Phạm Duy - Kỷ Niệm tập sách 36 năm trước
- Details
- Written by Huyền Lam
- Hits: 3715
27.1.2013
Không ai phủ nhận Phạm Duy là nhạc sĩ vĩ đại của nền tân nhạc VN. Hình như không có nhạc sĩ nào để lại lượng tác phẩm đồ sộ, đa dạng như ông. Ngày từ giã cõi trần, rất nhiều người viết lời thương tiếc, ca ngợi sự nghiệp của ông. Riêng tôi muốn ghi lại kỷ niệm nho nhỏ đã hơn 30 năm vẫn còn gìn giữ.
Năm 1975 khoảng 125,000 người Việt di tản đến Hoa Kỳ tản mác khắp nơi trên quốc gia rộng lớn này. Dạo ấy không có Vietnam town, không có cộng đồng người Việt đi trước, nên những người ra đi năm 1975 phải mò mẫm đối phó với bao trở ngại. Nội việc học lái xe, kiếm việc làm tạm sống qua ngày đòi hỏi nổ lực hết mình, huống gì mơ ước nhà hàng Việt, chợ Việt là điều không tưởng.
Nhạc sĩ Phạm Duy cũng phải đối phó gạo cơm nhà cửa thường nhật như bao người di tản. Thế nhưng ông không để những khó khăn ấy chôn đi niềm yêu nhạc Việt thiết tha. Chỉ chưa đầy 2 năm trên xứ lạ quê người, năm 1977 ông đã cho xuất bản tập sách kèm theo băng cassett có tựa đề: Phạm Duy - Tự Học Đệm Đàn Guitare Để Hát 40 Ca Khúc Việt Nam. Tập sách được ông viết tay xen lẫn đánh máy. Riêng băng cassett thì do chính ông vừa hướng dẫn vừa đàn. 40 Ca khúc Việt Nam bao gồm nhạc Phạm Duy, Văn Cao, Thẩm Oắnh, Lưu Hữu Phước, Trịnh Công Sơn và nhiều tác giả khác.
Cầm tập sách mới thấy được bao khó nhọc Phạm Duy phải vượt qua. Chưa kể đến phương tiện layout thô sơ, chỉ phần tái chánh in ấn vào thời đại photocopy chưa phổ biến ấy thật không dễ chút nào. Đó là chưa nói đến in xong ông sè phân phối nơi nào bán khi mà quán, chợ VN trên toàn nước Mỹ đếm chưa đủ mười ngón tay.
Tôi gặp ông cùng các con đi lưu diễn tại thành phố lớn Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1980 khi tôi vừa định cư được vài tháng. Giờ giải lao, bên ngoài phòng diễn, có cái bàn, ông ngồi mắt luôn sáng, mặt luôn tươi. Trên bàn có va li đựng cassett và tập sách dạy đàn. Ông không mời, cũng không nhiều người mua. Tôi dạo ấy còn quá trẻ, quá rụt rè, quá nghèo, đi xem trình diễn cũng đi ké với người khác. Thấy tôi cứ đứng nhìn vào vali, ông hỏi:
- Có gì không cháu? cháu cứ tự nhiên coi.
- Bao nhiêu vậy bác?
- Giá ghi là ... đô, nhưng cháu muốn đưa bác ít nhiều tùy ý. Không có tiền thì bác biếu.
Cũng may tôi đem đủ tiền để lòng khỏi áy náy, giá bán rất hợp lý. Tôi đem tập sách về, mỗi đêm bật cassett lên, cầm đàn mày mò tự học. Nó giúp tôi bớt cô đơn trong những năm đầu xa xứ, giúp tôi giảm căng thẳng giữa chuyện học, chuyện làm. Nhiều năm sau tôi không còn dùng cuốn sách nữa, nhưng tôi vẫn để nó trong tủ sách rất trang trọng. Mỗi lần cầm đến nó, tôi đọc lại lời tựa viết tay của ông. Lúc đầu không cảm được nhiều, về sau mới thấy tấm lòng ông dành cho âm nhạc Việt thật vĩ đại lớn lao vô cùng. Trong bối cảnh rối như tơ vò, lạ nước lạ cái, vật lộn cuộc sống, vậy mà ông lại nghĩ đến "cho tiếng hát Việt Nam được sống mãi". Nếu không có sự vĩ đại này, ông đã không thể làm được tập sách nhỏ bé vào thời điểm ấy.
Bìa sau tập sách dạy nhạc - Phạm Duy, phu nhân Thái Hằng, con gái Thái Hiền
Cũng chính tấm lòng vĩ đại này, ông đã về lại VN để có xúc cảm mới, sáng tác mới ngõ hầu đóng góp vào nền âm nhạc nước nhà. Cám ơn ông đã cho tôi cơ hội mua được một sản phẩm chính tay ông làm vào giai đoạn khó khăn nhất. Cám ơn ông lời tựa viết tay ngoằn nghèo nhưng qúy báu vô cùng:
"In cuốn sách Tự Học Đệm Guitare Để Hát 40 Ca Khúc Việt Nam này, tôi ước vọng sẽ thoả mãn được sự luyến thương nhạc Việt của các bạn đó, vừa dạy các bạn biết xử dụng cây đàn guitare, vừa cung cấp một số nhạc phẩm quen biết, ngõ hầu giữ cho tiếng hát Việt Nam được sống mãi, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào! Phạm Duy - 1977"
Huyền Lam
Tiếc thương nhạc sĩ Phạm Duy ra đi - Ngày 27/1/2013
Nguồn: http://huyenlamblog.blogspot.com.au/