Rong Ca
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 4758
Tôi viết nhạc từ 1942. Sau khi đã soạn ra khá nhiều đoản khúc (như Kháng Chiến Ca, Dân Ca, Tình Khúc v.v...) mỗi bài dài chừng năm, ba phút tạm gọi là tiểu nhạc... vào năm 1954, sau khi đi Pháphọc nhạc thêm, tôi mon menbước vào cái tạm gọi là đại nhạc, nghĩa là nhạc phẩm dài và lớn hơn, gồm :
* Trường Ca Con Đường Cái Quan (hoàn tất năm 1960), Mẹ Việt Nam (1964)...
* Chương Khúc Tâm Ca (1965), Tâm Phẫn Ca (1966)... tiếp tục với Bé Ca, Nữ Ca và Bình Ca (1972)...
Trước khi xa quê hương, tôi soạn :
* Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ (1975) và sẽ kết thúc nó sau nhiều năm về sau...
Vào năm 1986, để kỷ niệm 10 năm xa xứ, tôi quyết định ngưng sáng tác để ngồi nhớ lại 50 năm soạn nhạc, sưu tập và ghi chép tất cả những lời hát mà mình còn nhớ được để in ra một tuyển tập nhan đề NGÀN LỜI CA. Rồi tôi có một thời gian dài để hoàn toàn nghỉ ngơi và rong chơi trên thế giới như ý muốn.
Trong thời gian này, cũng có một vài ba điều gì đó làm cho tôi nghĩ tới chuyện soạn thêm một loạt bài ca nữa, những bài ca mà tôi muốn được gọi tên là NĂM HAI NGÀN CA. Nhưng, trước hết, tôi đang trong thời gian tinh thần bị suy sụp (chán sáng tác!) và quá bận bịu với việc thực hiện cuốn sách NGÀN LỜI CA này (ghi chép, in ra và đem sách đi bán). Sau nữa cũng chẳng có ai -- kể cả tôi -- thúc bách mình làm công việc sáng tác, cho nên ý nghĩ đó được để qua một bên...
Vào đầu năm 1988, trong vài chuyến đi chơi với bạn bè ở San Francisco, California-USA, tôi bỗng nhìn ra là chỉ còn 12 năm nữa là tới Thế Kỷ thứ 21. Một vài chuyện xẩy ra, chẳng hạn tôi nhìn thấy rõ ràng là nhị-thế (second generation) của người Việt Nam sống tại hải ngoại - đặc biệt là ở Hoa Kỳ - tức là lớp tuổi 20, đã quay lưng lại nhạc Việt; nhất là vì tôi quá ư xúc động vì ngẫu nhiên gặp lại một người tình cũ... khiến tôi bỗng nhiên có hứng để soạn nhạc nữa ! Tôi nghĩ ngay tới việc soạn những bài ca gọi là hát cho năm 2000. Tôi lại làm cái việc soạn đủ 10 bài cho một thứ chương khúc khác, bây giờ được gọi là MƯỜI BÀI RONG CA.
*
Vì tài liệu này chú ý nói về nhạc lý nên tôi cần nói qua về tính chất của Rong Ca. Tôi quyết định chọn phong cách nhạc NEW AGE (đang khởi dạng trên thế giới) vì lý do :
· nội dung của Rong Ca là sự vượt thoát ra khỏi cái chật hẹp tù túng để vươn tới cái mênh mông bát ngát. Phải có một cái áo mới phù hợp với thân xác...
· hình thức nhạc NEW AGE sẽ làm cho người yêu nhạc khoái tai hơn là phải nghe lại hình thúc cũ kỹ trước đây của nhạc PD.
Cần nói qua về nhạc NEW AGE :
Theo định nghĩa của nhiều sách, báo trên thế giới, New Age là âm nhạc điện tử mà ở đó nó chứa đựng những giai điệu êm dịu, giản đơn, thuần khiết, sâu xa... cộng với những khoảng không rộng rãi, yên bình... Những đề tài trong New Age bao gồm không gian và vũ trụ, môi trường và thiên nhiên, tính nhân bản của con người (chân-thiện-mỹ), sự hòa hợp của chính bản thân với thế giới. Nhạc NEW AGE haykể về những giấc mơ hoặc những cuộc hành trình của tâm trí hay tinh thần. Tiêu đề của những bài hát trong New-Age thường nói về những khía cạnh của tâm linh. Ví dụ Principles of Lust (Enigma); Purple Dawn (Anugama); Shepherd Moons (Enya); Straight’ a way to Orion (Kitaro); The Quiet seft (Gregorian)...
NEW AGE còn dùngnhững âm thanh tự nhiên (như tiếng gió thổi, tiếng nước reo, tiếng mưa rơi...) để làm đoạn nhạc dạo đầu (intro) hoặc cũng có thể là chủ đề xuyên suốt của một bản nhạc.
Ta sẽ thấy, Rong Ca Phạm Duy cũng sẽ chứa đựng những giai điệu êm dịu, giản đơn, thuần khiết, đề tài cũng dựa vào không gian và vũ trụ, môi trường và thiên nhiên, dựa về tính nhân bản của con người (chân-thiện-mỹ) và về sự hòa hợp của chính bản thân với thế giới bên ngoài. Nhạc sĩ Lê Uyên Phương, sau khi nghe hết 10 bài Rong Ca sẽ viết :
...Người nghe cảm nhận ở nơi đó một cái gì, vừa thực, vừa giả, vừa như ngắn ngủi, vừa như thiên thu, vẻ đẹp thật là kỳ quái, nếu người nghe bước qua khỏi được những giới hạn của chủ quan, hẳn sẽ cảm thấy được sự kỳ diệu của một đời người sáng tạo, hẳn sẽ thấy được cái chung trong cái riêng của Phạm Duy, cái riêng trong cái chung của Phạm Duy và hôm nay cái riêng trong cái riêng của Phạm Duy.
(LUPhương)
Tất cả mười bài rong ca đều viết ở thể hát kể (ballad), một thể loại của những người hát rong (troubadour) trong dĩ vãng. Những bài ballad đó thường kết cấu đơn giản, dù nội dung là những lời tán tụng tình yêu hay những suy ngẫm siêu hình, lời hoạt kê thời sự xã hội... và vì nó là của PD cho nên nó vẫn đậm đà âm sắc dân giã, gần gụi tâm tình quần chúng Việt Nam của mỗi lứa tuổi.
Lần này, Duy Cường thể nghiệm hòa âm phối khí cho 10 Bài Rong Ca theo phong cách nhạc new age, nghe rất phù hợp, rất mới mẻ, rất hấp dẫn.
Nói qua về việc hòa âm.
Vào lúc tôi muốn tạm biệt giai đoạn nhạc đơn điệu (monophonic) để bước qua giai đoạn nhạc đa điệu (polyphonic), tôi đã có ngay một người có thể giúp tôi đi tới mục đích, người đó là Duy Cường. Từ ngày con tôi vừa từ VN mới qua Mỹ, nhập học khoa âm nhạc tại Santa Ana College (1979 gì đó), tôi đã khuyến khích Cường học ngay các cách hòa âm phối khí... rồi hai bố con thử nghiệm tìm ra một đường lối hoà âm thuận với lỗ tai Việt Nam. Chẳng hạn, chúng tôi thử thách đi vào thể đại nhạc (grande musique) mà không nhất định phải đi theo trường phái nhạc classic hay neo-classic Tây Phương.
Trước hết, chúng tôi muốn thực hiện một selection nhạc không lời. Nhưng selection âm nhạc đa điệu này chưa có thể là một cái gì hoàn toàn mới, nó phải là một số điệu ca mà người nghe đã quen thuộc nhưng chưa hề có một hoà âm, phối khí nào đúng nghĩa là phối âm cả. Chúng tôi bèn dùng 10 bài hát rất quen thuộc và sắp xếp vào một chủ đề. Đó là chủ đề Nhạc Tình : Ra Sông Ra Biển. Chương trình nhạc này mang tính chất nhạc thính phòng, mở đầu bằng bài Chiều Về Trên Sông. Sau khi cho nghe đoạn ''nhạc sông'' mô tả cảnh một người ngồi mơ màng bên dòng Cửu Long Giang, nhạc chuyển qua ''nhạc biển'' đưa người nghe vào cuộc hải trình (exodus) lớn nhất của người Việt trong thế kỷ. Ra tới thế giới mịt mùng rồi là một sự hoài xứ (nostagia) mông lung, nhạc gợi lại dĩ vãng với cảnh chiến tranh/hoà bình, tình yêu/thù hận, náo nhiệt/cô đơn, hi vọng/thất vọng v.v... qua những bài như Tình Khúc Chiến Trường, Trả Lại Em Yêu, Con Đường Tình Ta Đi, Đừng Xa Nhau, Mộ Khúc v.v... trong bất cứ bài nào cũng đều có sự tái tạo.
Với selection này, chúng tôi thử thách soạn nhạc đa điệu và nhạc không lời, theo trường phái ấn tượng (impressionist).
Qua năm 1991, lại là một thử thách nữa : Con Đường Cái Quan, Nhạc Hoà Tấu nghĩa là nhạc đa điệu và không lời, được thực hiện. Đã được những giọng ca hay nhất của Saigon hát vào năm 1960, trường ca được phổ biến trên các Đài Phát Thanh trong suốt những năm phân chia của Việt Nam. Rồi vì sự éo le của lịch sử, Việt Nam được thống nhất vào năm 1975, nhưng không thống nhất bằng hoà hợp hoà giải, khiến cho tới bây giờ (1994) lòng người ở trong và ngoài nước còn cực kỳ chia rẽ. Để kêu gọi sự thống nhất lòng người, tôi mời mọi người nghe lại bản Con Đường Cái Quan. Lần này, nhạc phẩm được trình bầy theo lối nhạc không lời, dưới hình thức giao hưởng (symphony), hoà tấu (concert). Về phần nghệ thuật, khi soạn trường ca trước đây, tôi bị hạn chế bởi lời, không diễn tả được sự hối hả hay cô đơn của người lữ khách trong cuộc trường chinh, không nói lên được những hiểm nguy mà lữ khách gặp phải khi trèo đèo, lội suối, không phô bầy được cảnh đập lúa giã gạo của người dân ở hai bên con đường xuyên Việt v.v... Bây giờ là lúc chúng tôi dùng nhạc thuần túy để diễn tả, gợi cảm và gây ấn tượng cho người nghe về âm sắc, mầu sắc, nhan sắc và tâm sắc của một Việt Nam trong một thời gian và không gian (dans l'espace et dans le temps) nhất định.
* Về không gian, tuy chỉ là một nước Việt nhưng vì có ba phần đất khác nhau nên mỗi phần đều có nhạc tính riêng : nhạc miền Bắc là nhạc núi rừng hiểm trở; nhạc miền Trung là nhạc miếu đền cung điện; nhạc miền Nam là nhạc gió mưa sông nước.
* Về thời gian, lữ khách chỉ có ba ngày ba đêm để hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước lòng người.
* Về động tác, tuy chỉ là những bước đi nhưng nhịp đi lúc nào cũng thay đổi tùy theo hoàn cảnh và phong cảnh.
Bản nhạc này đưa nhạc Việt lên một địa vị cao.
Sau khi nghe Con Đường Cái Quan - Nhạc Hoà Tấu, có nhà phê bình ở Hoa Kỳ gọi tôi là Schubert của Á Đông (sic). Ban hợp xướng NGÀN KHƠI và ban nhạc hoà tấu ở Little Saigon đã trình bày bản Con Đường Cái Quan trước công chúng Việt-Mỹ ở Nam-California. Người Việt ở Úc Châu, sinh viên Đại học Berkeley (CA-USA)... muốn có phần “nhạc bản” để cho giàn nhạc giao hưởng ở Sydney, ở Bắc California có thể trình diễn trước công chúng.
Rồi tới mùa Thu 1994. chúng tôi soạn Mẹ Việt Nam, Nhạc Hoà Tấu. Bài này hợp lỗ tai người Việt Nam hơn người ngoại quốc vì nó mang quá nhiều tính chất tượng trưng (symbolic). Phải hiểu nó qua lời ca rồi mới nên thưởng thức nó qua nhạc không lời. Nó không hoành tráng như Con Đường Cái Quan, Nhạc Hoà Tấu, nó là một pho tượng, tượng Mẹ Việt Nam của chúng ta, Phần Một là tươi tắn, xinh đẹp, Phần Hai là ưu tư, lo lắng, Phần Ba là chua sót, đau khổ, Phần Bốn là tha thứ, siêu thoát... Tôi muốn đưa ra một tác phẩm rất giản dị, rất đạm bạc (sobre), không diêm dúa, không xa hoa lộng lẫy : Mẹ Việt Nam không son không phấn, mẹ Việt Nam mang tấm nâu sồng mà ! Người nghe toàn bộ tác phẩm mà thấy cảm động thì tác phẩm được coi như đã thành công. Mẹ Việt Nam, Nhạc hoà tấu, một lần nữa kêu gọi các con trở về với mẹ tổ quốc. Lời kêu gọi, vì quá quen thuộc nên đã trở thành vô ngôn.
Cũng trong chủ trương đi vào cõi nhạc không lời, Duy Cường chọn một số lớn ca khúc quen thuộc, bỏ phần lời ca mà chỉ dùng nhạc điệu với hoà âm, phối khí mới để soạn thành những chương trình nhạc nhẹ (easy listening) như Đêm Nguyệt Cầm, Phù Du, Mộ Khúc...
Khi cộng tác với tôi để soạn hòa âm cho Rong Ca, biết được ý định của tôi về phần hòa điệu, vì đã nắm được những đặc tính của nhạc NEW AGE sau khi đã hiểu được nhạc ngữ của nhiều người như Kitaro, Walter Hill v.v..., Duy Cường rút ra ít nhiều yếu tố âm nhạc của họ để sáng tạo ra một phong cách riêng của mình trong việc hòa điệu cho 10 bài Rong Ca.
Rong Ca số 1 nhan đề Người Tình Già Trên Đầu Non hay là Hóa Sinh đưa ra hình ảnh một “lão tình” đứng trên đỉnh núi trong buổi hoàng hôn, chợt nghe thấy tiếng EM từ dưới thế gian vọng lên vời vợi. (EM đây là một người tình có thật hay một người tình tưởng tượng? Cũng có thể là MẸ VIỆT NAM chăng?) Người tình lững thững xuống núi để gặp Nàng, cùng Nàng sống lại bốn mùa của một cuộc đời và bốn mùa của một cuộc tình. Rồi hẹn nhau sẽ cứ sau một trăm năm lại tái sinh.
Trước hết, phải nghe đoạn nhạc dạo đầu – intro (không in ra ở đây) để thấy ngay đặc tính của nó (theo style New Age) là : dùng âm thanh tự nhiên, nghe như có tiếng phi thuyền bay trong vũ trụ đầy tiếng ầm ỳ... Có tiếng sáo, tiếng harp đệm cho Duy Quang hát theo nhịp tự do, có lúc ca sĩ hát chỉ có tiếng nước reo đệm theo mà thôi :
Người tình già trên đầu non
Tuyết đã tan trên vai mỏi mòn
Giữa đám mây xanh xao chập chờn
Nhìn mặt trời thoi thóp hoàng hôn...
Chú ý : motif, melody, modulation rất giản dị, êm dịu và thuần khiết. Âm giai chỉ là ngũ cung Sol la do re mi.
Rồi Duy Quang hát repetiton của đoạn A (bây giờ là A’) theo một tiết điệu (rythm) có tính chất new age, bay bổng và ngẫu hứng giống như nhịp jazz (có vẻ smooth jazz) :
Người tình già trên đỉnh khơi
Muốn lãng quên trăm năm một đời
Nhưng dưới thế gian mông mênh vời vợi
Người chợt nghe tiếng em chờ đợi...
Điệp Khúc sau đó cũng chỉ là sol la do re mi với modulation qua Fa minor rồi trở về Do major ngay !
Người tình già trong lẻ loi
Có nhớ thương.... ai ?
Vì chủ ý của tôi là theo phong cách NEW AGE (viết một nhạc điệu mùi mẫn như một câu vọng cổ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần) nên chỉ cần một câu nhạc giản dị như thế để chuyên chở nội dung kể chuyện (ballad) : người tình già nghe lời kêu, lững thững đi trên con đường chiều, xuống lũng sâu, leo qua ngọn đèo... Và nghe thấy tiếng em thì thầm :
"...Đợi người tình đã từ lâu, vẫn khát khao... nhau..."
Vì là phong cách new age, nên cần nhiều phân khúc và điệp khúc để kể lể thêm :
Người từng là nắng mùa Xuân đã dắt em đi trên đường trần
Đã vuốt ve em trong Hạ mềm rồi lạnh lùng Thu đến... lìa em
Người trở thành cây mùa Đông lá úa rơi vun cao cội nguồn
Nhưng cuối bước đi trăm năm một lần, đầu cành khô bỗng hoa nở tràn
Người tình vào cuộc tử sinh sống chết lung... linh.
Thành người tình đang trẻ ngây sẽ đứng lên mê say từng ngày
Cất bước Xuân đi qua Hạ dài, người hẹn người leo thế kỷ chơi...
Qua câu hát này, thấy tôi không còn chậm chân đi trong chật hẹp mà đã rộng bước đi trong vũ trụ cho nên có anh bạn Bùi Duy Tâm đã viết về Người Tình Già như sau :
Từ mùa Thu 1986, Phạm Duy không còn hứng thú sáng tác nên quay sang làm công việc thu vén các tác phẩm của mình để làm thành cuốn tuyển tập nhan đề Ngàn Lời Ca. Vì có lúc Phạm Duy đột nhiên thấy lòng mình trống trải, cô đơn khủng khiếp nên đã có bài Tình Thu (1983 hay 1984) : Mặt trời lên, rồi chết dưới chân mây, hoa đang tươi chợt héo hắt trong ngày... Và gần như tuyệt vọng trong đời sống lưu vong : Ðã nghe nhịp sống, ới ơ đìu hiu, đã nghe gần gũi nhạc thiều âm ty... Cuối Ðông 1987, bỗng nhiên một niềm hứng khởi trở lại với Phạm Duy như thể vừa được nghe tiếng người tình cũ sau mấy chục năm vắng lặng... Như thể người tình cũ và mình đã hoá sinh :
... thành người tình đang trẻ ngây
Sẽ đứng lên mê say từng ngày (hay từng tháng)
... cùng nhau bước qua thế kỷ 21 :
Người hẹn người leo thế kỷ chơi...
Còn hẹn rằng sẽ về thăm lúc đã trăm năm. Hẹn sẽ từ khơi xuống núi vui chơi. Rồi lại hẹn từng thế kỷ sau, cứ hoá sinh theo :
Và người tình ngoảnh về non
Hát khúc Xuân... sang.
Rồi hẹn rằng sẽ về thăm
Lúc đã trăm... năm
Và người tình sẽ từ khơi
Xuống núi vui... chơi
Rồi lại từng thế kỷ sau
Cứ hoá sinh... theo.
Bài ca thứ hai trong loạt 10 bài Rong Ca nói về thân phận một nước trong 100 năm qua, với nửa đầu thế kỷ đầy hy sinh, đấu tranh cho độc lập, tự do, nửa sau tưởng được sống yên vui nhưng những chia rẽ, oán thù đã đầy đọa người dân ở cả hai miền, khiến hạnh phúc và tình yêu vẫn còn ở quá xa tay người.
Bài hát có tựa đề là HẸN EM NĂM 2000 (lại là một lời hẹn hò, han hỏi !!! ) với những câu kết: Ðược gọi tên thế kỷ nào đây ? Trăm năm tình ái hay trăm năm ngậm ngùi ? ... như một dấu hỏi lớn của thắc mắc liệu một trăm năm lầm lỗi sắp qua có thể là bài học tốt cho trăm năm sắp tới của chúng ta hay không ?
Periphrase trước :
Hẹn em nhé, năm 2000 sẽ
Hai bên cửa hé, cho anh trở về
Từ ngày đi, theo cuộc tỉnh mê
Trăm năm nhỏ bé, trăm năm bộn bề
Hẹn em nhé
Kể chuyện nghe, những thoáng chia ly...
Periphrase sau là repetition của đoạn A :
Ngày xưa đó, chia tay vội vã
Trăm năm rộn rã, say sưa một mùa
Nào ngờ đâu, trong cuộc được thua
Trăm năm vật vã, trăm năm hận thù
Ðời băng giá
Thì tình ta cũng thoáng như mơ
Đoạn B, với motif sol sol si re phát triển thành sol sol do mi, sol sol la re...nhắc lại dĩ vãng :
Kết thúc bằng nhạc điệu của đoạn A’ :
Hẹn nhau sẽ nâng niu ngày tới
Năm 2000 với trăm năm thật dài
Ðược gọi tên : thế kỷ nào đây ?
Trăm năm tình ái hay trăm ngậm ngùi ?
Hỏi em nhé :
'' Cuộc tình ta mãi mãi đơn côi
Hay cuộc tình đôi mãi mãi yên vui ? ''
Với bài Rong Ca Hẹn Em Năm 2000, một lần nữa tôi lại thấy tôi có khả năng nhìn thấy trước nhiều sự việc. Gọi là “tiên tri” hay “mặc khải” thì cũng được đi.
Tôi soạn Viễn Du năm 1953 thì tới năm 1975, dường như ai cũng muốn ra sông, ra biển để biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông và biết ta hãi hùng ! Tôi kết thúc trường ca Con Đường Cái Quan vào năm 1960 với mơ ước đường xuyên Việt sẽ tan ranh giới để mình được đi trên con đường thế giới xa xôi thì sau 1975, trong làng du khách không mệt mỏi, tôi trở thành người được chu du khắp năm châu, bốn bể... Hẹn Em Năm 2000 soạn ra trong năm 1988, nghĩa là 12 năm trước khi tôi quyết định trở về quê hương sau 30 năm xa nước, bất chấp mọi khó khăn, khó nhọc và... khó chịu (vì chưa quen ngay lối sống chật hẹp, hạn chế...). Như vậy, tôi không phải là “người nói trước quên sau”, trái lại, tôi luôn luôn là người lúc nào cũng giữ lời hứa.
1988, trong việc trở lại với âm nhạc, bây giờ tôi thử thách dùng hình thức Rong Ca, vì tôi thấy thể tài này là có thể là “đồng chí” của nhạc New Age, trong đó có một định nghĩa rõ rệt : cuộc hành trình của tâm trí hay tinh thần. Lúc đó, dường như tôi đã mở rộng được lòng mình, không còn bị vướng víu vào cái khoảnh khắc mà đang muốn đi tới cái gọi là thiên thu. Nhà nữ phê bình Thụy Khuê đã cho rằng tôi đang trên đường đi tới vô cực. Từ nay, tôi muốn mang một đôi hia bẩy dặm để bước đi, không phải là đi từng năm tháng trong hạn hẹp mà là đi từng thế kỷ trên muôn vàn thế giới. Nói một cách giản dị : con suối nhạc nhỏ nhoi của tôi đã mon men ra tới biển khơi mênh mông rộng lớn được rồi...
Tuy nhiên, những bài hát hướng về tâm linh của tôi như thế sẽ không tận nhân tình, xa trần thế đâu ! Nói về thế giới, nói về hành tinh, nói về thiên thu, nói về vô tướng vô hình... nhưng vẫn còn những ưu tư, khắc khoải về nước tôi, về định mệnh của quê hương tôi...
Trong bài Người Tình Già Trên Ðầu Non, đã le lói thông điệp: ...cuối bước đi trăm năm một lần, người tình đã nhìn thấy đầu cành khô bỗng hoa nở tràn. Ðã đành lá úa là phải rụng về cội nhưng cái quan trọng là làm sao để hoa vẫn nở rộ trên những cành khô. Sự chết chỉ có ý nghĩa khi được tiếp diễn bằng sự sống. Với rong ca Người Tình Già, tôi đã muốn vắt nhựa sống của đời mình cho thế hệ mai sau. Trong bài Hẹn Em Năm 2000, tôi muốn nhìn vào nước tôi một trăm năm về trước, chứ không chỉ nhìn vào những sự việc xẩy ra trong một thời (là chuyện thời sự đấy !).
Tôi vốn là một nghệ sĩ có nhiều bài hát về Mẹ, về người phụ nữ, nói nôm na là về người đàn bà. Vì sao vậy? Vì tôi sớm nhìn ra người đàn bà là người đẻ ra cuộc đời. Không phải Thượng Đế hay là một vị thần thánh cụ thể nào sinh ra cuộc đời. Nếu chỉ có đàn ông trên đời mà thôi thì làm gì có sinh đẻ, làm gì có thế gian, làm gì có cuộc đời ?
Thế là vào lúc thế kỷ 21 đang tới, trong loại Rong Ca, tôi muốn soạn một bài hát nữa cho Mẹ Việt Nam, lấy tên là Mẹ Năm 2000. Nhưng bây giờ, tôi không còn có thể đưa ra những mẫu mẹ lý tưởng mà trước đây chúng ta thường vẽ ra, trong hiện sinh và trong biểu tượng, như Mẹ Nữ Oa, Mẹ Âu Cơ, Mẹ Tiên của Rồng, Mẹ chiến sĩ của kháng chiến, Mẹ Gio Linh, Mẹ Phù Sa... Mẹ của chúng ta trong những năm 2000 cũng không còn có thể là Mẹ riêng của từng người, từng nhóm như Mẹ Kính Tâm hay Mẹ Maria được nữa.
Tôi chỉ chú trọng tới một vấn đề : vấn đề thời gian ! Tại sao ta cứ phải quan niệm Mẹ là bà già 5, 6 mươi tuổi ? Ngay bây giờ, Mẹ Việt Nam của tương lai, đối với tôi, đang là những bé gái lên ba, lên 10 hay 20 tuổi. Do đó, trong năm 1988, tôi viết rong ca Mẹ Năm 2000 cho những bé gái mới lên 6 tuổi. Theo định nghĩa, nhạc NEW AGE thường hay kể về những giấc mơ mà !
Cũng vẫn là motif, nhạc điệu của đoạn A, tôi nhấn mạnh thêm tới những bà mẹ trong tương lai :
Mẹ không còn là Mẹ trong tranh vẽ
Hiện thân Phật Bà, Mẹ Đức Maria
Mẹ nuôi chiến sĩ hay Mẹ Phù Sa
Cuối thế kỷ này, Mẹ mới lên ba...
Nhưng tôi không muốn dùng Rong Ca này để phê bình, chê trách ai (vì ở khắp nơi trên thế giới, ở đâu cũng thấy có hiện tượng thiếu nữ bị đe dọa, ví dụ ở Hoa Kỳ bị nạn ma túy) nhưng là để cảnh báo. Và luôn luôn hi vọng :
(nhắc lại đoạn A)
Trẻ thơ là Mẹ cuộc đời đang tới
Việt Nam ngày nào rạng rỡ, yên vui
Nhờ trong quá khứ, có Mẹ lên ngôi
Thắm thiết tình người, gửi tới nhân loại...
Cũng với motif chính, nhưng với nhạc điệu chuyển qua re major, tôi đưa ra câu hỏi, và điều đáng nói nhất là tôi nghĩ tới những anh hùng và những người hiền của tương lai :
Mẹ đang đi vào cuộc đời đang tới
Mẹ đang đi vào thế kỷ ngày mai
Sinh con anh hùng, người hiền nhân ái ?
Hay sinh kẻ hèn, bạo chúa vô loài ?
Về hòa âm, Duy Cường đã thêm vào rong ca này một intro và những câu đối âm (contrepoint) làm tăng sự thiết tha của ca khúc :
Triolet Fa sib la, fa la sol, mib sol fa...
Bây giờ, nói tới bài rong ca số 4 : Mộ Phần Thế Kỷ.
Đã có lời một nhận xét chung về rong ca sau khi nó được phổ biến :
Hôm nay cũng như ba mươi năm trước, Phạm Duy tin tưởng rằng tình yêu là khí giới để xoá hận thù (Việt Nam Việt Nam). Thông điệp của ông trong Mười Bài Rong Ca là : thế kỉ này đầy bi kịch chỉ vì chất chồng quá nhiều oan khiên mà chỉ có thể hoá giải bằng tình thương...
Có thể có nhận xét này là vì trong 10 bài rong ca, người viết (Đoàn Xuân Kiên – London) chú ý tới bài số 4, Mộ Phần Thế Kỷ. Nội dung của bài này là :
Trong mùa Đông của thế kỷ 20 và khi mùa Xuân của thế kỷ 21 đang tới, người phu làm nghề lượm xác chiến trường đi nhặt và chôn xác của thời qua. Anh ta muốn chôn đi những điều buồn của thế kỷ 20 là những cuộc thế chiến, những cuộc nội chiến, muốn chôn vào mồ tập thể này những chủ nghĩa, chôn đi cả Thần Đói, chôn luôn cả những yếu hèn của riêng từng người trên thế giới nữa... Mong rằng mộ phần thối tha này sẽ là phân bón cho những ngọn cỏ, ngọn lúa, nụ hoa của thế kỷ mới.
Cũng như các rong ca trước, với bài này, tuân thủ đặc tính của nhạc New Age là nói về không gian và vũ trụ, tôi có cái nhìn về cả một thế kỷ 20 với những chuyện buồn vui trên thế giới, chứ không chỉ nhìn vào một biến cố lẻ loi, tại một nơi nào. Thản hoặc tôi còn vương vấn chuyện khóc cười theo mệnh một nước, nhưng tôi chú trọng tới mệnh người trên cả một địa cầu.
Trong rong ca số 4, nhạc điệu cùng với các chi tiết motif, contour melodique, cadence v.v... không ra ngoài nhạc tính cá biệt của tôi (tạm gọi là nhạc phamduyrienne để phân biệt với nhạc gregorienne, palestrinienne...). Bố cục của Mộ Phần Thế Kỷ giống như của bài Mẹ Năm 2000. Có thêm hòa âm của Duy Cường với phần Intro rất độc đáo : tiếng trống rung liên hồi trên nền âm thanh ầm ỳ, chen lẫn với tiếng tức tưởi như tiếng khóc trong đám ma... Nhịp điệu tạo được nhịp đi và cảm giác ghê rợn của người phu đi nhặt xác trên chiến trường...
Đoạn tiếp theo là repetition của đoạn A:
Người phu sau thời gian
Một trăm năm đã gần xong
Anh bình tâm đi lượm xác trên đường.
Chuyển qua đoạn B là phát triển của leitmotif :
Những xác úa một thời
Có bóng dáng triệu người
Phiêu diêu nơi Thế Chiến Một, Thế Chiến Hai
Hết Thế Chiến, lại là
Anh em trong một nhà
Lấy chém giết để giải hoà trong quốc gia.
Láy lại nhạc điệu của Đoạn A (bây giờ là A’):
Người đi trong mùa Đông
Đội khăn tang, mang tình thương
Theo người phu đi đào lỗ bên tường
Người phu trong chiều buông
Lòng hân hoan, chôn mộ xong,
Nghe mùa Xuân đang rộn rã tới gần,
Điệp Khúc (Đoạn C) là nhạc đề từ minor chuyển cung sang major, tươi sáng hẳn lên, ngọt ngào hẳn lên :
Nghe bên nấm mồ
Có tiếng đàn trẻ nhỏ
Lưng trâu bé ngồi
Đang cùng nhau hát chơi
Mai đây, nấm mồ
Một nụ vàng sẽ hé
-- Hoa ơi, tên gì ?
Có phải hoa hướng dương ?
Rong Ca số 5 là Ngụ Ngôn Mùa Xuân. Một chuyện kể có tính chất khôi hài và trớ trêu (ironic). Trong thế kỷ 20, đã xẩy ra cuộc chia đôi thế giới của 2 quyền lực tư bản và cộng sản. Một trong hai bên đều có thể diệt đối thủ của mình bằng võ khí nguyên tử nhưng nếu chiến tranh nguyên tử xẩy ra thì cả thế giới sẽ tan tành. Vậy thì hai đại cường quốc này dùng những tiểu quốc thuộc phe mình xung đột với nhau bằng chiến tranh quy ước.
Tôi đã ví những quốc gia bị hai nước lớn áp đặt như những người mù, người câm, người điếc. Ðã mù lại còn mù quáng đánh nhau cho nên cả hai đều sứt trán bể đầu :
Có hai thằng mù đánh nhau ngoài ngõ
Cả hai thằng đều sứt trán, sứt tai.
Có hai thằng câm cãi nhau giữa chợ
Cả hai thằng đều rát lưỡi, bỏng môi...
Bài Ngụ Ngôn Mùa Xuân không cầu kỳ, rắc rồi. Chỉ cần một nhạc điệu láy đi láy lại nhiều lần để kể chuyện khôi hài :
Có khi mù này đánh lui mù đó
Hả hê về nhà, mắt ốc ngước lên
Có khi thằng câm thắng cơn cãi lộn
Hả hê về nhà ú ớ, mừng rên...
Trong audio-CD đã phát hành, Duy Cường chỉ muốn có một tiếng guitar đệm cho tôi hát (vì Duy Quang không dám hát !) Nhịp điệu như điệu folk-rock, nhẹ nhàng, vui vẻ...
Bài hát sẽ kết thúc khi Người Tình Già ghé về chơi vào lúc cuối thế kỷ, gặp hai người đang đánh nhau, ghé tai nói nhỏ : Này ! đời năm hai nghìn sắp tới, thì bỗng :
... nửa đêm ánh dương chói rạng
Làm cho người mù mắt sáng bừng lên...
Vì đã trông được thời bách niên đổi mới, vì đã nghe được lời sáng suốt bên tai, vì đã ra được ngoài cõi tim tù tối và đã trông được những đường đi, nẻo về... thì thấy :
Đường đưa người tới nghìn thu.
Cũng là một ngẫu nhiên và là một hữu duyên : vào đêm tận cùng của một năm và vào lúc tôi đi gần tới cuối cuộc đời của mình, trong một thế kỷ đang chuyển mình qua một bách niên khác, tôi hoàn tất một bài rong ca nhan đề Nắng Chiều Rực Rỡ.
Đồng ý là trong bách niên qua, trong cả cuộc đời mình cũng như trong một năm cũ... có rất nhiều điều đáng buồn. Tuy nhiên, nếu đêm nay là đêm chót của một năm thì lúc này cũng chưa phải là lúc cuối cùng của đời mình hay lúc cuối cùng của một thế kỷ. Bây giờ mới chỉ là buổi hoàng hôn, có thứ nắng chiều mà Cụ Phan Khôi đã có lần gọi là chạng vạng. Tôi thì lại cho rằng nắng rạng rỡ nhất, tươi đẹp nhất là nắng chiều, chứ không phải là nắng ban trưa hay nắng bình minh. Trước khi nắng tắt để nhường chỗ cho màn đêm, trước khi dương khí nhường chỗ cho âm khí, bao giờ nắng cũng rực sáng lên. Buổi chiều có nắng chưa tàn là lúc những người tình yêu nhau hơn bao giờ hết. Cũng giống như tôi lúc này vậy !
Motif, nét nhạc giản dị, câu hát có những chữ uốn nắn đi xuống (chớ ý y buồn gì, tre é e e, đi ý y y...) như ánh nắng đang phai nhạt rồi lại vói lên (như không chịu tắt đi) trong đoạn nhạc chuyển qua B (từng vạt nắng chói chan, còn chảy loang v.v....) :
Láy lại đoạn A’ với lời ca ước nguyện :
Ước nguyện thầm cho đôi lứa ân cần
Nuôi thật dài hoàng hôn ái ân
Ước nguyện rằng khi đêm chết chưa về
Nắng chiều hồng tươi hơn nắng trưa.
Rồi vào đoạn C (là Điệp Khúc) với câu hát dài thật là mặn mà, quyến luyến, với chuyển cung thật là nhuyễn từ D qua G, qua Em rồi qua A7 và qua Bm... từ đó trở về Em, A7 và kết thúc bằng D :
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu, thì cuộc đời ơi, vội gì mà tàn ngay được ! Đó là ý nghĩa của rong ca này.
Có lẽ những bài hát cho năm 2000 được soạn vào lúc này, là sự tổng hợp của các loại ca của tôi trước đây chăng? Trong mỗi bài, người yêu nhạc có thể nhận thấy sự trộn lẫn hay giao thoa của dân ca, tình ca, tâm ca, bình ca và (nhất là) đạo ca. Với Bài Hát Nghìn Thu -- có thêm tiểu đề là Vô Hư -- tôi muốn nói thêm vào những điều đã nói trong MƯỜI BÀI ĐẠO CA, được soạn ra mười mấy năm về trước.
Trong hoài bão hiện nay là soạn bài hát cho thế hệ năm 2000, tôi muốn gửi cho tuổi trẻ (nhất là tuổi trẻ đang sống tại Hoa Kỳ) một chút không khí của DỊCH, của THIỀN, của SỰ THỰC. Con em chúng ta hiện đang lớn lên và thành người trong một nước có nền văn minh lý trí đến tột độ, với nếp sống nhầy nhụa, hào nhoáng bên ngoài nhưng bên trong thì khô khan cằn cỗi.
Nghìn Thu hay Vô Hư là ca khúc mang hơi hướng Thiền và Dịch. Những bài ca kế tiếp cũng sẽ là ''triết ca'' gồm Ngựa Hồng (Khổng-Lão), Trăng Già (Trang). Hi vọng các em quay về tìm hiểu một chút hương vị của tinh thần Đông Phương mà bài hát này đang cố gắng thở ra. Ngoài ra, tôi cũng muốn tách chữ nghìn thu ra khỏi nghĩa chết. Ở đây nghìn thu là nghìn thu anh, nghìn thu em (éternel moi, éternelle toi).
Theo anh bạn Bùi Duy Tâm, bài Nghìn Thu còn là một toát yếu của Kinh Dịch:
Em là cõi trống, Anh là nơi vắng là : vô cực.
Tình ra ánh sáng, Tình về tối đen là : lưỡng nghi (âm, dương).
Nghìn Thu, anh là đã em rồi, và em, trong muôn kiếp, em đã ngồi ở anh là tứ tượng : Anh (thiếu dương) là đã em (thái âm) rồi. Em (thiếu âm) đã ngồi ở anh (thái dương).
Ðây là văn minh nhịp tư tìm thấy cái người ở trong ta, cái ta ở trong người.
Motif, nhạc điệu của đoạn A với giọng Mi major sáng sủa, ca từ nghe như ca dao lục bát quen thuộc, hòa âm giản dị... tất cả đều như sự thực, âm thầm mà hiển nhiên...
Cũng với tính cách đó, Đoạn B là sự phát triển của motif, của giai điệu với những hợp âm augmented nghe rất trống vắng được đong đầy bởi những hợp âm tròn trĩnh, xác định chúng ta tuy hai mà một, tuy một mà hai...
Em là cõi trống cho tình đong vào
Anh là nơi vắng cho tình căng đầy
Cuộc tình đi vào cõi Thiên Thu
Và Em ở đâu là có Anh, Anh ở đâu là có Em...
Em là cơn gió Anh là mây dài
Đi về bên nớ Đi về bên này
Rồi trở về cho hết cái đong đưa
Đây mới là thật là tình yêu vĩnh viễn vỉ không còn cá nhân nào nữa mà là tình yêu tới tận cùng của tình yêu... Yêu một người như yêu một vạn người, yêu một vạn như yêu một người :
Nghìn Thu, em lặng lẽ ươm mầm
Cành mai, không ai biết, em âm thầm nở hoa
Nghìn Thu, trăng chợt sáng hay mờ
Lặng im, anh lên xuống, không ai ngờ, hiển nhiên
Chuyển tới Đoạn C là chuyển qua sous-dominante để thấy sự biến hóa trong tình yêu :
Cuối cùng, trở về đoạn A’, Bùi Duy Tâm cho rằng tôi đã nói tóm về sự quan hệ thắm thiết giữa Âm Dương. Cái đong đưa lẩng lơ như quả lắc, như quả đất xoay quanh mặt trời, như mặt trời chuyển động trong Vũ Trụ. Tất cả chuyển động xoắn ốc như những vòng không mối (hoàn vô đoan, một nguyên lý của Dịch) :
Nghìn Thu ta bù đắp không ngừng...
Cái quân bình của Dịch là một quân bình chuyển động (Équilibre mobile) như người đi trên giây phải nghiêng mình về bên này, về bên nớ để giữ thăng bằng. Trong Y Học, sinh lý bình thường của con người là ở chỗ quân bình. Suy hay vượng đều sinh ra bệnh tật. Cái quân bình sinh lý đó lại luôn luôn chuyển động nên cơ thể phải tự bù đắp, điều chỉnh không ngừng. Phạm Duy lại nắm thêm được một nguyên lý của Y Dịch: bù đắp, gia giảm...
Tình âm dương chan chứa
Xoay trong vùng tử sinh...
Trong mười bài rong ca này, có một bài mang tính chất lão ca dành cho tuổi 70 này, nói tới trăng, đó là bài Trăng Già. Vì muốn nó mang hình thức dân ca cho nên tôi đã mượn ý của câu ca dao sau đây, nói lên số tuổi của trăng, tức là trăng già, trăng già lắm:
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non ?
Tôi cũng già và tôi cũng sống một mình như trăng:
Trăng ơi, trăng ở à ơ trăng ở một mình
Thì ta cũng sống ơ a, ới a một mình như trăng
Một mình như trăng, cô quạnh như em
Hỡi em trăng tình, em sáng lung linh.
Motif và nhạc điệu của đoạn A vừa rồi là nhạc ngũ cung, không có gì là lạ tai cả, nhưng hòa âm của Duy Cường thì không còn là những hợp âm hòa hợp (consonnant, accord parfait) mà tất cả đều là hợp âm chói tai (dissonnant) như C9, Dmin4(7), Amin7, G11 v.v... Chói tai là đối với người theo trường phái nhạc cổ điển nhưng rất thuận tai với nhạc tân thời và nhạc Á Châu khi có áp dụng hòa âm.
Đoạn B là sự chuyển cung từ Do qua Fa cho thấy rằng, đối với tôi, ở quá xa, trăng có thể chỉ là một tảng đá và (như Tuổi Đá Buồn củaTrịnh Công Sơn ) đá nào cũng phải là rất buồn, là trơ trọi, là câm lặng suốt đòi... Nhưng đá chắc chắn là sống muôn đời còn kiếp người thì chỉ có trăm năm. Thôi ! để tôi thay trăng hát cho đời vậy :
Đá, trăng không tuổi y ý đá, trăng ít lời
Dù ta sống chết ới a cũng gợi tiếng ca cho đời
Đá nằm nghe ta hát vọng trăng cao
Hát trong kiếp này hay hát trong kiếp sau.
Trong rong ca, tôi có nói tới chuyện con ngựa hồng vốn là con ngựa chiến với vinh quang của đời ngựa xông pha nơi chiến trường. Nhưng rồi hết chiến tranh, nó lâm vào cảnh ngựa kéo xe... vì nó ham mùi danh lợi thích kiệu vàng, xe loan, vướng phải những hệ lụy của cuộc đời sống bằng thành kiến hẹp hòi hay chạy theo tiện nghi vật chất. Liệu con ngựa hồng có thoát ra khỏi sự thắt chặt vào yên cương để phi thân trên cỏ nội hoa ngàn? Tôi soạn bài Ngựa Hồng để tặng những ai còn đang sống trong cảnh tham lam, vô lượng, nhỏ nhen, bé tị. Hãy cùng con ngựa rừng và người tình già này chui lọt qua lỗ kim để phi vào cõi không !
Motif, nhạc điệu Re minor với nhịp ngựa phi mở đầu cho ca khúc do Duy Cường viết với những contrepoint bằng tiếng kèn trompet nghe rất mông lung, xa vắng. Ca khúc sẽ chỉ cần một đoạn nhạc phi ngựa và một đoạn bridge ngắn để chuyển qua Re major sáng sủa và cương quyết :
Đoạn cuối (major) là ngựa hồng đã phá được yên cương rồi chui qua được lỗ chôn kim, rũ bỏ mọi sự vương vấn, mọi tình vấn vương :
Ngựa Hồng quay lưng đưa chân đá vỡ yên cương
Thong dong lên đường thoát thân
Cỏ nội xanh tươi thơm tho đón gió
Sương rơi trên muôn hoa ngàn ngát hương
Ngựa Hồng không ai che đôi mắt nữa
Trông ra hai bên con đường rất xa
Ngựa Hồng vươn lên phi qua lỗ bé trôn kim
Thong dong đi vào cõi không !
Ngựa hồng nhập thế, làm tròn bổn phận với đời như một Khổng Tử. Ngựa hồng thoát tục, nhẹ nhàng đi vào cõi không, như một Trang Tử. tôi viết bài Ngựa Hồng như một người hiền.
Mở đầu Rong Ca, với bài Người Tình Già Trên Đầu Non, tôi chỉ mong vượt được thời gian. Nhưng nếu muốn cùng loài người, qua thế kỷ 21, dùng hoả tiễn, phi thuyền tối tân để ra khỏi được Thái Dương Hệ này, đi vào cõi Thiên Thể với không gian vô tận... tôi phải soạn bài Rong Khúc.
Bài này nói về chuyến đi cuối cùng về miền an tĩnh sau khi đã đưa người tình tới nguồn yêu dấu, sau khi theo người đi vào chốn khổ đau... để đi vào ngàn mai, ngàn xưa vang vọng tiếng gọi càn khôn.
Với motif, nhạc điệu của bài rong ca số 1, bài số 10 này kết thúc Chương khúc Rong Ca. Hòa âm của Duy Cường dùng cả tiếng đàn sitar của Ấn Độ để làm intro cho bài này và dùng nhịp điệu thôi thúc để dìu dắt người tình già (cùng người yêu) về miền muôn thuở.
Anh đã rong chơi khắp nẻo đường trần
Anh đã quên đi những nẻo đường tiên
. . . . . .
Đã chót đưa Em tới nguồn yêu dấu
Anh cũng theo Em bước vào khổ đau
. . . . . .
Anh bước khoan thai lối rừng hun hút
Đưa đón chân Anh có lửa hoàng hôn
. . . . . .
Anh đã rong chơi khắp nẻo đường tình
Anh đã theo Em đi gặp bình minh.
Như đã rong chơi khắp nẻo đường chiều
Như đã đưa Em tới đỉnh tình yêu
. . . . . . .
Thôi nhé, cho anh giã từ trái đất
Anh đã nghe vang tiếng gọi càn khôn
Nhưng nếu Em yêu muốn vào cõi lớn
Anh sẽ cho Em dắt tay lên đường...
. . . . . .
Anh dắt tay Em đi vào Ngàn Mai
Anh khoác vai Em bước về Ngàn Xưa
Ta sẽ quên như có mình nơi đó
Ta sẽ quên như có Ta nơi này
Và lộ trình Ta miệt mài.
Điều đáng nói ở đây là dù đã bỏ đường trần để về đường tiên nhưng nếu có ai gọi người tình thì tôi sẽ quay lưng trở về với người gọi ngay...
Ta vứt sau ta những nẻo đường trần
Ta vút bay theo những nẻo đường tiên
Nhưng nếu mai sau, ai gọi Người Tình
Anh sẽ quay lưng bước về nẻo xanh.
Phạm Duy