóa, chỗ đứng của anh trong nhạc Việt, nếu quê hương của chúng ta còn, thì ít nhất định mệnh cũng dành được cho anh một cuộc sống bình yên, trong cái nghĩa hạnh phúc tương đối. Có lẽ cuộc sống tuy không vương giả mà cũng chẳng quá đạm bạc. Nhưng bây giờ vào buổi chiều của đời người, với một trái tim tan nát mang nỗi xót xa như kẻ lưu đày với một người vợ và một cô con gái, anh phải soạn những chương trình ca nhạc tạp lục để rồi làm thân con dế đi an ủi những người khác.
Đem tiếng quê hương, tiếng quê hương thê lương ảo não như từ ngàn trùng vọng lại để gọi là giúp vui cho đồng bào. Có lẽ vừa là một sự thật đau lòng mà vừa là một nhiệm vụ cao cả. Tuy nhiên như anh Phạm Duy đã từng nói, ít nhất những người nghệ sĩ như anh còn có cơ hội để mà hát được. Cũng như hân hạnh cho những ai bỏ nước sang đây mà còn làm được nghề đúng chỉ số. Đúng cái nghề mà mình vẫn làm khi ở quê hương. Cũng còn hơn là đi làm những cái công việc mà mình không thích. Người nghệ sĩ còn cất được tiếng hát là còn được một chút an ủi và không có gì đau khổ hơn cho nhạc sĩ mà không còn được đờn ca. Và con dế đầu bạc Phạm Duy, bao giờ cũng vậy mỗi lần cất tiếng ca là một lần hứa hẹn. Con dế hát rằng: rồi sẽ có ngày trở về. Người nghe và người hát, chúng ta cùng hẹn nhau. Chúng ta cùng gặp nhau ở một điểm. Chúng ta có chung một ước mong là rồi sẽ có ngày trở về. Bao giờ ? Ai trả lời được hay không ai trả lời được? Không ai biết bao giờ nhưng nhất định sẽ có ngày trở về. Và cứ như vậy Phạm Duy bấm nốt trên phím đàn mòn mỏi để đệm cho tiếng hát trẻ đầy triển vọng của Thái Hiền cất cao lên mãi. Và vai trò của Thái Hằng, người ca sĩ cả mười năm nay không cất tiếng, ngày nay lúc đứng cạnh Phạm Duy, lúc lại đi vào hậu trường, như bóng của một người mẹ trong một gia đình. Đứng đó mà mắt nhìn về đâu đâu phía chân trời. Nơi xa kia những đứa con trai đã trưởng thành nhưng mờ mịt bóng chim tăm cá. Và cuối cùng thì bao giờ cũng vậy tất cả cử tọa cùng với gia đình Phạm duy đã cùng hát bài ca Việt Nam ! Việt Nam ! Bài ca đó chẳng phải quốc ca nhưng mà rất quen thuộc. Tất cả đều hát, hát như là một sự kêu gọi, như là để cho vơi đi niềm khắc khoải và có lẽ sẽ còn hát như vậy thật lâu. Phạm Duy cùng ban nhạc gia đình của anh vẫn còn lang thang lưu diễn. Đôi khi, thực ra cũng có người cho rằng chẳng hay lắm nhưng vẫn đến, vẫn đến mãi vì hay hay không, đâu có thành vấn đề. Mọi người vẫn phải đến với anh bởi vì Phạm Duy là tiếng gọi từ quê hương. Vì vậy cho nên khi có thể được, chúng tôi đều đến với anh. Từ Chicago trở về lúc hai giờ đêm đi 200 miles trong bão tuyết. Đến nhà vừa đúng 7 giờ sáng thứ hai, uống một ly cà phê rồi đi trả nợ Mỹ. Bốn tháng sau khi nghe có anh cất tiếng ở Bloomington lại đi thêm 100 miles. Lần này thì chương trình biết cả rồi nhưng vẫn đến nghe, gặp anh em hàn huyên, nghe Thái Hiền hát rồi tán chuyện với những người khác. Rồi đôi khi sực tỉnh, lại ngồi nghiêm chỉnh để nghe. Bởi vì tiếng quê hương có lúc đứt đoạn, có lúc liên tục. Biết rồi mà vẫn đến, vì ở cái xứ này 100 hay 200 dặm xa cách đâu có nghĩa lý gì. Ngày nay bằng hữu phần lớn đang tù đày, tuổi này đã già rồi, ta trốn đi được đâu phải đến đây để thành công dân hữu dụng. Cái mục đó, nếu có là để dành cho nhi đồng. Nước này đâu có cần đến ta, làm gì mãi cho thêm còm cõi. Có dịp là tri âm phải đến với nhau như những con dế họp đàn. Ôi ! Những con dế nhiều ảo vọng, rồi sẽ có ngày trở về?
Giao Chỉ
-------------------------------------
* Bài này viết năm 1976. Hiện nay 4 người con trai của Phạm Duy đã vượt biên định cư tại CA. Nhạc sĩ Hoài Bắc cũng đã qua Mỹ cùng với Hoài Trung và Mai Hương tái lập ban hợp ca Thăng Long. Chỉ còn Thái Thanh ở lại Việt Nam. Ghi chú năm 1983. (Tái bản lần 2)
* Sau cùng Thái Thanh cũng qua định cư tại Hoa Kỳ. Hoài Bắc Phạm Đình Chương và Thái Hằng (vợ Phạm Duy) cũng đã qua đời. Ghi chú năm 2001. (Tái bản lần 4)