- Details
- Hits: 8894
Trống một mặt, đường kính khoảng10 cm, tang trống bằng gỗ, cao khoảng 6 cm, gõ bằng dùi. Âm thanh đục, không vang. Dùng trong ban nhạc bát âm.
Trống chùa
Trống một mặt, bịt bằng bong bóng lợn, đường kính khoảng 20 cm, tang trống bằng gỗ, cao 5 cm, có một tay cầm 12 cm. Âm thanh cao, trong trẻo, thanh thoát. Dùng để điểm nhịp cho người tụng kinh.
Trống mảnh
Thường là một cặp trống một mặt, đường kính 20 cm, âm thanh cách nhau một quãng 5, đánh bằng dùi tre, chỉ dùng riêng trong ban hát xẩm, tang trống thấp khoảng 4 tới 5 cm.
Trống Sấm
Trống hai mặt, trống to, đường kính 1,50 m tang trống cao 1,70 m, hai mặt bịt bằng da hai con trâu mộng, được đóng vào tang trống bằng đinh tre. Tang trống làm bằng gỗ mít, ở giữa phình ra, được sơn son, vẽ rồng mây, có ba đai bằng dây cật tre tết lại. Ở trong cung đình trống được treo vào giá gỗ sơn son trên đó có hình một con quạ đứng. Dùi trống làm bằng gỗ găng. Dùng trong dàn nhạc cung đình Đường Thượng Chi Nhạc (thời Hậu Lê), Đại Nhạc (thời Nguyễn). Trong nhân dân trống sấm được dùng trong những lễ cầu đảo.
Trống đại, Trống cái
Trống lớn gần bằng đứa trẻ 10 tuổi.
Trống đại và trống cái to gần như trống sấm, có hình dáng như trống sấm. Tiếng trống to, trầm, vang xa. Đình chùa nào cũng có trống đại. Trống được đánh xen với chuông đồng hay chiêng lớn. Khi có mặt trong đám rước, vì quá lớn nên trống đại phải đặt trên giá xe chở đi.
Trống đại, trống cái được dùng trong đời sống hằng ngày với nhiệm vụ thông báo, gọi là trống ngũ liên báo động có trộm cướp, vỡ đê, hỏa hoạn.
Nghe (click :) tiếng trống sư tử phụ họa cho nguời đội đầu sư tử và người cầm đuôi nhẩy múa chào mừng đám đông, khi vờn quả cầu hay cái quạt do ông Địa nhứ, khi lấy tiền hay quà treo thưởng trên cao...
Trống đại, trống cái có mặt trong lễ hội, đám rước, trong những trò vui với những tiết tấu khác nhau như nhịp trống múa sư tử, nhịp trống rưóc, nhịp trống đấu vật, nhịp trống đua thuyền...
Trong ngày lễ chùa, trống đặt trên xe đi trong đám rước
Không có đám ma nào mà không có tiếng trống cái...
Tiếng trống to, vang xa nhưng không trầm bằng trống đại. Trống cái cũng có mặt trong các dàn nhạc cung đình Đường Thượng Chi Nhạc, Đại Nhạc, Nhã Nhạc, Nhạc Huyền, Nhạc Tuồng, Chèo, Bài Chòi, Nhạc Lễ, Đội Trống Ngũ Lôi.
Hiện nay, trống cái hay là trống đại được sử dụng trong các ban nhạc gọi là tổng hợp vì nhạc cụ của cả hai vùng cao, vùng suôi được hoà tấu chung.
(click :) Nghe một bài trống phụ hoạ cho một bản nhạc du dương trong đoàn Múa Rối Nước Thăng Long Hà Nội.
(click :) Nghe một bài trống khác phụ hoạ cho một bản nhạc náo nhiệt.
(click :) Nghe hai chi tiết câu trống thường được dùng trong mọi điệu trống Việt Nam.
Người Việt Nam tiêu thụ trống rất mạnh cho nên ở Hà Nội, từ xưa tới nay, có cả một dãy phố chuyên bán trống, gọi là Phố Hàng Trống...
Trống chầu
Trống của sân khấu Tuồng, Chèo, trông giống như trống cái nhưng được làm công phu hơn. Chỉ gõ bằng một dùi để điểm câu hát (1 tiếng tùng), khen ngợi (2 hay 5 tiếng tùng) hay chê bai (1 tiếng tịch = 1 tay chặn, 1 dùi đánh) đào kép, góp ý với thầy tuồng (1 tiếng các = đánh vào tang trống).
Trống chiến, trống trận
Như trống cái nhưng nhỏ hơn, âm thanh nghe rộn ràng, khoẻ vang.
Trống Cái trong Hát Tuồng (chụp cuối thế kỷ 19)
Là trụ cột của ban nhạc Tuồng, mở câu, chấm câu, thôi thúc xuất trận hay làm đối âm cho câu hát. Trống này cho người đánh nhiều âm khác nhau :
Thùng = đánh giữa mặt trống
Tang = đánh rìa mặt trống
Rụp = đánh 2 dùi ở mặt trống
Tịch = 1 dùi chặn, 1 dùi đánh
Tòng = đánh nhóm dùi vào mặt trống
Các = đánh vào tang gỗ.
Vào khoảng năm 1956, tôi có thu thanh được một số điệu trống trong Hát Bộ Bình Định. Những điệu này có công dụng phụ hoạ cho diễn viên Tuồng trong các vai trò, hành động... của mình.
Điệu Trống Chiến phụ hoạ cho đào kép sửa soạn nói lối.
Điệu Trống Đâm Bang được khua lên khi tướng ra trận.
Điệu Trống Đổ, khi diễn viên sửa soạn ngâm.
Điệu Trống Đổ Chiêu khi đào kép đi vòng tròn, sau mỗi đoạn hát.
Điệu Trống Giao Chiến khi hai bên chuẩn bị đánh nhau.
Điệu Trống Đổ Xây Tá dùng khi tướng say rượu.
Điệu Trống Rụp Đổ Xáng dùng khi tướng nói lối.
Điệu Trống Tẩu Mã, khi vai tướng đuổi giặc đánh giặc...
Tôi cũng sưu tập được bức hình một ban hát ở nhà quê chụp vào cuối thế kỷ 19, không biết gọi là ban gì, bởi vì ta thấy có người đánh đàn đáy, có thiếu nữ ngồi gõ phách và hai người đứng múa. Đặc biệt có một nhạc công giơ tay đánh cái trống lớn ở giữa hình.
Tạm gọi là ban Hát Chèo Thôn Ổ có nhạc công giơ cái dùi đánh trống cái...
Ở Trung Bộ, Nam Bộ, trống chiến có mặt trong ban nhạc lễ, khi có lễ đình, lễ tang...
Trống ban
Trống nhỏ, đường kính 20 cm, cao 26 cm, âm thanh vui tươi, giòn, vang. 4 trống ban ghép với 1 trống cái thành ban trống ngũ lôi, dùng trong các cuộc vui, ngày hội. Khi có mặt trong đám rước thì, theo nhịp trống cái, 4 người đeo trống ban trước bụng vừa đánh trống với hai dùi, vừa đi, vừa đổi chỗ cho nhau.
Trống đế
Trống nhỏ, âm thanh cao, nghe vui, lảnh lót, hơi đanh, gọn tiếng. Dùng trong ban nhạc Chèo với hai dùi làm bằng gỗ cứng, một đầu to, một đầu nhỏ. Trống đế đánh để giữ nhịp hát, để điểm câu hát, đánh bắc cầu giữa hai đoạn hát. Điệu trống rất nhịp nhàng, sôi nổi. Trống đế có mặt cả trong Hát Chầu Văn, nhưng được gọi là trống chầu.
Nghe Nhạc Chèo có Trống Đế
Trống chầu
Dùng trong Hát Ả Đào. Tương tự như trống đế nhưng được cấu tạo công phu hơn. Chỉ dùng một dùi -- được gọi là roi chầu -- làm bằng gỗ găng. Âm thanh trống chầu thấp hơn âm thanh trống đế, ít trong sáng hơn. Quan viên tức là người nghe hát, cầm chầu để điểm câu hát, khen câu văn hay, gieo vận đẹp, hoặc để thưởng giọng hát của ả đào. Chỗ ngắt câu thì đánh "tom" (đánh vào mặt da) chỗ nào khen thì gõ "chát" (đánh vào tang trống). Có nhiều lối đánh trống chầu được đặt tên là Hạ Mã, Thượng Mã, Xuyên Tâm, Lạc Nhạn, Thùy Châu, Tranh Tiên.
(click :) Tiếng Trống Chầu và Hát Nói
Hai bức ảnh trên và dưới, cách nhau nửa thế kỷ.
Trống bản
Loại trống dẹt, đánh bằng 2 dùi gỗ. Dùng trong ban nhạc tang lễ hay tế thần. Khi 4 trống bản cộng với 1 trống khẩu, 1 thanh la và 1 trống cái dẫn nhịp thì trở thành ban nhạc cà rùng, với âm thanh rinh tùng rinh, làm cho đám rước thêm náo nhiệt.
Trống khẩu, trống lệnh
Trống khẩu thuộc loại âm cao, khổ 18X8 cm, có thêm một cái chuôi dài 12 cm, đánh bằng 1 dùi. Tiếng trống tươi vui, đĩnh đạc, dùng cùng ban nhạc cà rùng trong đám rước kiệu. Trống khẩu điều khiển kiệu đi nhanh, đi chậm, giữ thăng bằng. Cũng có khi đánh theo điệu hát, chỉ huy điệu múa. Người Dao cũng có trống tương tự như trống khẩu, cùng với ban nhạc gồm trống cái, chuông, thanh la, chũm choẹ dùng trong hội hè hoặc dùng là đạo cụ cho những vũ khúc.
Với cái tên là trống lệnh, tại vùng của người miền xuôi, trống này cũng giống như trống khẩu về hình dáng và ứng dụng. Người ta dùng tiếng trống này để ra lệnh cho việc lễ nghi hay trong đám rước.
Trống bồng, trống cơm
Thuộc loại trống nhỡ, không lớn, không nhỏ, có thể đặt trên đùi hay đeo vào người để vừa đi hay vừa múa vừa đánh trống là trống bồng, trống cơm...Nhạc học gia Trần Văn Khê cho rằng loại trống này có mặt tại nước ta từ trước thời nhà Lý, và có thể ảnh hưởng từ trống Ấn Độ. Tại Chùa Phật Tích ở làng Vạn Phúc, tỉnh Bắc Ninh được xây cất vào khoảng thế kỷ XI... có những tượng nhỏ chạm trên bệ các cột chùa, trong đó có tượng người đánh trống giống như trống bồng hay trống cơm.
Còn có thêm bức tượng đầu người mình chim, hai tay vỗ trống... của thời Nhà Trần, đánh trống này.
Khi xưa, trong dàn Nhã Nhạc, loại trống này được gọi là Phong Yêu. Người bình dân gọi trống Phong Yêu là trống tầm bông, vì hai mặt trống có hai tiếng khác nhau, một tiếng trầm một tiếng bổng.
"Trầm bổng" gọi lơ lớ thành "tầm bông" có lẽ vì thế mà trống được gọi thêm là trống tầm bông chăng ? Rồi khi gọi ngắn là trống bông thì thành trống bồng. Trống đặt ngang đùi hay treo vào người rồi dùng hai bàn tay vỗ vào mặt trống, nghe rất vui tai.
Trống bồng vẫn còn thấy trong các ban nhạc cổ truyền tại Việt Nam bây giờ.
Trong các đám rước làng ở vùng quê thường có sự tham gia của phụ nữ đánh trống bồng và họ được gọi là ''đĩ đánh bồng''. Người vùng quê ở Bắc Việt trước đây quen gọi con trai là ''thằng cu'' và con gái là ''cái đĩ.''
Trống này, khi hai mặt trống có gắn hai miếng cơm nghiền nát thì được gọi là trống cơm. Miếng cơm to hay nhỏ thì tiếng trống thấp hay cao. Trống cơm còn được gọi phạn cổ, thế yêu cổ.
Trống bỏi
Trống của trẻ em người vùng núi cũng như người vùng đồng bằng. Giống như trống khẩu nhưng nhỏ hơn và có chuôi, đặc biệt có hai viên đất nung gắn vào hai đầu hai sợi dây, hai dây này buộc vào tang trống. Khi cầm chuôi lắc đi lắc lại thì hai viên đất nung đập vào mặt trống, âm thanh nghe giòn giã nhưng ít ngân vang. Ở Triều Tiên, có trống tương tự nhưng to hơn nhiều.
Trống nhạc
Trống của người miền đồng bằng Nam Bộ là một cặp trống có tên là trống văn, trống võ (hay trống đực, trống cái). Âm thanh to và khoẻ, dùng trong dàn nhạc lễ.
Ban Nhạc Lễ Nam Bộ với hai trống văn, trống võ
Trống này cũng được dùng trong ban Đại Nhạc (triều Nguyễn)
Ban Nhạc
Phạm Duy