- Details
- Hits: 3412
Có thể nói mọi dân tộc thiểu số ở Việt Nam đều có trống bịt mặt đa. Do đó hình dáng và chủng loại rất phong phú, kể ra là mấy chục loại. Nếu lấy thước làm căn cứ ta có :
- Trống rất lớn
- Trống lớn
- Trống nhỡ
- Trống nhỏ.
- Trống viên trụ tròn
- Trống hình trứng cắt phẳng hai đầu (hay còn gọi là viên trụ khum)
- Trống thắt eo cổ bồng
- Trống dài
- Trống ngắn
- Trống mỏng
- Trống dày.
- Tang gỗ khoét
- Tang gỗ tiện
- Tang gỗ ghép
- Tang bằng sành
- Tang trống có mặt da đóng đinh cố định
- Tang trống có mặt da căng bằng dây (để có thể lên dây trống).
- Trống một mặt da
- Trống hai mặt da.
Thủ Pháp :
- Đâm trống
- Xoa trống
- Đánh bằng dùi trần, dùi bọc vải
- Đánh bằng nắm tay, lòng bàn tay và ngón tay.
Trống Rất Lớn và Trống Lớn
Khi gọi là trống lớn là nói đến những cái trống đường kính mặt da khoảng từ 50-60 cm trở lên, và điều quan trọng nhất là trống phải phát ra những âm thanh trầm, vang xa. Những thông số về đường kính mặt da và chiều cao tang trống nói trên có thể xem như số trung bình của trống. Vì loại trống có kích thước như vậy phổ biến ở hầu hết các dân tộc.
Trống lớn nhất ở vùng Cao Nguyên có lẽ là một cái trống của người Thái vùng Yên Châu, tỉnh Sơn La, có chiều dài thân trống đến 287cm và mặt trống có đường kính 117 cm. Tang trống là một đoạn thân cây gỗ cứng, được khoét rỗng bằng lửa. Mỗi mặt trống là cả một tấm da trâu lớn còn sót lại nhiều lông. Tiếng trống rất trầm, vang xa đến vài kilômét. Trống lớn có hai mặt da và hầu hết tang trống có hình viên trụ khum.
Vì kích thước lớn nên khi đánh phải treo trống theo thế nằm ngang. Dùi trống gọt bằng gỗ, phần lớn để trần, âm thanh nghe rất nặng và rất đanh. Ở nhiều dân tộc, chỉ chủ làng mới có quyền đánh trống, Ở một số đân tộc khác như Thái, Mường, KhơMú không có quy định này.
Ở hầu hết các dân tộc, trống lớn luôn luôn có chức năng nghi lễ. Trống tham gia như một thành viên không thể thiếu trong các dàn cồng chiêng Tây Nguyên và Chàm vùng Khánh Hòa. Trống lớn cũng là biểu tượng quyền uy của các chủ làng.
Hầu hết các đân tộc thiểu số dùng trống xưa kia đều tin rằng trống có sức mạnh thiêng. Truyền thuyết về nạn hồng thủy ở người H'Mông còn coi trống là ân nhân, vì hai anh em một trai một gái, cùng với những cặp gia súc, gia cầm và giống má, đều nhờ chui vào trống mà thoát chết, rồi tái tạo sự sống trên thế gian. Rất phổ biến một niềm tin cho rằng trống là hiện thân của Thần Sấm, tiếng trống lâ tiếng của thần gọi mưa, dồn mây, đuổi gió. Đó cũng là niềm tin của nhiều dân tộc nông nghiệp trong vùng Đông Nam Á. Vì thế, nhiều nơi trống được cất giữ cẩn thận, chỉ đem ra đánh vào ngày hội, ngày lễ, nhất là các ngày hội, ngày lễ nông nghiệp.
Vì thế trong các dàn nhạc nghi lễ bao giờ cũng có trống như trong dàn chiêng cồng Tây Nguyên chẳng hạn. Ở người ÊĐê, trống lớn đặt ở cuối cái ghế dài KơPan (dài hàng chục mét) nơi dàn chiêng ngồi diễn tấu. Thông thường, trống lớn được đặt trên đầu hồi phía Đông của nhà người chủ làng hay trưởng họ. Chẳng phải chỉ vì treo ở đấy cho tiện việc dùng trống thông báo tin tức mà trong chiều sâu của quan niệm văn hóa dân tộc, chính là để tôn vinh sức mạnh và quyền uy của người lãnh đạo cộng đồng vì ông ta hay bà ta nắm giữ một "năng lượng thiêng" quan trọng bậc nhất cho sự thành bại của mùa màng. Vì trống là hiện thân của Thần Sấm.
Cũng do được thần thánh hóa nên trong các dân tộc, trống được kính trọng, gọi tên là : Oong Plổng (Mường), Oong Coọng (Thái), Book SơGơr (Bahnar), v.v...Ở hầu hết các dân tộc, trống lớn luôn luôn có chức năng nghi lễ. Trống tham gia như một thành viên không thể thiếu trong các dàn cồng chiêng Tây Nguyên và Chàm vùng Khánh Hòa. Trống lớn cũng là biểu tượng quyền uy của các chủ làng. Cần phải biết rằng trống SơGơr giống như trống bồng của người miền xuôi.
Trống Nhỡ, Trống Nhỏ
Gọi là trống nhỡ những cái trống có đường kính mặt da khoảng 35 cm. Tang trống thông thường khoảng 50-60 cm. Tuy nhiên cũng có những tang trống dài hàng mét như trống Salam của người Khơ Me Nam bộ.
Trống nhỡ rất đa dạng về hình thức và cấu tạo. Nhiều dân tộc có trống một mặt da như Jajam (Khơ Me Nam Bộ) và trống hai mặt da như trống SơGơr (Bahnar, RơnGao, SêDăng)...
Người Chàm có trống đôi GhiNăng, trống một mặt da Parinăng.
Trống GhiNăng cũng là loại trống như trống SơGơr hay trống bồng của người miền suôi, nhưng người Chàm không đeo trống trước bụng mà đặt lên một cái giá.
Cách đánh Trống GhiNăng
Còn khi họ đánh trống đôi, là khi họ muốn nói chuyện với nhau. Khi hai người song tấu, luôn luôn có một người nêu câu hỏi và người kia trả lời.
Ban nhạc Chàm
Họ bảo rằng hai người bạn ở xa, khi gặp nhau không cần nói gì cả, chỉ cần đánh trống độ vài giờ liền và như thế, họ hiểu một cách đầy đủ nhất, từ đời sống gia đình, con cái, sức khoẻ, tình cảm của nhau trong thời gian họ sống xa nhau.
Trống một mặt da Parinăng của ngưòi Chàm thì được dùng để đệm cho người hát kể truyện ca Chiêm Thành.
Trống Chàm Parinăng
Hình Dáng và Chất Liệu
Tang trống phần lớn hình viên trụ khum, thắt eo ở giữa, hai đầu phình ra. Do tỉ lệ giữa đường kính mặt da và chiều dài của tang trống nên loại trống này có hình dáng dài. Người Khơ Me Nam bộ có trống Salam. Người Thượng ở vùng Tuyên Quang thì có trống Cao Lan. Tang trống thường làm bằng gỗ, riêng trống Cao Lan thì được làm bằng sành, có tráng men bên ngoài. Trống Cao Lan có vòng sắt chụp khít ra ngoài tang trống. Dây mắc vào các khoen đính trên vòng sắt mà kéo, vừa kéo dây vừa lôi phía rìa mảnh đa, vừa điều chỉnh độ căng của mặt da.
Trống Cao Lan
Trống của người Dao và trống của người Giáy, Thái Trắng, Lào, Lự... có chiều cao tang trống nhỏ hơn đường kính mặt da 15/35 cm nên hình dáng trống trở nên bẹt. Những trống này được dùng trong dàn nhạc lễ .
Trống của người Dao
Da bịt trống thường đùng da dê thuộc, bào mỏng. Thỉnh thoảng mới gặp mặt trống da bò bào mỏng. Những trống có đường kính nhỏ khoảng 20 cm trở lại còn được bịt bằng da trâu. Phần lớn da được cố định vào mặt trống bằng đinh tre già, hơ lửa cho cứng. Một vài loại được cố định bằng các dây chằng. Dây này thường bằng da dê. Có hai cách mắc dây và căng da. Thông thường ngưỡi ta khoét một số lỗ xuống mặt da, nơi chờm ra ngoài mặt trống, xỏ dây vào để kéo. Dây mắc vào cả hai mặt da để điều chỉnh độ căng của cả hai mặt.
Trống nhỡ được khai thác nhiều tính năng hơn với trống lớn về mặt thông tin cũng như âm nhạc. Trong lúc trống lớn chỉ dùng giữ nhịp cho múa đông người thì trống nhỡ như trống Dao, trống Chàm, trống SơGơr (Bâhnar) là nhạc cụ cho các điệu múa.
Nhịp trống không còn là những mốc thời gian giữ cho các bước múa Nó trở thành môt bản nhạc nhịp điệu, không chỉ giữ vai đệm mà còn trở thành một bên đối thoại, một "nguời bạn đồng hành" với múa, hoàn thiện hình tượng của nghệ thuật múa.
Trống SơGơr, trống Chàm (Ghi Nâng) hay trống Dao Cấp Sắc là thuộc loại này. Cao hơn bước nữa là các bài độc tấu hay song tấu trống như trống đôi của Chàm.Trống nhỡ chỉ dành cho nam giới chơi.
Trống Skor của người KhơMe Nam Bộ
Trống XaYamcủa người KhơMe Nam Bộ
Trống nhỡ cũng phong phú về thủ pháp, về các ngón kỳ sảo diễn tấu, Hầu hết các dân tộc dùng trống đều dùng bàn tay và ngón tay vỗ trống. Cũng hầu như mọi điểm trên mặt da đã được sử dụng bởi các kỹ sảo riêng rẽ hay phối hợp. Nhờ đó âm thanh của trống rất giầu màu sắc. Việc dùng dùi đánh trống cũng có, nhưng chỉ dùng hạn chế trong một số đoạn hay bài nhac. Chẳng hạn như trống nhỡ của người Giáy dùng dùi khi họ tham gia vào dàn nhạc lễ, hòa tấu cùng với sáo Pi Lê và vài cái thanh la.
Trống của người Nùng
Các dân tộc thiểu số gần như không có loại trống kích thước nhỏ.
Phạm Duy